Vì sao tòa ít buộc bị cáo xin lỗi?

Vì sao tòa ít buộc bị cáo xin lỗi?

Thứ 2, 18/02/2013 | 17:20
0
Tổng kết việc thi hành BLHS, VKSND Tối cao đánh giá việc áp dụng biện pháp tư pháp còn chưa triệt để, hướng dẫn thực hiện BLHS còn thiếu thống nhất, nhiều hành vi nguy hiểm mới phát sinh chưa được tội phạm hóa…

Theo VKSND Tối cao, các biện pháp tư pháp trong án hình sự thường được cơ quan tố tụng sử dụng là tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm (Điều 41 BLHS), trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại (khoản 1, khoản 2 Điều 42 BLHS), bắt buộc chữa bệnh (Điều 43 BLHS).

Thiếu quy định, nhận thức chưa đầy đủ

Tuy nhiên, biện pháp buộc công khai xin lỗi người bị hại (khoản 2 Điều 42 BLHS) rất ít khi được áp dụng. Tương tự là các biện pháp tư pháp áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội như giáo dục tại xã, phường, thị trấn hay đưa vào trường giáo dưỡng (Điều 70 BLHS).

Về việc ít áp dụng biện pháp buộc công khai xin lỗi người bị hại, VKSND Tối cao đánh giá nguyên nhân là do các tội phạm cụ thể mà luật quy định buộc người phạm tội phải xin lỗi công khai còn ít. Mặt khác, thực tiễn xét xử cho thấy người bị hại thường ít khi yêu cầu người phạm tội xin lỗi. Chưa kể tính cưỡng chế thi hành đối với biện pháp tư pháp này trên thực tế cũng không cao.

Về việc ít áp dụng các biện pháp tư pháp đối với người chưa thành niên phạm tội, theo VKSND Tối cao, nguyên nhân là do những người tiến hành tố tụng chưa nhận thức đúng đắn về nguyên tắc xử lý, chưa hiểu đầy đủ về ý nghĩa, tác dụng cải tạo, giáo dục, định hình nhân cách của các biện pháp này đối với người chưa thành niên. Ngoài ra, hiện nay cũng đang thiếu văn bản hướng dẫn thi hành các biện pháp này.

Luật sư - Vì sao tòa ít buộc bị cáo xin lỗi?

Một bị cáo phạm tội giết người xin lỗi gia đình người bị hại tại phiên tòa. Ảnh: HTD

Bỏ hình phạt cảnh cáo?

Ngoài các biện pháp tư pháp, VKSND Tối cao còn nhận xét về thực tiễn áp dụng hình phạt trong BLHS, từ đó đưa ra một số đề xuất.

Cụ thể, VKSND Tối cao đề xuất nên bỏ hình phạt cảnh cáo (Điều 29 BLHS) vì thực tiễn cho thấy nó không có tác dụng răn đe, giáo dục người phạm tội và cũng ít được áp dụng nên mục đích của hình phạt không đạt được.

Với hình phạt tiền (Điều 30 BLHS), VKSND Tối cao đề nghị cần sửa đổi theo hướng nếu không chấp hành việc đóng phạt tiền thì người phạm tội sẽ bị buộc chuyển sang một hình phạt khác như lao động công ích. Mở rộng hình phạt này đối với các loại tội xâm phạm sở hữu, tội phạm kinh tế hay xâm phạm trật tự công cộng. Mặt khác, nhà làm luật phải điều chỉnh mức tiền phạt cho phù hợp với tình hình kinh tế-xã hội ở từng thời điểm khác nhau theo hướng tăng số tiền phạt để có tính răn đe, chẳng hạn quy định mức tối thiểu là 20 triệu đồng, tối đa là 20 tỉ đồng. Cạnh đó, nên bỏ khoản 4 của điều luật (tiền phạt có thể nộp một lần hoặc nhiều lần trong thời hạn do tòa quyết định trong bản án) bởi nếu giữ thì sẽ không đảm bảo tính khả khi của hình phạt và trái với quy định của Luật Thi hành án dân sự.

Ngoài ra, VKSND Tối cao đề nghị luật nên quy định thêm về hình phạt bổ sung tước một số quyền công dân trong các tội phạm cụ thể ngoài các tội về xâm phạm an ninh quốc gia.

Mua bán đàn ông, khi nào thành tội phạm?

Theo VKSND Tối cao, trong sự phát triển của kinh tế-xã hội cũng như quá trình hội nhập quốc tế của nước ta đã phát sinh nhiều hành vi nguy hiểm cho xã hội, cần phải xử lý hình sự nhưng chưa được BLHS quy định.

Chẳng hạn các hành vi chiếm đoạt thuế giá trị gia tăng của các doanh nghiệp tính thuế theo phương pháp khấu trừ; chiếm dụng vốn giữa các cá nhân với doanh nghiệp; nhận bao thư, quà biếu của cán bộ, công chức. Hay các hành vi liên quan đến công nghệ cao như sử dụng công nghệ để bán hàng ảo đa cấp; làm và lưu hành thẻ thanh toán ATM giả; xâm phạm trái phép vào mạng chuyên dùng để đánh cắp dữ liệu hoặc làm sai lệch dữ liệu của máy tính. Hoặc sử dụng tin nhắn rác giả thông tin khuyến mãi để chiếm đoạt tài sản của người khác; quấy rối, khủng bố, phát tán hình ảnh, đời tư của người khác qua các thiết bị viễn thông, Internet; cung cấp thông tin không có thật cho cơ quan nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng…

Bên cạnh đó, các hành vi liên quan đến quyền con người như giới thiệu trẻ em làm con nuôi để trục lợi; mua bán đàn ông; mua bán nội tạng người vì mục đích lợi nhuận; môi giới mại dâm nam… hiện cũng chưa được tội phạm hóa.

Theo Phapluattp.vn

Đập chết cả đàn gà chọi, có dấu hiệu lạm quyền

Chủ nhật, 27/01/2013 | 12:07
Báo Người đưa tin nhận được thông tin phản ánh, cơ quan chức năng gồm tổ bảo vệ dân phố, công an Phường An Khánh, Thú y Quận Ninh Kiều đã “xông” vào nhà ông Hồ Văn Khải, “tự ý” đập chết 50 con gà chọi. Với trị giá mỗi con gà chọi từ 5 triệu trở lên thì tổng thiệt hại gia đình ông Khải phải gánh chịu lên đến hàng trăm triệu đồng.

Án oan: Bị kết tội vì nhận tiền “bồi thường danh dự”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:56
Trong số những vụ án oan sai, có lẽ vụ việc của cô giáo Bùi Thị Đ, trú tại TP Sơn La, tỉnh Sơn La, được xin lỗi và bồi thường oan sai nhanh nhất.

'Pha' suýt bỏ lọt tội phạm trong một vụ trọng án

Chủ nhật, 10/02/2013 | 20:42
Sự tham gia của luật sư trong tố tụng không chỉ giúp bị can, bị cáo được đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, mà còn góp phần trong việc xác định sự thật khách quan của vụ án, giúp việc điều tra, truy tố và xét xử được nhanh chóng, chính xác, tránh làm oan người vô tội, để lọt tội phạm.