Việt Nam chưa từng quan tâm đến “đai an toàn” xe buýt

Việt Nam chưa từng quan tâm đến “đai an toàn” xe buýt

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:50
0
Xe buýt tại nước ta đã có nhiều đóng góp trong giảm thiểu ùn tắc giao thông nhưng vấn đề quy định áp dụng “đai an toàn” lại chưa hề được quan tâm.

Vài năm trở lại đây, xe buýt trở thành phương tiện giao thông không thể thiếu với người dân ở đô thị, trong đó nổi trội là TP.HCM và TP.Hà Nội. Theo số liệu của cơ quan chức năng, trung bình mỗi ngày có hàng chục lượt người chọn xe buýt làm phương tiện để đi lại.

Tuy nhiên, tất cả các xe buýt tại TP.HCM và nhiều địa phương khác trong cả nước hiện không có dây an toàn, mái xe không có khả năng chống va đập, cửa kính thiếu an toàn, bánh xe không có hệ thống kiểm soát áp lực.

Xã hội - Việt Nam chưa từng quan tâm đến “đai an toàn” xe buýt

Cảnh chen lấn, xô đẩy khi lên xe buýt tại Việt Nam

Bà Nguyễn Thị Kim Hồng, quản lý hoạt động xe buýt một đơn vị tại TP.HCM, cho biết: Những năm gần đây, xe buýt trở thành phương tiện công cộng đi lại của nhiều dân. Điệp khúc “đi xe buýt cho tiết kiệm, an toàn” trở thành câu cửa miệng của nhiều người. Tuy nhiên, bà Hồng cho hay, vấn đề “an toàn” khi đi xe buýt đang cần được đánh giá lại, bởi thời gian vừa qua, trên địa bàn cả nước đã xảy ra hàng loạt vụ tại nạn nghiêm trọng đối với loại phương tiện công cộng này.

Ông Phạm Văn Tuấn, ngụ Q.Bình Thạnh (TP.HCM), cho biết: “Tôi là người chủ yếu đi lại bằng xe buýt bởi giá rẻ và an toàn hơn các phương tiện giao thông khác. Tuy nhiên, trong hàng trăm lần đi xe buýt tôi từng gặp phải các tai nạn như xe thắng gấp, tất cả hành khánh đều lao về phía trước. Nhiều trường hợp, xe buýt va chạm với xe khác là tất cả hành khánh trên xe đều gặp nạn”.

Đồng tình quan điểm của ông Tuấn, chị Hồ Thị Thy Na, sinh viên Trường ĐH Mở TP.HCM, cho biết thêm: “Đi xe buýt được đánh giá là an toàn nhưng thực tế không an toàn lắm. Nhiều lần, tôi ngồi trên xe buýt phải bám chặt vào thành ghế do tài xế đánh võng, lao bạt mạng trên đường. Nếu không bám vào thì rất dễ lao về phía trước do không có đai thắt an toàn”.

Theo số liệu về hoạt động xe buýt trên địa bàn TP.HCM của Sở GTVT TP.HCM, thời gian vừa qua, hành khánh đi trên xe buýt vẫn đang đối diện với nhiều rủi ro như tai nạn giao thông, xe cũ kỹ, tài xế chạy ẩu, đánh võng, xe mất thắng…Những nguyên nhân trên khiến loại hình vận tải này cũng nguy hiểm không khác gì các loại phương tiện giao thông khác.

Ông Phạm Thành Tân, cán bộ UBND TP.HCM, cho hay: “Thời gian qua, cơ quan chức năng đã cho tiến hành thí điểm lắp hộp đen trên các xe buýt để theo dõi lịch trình chạy, các nguy cơ gây tai nạn, giám sát các xe buýt khi lưu thông trên đường. Tuy nhiên, việc làm này vẫn chưa đủ để đảm bảo an toàn cho hành khách khi đi xe buýt”.

Theo Thiếu tá Phạm Văn Phong, phòng Cảnh sát giao thông (PC67 CA TP.HCM), các vụ tai nạn do xe buýt gây ra ngày càng nhiều, xe buýt không chỉ là hung thần trên đường phố mà còn là nỗi ám ảnh của hành khách khi đi xe. Nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra giữa xe buýt với các loại xe khác thời gian qua, chứng kiến hành khách trên xe gặp nạn do không có dây đai an toàn, khiến hành khách lao về phía trước va đập vào thành ghế… Điều này cho thấy, hành khách đi xe buýt thực sự không an toàn, luôn phải đối mặt với các tai nạn.

Theo Quy định tổ chức, quản lý, khai thác hoạt động vận tải khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn TP.HCM, quy định nhiều hạng mục về an toàn nhưng không hề có quy định về đai an toàn, một vấn đề tưởng như không quan trọng.

Theo quy định này, xe hoạt động trên tuyến phải là xe ô tô đủ điều kiện theo Nghị định số 91/2009/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và bảo đảm yêu cầu kỹ thuật quy định tại Tiêu chuẩn ngành 22 TCN 302-06 của Bộ Giao thông vận tải ban hành ngày 02 tháng 3 năm 2006; tuyệt đối không được làm ba-ga trên mui xe để hàng; trên xe phải có chuông điện báo hiệu lên xuống và có đủ tay vịn cho hành khách; phải dành 02 hàng ghế cho người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em và phụ nữ có thai, có màu riêng, trên đó có ghi chữ “ghế dành riêng”…

T.Trần (t/h)