Vụ Tiên Lãng sẽ là “ngòi nổ xã hội” nếu...

Vụ Tiên Lãng sẽ là “ngòi nổ xã hội” nếu...

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:56
0
"Theo tôi, nếu không được giải quyết hợp lý hợp tình, đất đai sẽ là “ngòi nổ” của những vụ gây mất ổn định xã hội" GS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Đại biểu Quốc hội trao đổi xung quanh vụ việc Tiên Lãng.

Ngay sau khi Chính phủ đưa ra kết luận về “vụ việc Tiên Lãng” PV báo Nguoiduatin.vn đã có cuộc trao đổi với GS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Đại biểu Quốc hội xung quanh vấn đề này.

Chính người dân Tiên Lãng đã bỏ phiếu bầu Thủ tướng là ĐBQH

- Có lẽ, chưa vụ việc nào lại khiến người dân "nín thở" chờ đợi kết luận của Thủ tướng như vụ việc ở Tiên Lãng. Theo ông, việc Thủ tướng vào cuộc có ý nghĩa như thế nào?

Bình thường, việc cưỡng chế, thu hồi đất đai ở cấp xã thì chỉ cấp huyện cùng lắm là cấp tỉnh xử lý là xong. Tuy nhiên, vụ việc này lại chứa đựng quá nhiều vấn đề buộc Chính phủ phải vào cuộc. Theo tôi, việc Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo giải quyết vụ cưỡng chế đối với gia đình ông Đoàn Văn Vươn là hết sức cần thiết.

Sở dĩ tôi nói như vậy là vì: Thứ nhất, chính sách đất đai của nước ta chưa thực sự hợp lý. 80% các vụ khiếu kiện và khiếu kiện kéo dài, khó giải quyết đều liên quan đến đất đai. Điều đó chứng tỏ là chính sách đất đai còn nhiều bất cập. Tôi hi vọng, qua sự việc cụ thể này, Thủ tướng Chính phủ có thể nhận thấy những khiếm khuyết của chính sách, pháp luật về đất đai để sửa đổi cho hợp lý.

Thứ hai, việc Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo còn liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về chỉnh đốn Đảng nhằm nâng cao sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của Đảng.

Nhịp sống - Vụ Tiên Lãng sẽ là “ngòi nổ xã hội” nếu...

GS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Đại biểu Quốc hội.

Chúng ta có thể thấy, vụ việc ở Tiên Lãng còn là bài học về cách hành xử của cán bộ với nhân dân. Lãnh đạo ở Tiên Lãng và một số lãnh đạo ở Hải Phòng đã đi ngược lại đường lối của Đảng và Nhà nước là luôn lấy dân làm gốc. Họ đã lợi dụng các khe hở của pháp luật để cưỡng đoạt tài sản của dân, đó là chưa kể đến khả năng có động cơ vụ lợi. Khi người dân phản ứng, họ lại huy động cả một lực lượng hùng hậu (công an, bộ đội...), thậm chí, theo phản ánh của một số nhà báo, sử dụng cả lực lượng giang hồ để cưỡng chế, phá nhà dân. Khi đã mắc sai lầm, họ không biết cách sửa sai lại còn nói dối quanh, ngụy biện và đùn đẩy trách nhiệm.

Có lẽ, qua sự việc này, Thủ tướng cũng rút ra được những kinh nghiệm về tổ chức bộ máy cán bộ ở cấp dưới để từ đó cùng với Trung ương tìm ra những biện pháp chấn chỉnh bộ máy này để nó vận hành đúng chức năng công bộc của dân và đúng luật pháp.

Một lý do nữa tôi cũng cho rằng Thủ tướng Chính phủ vào cuộc lần này là rất hợp lý. Bởi vì, Thủ tướng Chính phủ chính là Đại biểu Quốc hội của TP Hải Phòng và người dân Tiên Lãng chính là người bầu Thủ tướng vào Quốc hội. Vụ việc này liên quan đến người dân thì đại biểu Quốc hội phải xem xét là điều đương nhiên.

Đấy là lãnh đạo quan liêu, vô cảm với dân

- Sau khi sự việc trên xảy ra, nhiều ý kiến cho rằng lãnh đạo TP Hải Phòng luôn tỏ ra rất "vô can" trong khi họ có phần trách nhiệm không nhỏ. ông nghĩ sao về ý kiến này?

Bác Hồ đã dạy rằng, việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh. Trong sự việc này, không chỉ lãnh đạo huyện Tiên Lãng mà lãnh đạo TP Hải Phòng cũng có trách nhiệm lớn. Chưa nói đến trách nhiệm liên đới đã được phân tích trong nhiều bài báo mà chỉ nói về trách nhiệm đối với đời sống người dân thôi cũng thấy đã sai rồi. Một việc nghiêm trọng như thế xảy ra cả tháng, phụ nữ, trẻ con nhà ông Vươn ăn dầm ở dề giữa mưa rét trong cái lều bạt suốt Tết cổ truyền mà lãnh đạo cứ làm ngơ, mãi đến lúc Thủ tướng Chính phủ xếp lịch họp để giải quyết thì họ mới đến gặp dân và làm mấy động tác “hạ nhiệt”. Đấy là lãnh đạo quan liêu, không phải là sinh ra để phục vụ dân.

- Qua “vụ Tiên Lãng” cho thấy, cách làm việc không chấp pháp, tùy tiện, xa rời dân... của một bộ phận lãnh đạo có phải là "căn bệnh" phổ biến hiện nay?

Đúng là như vậy. Những người làm trong bộ máy chính quyền cần nhớ là họ hưởng lương từ đồng thuế của dân đóng gớp. Chính vì vậy, họ phải phục vụ, làm công bộc cho dân. Kể cả trong trường hợp có thể chính quyền cưỡng chế đúng luật nhưng họ cũng phải nên nghĩ đến cuộc sống của dân. Tôi thấy khó hiểu vì sao lãnh đạo Tiên Lãng lại có thể phá phách nhà dân rồi mặc kệ họ sống ra sao thì sống.

Câu chuyện cưỡng chế, phá nhà dân ngay trước Tết Nguyên đán, để mặc gia đình họ sống trong một túp lều làm cho người ta cảm thấy đau lòng. Đáng suy nghĩ hơn, trong lúc cùng cực, vợ con ông Vươn vẫn đặt niềm tin vào pháp luật thể hiện bằng hình ảnh lá cờ Việt Nam cắm trên túp lều trơ trọi giữa đống gạch vụn ấy.

Mặt khác, trong sự việc này, chúng ta cũng phải nhìn nhận ông Đoàn Văn Vươn là người vừa có công lại vừa có tài. Gia đình ông đã mất bao nhiêu mồ hôi và nước mắt để khai hoang. Một số nhà báo còn cho biết những con đường mà do chính tay ông Vươn đắp nên lại được một dự án đắp thêm để biến thành đường của dự án và tính tiền tỷ với Nhà nước. Không thể tưởng tượng được lãnh đạo huyện Tiên Lãng lại sử dụng quyền lực mà Nhà nước giao, quyền lực mà người dân tin tưởng đặt vào tay họ để chèn ép chính người dân.

Sẽ là “ngòi nổ xã hội” nếu...

“Thật ra, những mâu thuẫn giữa chính quyền địa phương với nhân dân xung quanh chuyện thu hồi đất đai, giải phóng mặt bằng không phải xảy ra lần đầu. Nếu chỉ có một vài vụ thì có thể nói đó là sai sót của một vài địa phương, nhưng khi cái sai đã rất phổ biến thì phải thay đổi chính sách. Theo tôi, nếu không được giải quyết hợp lý hợp tình, đất đai sẽ là “ngòi nổ” của những vụ gây mất ổn định xã hội”.

(GS.Nguyễn Minh Thuyết).

Minh Lý - Văn Chương