Vua nhạc sến: 'Bao giờ nước mình giàu, tôi sẽ viết nhạc sang'

Vua nhạc sến: 'Bao giờ nước mình giàu, tôi sẽ viết nhạc sang'

Thứ 5, 19/09/2013 | 14:30
0
Sến hay sang còn tùy vào nhiều yếu tố bao gồm nhạc điệu, lời ca và kỹ thuật trình diễn. Ba yếu tố đó có tầm ảnh hưởng lẫn nhau vì không phải cứ điệu bolero hay rumba là bài hát trở thành sến, ca từ không phải cứ mộc mạc là thuộc dòng nhạc sến và người hát nếu chú ý đến phong cách biểu diễn cũng có thể biến một bản nhạc cứ tưởng như thuộc loại sến trở thành một ca khúc được người nghe chấp nhận.

Kỳ 1: Sến hay sang?

Theo nhiều người, ca khúc Người yêu cô đơn của Đài Phương Trang là một bản nhạc “đặc sệt” chất sến. Nghe Chế Linh than thở, rên rỉ khiến có người nghe phải… rùng mình, rợn tóc gáy, nổi da gà:“Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng cô đơn / Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng không thành / Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng dở dang / Yêu ai cũng lỡ làng dù rằng tôi chẳng lỗi chi… Trời cho tôi cô đơn bao nhiêu lần nữa đây / Tôi không hề trách đời hay giận đời mau đổi thay”.

Sự kiện - Vua nhạc sến: 'Bao giờ nước mình giàu, tôi sẽ viết nhạc sang'

Vua nhạc sến Vinh Sử (giữa)

Cũng trong Người yêu cô đơn được remix với tiết tấu nhanh hơn pha trộn những đoạn “nói lối” theo kiểu rap, ca sĩ Ken Nguyễn đã khiến bài hát bớt đi chất sến và dĩ nhiên là được nhiều người chấp nhận. Thế cho nên, sến hay không là còn tùy cách trình diễn của người hát chứ không phải “một khi bản nhạc đã sến thì ai hát cũng vẫn là sến”!  

Ở một thái cực tương phản, cái gọi là nhạc sang dùng những ca từ mà chính những người “trí thức” cũng không hiểu hết những gì mình hát. Mấy ai đã cảm nhận hết những câu hát đại loại như “Ta thấy em trong tiền kiếp với mặt trời lẻ loi” hoặc “Ôm lòng đêm, nhìn vầng trăng mới về, nhớ chân giang hồ. Ôi phù du, từng tuổi xuân đã già, một ngày kia đến bờ, đời người như gió qua”. Tôi nghĩ, ngay chính bản thân người nhạc sĩ khi viết những lời như trên sẽ lúng túng khi có người cắc cớ nhờ giải thích cho rõ!

Phạm Duy với ca khúc Giết người trong mộng là một trường hợp khác hẳn. Từ bài thơ Hành khất của Hàn Mặc Tử ông đã phổ nhạc thành một bài hát mang sắc thái “sắt máu”, lập đi lập lại những động thái “giết người”, “giết người đi”… để “trả thù duyên kiếp phũ phàng” và để trừng phạt kẻ “quên tình nghĩa phu thê”.

Làm sao giết được người trong mộng

Để trả thù duyên kiếp phụ phàng?

Có lẽ không ai coi Giết người trong mộng là nhạc sến nhưng nhiều người vẫn không thoải mái khi phải hát những câu giết chóc từ đầu đến cuối bài hát. Bảo Giết người trong mộng là nhạc sang lại càng không đúng vì nó thiếu tư tưởng “hàn lâm” của một bản nhạc sang trọng.

Cũng cần phải nói thêm, miền Nam trước đây có tới hai dòng nhạc chính. Đầu tiên là Nhạc vàng và tiếp đến là Nhạc sến. Vào đầu thập niên 60, nhạc sĩ Phó Quốc Lân cho ra mắt ban Nhạc Vàng trên đài truyền hình Sài Gòn, ông cũng là tác giả những bản nhạc như Xuân ly hương, Hương lúa miền Nam, Mong ngày anh về, Vui khúc tương phùng…

Những hãng phát hành băng và đĩa nhạc cũng cho ra nhiều sản phẩm với tên gọi “Nhạc Vàng” như Hương Giang, Dạ Lan của nhạc sĩ Anh Bằng, và Shotguns của Ngọc Chánh. Tại miền Nam, nhạc vàng khi đó được hiểu là thể loại nhạc tình êm dịu, có tình yêu quê hương, tình yêu lứa đôi hoặc có nỗi lòng riêng tư của người lính chiến.

Những tác giả với tên tuổi gắn bó với Nhạc vàng phải kể đến Phạm Duy, Văn Phụng, Anh Bằng, Nguyễn Văn Đông… và thế hệ nhạc sĩ kế tiếp là Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng, Trần Thiện Thanh… Đó cũng là thời của các ca sĩ như Thái Thanh, Thanh Thúy, Hoàng Oanh, Khánh Ly, Hà Thanh, Thanh Tuyền, Chế Linh, Duy Khánh, Tuấn Vũ, Hương Lan, Giao Linh, Thanh Lan, Hùng Cường và Mai Lệ Huyền…

Thời của Nhạc vàng nổi bật với những ca khúc đã đi sâu vào tâm thức người miền Nam như Giọt mưa trên lá (Phạm Duy), Khúc ca ngày mùa (Lam Phương), Hoài thu (Văn Trí), Xóm đêm (Phạm Đình Chương), Ai lên xứ hoa đào (Hoàng Nguyên), Nắng chiều (Lê Trọng Nguyễn), Đường xưa lối cũ (Hoàng Thi Thơ), Nửa đêm ngoài phố (Trúc Phương), Thương hoài ngàn năm (Phạm Mạnh Cương), Nắng lên xóm nghèo (Phạm Thế Mỹ)...

Ở Miền Bắc, từ thập niên 1950 đã du nhập khái niệm "nhạc màu vàng" từ Trung Hoa và bị coi "là thứ âm nhạc lãng mạn, bi quan, hoặc khêu gợi tình dục và những khát vọng thấp hèn". Phong trào bài trừ "nhạc màu vàng" dưới thời Mao Trạch Đông cũng lan sang miền Bắc nên dòng nhạc tiền chiến thịnh hành trước năm 1954 cũng bị cấm.

Sau khi Sài Gòn sụp đổ, nhạc vàng gần như biến mất, thay vào đó là nhạc đỏ cách mạng. Thật ra thì nhạc vàng vẫn sống trong lòng người Sài Gòn qua những khúc hát nghêu ngao từ cửa miệng người dân, hoặc nghe lén qua băng cassette còn sót lại sau chiến dịch “bài trừ văn hóa đồi trụy”.

Mãi đến khi bắt đầu thời kỳ Đổi Mới thì các loại nhạc vàng, nhạc sến mới dần dà được cho phổ biến tùy theo tác giả và tác phẩm. Cơ quan văn hóa đề nghị cổ xúy nhạc xanh, tức nhạc trẻ của thời đại Đổi Mới. Trong khi đó, số người nghe nhạc vàng ngày càng đông.

Sự kiện - Vua nhạc sến: 'Bao giờ nước mình giàu, tôi sẽ viết nhạc sang' (Hình 2).

Nữ hoàng nhạc sến Hương Lan

Sang thế kỷ 21, những nhà kinh doanh và tổ chức ca nhạc trong nước đã thực hiện nhiều buổi trình diễn nhạc vàng, họ đưa ca sĩ từ hải ngoại về hát. Vào tháng 8/2010 hai ca sĩ mà tên tuổi gắn liền với nhạc sến là Hương Lan và Tuấn Vũ đã trình diễn những bản nhạc vàng ở Nhà hát Lớn Hà Nội suốt nửa tháng trời với giá vé lên đến 1 triệu 7 mà mỗi suất vẫn kín chỗ.

Trong một bài phỏng vấn, “Vua Nhạc Sến” Vinh Sử đã lên tiếng: “Với tôi, không hề có “nhạc sến” mà chỉ có nhạc hay và nhạc dở mà thôi (đương nhiên nhạc hay mới có giá trị). Nếu từ "nhạc sến" là dùng để chỉ dòng nhạc dành cho giới bình dân thì tôi chịu lắm và tôi rất tự hào khi được rộng rãi quần chúng hát nhạc của mình”.

Theo nhạc sĩ Vinh Sử, ở Sài Gòn trước 1975, giới làm nhạc rất dễ kiếm tiền. Tiền tác quyền một bản nhạc có khi mua được chiếc xe hơi, nhạc sĩ lại được "đặt hàng" tới tấp, do vậy mới nảy sinh ra loại "nhạc thị trường" được viết theo kiểu “mỳ ăn liền”. Đó chính là thời kỳ Vinh Sử tung ra các ca khúc như Nhẫn cỏ cho em, Yêu người chung vách, Trả nhẫn kim cương...

Sau 1975, nhạc của Vinh Sử có "e" nhạc dân gian, mang âm hưởng cổ nhạc, chẳng hạn như Tình ngoại, Bằng lòng đi em, Để tóc nàng ngủ yên, Qua ngõ nhà em, Làm dâu xứ lạ, Nhành cây trứng cá... Vinh Sử than thở: “Cái đẹp của quê hương mình sao mình lại không ngợi ca, tôn vinh mà lại dè bỉu là... "sến"? […] Tôi đã từng nói: "Bao giờ nước mình giàu, không còn người đạp xích lô, thợ hồ, ô sin... lúc đó tôi sẽ viết... nhạc sang!”.

Có người lại quả quyết nhạc sến được khai thác từ cổ nhạc. Điều này tôi nghĩ không chính xác vì cổ nhạc, chẳng hạn như vọng cổ, viết theo ngũ cung (hò, xự, xang, xê, cống), còn tân nhạc nói chung và điệu boléro nói riêng có đến 7 nốt (do, re, mi, fa, sol, la, si). Phải chăng kết luận như thế vì sự lầm lẫn khi nghe những bài “tân cổ giao duyên” nên cứ tưởng là phần tân nhạc lấy từ cổ nhạc (?).

Nếu nhạc sĩ Vinh Sử được phong tặng là “Vua Nhạc sến” thì ngôi vị “Nữ hoàng Nhạc sến” chắc phải dành cho ca sĩ Hương Lan, con gái của kép cải lương Hữu Phước. Hương Lan vào nghề hát từ ngày hãy còn là “Em bé Hương Lan” và đã được rất đông người ngưỡng mộ với chất giọng miền Nam mượt mà, mùi mẫm. Tuy nhiên, cũng có những người không thích vì họ cho là cô chuyên hát dòng nhạc sến. 

Ca sĩ Hương Lan khẳng định: “Âm nhạc có nhiều dòng khác nhau: nhạc dân ca, nhạc trữ tình..., nhưng không có dòng nhạc sến. Tôi không biết những người hay dùng từ sến để chê một bài nào đó, họ có hiểu "sến" là gì hay không; hay cái gì không thích thì đều cho là "sến".

Cũng theo Hương Lan, “cải lương” là một loại hình nghệ thuật thì làm sao người ta có thể tùy tiện sử dụng “cải lương” như một tính từ mỗi khi muốn chê cái gì đó, chẳng hạn như “văn chương cải lương”, “ăn nói cải lương”… với ý dè bỉu, coi thường bộ môn nghệ thuật dân gian vốn có từ lâu của người Việt nói chung và người miền Nam nói riêng.

Hương Lan thẳng thừng tuyên bố: “Tôi xem đó là sự chọc ghẹo, coi thường và nhục mạ rất tệ hại, nếu không nói là vô văn hóa. Nhưng đó là khán giả chê. Đáng buồn hơn, ngay cả người trong giới [ca nhạc] cũng nói như vậy. Các em [ca sĩ] dù có nổi tiếng đến đâu, hát nhạc sang thế nào thì cũng đừng nên coi thường các loại nhạc khác".

Có khoảng hơn 2.000 bài hát được sáng tác dưới thời Đệ nhất và Đệ nhị Cộng hòa tại miền Nam từ năm 1954 đến 1975. Điều rõ ràng là không thể phân biệt được bài nào thuộc loại sến, bài nào thuộc loại không sến chứ chưa nói gì đến loại nhạc sang trọng theo kiểu hàn lâm.

Sến hay sang còn tùy vào nhiều yếu tố bao gồm nhạc điệu, lời ca và kỹ thuật trình diễn. Ba yếu tố đó có tầm ảnh hưởng lẫn nhau vì không phải cứ điệu bolero hay rumba là bài hát trở thành sến, ca từ không phải cứ mộc mạc là thuộc dòng nhạc sến và người hát nếu chú ý đến phong cách biểu diễn cũng có thể biến một bản nhạc cứ tưởng như thuộc loại sến trở thành một ca khúc được người nghe chấp nhận.   

Nguyễn Hữu Chính

(*) Tựa đề do Toà soạn đặt lại

Những pha khoe thân của "ông hoàng nhạc sến" hết thời

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:02
Những ngày qua, "ông hoàng nhạc sến" một thời Ngọc Sơn lại gây sốc với clip "Ngọc SơnAsian hot body" dài hơn 7 phút được đưa lên mạng Youtube trong trang phục không thể ít vải hơn cùng cách tạo dáng không thể phản cảm hơn…

Quốc Trung chê nhạc sến, Ngọc Sơn: 'Cứ nói, tôi hơi đâu chấp'

Thứ 2, 16/09/2013 | 09:57
“Vậy hả? Cũng được! Ai muốn nói quan điểm của họ, cứ nói, tôi hơi đâu chấp!” – Ngọc Sơn.

Cuộc đời chìm nổi của “ông hoàng nhạc sến” Việt Nam

Thứ 2, 12/08/2013 | 17:13
Mới học được 1 năm rưỡi ông đã bị đuổi khỏi trường, nhưng ông cho rằng điều này là một may mắn, vì nhờ bị đuổi học ông mới được thành công như hôm nay.

Góc nhìn từ nghệ thuật: 'Sến' hay 'sang'?

Thứ 5, 19/09/2013 | 09:22
Kho từ vựng của Sài Gòn xưa có một thuật ngữ đã đi sâu vào cuộc sống và cho đến ngày nay người ta vẫn còn dùng với hàm ý miệt thị, chê bai hay chí ít cũng là đánh giá thấp.

Lý Sơn tuyệt đẹp dưới góc nhìn của dân phượt

Thứ 3, 10/09/2013 | 16:30
Nhóm HNLens vừa cho ra mắt phim ngắn 'Lý Sơn- Việt Nam' nói về vẻ đẹp đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Phim dài hơn 3 phút, mất 7 ngày để thực hiện và đầy ắp những hình ảnh đẹp về đất, người Quảng Ngãi.

The Voice Kid: Bé gái hát rất giống ca sỹ Hương Lan

Thứ 4, 12/06/2013 | 08:57
Nếu chỉ được nghe giọng hát này thôi thì ít ai có thể ngờ được chủ nhân của nó lại là một cô bé chỉ mới 10 tuổi.

Chính thức ngưng cấp phép cho Thanh Tuyền, Tuấn Vũ

Thứ 5, 28/02/2013 | 11:17
Bộ VH-TT-DL vừa chính thức có chỉ thị ngưng cấp phép hoạt dộng biểu diễn tại Việt Nam đối với 6 ca sĩ hải ngoại, trong đó có Thanh Tuyền và Tuấn Vũ.