Vị tiến sĩ khoa học đam mê trà Việt

Vị tiến sĩ khoa học đam mê trà Việt

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:44
0
"Mình là dân khoa học nhưng tôn thờ văn hóa truyền thống bởi đó là nguồn gốc cội rễ, là long mạch của mọi thứ văn minh hôm nay"

Người ta biết tiếng Trịnh Quang Dũng là người đi tiên phong với những công trình năng lượng điện mặt trời. Nhưng không dừng lại ở đó, tiếng tăm của ông còn vang xa hơn khi công trình nghiên cứu có bút lực rất đáng nể khẳng định được vị thế, vai trò của trà Việt.

Sự kiện - Vị tiến sĩ khoa học đam mê trà Việt

Tiến sĩ Trịnh Quang Dũng

Ấn tượng với ngôi nhà năng lượng điện mặt trời

Tìm đến địa chỉ số 72/1 Nhất Chi Mai, phường 13, quận Tân Bình, TP.HCM, chúng tôi ngờ ngợ có cái gì đó mâu thuẫn. Trước mắt tôi là cánh cổng bằng sắt hiện đại, nhưng mái cổng lại được lợp bằng ngói Bát Tràng. Không chỉ thế, án ngự ngay trên mái ngói đó lại là một tấm pin mặt trời mà không nhìn kỹ thì không thể nhận ra.

Bước qua cánh cổng, vào bên trong ngôi nhà hiển hiện sự hiện đại ngày một rõ. Chủ nhân ngôi nhà là Tiến sĩ Trịnh Quang Dũng, 61 tuổi, tốt nghiệp ngành Vật lý tại trường ĐH Sophia, hiện đang công tác tại Phân viện Vật lý Việt Nam TP.HCM. Ước mơ có một ngôi nhà sử dụng hoàn toàn điện mặt trời đã được người con của Hà Nội này ấp ủ từ ngày mới vào nghề, nhưng mãi đến năm 1997 ông mới có cơ hội thực hiện ước mơ đó với một chút may mắn (như ông nói).

Năm đó, kỹ sư Trịnh Quang Dũng được chọn giữ trọng trách Chủ nhiệm chương trình Công nghệ năng lượng mới châu Á do tổ chức SIDA Thụy Điển tài trợ cho 6 nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Ông lập tức vạch một chương trình nghiên cứu các công nghệ tiết kiệm năng lượng và thiết kế mạng ĐMT cục bộ (Madicub). Ngôi nhà được xây do chính ông vẽ thiết kế, vừa tạo cảnh quan thoáng mát, gần với thiên nhiên, vừa tính toán sao cho thu được nguồn sáng mặt trời nhiều nhất.

Hoàn toàn trái ngược với bên ngoài, bên trong ngôi nhà là cả một kho đồ lưu niệm trưng bày khắp các ngõ ngách, trên tường mà hầu như trong suốt nửa đường đời, ông góp nhặt từ ở cả trong và ngoài nước. Ông tiếp tôi với ấm trà đặc sản Hồng Mai mà không phải ai cũng được nếm thử. Có lẽ với những hiểu biết và là người con chính gốc miền Bắc nên ấm trà ông pha càng thấm đượm hương vị sâu sắc.

Ông thổ lộ: "Mình là dân khoa học nhưng tôn thờ văn hóa truyền thống. Đó là nguồn gốc cội rễ, là long mạch của mọi thứ văn minh hôm nay". Cuộc trà đàm của chúng tôi cứ ngẫu hứng miên man bằng những câu chuyện đời mà ông đã trải nhiệm.

Cái tên Trịnh Quang Dũng hồi nhỏ đã vang bóng những thành tích trong trường. Ông đi học luôn được xếp đầu lớp. May mắn hơn, ông được sinh ra trong một gia đình có nền tảng với bố là nhà sử học và anh trai là họa sĩ đều có tiếng, nên được thừa hưởng cái gens di truyền. Hồi còn học cấp 2 ông đã có giải thưởng lớn về hội họa, nhưng cái tính phiêu du của ông không muốn dừng lại ở đó. Chính vì vậy, ngay cả đến bây giờ, cái tính phiêu du ấy vẫn đang không ngừng chảy trong ông.

Quay lại những chuỗi ngày ông phải trải qua, ông cũng chịu lắm khổ sở vì có bố hoạt động tình báo cho cách mạng nhưng bị hiểu lầm. Mãi khi sự tình được chính ông Hồng Hà bút phê minh oan, cậu học sinh giỏi Trịnh Quang Dũng mới được thông quan ra nước ngoài học.

Năm 1975 về nước, ông làm truyền hình được 3 năm với công tác biên tập, dịch phim. Phim đầu tiên ông dịch là phim Trên từng cây số. Rồi máu phiêu du lại đưa đẩy ông đi học tiếp sau đại học ngành vật lý bán dẫn ở Viện Vật lý Tiệp Khắc. Năm 1987 trở về, ông thuộc lớp người tiên phong nghiên cứu, triển khai các nguồn năng lượng mới, đặc biệt là điện năng lượng mặt trời.

Trong điều kiện khan hiếm thiết bị trong nước, ông trở thành người vừa chế tạo, sản xuất, vừa là người thi công. Trên tường nhà ông có gần 20 huy hiệu, bằng khen trong nước và quốc tế trao tặng các giải thưởng năng lượng mới.

Sự kiện - Vị tiến sĩ khoa học đam mê trà Việt (Hình 2).

Bộ sưu tập bình trà của Tiến sĩ Trịnh Quang Dũng

Đam mê văn minh trà Việt

Nhiều người biết tiếng Trịnh Quang Dũng với ngôi nhà điện mặt trời, nhưng ít ai hay ông còn là nhà nghiên cứu có bút lực rất đáng nể. Viết cả một cuốn sách về Văn minh trà Việt, tôi có cảm giác ông là gã phong lưu hay gây sốc. Một con người với ước mơ khoa học phổ biến điện mặt trời, nhưng về nhà lại vùi đầu với những giá trị nguồn cội của gói trà này, ấm trà nọ, của những trang thơ xưa, cung kiếm cổ.

Trong suốt buổi trà đàm, ông có vẻ không say lắm với cái nghề tay phải để kiếm cơm này, mà cứ say sưa chuyện đời, chuyện chơi. Cái thú chơi mà ông chỉ cho rằng độc hành lãng du để thỏa một kiếp nhân sinh, dù sự thật đó là những công trình nghiên cứu sâu sắc, thậm chí là người đi tiên phong.

Cầm cuốn Văn minh trà Việt dày 427 trang, ông cười, kể lại: "Lúc đầu tôi đâu có định nghiên cứu gì đâu. Mình dân gốc Hà thành, biết pha trà cho bố từ tấm bé, rồi biết uống trà, đi xa quê hương nhớ trà nên viết trà xuân cho vui. Thế mà một nhà xuất bản tình cờ đọc lại mê, liên hệ nhờ viết cuốn sách về trà Việt. Lúc đầu họ nói chỉ 100 trang là đủ, thế nhưng tôi viết gấp đôi vẫn chưa thấy đã và cuối cùng nó dài tới 427 trang. Có thể khẳng định cuốn sách này là một công trình nghiên cứu dày dặn nhất hiện nay về lịch sử văn minh trà Việt”.

Không chỉ đi sâu vào các loại trà danh tiếng xưa nay, cách thưởng trà lẫn trà cụ khắp nơi, ông còn nghiền ngẫm các quan điểm, triết lý về trà mà đặc biệt là phát hiện mới về lịch sử thâm sâu đầy tự hào của trà Việt.

Công trình nghiên cứu Văn minh trà Việt của nhà khoa học điện mặt trời này đã đến tay nhiều bạn đọc và đã làm "sốc" không ít người. Những trang viết của ông bật ra nhiều phát hiện mới mẻ, thậm chí khó tin với nhãn quan thông thường khi chỉ mới đọc thoáng qua. Có lẽ, chính ông là người xuất thân từ một nhà khoa học nên những luận cứ của ông đều có cơ sở và mang tính chính xác cao.

Ngay cả việc phân tích sự khác nhau giữa khái niệm trà - chè của ông thôi cũng phải mất đến cả tháng trời. Ở phần thưởng trà, ông ôn cố tri tân và khẳng định nếu như người Nhật có trà Đạo thì người Việt cũng có thể tự hào với trà Nô.

Sự kiện - Vị tiến sĩ khoa học đam mê trà Việt (Hình 3).

Gốc trà ngàn tuổi

Qua câu chuyện với nhiều nghệ nhân trà, đặc biệt là lão nghệ nhân Hà Văn Kính (cố đô Huế, năm nay đã hơn 80 tuổi) ông cũng thừa nhận rằng thời bé đã từng nghe cha và ông nội (vốn là những thợ thêu long bào nổi tiếng) nói về trà Nô. Lịch sử luôn có những bước đi và ngã rẽ của riêng nó. Nhưng rõ ràng từ trong sâu thẳm của hành trình văn hóa, trà Việt đã là một chất liệu vô cùng quí giá.

Nghệ thuật thưởng thức trà của người Việt tuy không cầu kỳ và cao xa như ở những quốc gia đã nâng tầm thành trà Đạo, nhưng tâm hồn Việt được bộc lộ rõ ở những khía cạnh: "Nhẹ nhàng, tinh tế và mang tính cộng đồng cao, không phân biệt đẳng cấp, giai tầng. Dù ngay trong xã hội hiện tại như bây giờ, bàn thờ tổ tông, bàn thờ gia tiên trong mỗi dịp lễ, cưới hỏi hoặc tiệc tùng gia đình, gói trà, tách trà bao giờ cũng hiện diện như là một vật phẩm không thể thiếu vắng”.

Giải mã “Nô trà”

Ông không phải xuất thân từ nghề trà, công việc chính của ông là một chuyên gia thiết kế điện mặt trời nổi tiếng của Việt Nam, từng chu du gần 50 quốc gia, những cơ may và duyên ngộ trong suốt lộ trình đó đã giúp ông có một ý thức sâu sắc về việc phải đào sâu nghiên cứu các tầng nấc của văn hóa Việt Nam. Cùng với người anh trai - họa sỹ lão thành Trịnh Quang Vũ (một tên tuổi lớn của làng mỹ thuật tại Hà Nội, từng tham gia đóng góp nhiều cho điện ảnh việt Nam với vai trò họa sỹ thiết kế) - đã hơn chục năm qua hai anh em tiến sĩ lặng lẽ đi sâu tìm hiểu, thu thập rất nhiều chứng cứ, sách liệu quí hiếm có liên quan đến thời Lê - Trịnh ở cả trong và ngoài nước.

Ông Dũng giải thích: "Nô trà gần giống như làm "nô lệ cho trà", người muốn thưởng trà phải tự mình pha và làm các công đoạn để cảm nhận được cái thú vui thanh nhã của uống trà. Thời chúa Trịnh Cán đã từng có sắc lệnh cho hai loại thuế đặc biệt, đó là thuế muối và thuế trà. Chúa Trịnh là một người đam mê trà đến nỗi tự xây dựng một học thuyết gọi là trà Nô. Mải mê triết lý trà Nô của người Việt, ông lần giở lại chính những trang viết của cụ Vương Hồng Sển: "Chúa Trịnh Sâm là người có nghệ thuật thưởng trà khó ai bì kịp”.

Tiến sĩ Trịnh Quang Dũng cũng cho biết, Nô trà đã có từ thời chúa Trịnh và đó chính là học thuyết của chúa Trịnh Cán...

Hà Hưng