Voọc vá chân nâu suy vong hay phát triển?

Voọc vá chân nâu suy vong hay phát triển?

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:06
0
Theo báo cáo chuyên đề năm 2010 của Chi cục Kiểm lâm: Với hệ thực vật rừng gồm 1.000 loài thuộc 4 ngành, trong đó có 39 loài thuộc Nhóm IIA đến tình trạng cực kỳ nguy cấp (CR).

Hệ động vật rừng có 288 loài; hệ sinh vật biển có rạn san hô, thảm cỏ biển, các loài cá rất đa dạng và phong phú... nên có thể khẳng định đa dạng sinh học tại bán đảo Sơn Trà tiêu biểu nhất của hệ sinh thái đất ướt ven biển ở nước ta. Đặc biệt, nơi đây tập trung cá thể Voọc vá chân nâu lớn nhất ở Đông Nam Á, cũng như trong cả nước và đang có nguy cơ tuyệt chủng rất cao.

Ông Thái Văn Quang, Trưởng phòng Kỹ thuật Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh: Chính vì nhận rõ được tầm quan trọng về tài nguyên thiên nhiên của bán đảo Sơn Trà, sau một năm miền Nam hoàn toàn giải phóng, UBND cách mạng tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 233 về việc bảo vệ và khôi phục rừng ở bán đảo này.

Năm 1977, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 41 chính thức quy định 10 khu rừng cấm Quốc gia, trong đó có Khu rừng cấm Quốc gia Sơn Trà. Đến năm 1992, Bộ Lâm nghiệp lúc bấy giờ ra Quyết định số 447 phê duyệt luận chứng kinh tế kỹ thuật, xây dựng Khu Bảo tồn Thiên nhiên Sơn Trà với tổng diện tích tự nhiên 4.439ha. Trên cơ sở đó, năm 1997 chính thức thành lập Ban quản lý Khu bảo tồn này.

Anh Nguyễn Mạnh Tiến, Phó trưởng phòng quản lý Khu Bảo tồn Thiên nhiên Sơn Trà cho biết: Kể từ năm 1969, Voọc vá chân nâu trên bán đảo Sơn Trà đã được ghi nhận thông qua các cuộc điều tra, nghiên cứu của Nhà động vật học Van Peenen (Mỹ) và các cộng sự của ông. Sau đó là kết quả điều tra của Thạc sĩ Đinh Thị Phương Anh, Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng và các mẫu vật có được từ năm 1997 đến nay, do Chi cục Kiểm lâm thành phố tịch thu được từ những kẻ săn bắt trái phép.

Được sự tài trợ của Tổ chức Voọc vá Quốc tế (Douc Langur Foundaion-San Diego, USA), năm 2006 các nhà khoa học trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trường Đại học Sư Phạm (Đại học Đà Nẵng) đã phối hợp với Chi cục Kiểm lâm thành phố tiến hành điều tra thực địa loài Voọc này tại bán đảo Sơn Trà khá bài bản và chi tiết.

Qua đó, các nhà khoa học và quản lý đã đưa ra kết quả điều tra quan trọng qua những thước phim tư liệu quý giá, khẳng định rõ Voọc vá chân nâu là một trong số những loài thú lớn còn khá phổ biến và phân bố rộng khắp ở các khu rừng của Khu Bảo tồn Thiên nhiên Sơn Trà, nhất là những khu rừng có hiện trạng tốt, nhiều cây to và cao như Chò đen, Trâm... Quan sát trực tiếp tại thực địa, bước đầu họ đã xác định được 12 đàn Voọc vá với số lượng khoảng 171 -198 cá thể. Mỗi đàn trung bình có 14-17 cá thể, một số đàn có cả con đang trưởng thành và con non. Điều này chứng tỏ quần thể Voọc vá chân nâu nơi đây đã và đang sinh trưởng phát triển tốt.

Nhóm các nhà khoa học Trường Đại học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng: Các chuỗi thức ăn của loài linh trưởng này là chồi, lá, hoa, quả của 77 loài cây chính còn khá phổ biến trong Khu bảo tồn; độ che phủ của rừng, trong đó những cánh rừng nguyên sinh được bảo toàn khá nguyên vẹn.

Kể từ năm 2000 đến nay, ngoài một vài trường hợp thu giữ được cá thể Voọc vá chân nâu do xung đột bầy đàn bị thương rơi xuống đất hay bị lạc bầy, còn chưa phát hiện được bất cứ vụ săn bắt loài linh trưởng này cụ thể. Minh chứng sống động là thông qua nghiên cứu sinh thái dinh dưỡng tiến hành từ năm 2008 đến năm 2010, họ đã phát hiện, thống kê được 18 đàn Voọc vá chân nâu với khoảng 300 cá thể, tăng 6 đàn và 102 cá thể so với số liệu khảo sát, điều tra năm 2006.

Tuy vậy, các mối đe dọa làm suy giảm đa dạng sinh học tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Sơn Trà, nhất là ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển của loài Voọc vá chân nâu đã và đang hiện hữu. Trước hết, đó là đặc thù địa hình của bán đảo này không có hành lang sinh học tự nhiên, nên những hoạt động của con người đang tác động xấu tới cảnh quan và môi trường trên bán đảo.

Việc phát triển cơ sở hạ tầng, đường giao thông và phát triển du lịch sinh thái ngay trong Khu Bảo tồn theo kiểu "mở toang cánh cửa" cho du khách tự do xâm nhập, đã hủy hoại đáng kể đến sự đa dạng sinh học.

Tập tính của loài Voọc vá chân nâu là ăn, nghỉ, ngủ trong một thời điểm nhất định, ngay cả thức ăn trong ngày cũng khác nhau và theo từng mùa, chúng chỉ di chuyển trên cây. Do đó, việc xây dựng các khu du lịch và mở đường giao thông trong Khu Bảo tồn đang làm cô lập chúng với chuỗi thức ăn theo tập tính.

Cũng 3 năm vừa qua, lực lượng chức năng đã phát hiện và tháo dỡ hơn 5.000 bẫy thép động vật rừng ngay trong lõi của Khu Bảo tồn... Những vấn đề nổi cộm đó cần được UBND thành phố và các cơ quan chức năng phải thực hiện ngay những biện pháp khả thi ngăn chặn, khắc phục kịp thời.

Văn Hào