Võ sư Lý Huỳnh,

Võ sư Lý Huỳnh, "sát thủ" đấu trường trở thành nghệ sỹ nổi tiếng

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:49
0
Lý Huỳnh được liệt vào hàng "Tứ tú" nổi tiếng, là thế hệ tiếp nối của các võ sư tiếng tăm lừng lẫy một phương như nhóm "Tam nhật" gồm Hàn Bái, Ba Cát, Bảy Mùa và "Tam nguyệt" gồm võ sư Trương Thanh Đăng, Quách Văn Kế, Vũ Bá Oai.

Ít có ai ngờ được "con báo đen" Lý Huỳnh, một trong những "tứ tú" lẫy lừng của nền võ thuật Việt Nam lại trở thành diễn viên, đạo diễn. Không những thế, ông còn đạt được danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân cao quý do Nhà nước ban tặng.

Lấn sân sang điện ảnh, tuy là tay ngang nhưng Lý Huỳnh đã sớm khẳng định tên tuổi và tài năng qua những vai diễn đa diện, đa sắc màu. Từ một Đại úy Long vô cùng gian ác, khiến người người căm phẫn trong "Mùa gió chướng", Lý Huỳnh đã lại hóa thân thành ông Hai Lúa rặt tính miệt vườn, hiền lành, chân chất trong "Vùng gió xoáy" của NSND Hồng Sến.

Cơ duyên run rủi, võ sư này trở thành đạo diễn, và từ đó góp phần không nhỏ tạo nên tên tuổi của dàn diễn viên "vang bóng một thời" như Lý Hùng (con trai ruột Lý Huỳnh), Lê Công Tuấn Anh, Diễm Hương, Việt Trinh...

Sự kiện - Võ sư Lý Huỳnh, 'sát thủ' đấu trường trở thành nghệ sỹ nổi tiếng

Những vai diễn làm nên tên tuổi của Lý Huỳnh

Những bài học vỡ lòng

Lý Huỳnh sinh năm 1942, tên thật là Lý Kim Tuyền, quê gốc Vĩnh Long. Từ năm 12 tuổi, cậu bé Lý Kim Tuyền đã nổi tiếng khắp làng vì thông minh, nhanh nhẹn lại có vóc dáng cao lớn hơn người. Bởi vậy, chẳng mấy chốc, cậu bé Lý Kim Tuyền đã "lọt vào mắt xanh" của người hàng xóm vốn là võ sư nổi danh - Hai Yến.

Hai Yến bản chất lương thiện, hào hiệp trượng nghĩa. Ông yêu trò như con nên Kim Tuyền một lòng kính phục. Dẫu đã qua mấy thập kỉ nhưng cho đến bây giờ, mỗi khi nhắc lại người thầy đầu tiên, võ sư Lý Huỳnh vẫn không khỏi rưng rưng xúc động: "Ngày đó, cơm không đủ no, áo không đủ mặc, vậy mà hôm nào đến nhà học võ thầy cũng bồi dưỡng cho tô cháo nóng. Tình cảm đó vốn là thứ khó gì có thể thay thế".

Ba năm theo học Võ sư Hai Yến, Lý Huỳnh được lãnh hội nhuần nhuyễn những ngón tự vệ, đối kháng. Ngày đó, nhìn vào cách ra đòn thông minh của cậu bé 15 tuổi, võ sư Hai Yến đã cảm thấy một tương lai võ học sáng sửa đang chờ đợi người học trò này.

Sau thời gian tập luyện cùng võ sư Hai Yến, Lý Kim Tuyền lại tiếp tục được một võ sư "đình đám" khác cưu mang. Đó không ai khác chính là cố võ sư Huỳnh Tiền, cựu vô địch Đông Dương Quyền tự do sáng lập tại Việt Nam. Thời ấy, trên võ đài, võ sư Huỳnh Tiền tinh nhuệ vô song, chưa từng biết sợ hãi trước một đối thủ hung hãn nào.

Với chiến lược nhu cương nhuần nhuyễn, khiến bao nhiêu tay đấm tại Sài Gòn - Chợ Lớn bấy giờ khiếp đảm. Hai năm ròng rã luyện tập dưới trướng Huỳnh Tiền, không thể kể hết đã có bao nhiêu lần Kim Tuyền tận mắt chứng kiến thầy thượng đài. Với ngộ tính võ học thuộc dạng tinh tường, cậu bé Lý Kim Tuyền ngày nào giờ đã thông thạo kỹ thuật cận chiến trên sới võ vốn dĩ muôn hình vạn trạng mà mỗi võ sĩ phải khổ luyện.

Sau thầy Huỳnh Tiền, Lý Kim Tuyền còn theo học một võ sư nổi tiếng khác thuộc môn phái Thiếu Lâm Tự. Đó chính là võ sư Huỳnh Đạt Dân. Lần này Lý Kim Tuyền được thụ giáo thêm những tinh hoa về binh khí, kiếm ,côn, quyền, thế… của môn phái Thiếu Lâm lừng lẫy. Nhờ tính biểu diễn đẹp mắt mà hiệu quả, chính những ngón nghề này đã giúp Lý Kim Tuyền về sau trở thành một võ sư, đạo diễn, diễn viên nổi tiếng, đi đầu trong giới võ thuật điện ảnh của Việt Nam.

Những trận thượng đài đi vào huyền thoại

Năm 1959, sau quãng thời gian miệt mài rèn luyện cùng những người thầy tiếng tăm, Lý Kim Tuyền lần đầu tiên thượng đài với võ danh Lý Huỳnh. Không hiểu do vô tình hay hữu ý mà Lý Huỳnh được ghép đấu trận đầu tiên với Léote Francoise, vô địch quyền Anh quân đội Pháp. Về kinh nghiệm, ai nhìn qua cũng thấy sự chênh lệch. Hơn nữa, Léote lại nặng hơn Lý Huỳnh hẳn mười kí. Thế nên, báo giới Sài Gòn lúc bấy giờ bắt đầu chú ý đến trận thượng võ đài không cân tài cân sức này. Riêng về Lý Huỳnh, trận đầu đã phải gặp đối thủ được đánh giá là hơn mình về mọi mặt, cũng không tránh khỏi nhiều phần lo âu.

Lý Huỳnh kể: "Lúc đó, thấy tôi có vẻ bồn chồn lo lắng, thầy Huỳnh Tiền mới kêu lại dạy rằng, thượng đài cũng như một trận chiến với quân giặc. Nếu quân giặc quá mạnh thì mình đừng tốn sức đối chọi làm gì. Cứ vờn cho địch hao hơi tổn sức, lúc đó bình tĩnh nhận ra điểm yếu, điểm mạnh của đối thủ thì đảm bảo, trăm trận trăm thắng". Nói xong thầy đặt tay lên vai Lý Huỳnh đầy tin cẩn. Nhờ có lời khuyên đó của người thầy mà võ sư này đã hóa giải được một đòn tâm lý nặng nề.

Trận đấu "kinh điển" giữa một võ sĩ chưa tên tuổi và tay đấm ngoại quốc vừa đoạt chức vô địch khiến người hiếu kì đổ về sân vận động Vũng Tàu đông như kiến. Sau hồi còi khai cuộc, Léote lao vào tấn công Lý Huỳnh như vũ bão. Chàng thanh niên nhanh nhẹn vừa tránh đòn vừa quan sát đối thủ. Chỉ mấy mười giây đầu của hiệp đấu thứ nhất, Lý Huỳnh đã nhận thấy Léote Francoise tuy có sức mạnh và tốc độ nhưng phòng thủ không chặt, khi tấn công còn để lộ quá nhiều điểm yếu.

Với sự trầm tĩnh của mình, đến hiệp hai, Lý Huỳnh vẫn chưa vội giở ngón nghề. Bắt đầu hiệp thi đấu thứ ba, Léote điên tiết vung nắm đấm áp đảo Lý Huỳnh dữ dội. Sau khi nhận thấy đối thủ có vẻ xuống sức và mất dần sự chủ động, Lý Huỳnh bất ngờ phản đòn bằng một đòn tay trái thẳng mặt. Léote mê mải tấn công bỗng giật mình chống đỡ. Ngay lập tức, Lý Huỳnh xoay hông, lắc vai tung ra cú thôi sơn tay mặt. Trở tay không kịp, Léote bị một đòn tối tăm mặt mũi. "Con báo đen" áp sát Léote dồn về phía dây đài, chống cự được vài giây nữa thì Léote bị knock - out trong hiệp thứ ba. Lúc ấy, vì sức mạnh của Léote Francoise đã từng được ví như hổ, nên Lý Huỳnh chẳng mấy chốc được báo chí phong cho ông biệt danh "con báo đen" của làng võ Sài Gòn - Chợ Lớn.

Từ đó, cái tên Lý Huỳnh đã khiến đồng môn khắp chốn phải kiêng dè. "Thừa thắng xông lên", Lý Huỳnh liên tục nhận được lời thách đấu từ các võ sĩ có tiếng tăm nhất trong làng võ thời bấy giờ. Năm 1964, ông đánh bại Mạch Trung Phương - cựu vô địch miền Trung, Anh Thạch - cựu vô địch miền Bắc, thủ hòa với võ sĩ Văn Đại - đương kim vô địch quyền Anh.

"Bông hồng thép" bên cạnh "báo đen"

Trên sàn đấu, ông là "báo đen", trên phim trường, ông được tôn vinh với danh hiệu cao quý nhất: Nghệ sĩ Nhân dân. Trở về cuộc sống gia đình, ông là một người chồng, người cha mẫu mực và trên hết là một người đàn ông hạnh phúc. Bởi bên cạnh ông có một "bông hồng thép" Đoàn Thị Nguyên (Lý Lan). Người đàn bà này đã gắn bó cùng NSƯT - Võ sư Lý Huỳnh 47 năm nay.

Ngay từ những năm 1960, Sau khi vụt sáng trở thành một đấu sĩ khiến nhiều đối thủ sợ hãi. Lý Huỳnh cũng đã khiến nhiều trái tim thiếu nữ phải "chao đảo". Ngày ấy, cùng thọ giáo ở võ đường của võ sư Huỳnh Tiền, Lý Huỳnh có một cô bạn đồng môn tên là Đoàn Thị Nguyên. Dù tung hoành trên võ đài là vậy nhưng đối với mọi người, Lý Huỳnh lại "ăn điểm" bằng sự hiền lành, ít nói. Tình cảm huynh muội cứ nảy nở dần. Những lần "sư huynh" thượng đài không thể thiếu "sư muội" luôn bên cạnh chăm sóc, cổ vũ tinh thần. Chuyện tình của họ không lãng mạn mà giản dị, đúng chất "con nhà võ".

Đến năm 1965, tình cảm "huynh - muội" chính thức khép lại bằng một đám cưới giản dị và viên mãn. Mặc dù thuộc "phái yếu" nhưng tính cách cứng rắn, quyết đoán và niềm đam mê võ thuật đã rèn luyện cho bà Nguyên một bản lĩnh mạnh mẽ, vững vàng mà nhiều bậc "nam nhi" phải học tập. Có lần, thấy chồng bị trọng tài xử ép, bà đã phi thẳng lên võ đài nói thẳng vào mặt trọng tài: "Ông bắt không công bằng" rồi đuổi cổ vị trọng tài đó xuống sàn. Kể lại chuyện đó, bà Nguyên bật cười: "Hồi trẻ tôi ương ngạnh lắm, không biết sợ là gì". Có thể nói những vinh quang của nghiệp võ mà võ sư Lý Huỳnh gặt hái được có phần đóng góp không nhỏ của "bông hồng thép" này.

Những năm đầu sau giải phóng là khoảng thời gian khó quên trong cuộc sống gia đình NSƯT Lý Huỳnh. Kinh tế khó khăn, trong khi ông bôn ba theo các đoàn phim thì bà ở nhà một tay chăm lo cho sáu đứa con. Bà nhớ lại: "Thời đó cực không thể tả. Có những ngày Lý Sơn, Lý Hùng phải đội mưa chở mẹ đi giao hàng đến tận 12h đêm. Khổ nhất là những bữa nhịn đói phát run để giao kịp chuyến hàng, rồi lặn lội đến gõ cửa từng nhà mời mua xăng…". Giờ đây khi đã có cơ ngơi vững chắc, bà luôn tích cực trong các hoạt động từ thiện vì gia đình bà hiểu cái nghèo là như thế nào. Bà muốn chia sẻ với những người có cảnh ngộ giống như mình trước đây.

47 năm là thời gian đủ để khẳng định cho một tình yêu trọn vẹn và duy nhất của ông bà. 47 năm đó tất nhiên cũng có những lúc "cơm không lành, canh không ngọt" nhưng những lần hiếm hoi ấy cũng chưa bao giờ kéo dài quá… năm phút. Bởi ông bà luôn biết phải "nhỏ lửa" khi "cơm sôi".

Người học võ phải biết khiêm nhường

Lên đỉnh vinh quang khi còn quá trẻ, nhưng Lý Huỳnh lúc ấy, khi nào cũng tâm niệm lời dạy của thầy Huỳnh Tiền về đức khiêm tốn. Ngừng dòng hồi tưởng về quá khứ, ông ngẩng lên nhìn tôi, cười: "Dù là võ học hay trong cuộc sống, tôi đều luôn ghi nhớ hai chữ "khiêm nhường". Bởi theo võ sư Lý Huỳnh, trùng dương sóng sau xô sóng trước, không ai có thể ngủ mãi trên vinh quang mà không chịu tiếp tục tôi rèn, khổ luyện. Nhờ vậy, Lý Huỳnh tiếp tục tiến những bước vô cùng vững chắc trên con đường võ học. Được liệt vào hàng "Tứ tú" (bốn vì sao) cùng với võ sư Nguyễn Xuân Bình, Trần Xil, Hồ Văn Lành. Ông cũng là thế hệ tiếp nối của các võ sư tiếng tăm lừng lẫy một phương như nhóm "Tam nhật" gồm Hàn Bái, Ba Cát, Bảy Mùa và "Tam nguyệt" gồm võ sư Trương Thanh Đăng, Quách Văn Kế, Vũ Bá Oai.

Hồ Ngọc Giàu - Bạt Phong