Phim Việt không dự Oscar: Hãng phim 'phớt lờ' hay sợ giải lớn

Phim Việt không dự Oscar: Hãng phim 'phớt lờ' hay sợ giải lớn

Thứ 6, 11/10/2013 | 16:24
0
Thông tin từ cục Điện ảnh (bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch), năm nay Việt Nam không có phim tham dự Oscar 2014. Điều này khiến không ít người thắc mắc, năm nay Việt Nam thiếu những phim "khủng" để tranh tài cùng các nước. Hay bởi những lý do khác, khiến các hãng phim và đạo diễn không mặn mà gửi phim đăng ký tham dự tới cục Điện ảnh?

Hãng phim "phớt lờ" hay sợ giải Oscar

Theo cục Điện ảnh, khi nhận được thư của viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ mời Việt Nam gửi phim tham dự giải thưởng "Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất lần thứ 86", ngày 14/8, cục Điện ảnh đã gửi công văn tới các hãng phim có phim truyện sản xuất và phát hành trong khoảng thời gian hợp lệ theo quy định, mời gửi phim tham dự. Nhưng tới ngày 4/9 là hạn chót nhận đăng ký, cục Điện ảnh cũng chỉ nhận được một hồ sơ đăng ký tham dự của nhà sản xuất "Thiên mệnh anh hùng". Tuy nhiên, bộ phim này lại không đáp ứng về thời gian phát hành theo quy định trong điều lệ chọn phim tham dự mà ban tổ chức giải Oscar đưa ra. Bên cạnh đó, Cục cũng không chọn được được phim để trình Hội đồng tuyển chọn tham dự giải Oscar. Do vậy, năm 2013 Việt Nam không có phim tham dự Oscar 2014.

Trước thông tin này, có ý kiến cho rằng, so với các năm trước, năm nay phim Việt Nam "thất thế", không có những phim "khủng" đình đám nên không dám gửi đơn đăng ký tham gia lên cục Điện ảnh. Bởi các năm trước, Việt Nam đều có phim tham dự. Điển hình có thể kể đến: Mùi cỏ cháy - đạo diễn Hữu Mười, Khát vọng Thăng Long - đạo diễn Lưu Trọng Ninh, Đừng đốt - đạo diễn Đặng Nhật Minh, Áo lụa Hà Đông - đạo diễn Lưu Huỳnh, Mùa len trâu - đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh, Chuyện của Pao - đạo diễn Ngô Quang Hải, Mùa đu đủ xanh - đạo diễn Việt kiều Trần Anh Hùng từng lọt vào đề cử năm 1994... Đây đều là những bộ phim được báo chí trong nước ca ngợi, giành giải thưởng trong nước, hoặc được công chiếu ở nước ngoài quan tâm.

Tuy nhiên, 2013 hoàn toàn không phải năm "thất bát" của điện ảnh Việt, thế nhưng lại không có phim tham dự giải Oscar 2014. Bộ phim Thiên mệnh anh hùng của đạo diễn Victor Vũ thắng lớn, khi đoạt tới năm giải Cánh diều vàng 2013 (nhưng không được chọn vì công chiếu trước thời gian quy định trong điều lệ chọn phim tham dự). Lửa Phật của đạo diễn Việt kiều Dustin Nguyễn bị giới phê bình và khán giả chê khá gay gắt về bố cục và nội dung phim. Nhưng Lửa Phật theo nhiều nguồn tin, vừa ra mắt tại Việt Nam, đã được nhiều nhà phát hành và phân phối nước ngoài mua bản quyền, phát hành cho một số thị trường rộng lớn như Bắc Mỹ, Ấn Độ, Nepal, Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia, Anh, Pháp... Tác phẩm này còn chính thức được chọn làm phim mở màn cho LHP phim East Winds của Anh.

Sự kiện - Phim Việt không dự Oscar: Hãng phim 'phớt lờ' hay sợ giải lớn

Poster phim Lửa Phật.

Ngoài hai bộ phim trên, Đường đua của đạo diễn trẻ Nguyễn Khắc Huy cũng là bộ phim nhận được nhiều lời khen từ giới chuyên môn cũng như khán giả. Đây là một tác phẩm điện ảnh bạo lực vừa phải, hư cấu vừa phải, nhưng vẫn nghẹt thở bởi tình tiết, những cung bậc tình cảm của các nhân vật. Vậy nhưng ngoài Thiên mệnh anh hùng, không một phim nào trong những bộ phim tạo được hiệu ứng dư luận của Việt Nam gửi đơn tham dự Oscar 2014, khiến Hội đồng tuyển chọn phim dự Oscar dù đã được thành lập, nhưng không phải họp chọn phim như các năm trước. Sự "đìu hiu" này  ở cục Điện ảnh Việt Nam trước ngày gửi tham dự Oscar, trái ngược hoàn toàn với sự rầm rộ gửi phim tham dự của các nước trên thế giới. Đây là kết quả đã được báo trước, năm nay Việt Nam lại không thể lọt tên vào vòng sơ tuyển như những năm trước. Điều đó có nghĩa là giải Oscar vẫn chỉ là giấc mơ không biết đến bao giờ mới thành hiện thực của điện ảnh Việt Nam.

Thuyền bé không đi được xa bờ?

Điện ảnh Việt Nam vốn vắng lặng tại các giải thưởng quốc tế, nhưng chuyện được tham gia các giải thưởng lại càng ít ỏi hơn. Thế nên, mùa Oscar năm nay, phim Việt cũng không có lấy được một phim nào tham dự. Không chỉ vậy, so với các mùa phim trước, hàng loạt phim như Chuyện của Pao, Mùa len trâu, Áo lụa Hà Đông, Đừng đốt... dù được tham gia cuộc thi danh giá này trong hạng mục phim nói tiếng nước ngoài hay nhất cũng... thất bại và không có bất kỳ giải thưởng nào. Thế nên, xem ra chuyện đi tham gia phim và chuyện đoạt giải lại hoàn toàn khác nhau. Có thể, vì lý do đó nên các nhà làm phim Việt Nam "lạnh lùng" với giải thưởng này? Bởi phim có làm thì cũng khó có giải. Sự yếu kém về nhiều mặt đã đẩy phim Việt ra xa với nền điện ảnh thế giới.

Một đạo diễn từng gửi phim tham dự cho biết, ông cũng không kỳ vọng, hay đặt quá nhiều niềm tin vào giải thưởng này. Ông chia sẻ: "Gửi phim tham gia đó là việc của Bộ (bộ Văn hóa- Thể thao & Du lịch) chứ không phải tôi. Thật sự sân chơi đó không dành cho mình. Vì thế, không nên làm lớn chuyện này". Quả thật, việc để lọt vào vòng trong của những giải thưởng danh giá này không phải là chuyện dễ dàng. Chỉ tính riêng hội đồng tuyển chọn chấm phim là số lượng không nhỏ, có khoảng hơn 6.000 thành viên, đó là số lượng thành viên của giải Oscar. Không chỉ xét về nghệ thuật, mà ở khía cạnh kỹ thuật, phim Việt Nam cũng đã gặp nhiều khó khăn khi tham dự các liên hoan phim quốc tế ở quy mô nhỏ như Băng Cốc- Thái Lan, Ấn Độ. Còn với Oscar, đó là giải lớn hơn rất nhiều, thế nên sự khó khăn, cũng như sức ép của nó đã quá rõ ràng làm các hãng phim phải hoảng sợ?

Phim các nước khác đến với Oscar thường hướng đến các vấn đề, thông điệp mang tính chất toàn cầu thì các bộ phim Việt gửi đến Oscar thường là những bộ phim có nội dung chỉ đậm đà bản sắc dân tộc. Thế nên, việc nhiều bộ phim với đề tài và cách thể hiện cũ kỹ, nhàm chán lại là những tiêu chí đầu tiên và dễ dàng lọt vào yêu cầu của người lựa chọn để đến với giải Oscar. Khi được hỏi về vấn đề này, đạo diễn Khải Hưng tỏ ra e dè. Bởi theo ông, việc gửi phim đi tham dự Oscar cũng chỉ là để... cho vui mà thôi, giải thưởng thì lại càng không nghĩ tới. Năm nay điện ảnh Việt vắng bóng, có thể do giới làm phim không còn thích "đùa" như mọi năm nữa. Tuy nhiên, biết đâu sau "nốt lặng" vì không thích "đùa" này, lại cho ra đời những sản phẩm nghiêm túc, được đầu tư công phu, với nhiệt huyết phải có tên trong danh sách đề cử Oscar của giới làm phim Việt Nam?

Và những nghịch lý

 Thực tế cho thấy, nhiều phim Việt đoạt giải ở các liên hoan phim quốc tế lại mang tính chất ngược đời. Như, Bi, đừng sợ, đoạt giải thưởng tại Cannes được cho là may mắn vì không qua kiểm duyệt tại Việt Nam. Trong khi, bộ phim này được lựa chọn chiếu cho học sinh ở Đức xem nhưng khi về Việt Nam, nó bị gắn dưới mác 18+, và người ta sẵn sàng cắt bỏ nhiều chi tiết cảnh nóng, trong khi chính những cảnh này là mắt xích dẫn đến sự phát triển tiếp theo của bộ phim. Điều này cho thấy, vai trò của người thẩm định phim rất quan trọng. Những quy chế trong thẩm định phim Việt dường như đang trói buộc, tạo ra những rào cản vô hình để đưa một bộ phim khác biệt, mang tính đột phá ra biển lớn. Bi, Đừng sợ! hay Bụi đời Chợ Lớn là những bộ phim như vậy. Tuy nhiên, theo đạo diễn Khải Hưng, việc thẩm định phim không ảnh hưởng nhiều đến việc gửi phim tham gia. Chỉ cần bộ phim không vi phạm luật Điện ảnh là có thể tham dự.

Trái với nhận định này của đạo diễn Khải Hưng, một đạo diễn giấu tên chia sẻ: "Một số nhà làm phim có tâm huyết, muốn đến với giải Oscar và thỏa sức sáng tạo nghệ thuật cũng bị hạn chế, vì một số quy định của luật Điện ảnh Việt Nam chưa rõ ràng. Với một số bộ phim, được đầu tư chỉn chu nhưng trước khi đến với công chúng, cũng phải thông qua việc kiểm duyệt, xét duyệt chặt chẽ. Cũng vì điều này mà khiến cho sự bay bổng, thỏa sức sáng tạo của các nghệ sỹ bị ảnh hưởng và hạn chế phần nào. Hơn nữa, sự phát triển về kỹ thuật, đội ngũ đạo diễn, diễn viên còn nhiều hạn chế đã làm cho con đường đến với những giải thưởng trở nên mịt mù với những nhà làm phim Việt Nam".                                         

Phát triển điện ảnh cần nhiều yếu tố

Đạo diễn Khải Hưng chia sẻ: "Điện ảnh cũng là nền kinh tế, kinh tế thế nào sẽ quyết định kinh tế điện ảnh thế đấy. Do việc đầu tư về kinh tế cho điện ảnh còn ít nên có một khoảng thụt lùi so với các nước khác. Thế nên, nếu kinh tế Việt Nam có thể phát triển mạnh hơn thì chắc chắn nền điện ảnh cũng có sự khởi sắc hơn phần nào". 

Hương Lam - Hợp Phố

Khán giả khó chịu khi phim Việt cài cắm quảng cáo

Chủ nhật, 01/09/2013 | 14:10
Những quảng cáo phản cảm được cài cắm một cách thô thiển vào nội dung phim khiến những khán giả phải bỏ tiền mua vé vào rạp bức xúc.

Phim Việt sặc mùi quảng cáo: Nhà tài trợ mới là... đạo diễn

Chủ nhật, 02/06/2013 | 10:53
“Quyền lực” của nhà tài trợ đã khiến các nhà làm phim phải cài cắm vô tội vạ các phân đoạn quảng cáo vào phim?

Khi mốt sao ngoại đổ bộ vào thị trường phim Việt

Thứ 7, 01/06/2013 | 20:15
Ngày càng có nhiều các diễn viên nước ngoài chọn hợp tác với các đạo diễn Việt để thực hiện các bộ phim đình đám. Tín hiệu này cho thấy, phim Việt giờ đây bắt đầu có những sức hút nhất định.

Cảnh nóng quá lộ liễu khiến phim Việt ngày càng thô thiển

Thứ 3, 21/05/2013 | 08:08
Biến trai gay thành trai thẳng, cảnh nude quá lộ liễu khiến phim Việt mất điểm.

Sex, bạo lực đẩy diện mạo phim Việt đi đâu?

Thứ 3, 14/05/2013 | 14:33
Sex, bạo lực có làm nên diện mạo mới cho phim Việt không thì vẫn còn nhiều điều phải bàn.

Cảnh nóng phim Việt ngày càng thô thiển

Thứ 2, 06/05/2013 | 11:19
Nhiều người đã hài hước ví von rằng "phi cảnh nóng bất thành phim Việt" trước sự bùng nổ một cách dữ dội những cảnh nóng "bỏng mắt" trong phim Việt.

Khán giả khó chịu khi phim Việt cài cắm quảng cáo

Chủ nhật, 01/09/2013 | 14:10
Những quảng cáo phản cảm được cài cắm một cách thô thiển vào nội dung phim khiến những khán giả phải bỏ tiền mua vé vào rạp bức xúc.

Phim Việt sặc mùi quảng cáo: Nhà tài trợ mới là... đạo diễn

Chủ nhật, 02/06/2013 | 10:53
“Quyền lực” của nhà tài trợ đã khiến các nhà làm phim phải cài cắm vô tội vạ các phân đoạn quảng cáo vào phim?

Khi mốt sao ngoại đổ bộ vào thị trường phim Việt

Thứ 7, 01/06/2013 | 20:15
Ngày càng có nhiều các diễn viên nước ngoài chọn hợp tác với các đạo diễn Việt để thực hiện các bộ phim đình đám. Tín hiệu này cho thấy, phim Việt giờ đây bắt đầu có những sức hút nhất định.

Cảnh nóng quá lộ liễu khiến phim Việt ngày càng thô thiển

Thứ 3, 21/05/2013 | 08:08
Biến trai gay thành trai thẳng, cảnh nude quá lộ liễu khiến phim Việt mất điểm.

Sex, bạo lực đẩy diện mạo phim Việt đi đâu?

Thứ 3, 14/05/2013 | 14:33
Sex, bạo lực có làm nên diện mạo mới cho phim Việt không thì vẫn còn nhiều điều phải bàn.

Cảnh nóng phim Việt ngày càng thô thiển

Thứ 2, 06/05/2013 | 11:19
Nhiều người đã hài hước ví von rằng "phi cảnh nóng bất thành phim Việt" trước sự bùng nổ một cách dữ dội những cảnh nóng "bỏng mắt" trong phim Việt.