Vì mưu lợi cá nhân, bỏ qua sức khỏe cộng đồng

Vì mưu lợi cá nhân, bỏ qua sức khỏe cộng đồng

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:45
0
Có thể thấy, chính thương lái trong nước đã lừa dân mình qua việc "biến" hoa quả Trung Quốc thành hoa quả Việt Nam hay hoa quả nhập ngoại của Mỹ, Úc...

Chẳng hạn, nho Trung Quốc luôn được mời chào là nho Mỹ hoặc nho Bình Thuận, Phan Rang. Sau khi đã "đeo mác" thành hoa quả nội, người bán hàng mặc sức tăng giá gấp đôi, gấp ba để thu lợi trong khi người tiêu dùng lại không biết mình đang dùng phải hoa quả Trung Quốc ngâm vô số hóa chất độc hại. Những loại quả như mận đen, nho đỏ, lựu, cam, nho xanh... bị phát hiện chứa liều lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá mức cho phép vẫn đang có mặt ở khắp các hàng rong đi tới tận các ngõ ngách nhỏ nhất của Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và khắp các vùng trên cả nước.

Xã hội - Vì mưu lợi cá nhân, bỏ qua sức khỏe cộng đồng

TS. Nguyễn Văn Khải, Viện Khoa học Kỹ thuật Việt Nam

Nói về vấn đề hoa quả Trung Quốc chứa chất gây vô sinh, TS. Nguyễn Văn Khải, Viện Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, cho biết: "Trước khi lên án hoa quả Trung Quốc ngâm hóa chất độc hại, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người thì chúng ta phải kiểm điểm lại bản thân mình. Vì sao hàng Trung Quốc lại được ưa chuộng trong bao nhiêu năm qua? Phải chăng vì giá rẻ, vì mẫu mã đẹp nên được lựa chọn hơn so với các mặt hàng trong nước?

Trên thực tế, hoàn toàn không có những sản phẩm với tên gọi táo Lạng Sơn, mận Sa Pa hay cam Sài Gòn, tất cả đều là hoa quả từ Trung Quốc chuyển sang. Nghịch lý là trong nước, các lái buôn lại tự "dìm" nhau, người Việt tự "oánh" người Việt khi tung tin cam Yên Định, Cao Phong của Thanh Hóa, Nghệ An là hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc từ Trung Quốc sang... Chỉ vì lợi nhuận kinh tế mà người bán hàng sẵn sàng lừa bịp người tiêu dùng".

Ông Khải kể: "Trước đó một thời gian, khi tôi đến Đồng Văn (Hà Giang), tôi được bà con nơi đây khoe về loại bột có thể chống được mối mọt. Loại bột này có nguồn gốc từ Trung Quốc, không ai biết được sản xuất ở đâu, công dụng và cảnh báo như thế nào, chỉ biết rằng nó giúp bảo quản ngô khá tốt. Chỉ cần rắc lần lượt một lớp bột sau đó đến một lớp ngô mà bảo quản được 2 - 3 tháng trời dù ngô vẫn còn tươi mà không mối mọt... Người dân ở đây không biết loại bột này vô cùng độc hại với sức khỏe con người, họ chỉ biết đây là một loại thuốc diệt sâu bọ. Vì thiếu hiểu biết nên mới có vụ ngộ độc 9 người làm chết một người do đem ngô đã được rắc bột luộc ăn ở Bắc Hà, Lào Cai năm 2003".

Với tâm lý ham ăn đồ trái mùa, ham của rẻ đương nhiên người tiêu dùng dễ bị đánh lừa. Bên cạnh đó là việc người tiêu dùng vẫn chưa biết "bắt" các cơ quan chức năng phải thực hiện nhiệm vụ của mình. Thế nên mới có việc hoa quả ngâm chất độc hại, thịt thối tràn lan thị trường.

"Tuy nhiên, điều đáng mừng là mấy năm gần đây, việc nhập khẩu thực phẩm qua biên giới đã được các cơ quan hải quan, y tế..., kiểm tra gắt gao hơn nên đã hạn chế được phần nào thực phẩm có hại đối với sức khỏe của con người. Và người tiêu dùng cũng cần tự nâng cao hiểu biết của mình khi tìm mua các loại hoa quả, không nên chỉ vì ham rẻ mà mua hàng Trung Quốc. Cần mở rộng tuyên truyền trong người dân để họ bỏ cách thức làm ăn cẩu thả, vô trách nhiệm chỉ nhằm trục lợi cá nhân trước mắt mà bỏ qua sức khỏe của cộng đồng và của giống nòi của cả dân tộc", ông Khải nói.

Thuốc diệt cỏ cũng được họ dùng bảo quản hoa quả

Ông Khải kể lại chuyến thực tế sang vùng hoa quả Trung Quốc: "Tôi còn nhớ rất rõ vào ngày 12/11/2004, tôi cùng một số tiểu thương của Việt Nam được mời sang dự đại hội quýt ở Quảng Tây, Trung Quốc. Tại đây, tôi được chứng kiến việc người dân ở đây dùng thuốc diệt cỏ để bảo quản quýt. Họ dẫn tôi ra một cái bể chìm lớn, dùng cần cẩu từng thùng cam, quýt được đóng trong thùng gỗ xuống bể rồi vớt lên. Khi tôi hỏi tại sao lại làm thế, những nhà trồng quýt ở đây cho biết đây là làm theo yêu cầu của tiểu thương Việt Nam. Bởi nếu không ngâm thuốc diệt cỏ để bảo quản, họ sẽ không mua hàng (không bảo quản được lâu, hỏng hóc trong quá trình vận chuyển, họ sẽ bị lỗ). Không riêng gì ở Trung Quốc, ngay cả ở Việt Nam, việc bảo quản hoa quả bằng hóa chất cũng khá phổ biến. Người ta cũng bảo quản bằng thuốc diệt cỏ, sufat đồng, lưu huỳnh"...

Hồng Mây - Yến Dương