Vì sao người nguyên thủy Neanderthal biến mất?

Vì sao người nguyên thủy Neanderthal biến mất?

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:42
0
Một nghiên cứu mới đây đã khiến các nhà khoa học ết sức ngỡ ngàng: thời kỳ đầu, trái đất tồn tại hai tộc người và người Neanderthal chỉ là "kẻ chung nhà" với người Homo sapien, tộc người tinh khôn, tổ tiên thực sự của loài người.

Nguyên nhân người Neanderthal biến mất

Năm 1909, trong cuộc khai quật tại hang La Ferrassie ở Dordogne (Pháp), các nhà khảo cổ đã tìm thấy hài cốt của một nhóm người Neanderthal. Trong số đó, bộ xương của một người đàn ông lớn tuổi được xác định là có giá trị nhất. Các nhà khoa học đã đặt tên cho bộ xương này là La Ferrassie 1. La Ferrassie 1 là một trong những khám phá quan trọng nhất trong lĩnh vực nghiên cứu người Neanderthal, bởi sọ của ông được xác định là lớn nhất và hoàn thiện nhất trong số những bộ xương từng được tìm thấy.

Người Neanderthal sống ở khắp châu Âu vào khoảng cách đây 300.000 năm. Họ đã cố gắng thích nghi và sống sót được một thời gian sau thời kỳ băng hà trước khi bị tuyệt chủng. Họ có một chiếc mũi nhô ra trên một khuôn mặt to lớn với một vầng trán đồ sộ và không có cằm.

Xã hội - Vì sao người nguyên thủy Neanderthal biến mất?

Người Neanderthal có hình dáng rất đặc trưng

Qua những nghiên cứu về người Neanderthal, các nhà nghiên cứu rút ra kết luận, người Neanderthal xuất hiện trên trái đất sớm hơn cả người Homo sapien (tổ tiên của người hiện đại). Khoảng 40.000 năm trước, tổ tiên của loài người đã chia sẻ hành tinh với người Neanderthal. Nhưng sau hàng nghìn năm sống chung, người Homo Sapien đã nhanh chóng "hất cẳng" người Neanderthal để chiếm ngôi vị thống lĩnh hành tinh xanh xinh đẹp.

Vậy làm thế nào người Homo Sapien có thể tồn tại và phát triển được trong khi người Neanderthal lại biến mất không để lại một dấu vết nào vào khoảng 30.000 năm trước? Bằng cách phân tích các bằng chứng hóa thạch cũng như bộ xương được tìm thấy, các nhà nghiên cứu đã đưa ra một số nguyên nhân làm rõ câu hỏi trên.

Trước đây, có giả thuyết đặt ra là do thuốc súng. Tuy nhiên, thời gian đó, loài người còn sống rất thô sơ nên người Neanderthal không thể bị diệt vong bởi thuốc súng. Giả thuyết đầu tiên có thể là do số lượng người. Người Homo Sapien đã có cuộc di dân từ châu Phi đến các khu vực miền Nam Châu Âu, nơi thuộc địa bàn của người Neanderthal khi đó. Họ đã cạnh tranh trực tiếp với nhau để giành địa bàn sinh sống.

Những cuộc chiến khốc liệt đã diễn ra nhưng vì người Homo Sapien đông hơn người Neanderthal nên người Neanderthal đã bị đẩy đến các khu vực khó tìm kiếm thức ăn hơn và điều kiện sinh sống ít thuận lợi hơn. Người Neanderthal vốn khỏe mạnh, kiếm sống chủ yếu bằng sức mạnh tay chân nên khi bị đẩy ra khỏi địa bàn quen thuộc của họ khiến họ phải đấu tranh với nhau để sinh tồn. Cũng chính vì thế, họ vô tình trở thành những "kẻ ăn thịt người".

Không kiếm được thú rừng cũng như đồ ăn, người Neanderthal đã phải ăn thịt đồng loại, thậm chí họ còn ăn thịt cả người Homo Sapien. Cứ như vậy, thói quen ăn thịt người đã khiến người Neanderthal trở thành những kẻ săn bắt và ăn thịt chính đồng loại của mình. Việc này khiến họ trở nên điên loạn như bệnh "bò điên" gây suy yếu nghiêm trọng về tinh thần và hàng ngàn người Neanderthal vì thế mà bị "xóa sổ".

Tiến sĩ Paul Pettitt, thuộc trường Đại học Oxford, nói: "Người Neanderthal là những tay ăn thịt siêu hạng. Ở một khía cạnh nào đó, họ là nạn nhân của chính thành công mà mình thu được trong nghề săn thú. Khi số lượng con mồi biến động hoặc đối thủ cạnh tranh xuất hiện, họ chẳng còn biết đi đâu". Có thể người Neanderthal cũng ăn rau quả, nhưng thành phần hóa học trong xương không cho thấy rõ điều đó.

Nguyên nhân thứ hai được các nhà nghiên cứu đặt ra đó là sức chịu đựng bền bỉ của người Homo Sapien. Người Neanderthal tuy có cơ bắp và cực kỳ khỏe mạnh nhưng khả năng thích nghi cũng như sức chịu đựng lại rất kém. Người Homo Sapien có sức chịu đựng cao nên họ có thể săn bắn ở những vùng có khí hậu nóng hơn và kiếm được nhiều thức ăn. Còn người Neanderthal tuy có thể chạy nhanh hơn người Homo Sapien, săn mồi nhanh nhẹn hơn nhưng do thể trạng chỉ thích hợp với khi hậu lạnh nên nguồn thức ăn cũng ít hơn rất nhiều. Cũng vì thế, người Homo Sapien dần chiếm lĩnh "pháo đài" của người Neanderthal ở cả châu Âu và châu Á.

Theo một nghiên cứu về Nhân chủng học hiện đại được công bố vào tháng 9/ 2010, người Neanderthal biến mất còn do các vụ nổ thời gian đó gây ra. Ba vụ phun trào núi lửa lớn đã đồng loạt diễn ra và tàn phá lãnh địa của người Neanderthal khiến người Neanderthal bị diệt vong. Trong khi đó, người Homo Sapien lại sống ngoài phạm vi của các vụ nổ núi lửa.

Chiến thắng của bộ não

Từ buổi sơ khai, não của người Homo Sapien và người Neanderthal tương tự nhau. Nhưng chỉ một năm kể từ khi bắt đầu xuất hiện trên trái đất, bộ não người Homo Sapien bắt đầu xuất hiện nhiều hệ thần kinh hơn. Đây là kết quả của việc người Homo Sapien có thể chất yếu hơn nên họ buộc phải suy nghĩ và điều này khiến bộ não họ phát triển và nhiều nếp nhăn hơn. Bộ não của người Homo Sapien phát triển hơn có nghĩa là họ có thể thực hiện những chức năng cao hơn người Neanderthal như sáng tạo và truyền đạt thông tin.

Người Homo Sapien đã sử dụng bộ não để tồn tại, dùng cách giao tiếp bằng ngôn ngữ để cảnh báo những hiểm nguy và vượt qua khó khăn. Mặc dù vậy, người Neanderthal cũng có khả năng suy nghĩ và sáng tạo của riêng mình. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy dấu vết sáng tạo của người Neanderthal, song vẫn chưa tìm thấy bất cứ bằng chứng nào chứng tỏ họ có hệ thống ngôn ngữ của riêng mình như người Homo Sapien.

Một nghiên cứu được công bố trong tạp chí "Giả thuyết y tế" nhận định: "Người Neanderthal không có nhận thức phức tạp, nhờ đó họ không bị rối loạn tâm thần giống như con người. Tuy nhiên, nhận thức phức tạp lại là yếu tố quyết định đào thải người Neanderthal khỏi tự nhiên và người Homo Sapien đã giành chiến thắng trong cuộc chạy đua sinh tồn này.

Xã hội - Vì sao người nguyên thủy Neanderthal biến mất? (Hình 2).

Bầy đàn người Neanderthal

Qua một công bố vào tháng 5/2011 trong cuốn Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia, người Neanderthal biến mất sớm hơn những gì con người dự đoán trước đây. Theo đó, người Neanderthal đã biến mất cách đây khoảng 39.700 năm, sớm hơn gần 10.000 năm so với thời gian đầu nghiên cứu.

Người Neanderthal và người Homo Sapien chỉ tranh giành lãnh địa trong một thời gian rất ngắn bởi người Homo Sapien mới đến khu vực phía Bắc Caucasus một vài trăm năm trước khi người Neanderthal diệt vong. Bởi vậy, can thiệp của con người vào sự biến mất của người Neanderthal chỉ là một phần rất nhỏ. Những giả thuyết mới được các nhà nghiên cứu đề xuất gây ra các cuộc tranh luận trong cộng đồng khoa học, đến nay vẫn chưa ngã ngũ.

Có giả thuyết còn cho rằng, người Neanderthal đã giao phối với người Homo Sapien. Chính điều này đã khiến người Neanderthal dần biến mất. Thậm chí, ngày nay, một số người cho rằng, người hiện đại vẫn còn mang một vài ADN của người Neanderthal.

Giả thuyết này gây ra cuộc tranh cãi gay gắt giữa các nhà nghiên cứu, ai cũng đưa ra những lập luận xác đáng. Có những nhà nghiên cứu bác bỏ giả thuyết "vô lý" này. Họ tin rằng người Neanderthal không có chút đóng góp nào vào bộ gene của quần thể người ngày nay. Ngay cả những so sánh trên ADN cũng cho kết quả thất bại trong việc tìm ra mối liên hệ giữa hai giống người này. Song tiến sĩ James Ahern thuộc Đại học Wyoming, trưởng nhóm nghiên cứu mới nhất cho hay, sự thay thế của người hiện đại cho người Neanderthal không phải là quá trình đơn giản.

"Tôi tin chắc rằng người Neanderthal đã trải qua sự đồng hóa. Chúng ta có thể thấy rõ điều này qua những hóa thạch người hiện đại ở trung Âu mang đường nét của người Neanderthal. Nhưng những đặc điểm này đã biến mất trên người sống ở châu Âu ngày nay".

An Mai