Viện phí đã “xé rào”, bệnh viện vẫn “khóc”!?

Viện phí đã “xé rào”, bệnh viện vẫn “khóc”!?

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:59
0
Các bệnh viện "khóc" đòi tăng viện phí với hàng loạt lý do, nào là "chúng tôi đang tự ăn thịt mình", "công khám bệnh không bằng bơm xe"... Nhưng thực tế các bệnh viện đã "xé rào" từ lâu...

Chưa cho tăng đã "xé rào"!?

Tại hội nghị tham vấn cho dự thảo nghị định về cơ chế tài chính cho bệnh viện công lập diễn ra vào giữa tháng 9/2011, bà Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định phải quyết liệt thay đổi giá viện phí. Đây là điều kiện nhằm chấm dứt tình trạng để bệnh nhân chiếu manh, chăn chiên nằm hành lang như hồi chiến tranh, bao cấp...

Phát ngôn của bà Nguyễn Thị Kim Tiến tưởng chừng sẽ khiến phần lớn người dân mừng quýnh. Thế nhưng, khi được hỏi về việc tăng viện phí, nhiều người dân, đặc biệt là người nghèo nơm nớp những nỗi lo...

Theo đề xuất của Bộ Y tế hơn 300 dịch vụ y tế sẽ tăng giá. Giá khám bệnh được đề nghị nâng lên 30.000 đồng/lần khám thay cho mức 3.000 đồng/lần khám hiện nay. Khung giá giường bệnh viện (hạng 1) được đề nghị lên 100.000-180.000 đồng/ngày thay cho hiện hành là 12.000-18.000 đồng/ngày.

Nhưng qua tìm hiểu của PV tại các bệnh viện thì thực tế lại khác. Mặc dù giá viện phí được các bệnh viện tuyến cơ sở, tuyến huyện thực hiện theo đúng quy định nhưng một số bệnh viện tuyến Trung ương lại cao hơn gấp nhiều lần quy định. Đó là chưa kể tới các bệnh viện còn lách luật bằng cách tạo ra các gói dịch vụ, điều trị tự nguyện nhằm móc tiền người bệnh một cách hợp pháp.

Xã hội - Viện phí đã “xé rào”, bệnh viện vẫn “khóc”!?
Người dân xếp hàng chờ mua phiếu khám bệnh.

Tại khoa Khám bệnh Bệnh viện Bạch Mai, khi PV hỏi chị Nguyễn Thị Liên (Hoài Đức, Hà Nội) về mức đề xuất tăng viện phí, chị này thốt lên: "Bệnh viện đã thu 30.000 đồng/lần khám từ lâu rồi. Hai lần trước tôi cũng phải nộp như vậy"... Cũng khám bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai, anh Nguyễn Văn Hải (Thái Bình- bệnh nhân K dạ dày) cho biết: "Giá một lần khám bệnh ở viện là 30.000 đồng. 5 tháng trước tôi khám ở đây đã áp dụng mức giá này rồi".

Anh Hải cũng cho biết, đầu tuần trước anh được bác sĩ chỉ định chụp CT, nội soi dạ dày, xét nghiệm máu. Tổng chi phí xét nghiệm lên đến hơn 2 triệu đồng. Nếu phải chụp cộng hưởng từ thì sẽ phải chịu chi phí gần 2 triệu đồng/lần chụp. "Chiếu theo bảng viện phí của Bộ Y tế, nếu sử dụng tất cả các dịch vụ trên, tôi cũng chỉ mất vài trăm nghìn. Thực tế, số tiền là vài triệu đồng" - anh Hải phân trần.

Mới đây, một bệnh nhân bị viêm dính mạc treo được chuyển tuyến theo đúng quy trình từ huyện lên, bệnh viện xếp vào diện tự nguyện, phí giường nằm 100.000-150.000 đồng/ngày, phí để xếp diện mổ tự nguyện 1 triệu đồng/ca, tổng chi phí cho ca mổ hơn 30 triệu đồng.

Theo tìm hiểu của PV, mặc dù vẫn đang dự thảo tăng viện phí nhưng phần lớn các bệnh viện ở Hà Nội đã "xé rào" bằng cách chuyển bệnh nhân sang diện tự nguyện, dù họ đi đúng tuyến và không muốn tự nguyện vì nghèo. Tại Bệnh viện Mắt Trung ương, Bệnh viện Nhi trung ương... từ lâu giá khám bệnh đã tăng cho nhóm tự nguyện.

Tiền khám một lần tại phòng khám bình thường của bệnh viện là 80.000-90.000 đồng, còn bệnh nhân BHYT chỉ khám với giá 30.000 đồng /lần. Cộng tất cả các loại xét nghiệm, chụp chiếu, một bệnh nhân đến khám tại khoa điều trị tự nguyện A có thể phải móc ví ít nhất vài triệu đồng (vì giá các xét nghiệm cũng đắt gấp 3-4 lần thông thường).

Sự chênh lệch này đặc biệt thể hiện ở giá phòng nằm điều trị. Khoa điều trị tự nguyện A của bệnh viện Nhi Trung ương có 3 loại phòng điều trị nội trú, thấp nhất là loại phòng 3 giường cho 3 bệnh nhân, giá 1,2 triệu đồng/ngày/phòng. Tiếp đến là loại phòng 2 giường/2 bệnh nhân, giá 1,5 triệu đồng/ngày. Cao nhất là phòng đơn cho 1 người, giá 1.880.000 đồng /ngày.

Khi được hỏi BV có còn thu phí khám bệnh theo khung giá cũ là 2.000- 3.000 đồng/1 lượt hay không, một bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai thừa nhận, hầu hết các bệnh viện của Hà Nội không còn thu theo khung giá đó. Mức giá đã thay đổi từ cách đây 4-5 năm. Đó là chưa kể bệnh viện tuyến trên và chuyên khoa, mức tăng có nơi lên hơn 10 lần. Câu hỏi đặt ra, việc điều chỉnh tăng viện phí lần này có phải là việc hợp pháp hóa các giá dịch vụ mà các bệnh viện công đã xé rào tăng từ trước đó?

Tại TP.HCM, các bệnh viện cũng đã tăng tiền khám, tiền giường bệnh từ rất lâu. Các bệnh viện như: Bệnh viện Nhân dân Gia Định, BV Bệnh nhiệt đới là 20.000 đồng/lượt khám hay một BV tuyến quận, huyện là Bệnh viện Đa khoa Tân Bình cũng 20.000 đồng/lượt khám. Tại Bệnh viện Ung bướu, giá khám dịch vụ lâu nay là 30.000 đồng/lượt, giá một giường bệnh là 100.000 đồng/ngày. Bệnh viện Chợ Rẫy thì tiền khám bệnh là 30.000 đồng/lượt khám...

Giá tăng, chất lượng có tăng?

Theo tìm hiểu của PV, giá khám ở hầu hết các khu khám bệnh theo yêu cầu của các bệnh viện TW được niêm yết cao ngất ngưởng: khám thông thường 100.000 - 150.000 đồng; yêu cầu Phó trưởng khoa khám là 150.000 - 180.000 đồng; giáo sư, phó giáo sư khám thì 200.000 - 300.000 đồng. Chi tiền cao gấp nhiều lần nhưng bệnh nhân có được bác sĩ tiếp đón như "Thượng đế"?

8h sáng, khu khám bệnh theo yêu cầu (Bệnh viện Bạch Mai) chật như nêm. Bà Lê Thị Ninh (Thanh Hóa) sau một ngày đặt lịch, ngày hôm sau mới được bác sĩ thăm khám, bác sĩ chỉ định đi thử máu, chụp XQ, điện não đồ và chụp CT. Mới 9h mà bà Ninh nhận phiếu chụp thứ 175. Chạy ngược chạy xuôi cả ngày trời bà Ninh mới nhận được kết quả thử máu, điện não đồ và mang vào phòng bác sĩ đọc kết quả.

Bệnh nhân khám theo yêu cầu, có tiền mà vẫn phải chịu cảnh chờ đợi, còn bệnh nhân nghèo không có BHYT thì sao? Anh Bùi Thành Hưng (Ba Vì, Hà Nội) than thở: Sau 1 tuần điều trị tại bệnh viện huyện, anh phải chuyển cô con gái 4 tuổi xuống BV Nhi TW điều trị tiếp. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán cháu bị viêm phổi và u máu. Dù cháu có thẻ BHYT nhưng vì vượt tuyến nên chỉ được thanh toán 30%.

Bệnh nhân Nguyễn Thị H. (đang điều trị tại viện K cơ sơ Tam Hiệp) bị ung thư xương, sau khi phẫu thuật, chị tiếp tục phải trải qua ít nhất 6 đợt xạ trị để tiêu diệt các tế bào ung thư. Mặc dù được bảo hiểm chi trả nhưng mới qua 2 đợt xạ trị, gia đình đã phải đóng gần 30 triệu đồng tiền hóa chất, chưa kể tiền thuốc phải mua thêm.

Theo tìm hiểu của PV, tại Bệnh viện K (Hà Nội) về chi phí điều trị với 170 bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, chi phí do BHYT chi trả chỉ chiếm khoảng 35,5%, tiền thuốc bệnh nhân tự mua chiếm 13%, phần viện phí phải đóng góp chiếm 6,5% và tới 45% các chi phí cho ăn ở, sinh hoạt. Nói như vậy thì nhóm người nghèo dù có BHYT vẫn khốn khổ.

Chỉ có người nghèo... thêm khổ!

Xã hội - Viện phí đã “xé rào”, bệnh viện vẫn “khóc”!? (Hình 2).
Bảng giá khám bệnh tại Khoa khám bệnh theo yêu cầu (BV Bạch Mai).

Theo TS Lý Ngọc Kính, nguyên Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng, tăng viện phí cần có lộ trình. Nhưng dù có tính toán kiểu gì đi chăng nữa thì tăng viện phí cũng thiệt hại cho người bệnh, kể cả bệnh nhân có BHYT.

Ông Phạm Lương Sơn - Trưởng ban thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho rằng: Việc tăng viện phí là hợp lý nhưng mức tăng chỉ hợp lý khi phù hợp với sự đáp ứng về tài chính của quỹ BHYT và khả năng chi trả của bộ phận không tham gia BHYT. Nói cứ tăng viện phí và đến khi bảo hiểm không cân đối được nữa thì sẽ tăng mức đóng, theo tôi, điều này không nên đặt ra vì nó chủ quan, duy ý chí, khó khả thi.

Thực tế mức đóng bảo hiểm vừa mới tăng thêm gấp 1,5 lần từ ngày 1/1/2010 (từ 3% lên 4,5% lương cơ bản), việc tiếp tục điều chỉnh tăng có thực hiện nổi không? Hiện mức đóng của hộ cận nghèo có hỗ trợ của Nhà nước là 200.000-300.000 đồng/năm nhưng đến khi phải tăng lên 500.000 đồng/năm liệu họ có ý định tham gia?

Một chuyên gia nhận định: "Những bức xúc về chất lượng dịch vụ y tế khiến ngành y tế đang ráo riết muốn cải tiến viện phí, nhằm cải tiến chất lượng khám chữa bệnh cho người bệnh đỡ khổ. Tuy nhiên, hiện vẫn còn trên 36 triệu người chưa có BHYT. Đây đều là người cận nghèo, làm việc trong khu vực phi chính thức hoặc có thu nhập thấp, nếu viện phí tăng sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề hơn nhóm đã có thẻ".

Bộ Y tế đề nghị nâng mức hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người cận nghèo, học sinh sinh viên nghèo, đến năm 2014 bắt buộc BHYT với nông dân, hộ gia đình làm nông nghiệp, ngư nghiệp...

Thế nhưng trong thực tế khi triển khai hỗ trợ cho người cận nghèo mua BHYT năm qua đã không thành công, do người cận nghèo không mấy thiết tha mua thẻ, dù đã được hỗ trợ 50-80%. Điều đó càng cho thấy nếu không tính toán thật kỹ thì viện phí tăng sẽ có tác động không nhỏ đến đời sống nhóm cận nghèo, lao động tự do, nông dân, cán bộ hưu trí...

Hoàng Anh- Ngân Giang