Vi phạm tác quyền ảnh: Đạo đức một số nghệ sĩ xuống cấp

Vi phạm tác quyền ảnh: Đạo đức một số nghệ sĩ xuống cấp

Thứ 3, 25/06/2013 | 16:11
0
Trong thời gian ngắn gần đây, các vụ xâm phạm tác quyền ảnh đã liên tục xảy ra. Điều này khiến nhiều người không khỏi lo ngại về sự xuống cấp đạo đức và tư cách nghề nghiệp của một bộ phận những người làm nghệ thuật.

Mới đây, sự việc ông Ngô Sỹ Ngọ (Chủ nhiệm CLB Nhiếp ảnh Thành Sen) bị Thanh tra sở VH-TT & DL tỉnh Hà Tĩnh "sờ gáy" vì đã vi phạm luật Sở hữu trí tuệ khi thực hiện 2 cuốn sách ảnh có chung tiêu đề "Hà Tĩnh quê hương tôi" lại khiến dư luận trong giới nghệ sĩ nhiếp ảnh có dịp nóng lên lần nữa. Trong thời gian ngắn gần đây, các vụ xâm phạm tác quyền ảnh đã liên tục xảy ra. Điều này khiến nhiều người không khỏi lo ngại về sự xuống cấp đạo đức và tư cách nghề nghiệp của một bộ phận những người làm nghệ thuật.

Sự kiện - Vi phạm tác quyền ảnh: Đạo đức một số nghệ sĩ xuống cấp

Bức ảnh Lễ hội khất thực Huyền Không từng gây tranh cãi gay gắt xung quanh vấn đề bản quyền tác phẩm liên quan đến 3 nghệ sĩ nhiếp ảnh.

Những tranh chấp về quyền tác giả

Mấy ngày gần đây, dư luận trong giới hoạt động nghệ thuật Hà Tĩnh nói riêng và giới nghệ sĩ nhiếp ảnh nói chung đang dồn sự chú ý  quanh việc ông Ngô Sỹ Ngọ bị một số hội viên chuyên ngành nhiếp ảnh khiếu nại vì vi phạm nghiêm trọng bản quyền tác giả, khi thực hiện hai cuốn sách cùng mang tiêu đề Hà Tĩnh quê hương tôi do Nhà xuất bản hội Nhà văn ấn hành. Cụ thể là với cuốn sách xuất bản năm 2012, ông Ngô Sỹ Ngọ đã giới thiệu 180 bức ảnh của 21 tác giả (phần nhiều là thành viên CLB Nhiếp ảnh Thành Sen) nhưng lại không xin ý kiến và đề tên tác giả ở một số ảnh. Sự việc lại tái diễn khi đầu năm 2013, ông Ngọ cho ra đời tiếp cuốn sách thứ 2 cùng tên Hà Tĩnh quê hương tôi và lại mắc phải sai lầm tương tự. Trong cuốn sách thứ 2 này, ông Ngọ  tập hợp nhiều bức ảnh của các tác giả khác nhau nhưng ngoài bìa chỉ đề tên tác giả Ngô Sỹ Ngọ và thực tế ảnh của ông Ngọ chỉ chiếm 120/250 bức, còn 16 tác giả khác đã bị tác giả cuốn sách cho vào quên lãng.

Điều gây bức xúc đối với các tác giả tham gia khiếu nại ngoài việc bị vi phạm bản quyền trắng trợn là mặc dù hội Văn học Nghệ thuật Hà Tĩnh và Thanh tra sở VH-TT&DL tỉnh đã vào cuộc, xác minh, nhanh chóng yêu cầu vị nhiếp ảnh gia này xin lỗi công khai, chi trả nhuận bút và các quyền lợi vật chất khác cho các tác giả vì đã vi phạm luật Sở hữu trí tuệ nhưng cho đến thời điểm này, ông Ngọ vẫn không thực thi các yêu cầu nêu trên. Nhiều người đặt ra câu hỏi, phải chăng kết luận của Thanh tra sở VH-TT&DL Hà Tĩnh chưa có đủ sức thuyết phục với vị chủ nhiệm CLB Nhiếp ảnh Thành Sen? 

Thực tế, vụ việc của ông Ngô Sỹ Ngọ chỉ là một trong những vụ việc gần đây nhất liên quan đến việc vi phạm luật Sở hữu trí tuệ tác phẩm ảnh đang rất được quan tâm trong thời điểm hiện nay. Trước đó, bức ảnh Lễ hội khất thực Huyền Không giành Huy chương Vàng tại Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Bắc Trung Bộ vào cuối tháng 4/2013 của tác giả Đỗ Văn Tri cũng bị tố là gian dối, khi nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Xuân Hữu Tâm kiến nghị đến hội Nhiếp ảnh tỉnh Thừa Thiên -  Huế rằng ông mới chính là tác giả của bức ảnh. Ông Tâm cho biết, bức ảnh được chụp vào ngày 7/3/2012 khi ông cùng người bạn đồng nghiệp là Nguyễn Hữu Hài đến sáng tác tại chùa Huyền Không (Hương Trà, Thừa Thiên - Huế) và ông Tâm đã chụp giúp cho ông Hài 5 kiểu bằng máy của ông Hài. Sự việc trở nên rắc rối khi ông Hài đem tặng những bức ảnh cho ông Đỗ Văn Tri và ông Tri đã mang tác phẩm đi dự thi rồi giành giải.

Từ đây những tranh cãi xung quanh bản quyền tác phẩm nổ ra và người ta lại phát hiện ra, tác phẩm Dựt cờ được ông Tri mang đi tham dự Liên hoan giống y hệt bức ảnh của tác giả Nguyễn Hữu Phước Bình từng đăng trên báo Tuổi trẻ Cuối tuần ra ngày 5/2/2012 có tên "Đoạt giải bẻ cờ đu tiên". Vụ việc kết thúc khi ông Tri bị tước Huy chương Vàng và bức ảnh Lễ hội khất thực Huyền Không trở về với đúng tác giả của nó, nhưng những dư âm để lại đối với người trong cuộc và ngoài cuộc vẫn còn đó.

Trong quá khứ, một trường hợp rất nổi tiếng xung quanh chuyện tranh chấp bản quyền đã xảy ra giữa hai nhân vật rất nổi tiếng trong giới nhiếp ảnh là nghệ sĩ Quang Văn và Đinh Quang Thành. Nghệ sĩ Đinh Quang Thành cho rằng, bức ảnh nghệ sĩ Quang Văn chụp cô dân quân kéo xác máy bay trên bờ biển là tác phẩm của ông vì lúc đó ông cũng có mặt ở đó và là người đưa ra ý tưởng về góc chụp. Nhưng trong nhiếp ảnh, người hoàn thiện và bấm máy cuối cùng mới là tác giả của tác phẩm đó nên bức ảnh vẫn thuộc bản quyền của nghệ sĩ Quang Văn. Hay như một câu chuyện xảy ra đã lâu giữa hai nhiếp ảnh gia nổi tiếng trong giới là Trọng Thanh và Minh Trường. Trong một cuốn sách của nghệ sĩ Trọng Thanh, ông sơ suất dùng vài bức ảnh của các nghệ sĩ khác trong đó có ảnh của nghệ sĩ Minh Trường nhưng không xin phép tác giả nên đã phạm luật mặc dù ông là người rất ý thức về chuyện bản quyền. Và cho dù hai nghệ sĩ có sự thông cảm với nhau nhưng cuối cùng vẫn xảy ra những vướng mắc không hay.

Hồi chuông cảnh báo về tư cách đạo đức

Thực tế từ trước đến nay, những vụ việc xâm phạm tác quyền ảnh xảy ra rất nhiều dưới những hình thức khác nhau nhưng lại không được dư luận chú ý. Thêm vào đó, rất ít vụ việc được đưa ra xử lý. Chỉ đến khi nhiều sự việc liên tiếp được phanh phui người ta mới hướng sự quan tâm đến vấn đề này và đặt dấu hỏi về tư cách đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận những người làm nghệ thuật.

Trong vụ tranh chấp quyền tác giả xung quanh bức ảnh Lễ hội khất thực Huyền Không, rõ ràng, khi tác giả đồng ý cho đi tác phẩm của mình thì quyền nhân thân của tác giả vẫn được giữ nguyên. Điều thường thấy là trong nội bộ, tác giả có thể dễ dàng cho nhau sáng tác của mình nhưng khi công bố trước công chúng thì nó đã mang tính chất khác, nhất là khi tác phẩm ấy lại đoạt giải. Giống như việc cho nhau những tấm xổ số, khi tấm vé đó chỉ có giá trị mua bán rất nhỏ người ta sẽ không để ý nhưng khi nó có giá trị lớn hơn thì họ mới sực tỉnh và đòi nhau. Câu chuyện tưởng như đáng cười nhưng lại khiến nhiều người phải suy ngẫm.

Như chia sẻ của ông Vũ Đức Tân, nguyên chủ tịch hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội: "Trong sáng tác, đúng là các anh em nghệ sĩ rất thoải mái khi sẵn sàng chia sẻ cho nhau những ý tưởng hay tác phẩm của mình. Đó là chuyện bình thường giữa cá nhân với cá nhân, nhưng khi đưa ra công luận thì vấn đề đó đã không còn gói gọn trong phạm vi nhỏ nữa. Điều đáng buồn là thái độ và cách ứng xử của những người trong cuộc chứng tỏ rằng cái tâm của họ không đúng với tư cách của người làm nghệ thuật và nghệ sĩ đã tự làm giảm tư cách trước độc giả".

Sự kiện - Vi phạm tác quyền ảnh: Đạo đức một số nghệ sĩ xuống cấp (Hình 2).

Ông Vũ Đức Tân cho rằng, vì ham danh tiếng, không ít nghệ sĩ đã tự làm giảm tư cách của mình.

Trở lại với sự việc của ông Ngô Sỹ Ngọ, ông Vũ Đức Tân cho rằng, về nguyên tắc, ông Ngọ đã phạm luật khi sử dụng tác phẩm của người khác nhưng không xin phép tác giả. "Khi sử dụng tác phẩm, nếu không hỏi được tác giả phải xin phép được nơi đại diện quyền nhân thân đó. Điều này không khó vì thường là người trong giới thì lại càng thông thuộc tên tuổi các đồng nghiệp của mình. Trường hợp của ông Ngọ, nếu các nghệ sĩ không kiện ra tòa thì họ cũng có thể thông qua sở Văn hóa Thông tin và các cơ quan chức năng khác và việc sở xử phạt là có lý của họ. Như thế là đúng luật và tôi hoàn toàn ủng hộ hành động này", ông Tân nói. 

Có thể thấy trong nghệ thuật, chuyện xâm phạm bản quyền sẽ rất dễ mắc phải nếu nghệ sĩ không có ý thức về vấn đề này, nhất là với những người thích khẳng định mình trong nghệ thuật. Sức hút danh tiếng và tiền tài khiến không ít nghệ sĩ đã ngang nhiên mạo nhận thành tựu của người khác thành sáng tạo của mình. Kết quả là nghệ sĩ vi phạm luật thì đã rõ nhưng luật pháp chỉ có thể xử về phần lý mà không thể xử về phần tình. Sự tha hoá của một số nghệ sĩ vô tình làm mất đi uy tín chung của cả giới và khiến cho không ít người có cái nhìn thiếu thiện cảm về hoạt động sáng tạo nghệ thuật. Những bài học về kinh nghiệm bản quyền như một hồi chuông cảnh tỉnh báo hiệu về sự đi xuống của một số những nghệ sĩ không chân chính với nghề.

Lời bộc bạch của một nghệ sĩ nhiếp ảnh khá nổi tiếng trong giới khiến không ít người phải suy ngẫm: "Ở Hà Nội có những cuốn sách ảnh tôi không tiện nói tên sử dụng những tác phẩm của người khác nhưng sau đó lại coi đó là tác phẩm của mình. Sau khi người ta phản ứng lại mới rút ra nói là nhầm. Có trường hợp thân nhau quá họ cũng cho qua nhưng không phải ai cũng dễ tính như thế. Tôi cho rằng đấy là điều không tốt về mặt đạo đức của người nghệ sĩ".

Loan Thanh

> Thi ảnh Việt Nam Xanh, rinh ngay 100 triệu đồng

'Bụi đời Chợ Lớn' bị 'thổi còi' vì phạm Luật Điện ảnh

Thứ 7, 13/04/2013 | 07:42
Bà Ngô Phương Lan, cục trưởng Cục Điện ảnh khẳng định: “Phim “Bụi đời Chợ Lớn” vi phạm một số điều trong Luật Điện ảnh, thế nhưng vẫn tiến hành sản xuất phim mà không trình thẩm định lại kịch bản theo yêu cầu của cơ quan quản lý.

Cần mạnh tay xử lý các vụ vi phạm quy chế biểu diễn

Thứ 3, 28/05/2013 | 19:59
Các vụ vi phạm quy chế biểu diễn không giảm đi; thậm chí có đơn vị còn liên tục vi phạm.

Tranh chấp tác quyền ảnh đoạt HCV: Ai là chủ nhân thực sự?

Thứ 6, 31/05/2013 | 12:59
Vụ tranh chấp cuối cùng cũng được giải quyết êm đẹp, với cái bắt tay hòa giải giữa hai bên. Tuy nhiên, sự việc cho thấy vấn đề tác quyền trong ảnh nghệ thuật vẫn còn nhiều điều bỏ ngỏ.