Nữ phó giáo sư âm thầm sứ mệnh truyền bá văn hóa

Nữ phó giáo sư âm thầm sứ mệnh truyền bá văn hóa

Thứ 2, 18/03/2013 | 08:15
0
Sau những năm miệt mài cống hiến trong việc truyền bá, giảng dạy văn hóa, văn học Pháp ở Việt Nam, vừa qua phó giáo sư (PGS) Đặng Thị Hạnh (từng công tác tại khoa Văn, ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội) đã vinh dự nhận được Huân chương Cành Cọ Hàn lâm cao quý của Pháp.

Sau những lần hẹn không thành, cuối cùng, PGS Đặng Thị Hạnh cũng đồng ý gặp tôi trong căn nhà nhỏ của mình trên phố Liễu Giai (quận Ba Đình, TP.Hà Nội). Tưởng tượng về hình ảnh một người lúc nào cũng bận rộn đã tan biến khi tôi gặp bà. Người phụ nữ có thân hình nhỏ nhắn, cương nghị nhưng rất ung dung, không làm dấy lên ấn tượng về một người chỉ biết đến công việc. Tôi biết đến bà qua những giáo trình, những lời kể của các thầy giáo khi còn ngồi trên ghế giảng đường, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được gặp, nói chuyện riêng với bà và tôi thấy khá ngạc nhiên xen lẫn cảm giác thú vị. Người phụ nữ ngồi tiếp chuyện tôi rất giản dị với bộ đồ mặc ở nhà và những lời hỏi thăm thân tình. Không cầu kì, cũng không ồn ào, bà bình dị như chính những điều tôi được nghe, được thấy, được học.

PGS Hạnh xuất thân và sinh trưởng trong một gia đình thuộc dạng đặc biệt nhất nhì Việt Nam. Dù bà không hề nói về nguồn gốc gia đình nhưng qua những lời kể của các thầy ở trường đại học, cùng nhiều bài báo khác nhau, tôi biết, bà xuất thân trong một gia đình có truyền thống hiếu học. Trong gia đình bà, tất thảy sáu anh chị em đều tham gia nghiên cứu khoa học và thành danh ở các lĩnh vực nghiên cứu của mình với học hàm GS, PGS. Cụ thân sinh bà là cụ Đặng Thai Mai, không chỉ là một nhà giáo, một nhà nghiên cứu văn học xuất sắc mà còn là nhà lãnh đạo đầu tiên của văn nghệ cách mạng Việt Nam. Lại nữa, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tướng Hồng Sơn là anh rể của bà, Trung tướng Hồng Cư là chồng của bà. Tính sơ sơ như vậy để thấy rằng PGS. Đặng Thị Hạnh xuất thân trong một gia đình khoa bảng và thành danh. Tuy nhiên, bà lại không thấy đó là áp lực.

Xã hội - Nữ phó giáo sư âm thầm sứ mệnh truyền bá văn hóa

PGS. Đặng Thị Hạnh và Đại sứ Pháp Jean Noel Poirier

Bà kể: "Tôi may mắn hơn mọi người là được sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học. Ông cụ tôi (tức cố GS Đặng Thai Mai) là một người nghiên cứu hiếu học Việt Nam, cụ lại dạy cả văn học Pháp và văn học Trung Quốc nên chúng tôi đã được tiếp xúc với sách vở từ sớm, nhất là các sách bằng tiếng nước ngoài. Từ nhỏ, chúng tôi đã được đọc những tác phẩm nguyên ngữ nên niềm yêu thích văn học nước ngoài nói chung mà văn học Pháp nói riêng cũng nảy sinh từ đó. Có thể nói rằng, yếu tố gia đình đã đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng cho tôi theo con đường nghiên cứu văn hóa, văn học Pháp. Ngay cả chiến tranh cũng không làm đứt đoạn quá trình này của tôi".

Bà lớn lên trong môi trường đa văn hóa, tiếp xúc với những người có trí tuệ uyên bác, để rồi học hỏi và rút ra những bài học quý báu trên con đường xây dựng sự nghiệp sau này. PGS. Đặng Thị Hạnh tâm sự: "Hồi nhỏ, tôi đi học dưới sự ảnh hưởng của chế độ Pháp thuộc, học phổ thông thì chịu ảnh hưởng của cuộc chiến tranh chống Pháp. Khi ra trường đi làm, tôi lại chịu ảnh hưởng của cuộc chiến tranh chống Mỹ. Tuy nhiên, việc tiếp xúc với văn hóa, văn học Pháp không vì thế mà bị đứt gãy".

Khi chúng tôi nêu ý kiến của một tác giả nào đó gọi bà là chuyên gia hàng đầu về văn học Pháp, bà đã không đồng ý. Bà nói: "Những người giỏi thực sự, những người góp công lớn vào con đường truyền bá văn hóa, văn học Pháp vào Việt Nam là những người thầy của tôi, như thầy Đỗ Đức Hiểu... Họ không chỉ là hướng dẫn, chỉ bảo tôi vào nghề mà còn cho tôi nhiều bài học quý". Sự khiêm tốn đó không hề mang lại cảm giác tự ti vì tên tuổi của bà luôn được những người trong ngành ghi nhận xuất sắc. Bà không chỉ là người dạy văn học Pháp mà còn là người đào tạo, bồi dưỡng nhiều thế hệ nhà nghiên cứu văn hóa Pháp ở Việt Nam. Công việc như con tằm lặng lẽ nhả tơ, bà không mưu cầu gì ngoài mong muốn được thỏa niềm đam mê với văn học, văn hoá Pháp.

Ấy vậy mà trong những câu hỏi tôi gửi trước cuộc gặp gỡ, nhiều câu bà đã không trả lời. Đó đa phần là những câu hỏi liên quan đến cá nhân hoặc những đánh giá mang tính chủ quan. Bà nói về thành tích của mình như sau: "Chuyện đó có gì to tát đâu. Tôi có được hôm nay nhờ rất nhiều vào gia đình, bạn bè, tập thể và các thầy của tôi".

Xã hội - Nữ phó giáo sư âm thầm sứ mệnh truyền bá văn hóa (Hình 2).

PGS. Đặng Thị Hạnh trong buổi trò chuyện với PV

Con tằm lặng lẽ nhả tơ

Ở vào tuổi "xưa nay hiếm", nhưng bà vẫn tiếp tục công việc như không hề biết đến chuyện tuổi già xồng xộc đến, đi. Sau những năm tháng miệt mài trên giảng đường làm công tác giảng dạy, hiện giờ, bà lại tiếp tục với những dự án riêng. Công việc vẫn như bao năm qua, dịch, biên soạn hoặc nghiên cứu một công trình văn hóa, văn học của Pháp. Khi chúng tôi đến, bà vừa nói như vừa thanh minh: "Hôm nọ, hẹn các em nhưng tôi lại vướng một hội thảo, bận quá nên không tiếp được". Hiện tại, bà đang hoàn tất nốt mấy công trình dang dở, nhằm kịp thời phục vụ nhu cầu học tập của sinh viên cũng như bạn đọc. Bà còn chia sẻ với chúng tôi những công trình đang thực hiện, sẽ thực hiện trong tương lai.

Khi chúng tôi hỏi về những thách thức trong việc truyền bá văn hóa cũng như việc cập nhật văn hóa Pháp vào Việt Nam, bà đã suy nghĩ khá lâu. Trên nét mặt vốn kín đáo, lộ chút ưu tư. Lúc sau, bà nói: "Việc truyền bá văn hóa Pháp nói chung và văn học Pháp nói riêng, hiện nay giảm đi rất nhiều. Không nói đâu xa, trước đây tiếng Pháp vẫn được coi là một sinh ngữ nhưng nay hầu hết các trường phổ thông đã bỏ tiếng Pháp. Tuy nhiên, hiện tượng này cũng bình thường, bởi sự phát triển và hội nhập của nhiều nền văn hóa khác nhau đã tạo cho chúng ta cơ hội để tiếp cận với nhiều thành tựu, không chỉ của Pháp".

Cũng theo bà "việc truyền bá văn hóa, văn học Pháp thực chất phải bao gồm một quá trình song song. Nghĩa là ngoài việc giới thiệu nó, người nghiên cứu phải ứng dụng được vào môi trường Việt Nam và cho ra những sản phẩm phục vụ nhu cầu trong nước. Trong vấn đề ứng dụng những thành tựu nhân văn của Pháp vào Việt Nam, bà tự nhận là mình có những giới hạn, do đó những điều làm được còn khiêm tốn. Dẫu vậy, giới nghiên cứu đều đánh giá những đóng góp cho nền khoa học nhân văn nước nhà của bà là không thể phủ nhận.

Làm việc vì đam mê, đó là mục đích trong suốt cuộc đời bà. Nếu cuộc đời giống như việc dệt tơ thì bà giống như một con tằm chăm chỉ, miệt mài, không bao giờ nản chí. Bà tâm sự: "Điều quan trọng với tôi là được sống và làm việc trong một môi trường thuận lợi, được làm những điều mình thích. Những người như chúng tôi, làm tất cả vì đam mê, chứ không phải vì mục đích nào khác, xưa vẫn thế và nay vẫn vậy. Trong thời chiến tranh, cuộc sống khốn khó, nhưng thật vui. Thời hiện đại, cuộc sống tốt hơn, nhưng cũng phải lo toan nhiều hơn. Mình cứ làm điều mình thích, rồi cái gì đến thì cũng đến thôi".

Ngồi nói chuyện với bà, tôi có cảm giác bà như một "con người cũ", bởi lối sống không gấp gáp, vội vàng. Nhìn bà lúc nào cũng ung dung giữa cuộc sống xô bồ, sôi động. Do vậy, quan niệm về hạnh phúc của bà cũng thật giản dị, cũng thật .... "cũ". "Hạnh phúc với tôi là được sống trong mối quan hệ ấm áp giữa những người thân yêu trong gia đình, được làm những điều mình yêu thích. Chỉ đơn giản vậy thôi, thế hệ của chúng tôi là như vậy đấy", bà nói.

Phần thưởng cao quý của cộng hòa Pháp

Ngày 21/2 vừa rồi, thay mặt cho bộ Giáo dục Pháp, ông Jean Noel Poirier - Đại sứ Pháp tại Việt Nam đã trao tặng Huân chương Cành cọ Hàn lâm cho PGS Đặng Thị Hạnh. Giải thưởng cao quý này hình thành từ những năm 1800, dành trao tặng cho người Pháp và người nước ngoài có nhiều đóng góp ý nghĩa trong lĩnh vực giáo dục và nghiên cứu khoa học.

Phạm Thiệu

Xây dựng văn hóa ẩm thực thành sản phẩm du lịch

Chủ nhật, 24/02/2013 | 11:44
"Việt Nam nên trở thành bếp ăn của thế giới” - Tại sao lại không thể?

'Gã gàn' lập bảo tàng văn hóa Thái vì yêu vợ

Thứ 2, 11/02/2013 | 11:50
Gạt bỏ mọi định kiến, anh Kiên quyết đi theo tiếng gọi con tim tìm lên Hòa Bình lập nghiệp rồi cưới chị Lê về làm vợ. Tại đây, chàng cử nhân kinh tế phần vì yêu vợ, phần vì bị hút hồn bởi nét văn hóa độc đáo của người dân tộc Thái đã tự bỏ tiền túi và công sức gây dựng một bảo tàng văn hóa Thái đồ sộ bậc nhất xứ Mai Châu.

Giải mã cơn sốt văn hóa Hàn của teen Việt

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:52
Trong thế kỉ 21, Hàn Quốc là đất nước đầu tiên khai thác đề tài yêu nước và chủ đề dân tộc mạnh mẽ đến thế trong văn hóa đại chúng dành cho giới trẻ.

Tộc người tự nhận sứ mệnh gìn giữ Trái đất

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:58
– Người Kogi muốn chứng minh cho cộng đồng thấy nguyên nhân dẫn đến biến đổi khí hậu, dịch bệnh, sự gia tăng các cuộc giết người... Họ cho rằng, công việc của họ có kết quả hữu hình và có thể đo lường được, và hiểu rằng họ thực sự đang trông nom toàn thể Trái đất.