Thực hư câu chuyện 'người giang hồ' Hổ Bạch Ân

Thực hư câu chuyện 'người giang hồ' Hổ Bạch Ân

Chủ nhật, 12/05/2013 | 16:13
0
Ngoài những trận đấu trên võ đài đầy máu lửa để tranh hơn thua thì thời đó đã có những đồn đoán trong giới “hắc - bạch” rằng, với uy danh của mình, Hổ Bạch Ân "bảo kê" cho những tay giang hồ cộm cán lúc đó là anh em nhà Sơn Đảo buôn bán bạch phiến (ma túy, cocain). Võ sư Hổ Bạch Sơn đã chia sẻ thẳng thắn nhiều thông tin về sư phụ mình với PV, kể cả chuyện có hay không việc bảo kê cho Sơn Đảo và gia đình hắn.

Thị phi trong giới “hắc - bạch”

Một số thông tin cho rằng, Vũ Đình Khánh (tức Sơn Đảo) cũng xuất thân là một võ sĩ có hạng, thuộc võ đường Hổ Bạch Ân. Hầu hết võ sư và võ sinh của võ đường này đều xuất thân hoặc gia nhập lính dù, lực lượng con cưng của quân đội Việt Nam Cộng hòa. Lúc ấy, Trại lính dù Hoàng Hoa Thám đóng bên phải, trên đường Lê Văn Duyệt (nay là Cách Mạng Tháng Tám), hướng từ Sài Gòn về Bà Quẹo, cách Ngã Tư Bảy Hiền (Tân Bình ngày nay) khoảng một cây số. Đây là nơi đặt bản doanh Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn Nhảy Dù, trong đó có Trại Gia Binh Hoàng Hoa Thám, nơi trú ngụ của vợ con và thân nhân các chiến binh Nhảy Dù.

Nhà Sơn Đảo ở gần chợ Ông Tạ, chuyên làm giò chả. Khi lớn lên, Sơn làm ăn phi pháp và bị ngồi tù. Đến năm 1965, Sơn ra tù với biệt danh là Sơn Đảo (ngồi tù ở Côn Đảo về nên có biệt danh Sơn Đảo) rủ rê và chỉ đạo những đứa em ruột là Cương võ sĩ, Hoàng bệu, Tiềm... buôn bán ma túy, phất lên khá nhanh.

Có tiền, Sơn Đảo bèn bỏ tiền ra bảo trợ cho lò võ Hổ Bạch Ân, đồng thời xây dựng luôn một phòng tập cho đám chiến hữu ngay trong Trại lính nhảy dù Hoàng Hoa Thám. Cử chỉ hào phóng này đã được đám sĩ quan binh lính thuộc binh chủng dù đáp lại bằng cách sẵn sàng hậu thuẫn cho Vũ Đình Khánh trong các cuộc làm ăn trong bóng tối. Trong số những kẻ "đỡ lưng" cho Khánh có trung tá Lê Quang Lương, trung tá Be (Ban 2 dù), thiếu tá Đường (Sư đoàn 3 dù), trung úy Nguyên con đỡ đầu của tướng Cao Văn Viên...

Được hậu thuẫn mạnh, chẳng bao lâu Vũ Đình Khánh đã trở thành kẻ cung cấp ma túy cho một khu vực rộng lớn dọc hai trục đường chính là Trương Minh Giản (nay là Lê Văn Sĩ) và Lê Văn Duyệt (nay là Cách Mạng Tháng Tám). Ngoài ra, trên hai trục đường đó còn có cả chục tiệm hút, sòng bài thuộc quyền quản lý của Fami (gia đình) Vũ Đình Khánh.

Thêm vào đó, đổi lại việc bảo trợ cho lò võ và Trại lính nhảy dù, anh em Sơn Đảo nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của các thế lực này để loại bỏ đối thủ cạnh tranh, tiến tới độc quyền cung cấp bạch phiến trên một khu vực rộng lớn quanh khu vực Chợ Ông Tạ - Lăng Cha Cả và hai trục đường lớn là Trương Minh Giản và Lê Văn Duyệt. Việc anh em nhà Sơn Đảo "sóng bước" cùng các tay anh chị là những tấm lá chắn mà dân chơi Sài Gòn nghe tên là phải "ớn ba sườn, không dám đụng" như: Trung tá Lê Quang Lường, Trung tá Be (ban 2 Dù), Thiếu tá Đường (Sư đoàn 3 Dù), Trung uý Nguyên, con nuôi tướng Cao Văn Viên... Võ sư Hổ Bạch Sơn cho biết, những thông tin về Sơn Đảo là có thực nhưng Sơn Đảo không phải là học trò của thầy tôi mà là học trò của Trần Xil. Điều này cũng bác bỏ có thông tin cho rằng, Sơn Đảo là một trong những học trò của võ đường Hổ Bạch Ân.

Xã hội - Thực hư câu chuyện 'người giang hồ' Hổ Bạch Ân

Một khu vực rộng lớn từng là địa bàn phân phối bạch phiến của anh em nhà Sơn Đảo được sự bảo kê của Sư đoàn Nhảy dù và nghi vấn có sự bảo kê của võ đường Bạch Hổ Ân.

Võ sư Hổ Bạch Sơn cho biết thêm, võ sư Hổ Bạch Ân và võ sư Trần Xil là hai người bạn. Trần Xil là một võ sư người Việt gốc Khmer. Trần Xil từng lập võ đường mang tên Trần Xil trong Lữ đoàn Nhảy dù của Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Ông đã đào tạo được nhiều võ sĩ tài giỏi, như: Trần Mạnh Hiền, Trần Bạch Hoa... Ông và các võ sư: Hồ Văn Lành (Từ Thiện), Xuân Bình và Lý Huỳnh được Tổng Nha Thanh Niên, thuộc Bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh Niên của Việt Nam Cộng Hòa tặng bằng danh dự về thành tích "đào tạo nhiều võ sĩ ưu tú cho làng đấm Việt Nam", và từ đó, bốn vị võ sư này đã được giới võ Sài Gòn mệnh danh là "Tứ Tú" (bốn ngôi sao sáng), nối tiếp con đường khôi phục và phát huy truyền thống võ thuật của người Việt. Trước đó có "Tam Nhựt" (Hàn Bái, Ba Cát, Bảy Mùa) và "Tam Nguyệt" (Trương Thanh Đăng, Quách Văn Kế, Vũ Bá Oai).

"Khi cố sư phụ tôi mở võ đường gần công viên Lê Thị Riêng thì đối diện đó là Trại lính nhảy dù Hoàng Hoa Thám. Học trò của thầy tôi có nhiều thành phần nhưng hầu như không có ai là lính nhảy dù. Còn học trò của võ sư Trần Xil đa phần là những người xuất thân hoặc gia nhập lính nhảy dù của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, đồn trú tại Trại lính nhảy dù Hoàng Hoa Thám. Chuyện học trò của bạn gọi mình bằng thầy theo cách xã giao là chuyện thường. Thế nên Sơn Đảo thường gọi sư phụ tôi là thầy, nhiều người không biết, tưởng Sơn Đảo là học trò của ông thật. Còn chuyện Sơn Đảo bảo trợ cho võ đường Hổ Bạch Ân hay không và đổi lại, anh em nhà Sơn Đảo được lò võ Hổ Bạch Ân "bảo kê" để làm ăn thật tình tôi cũng không rõ. Về chuyện này, tôi cũng đã hỏi anh Hổ Bạch Ba, người theo sư phụ tôi lâu năm nhưng anh Ba cho biết không có chuyện này. Việc sư phụ tôi và võ đường Hổ Bạch Ân với Sơn Đảo cũng có qua lại nhưng những chuyện như trên thì tôi không được biết và chỉ nghe lại như vậy", võ sư Hổ Bạch Sơn cho biết thêm.

Chuyện ít biết về danh xưng Bạch Hổ thần

Bên cạnh những câu chuyện liên quan tới Sơn Đảo thì võ sư Hổ Bạch Sơn còn cho chúng tôi biết một câu chuyện về nội tình của võ phái. Thời ấy, võ đường Hổ Bạch Ân cho ra lò nhiều thế hệ võ sỹ đấu đài danh trấn. Điển hình như Hổ Bạch Ba, Hổ Bạch Truyền, Hổ Bạch Beo... và ông cũng thường đấu đài. Vào thập niên 60 - 70, tôi là một người khá to cao, lúc đó ông khoảng trên 70kg thuộc võ sỹ hạng nặng nên ít có người thách đấu (vì không hợp hạng cân). Bên cạnh "luật" đó thì nhiều khi người ta thách đấu mà không quan tâm tới hạng cân, miễn sao "cáp" với nhau là thượng đài. Võ sư Hổ Bạch Sơn cho hay: "Tôi cũng đã lên sàn và đấu nhiều trận nhưng không nổi như các sư huynh khác.

Người đấu đài và thắng oanh liệt nhất là sư huynh Hổ Bạch Ba. Anh Ba "uýnh" từ miền Tây lên Sài Gòn không có đối thủ. "Uýnh" trăm trận thắng cả trăm, thế nên giới võ lâm mới phong tặng cho anh biệt danh "Bạch Hổ Thần". Bên cạnh anh Ba thì có sư huynh Bạch Hổ Truyền cũng đấu đài tài giỏi không kém. Sau này, trong võ phái, người có công đưa võ phải lên tới tầm cao mới là sư huynh Hổ Bạch Ba còn người làm công tác huấn luyện giỏi thì phải kể trước hết là sư huynh Hổ Bạch Truyền".

Ngoài hai cái tên tôi vừa nhắc thì Hổ Bạch Beo cũng là cái tên đáng chú ý trong võ phái. Hổ Bạch Beo là một tay đấm có "hạng", nhiều người kiêng nể. Tuy nhiên, do Hổ Bạch Beo theo đám lính nhảy dù ăn chơi, tụ tập... nên sư phụ Hổ Bạch Ân đã gọi về cho mấy cái bạt tai và trục xuất khỏi võ đường. Sau sự kiện đó, Hổ Bạch Beo về lò võ của Trần Xil đóng trong Sư đoàn Lính nhảy dù Hoàng Hoa Thám. Cũng từ đây, Hổ Bạch Beo đổi sang biệt danh mới, theo họ sư phụ mới là Trần Beo. Ngoài ba cái tên Hổ Bạch Ba, Hổ Bạch Truyền, Hổ Bạch Beo thì lò võ Hổ Bạch Ân còn "sản xuất" ra nhiều thế hệ võ sư, võ sỹ tạo nên tiếng tăm một thời như Hổ Bạch Hoa, Hổ Bạch Quế, Nguyễn Hữu Thọ... (Ông Thọ hiện nay là Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam). Thời ấy, tuy các môn đệ ở mỗi nơi khác nhau, nhưng cứ tối thứ 7 hàng tuần bắt buộc phải tụ hội về võ đường trên Lê Văn Duyệt để sinh hoạt.            

Nhìn người để truyền thụ võ công

Võ sư Hổ Bạch Sơn chia sẻ: "Riêng về phần tôi, theo sư phụ vào khoảng năm 1965. Tôi là học trò được sư phụ xem như con trong gia đình. Vì sư phụ Hổ Bạch Ân và ba tôi là bạn với nhau. Tuy vậy, với sư phụ thì việc dạy và truyền đạt những kiến thức về võ học phụ thuộc vào cảm tình, suy nghĩ của từng người. Sư phụ đã thích ai thì truyền đạt nhiều cho người đó. Ngày xưa học võ là vậy, chứ không như bây giờ, học phải theo bài để đi thi lấy bằng huấn luyện viên, bằng võ sư... Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, võ thuật cũng bị ngưng một thời gian. Đến khoảng năm 1987 thì tôi chính thức mở võ đường và làm công tác huấn luyện. Từ đó đến nay, cũng có nhiều môn sinh đạt các huy chương vàng Quốc gia, cấp thành phố... như Hổ Bạch Chất, Hổ Bạch Doanh, Hổ Bạch Bình...".

Trung Nghĩa

Đột nhập lớp học đặc biệt của nữ võ sư Sài thành

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:02
“Nhiều em không nhìn thấy được mặt cô, có em không nghe được thầy cô nói. Và bệnh tật làm cho trí não các em chỉ dừng lại ở một đứa trẻ lên ba. Thế nhưng tôi yêu thương các em ở niềm đam mê thể thao và sức vươn lên mãnh liệt ở những đứa trẻ không lành lặn.”

Giai thoại về võ sư được mệnh danh “người đẹp Gò Công”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:49
Không chỉ nổi danh với các chiêu thức võ thuật, võ sư Hồng Long còn có hàng trăm người đẹp “xin chết”.

Võ sư Lý Huỳnh, "sát thủ" đấu trường trở thành nghệ sỹ nổi tiếng

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:49
Lý Huỳnh được liệt vào hàng "Tứ tú" nổi tiếng, là thế hệ tiếp nối của các võ sư tiếng tăm lừng lẫy một phương như nhóm "Tam nhật" gồm Hàn Bái, Ba Cát, Bảy Mùa và "Tam nguyệt" gồm võ sư Trương Thanh Đăng, Quách Văn Kế, Vũ Bá Oai.

Võ sư Việt Nam thách đấu Lý Tiểu Long

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
Với chiêu thức "liên hoàn bát cước", Lý Huỳnh khiến báo giới nước ngoài khâm phục.