Vui buồn khi tết đến ở khu dưỡng lão nghệ sĩ

Vui buồn khi tết đến ở khu dưỡng lão nghệ sĩ

Thứ 3, 29/01/2013 | 13:02
0
Nằm lọt thỏm trong cái hẻm nhỏ ở quận 8, nhưng viện dưỡng lão nghệ sĩ này là một thế giới hoàn toàn khác, yên bình đến lạ thường. Khuôn viên với nào mít, nào mận, khế cộng thêm trảng cỏ xanh rờn làm khách đến như lạc vào chốn quê, yên bình đến lạ.

Khi chúng tôi đến, thi thoảng có vài nghệ sĩ già ra vào vẫn son phấn, và nghệ sĩ Lệ Thẩm trần tình “son phấn từ thời bước lên sân khấu cũng đã quen, mà trang điểm đôi chút cũng làm gợi nhớ một thời ca hát”.

Sự kiện - Vui buồn khi tết đến ở khu dưỡng lão nghệ sĩ

Các lão nghệ sĩ ở viện dưỡng lão. Ảnh: Tiền phong

Hầu hết các nghệ sĩ khi nói chuyện với chúng tôi về Tết thì đều tỏ ra suy tư lẫn vui mừng. Suy tư vì nhớ về cái Tết của ngày xưa, của những ngày huy hoàng ánh đèn sân khấu; còn vui là hiện sức khỏe vẫn còn để có thể sum vầy với anh em nghệ sĩ trong viện dưỡng lão này.

Nhớ về ngày xưa, nghệ sĩ Trường Sơn (tên thật là Nguyễn Văn Sơn, 75 tuổi) kể, ngày xưa, cứ năm hết Tết đến thì người dân Nam bộ đều dành thời gian cho các hoạt động giải trí đặc sắc, mà đi xem hát, xem tuồng cải lương là nét văn hóa truyền thống có từ lâu đời. Chính từ đó, các nghệ sĩ phải làm việc cật lực để phục vụ bà con, khán giả hâm mộ. Như thế, suốt quãng đời hoạt động nghệ thuật, những nghệ sĩ đều mang hương vị mùa xuân đến cho mọi người mà quên mất Tết của bản thân mình.

Nhắc lại những ngày xưa cũ, nghệ sĩ Trường Sơn vẫn còn hồ hởi: “Hồi đó, trên 20 Tết là các ông bầu đã cho ngưng công diễn để các nghệ sĩ nghỉ ngơi vài ngay. Các bộ phận khác thì mỗi người một tay chuẩn bị đón năm mới như: người sơn lại bảng hiệu, người trang hoàng bàn thờ tổ, ngoời lo tập tuồng Tết… Cứ thế cho đến đêm 30 thì cả đoàn cùng ngồi với nhau để cúng rước tổ.

Sau giây phút thiêng liêng đó, họ đều biết, giờ là lúc phải hoạt động hết công suất. Vì số lượng người xem quá đông nên trong một ngày phải chia ra nhiều suất diễn. Suất sáng, suất trưa, suất tối, suất đêm. Có hôm, đã 12 giờ khuya, cả đoàn đều mệt lả, nhưng bà con ái mộ quá, không chịu về, cứ yêu cầu hát hại cho họ nghe. Nghiệp cầm ca, được sự ưu ái của khán giả là niềm hạnh phúc nên cả đoàn cố gắng phục vụ tới tận 4 giờ sáng hôm sau. Tới khi người xem hoan hỉ ra về thì đoàn hát ai nấy cũng ỉu xìu vì mệt”.

Cực khổ là vậy, nhưng chính trong những ngày Tết như thế, các nghệ sĩ lại nhận được không biết bao nhiêu tình cảm, sự sẻ chia của bà con. Họ đi xem rồi mang bánh chưng, bánh tét đến tặng. Nhiều người còn cho cả thịt, cá nữa. Chỉ chừng đó là đủ cho những người nghệ sĩ ngồi quây quần bên nhau, ăn uống trong tiếng pháo Tết nổ. Xong, lại lật đật dọn đồ đi diễn tiếp ở những miền đất khác.

Một thành viên khác của viện dưỡng lão là nghệ sĩ Ngọc Đáng (83 tuổi) khi ngồi tâm sự với chúng tôi về cái thời hoàng kim đó vẫn kể với giọng hào sảng. Rồi có lúc, bỗng dưng bà dừng lại, giọng trầm buồn: “Đã trót mang cái nghiệp này vào thân là chỉ biết đến sân khấu, đến khán giả mà nhiều khi quên lãng cả bản thân và gia đình mình. Bây giờ già rồi, thấy sàn gỗ không còn mà buồn tủi, mà tiếc ngẩn tiếc ngơ”.

Trước khi vào viện, hầu hết những nghệ sĩ này hoặc nghèo, hoặc không nơi nương tựa, cũng có khi còn gia đình nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà không sống được. Lý giải cho “cái sự nghèo” của mình, nghệ sĩ hài Trường Sơn tủm tỉm cười và nói: “Dân cải lương, sân khấu đa phần là người Nam bộ, trời ban cho tính khảng khái, nhất là nghệ sĩ thì càng… tài tử các chiến! Đi diễn tuồng, được nhiều tiền nhưng có ai ki cóp cho riêng mình đâu. Hát được bao nhiêu đều chia nhau ăn uống, vui chơi. Đời nghệ sĩ mà, chủ yếu là vui thôi”.

Họa sĩ già Hoài Nam cũng tâm sự: “Với người nghệ sĩ, tiền chỉ là phù du. Người ta sống với nhau vì nghề, vì nghiệp, vì khán giả chứ chẳng ai gắn bó với nghệ thuật vì tiền cả. Nếu họ có dành dụm đi chăng nữa thì cũng để lại dăm ba đồng để sống qua mùa mưa, vì thời gian này đi diễn ít”. “Có lúc, không đi diễn, hết tiền nên cả đoàn hát phải ăn cơm với độc một món là chao. Rồi chao cũng hết, đám nghệ sĩ đói meo nhìn nhau… cười” – danh hài Trường Sơn cười sảng khoái, nói.

Có nhiều người lang bạt kì hồ, rong chơi tới lúc bạc đầu thì mới giật mình nhận ra mình không có một mái nhà, điển hình như họa sĩ Hoài Nam. Nhưng mặc, có sao đâu, cuối đời lại vào cái mái nhà chung này thì coi như những ngày vui lại nối tiếp! Còn nhớ mọi năm, Hoài Nam cũng là người cắt băng rôn chúc mừng năm mới để giăng hoành tráng trước cửa viện dưỡng lão nghệ sĩ nhằm đón tiếp các đoàn khác từ nhiều nơi kéo về chung vui với các nghệ sĩ già. Năm nay, mặc dù sức khỏe yếu, phải chống gậy đi từng bước chậm, mắt cũng mờ yếu nhưng tay họa sĩ tài hoa một thời cứ Tết đến là vẫn làm công việc đó.

Nghệ sĩ Thiên Kim thì khác, có năm người con, trong đó có ba người làm ăn, sinh sống tại TP. HCM, nhưng người nào cũng nghèo khó nên bà không muốn trở thành gánh nặng cho con cháu. Mặt khác, sống với chúng buồn hơn là sống ở mái nhà toàn nghệ sĩ này nên bà “xí phần” trong viện dưỡng lão cũng được 11 năm nay.

Bà kể: “Tết đến, đôi khi ngày mùng 1 Tết, tôi lại về nhà đứa này, đứa kia chơi một tí rồi quay lại viện để chơi với anh chị em ở đây. Còn ngày thường, đứa con nào rảnh rỗi thì vào thăm, chứ tôi cũng ít khi về thăm chúng vì xa rời bạn bè ở đây vài ngày là nhớ da diết”. Hay như trường hợp nghệ sĩ Ngọc Đáng có hai con thì họ đều định cư ở nước ngoài. Dù những đứa cháu vẫn sinh sống ở TP.HCM, kinh tế đều khá nhưng khi chúng tôi hỏi thì bà khẳng định “vào đây vui hơn”. Cây hài Trường Sơn thì xác nhận, cứ mỗi năm, đến ngày giỗ của bà vợ quá cố thì ông về nhà con cái ở quận 10, chứ bình thường, ông cũng không thể xa mái nhà này được.

Cứ mỗi năm đến Tết, các ban ngành đoàn thể như UBND TP. HCM, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Chữ thập đỏ TP. HCM cùng các đoàn nghệ sĩ, nhà hảo tâm đến góp vui, tặng quà cho các lão nghệ sĩ. họ mang kẹo mứt, quà Tết đến tổ chức đón Tết sớm và kết thúc Tết cũng khá muộn. Các cán bộ hội Chữ thập đỏ TP. HCM cứ đều đặn mỗi năm Tết đến đều gói sẵn bánh chưng, bánh tét mang đến cùng các nghệ sĩ tổ chức nấu tại đây nên không khí cực kỳ ấm cúng.

Đặc biệt là mỗi năm hai lần, vào dịp Tết và rằm Trung thu, viện dưỡng lão lại tổ chức hát tuồng, cải lương, mà các đào chánh, kép phụ… chính là những ông lão, bà lão nghệ sĩ đầu đã bạc phơ. Chính điều này làm cho họ vô cùng hạnh phúc, vì có dịp son phấn, đóng vai những công chúa, hoàng hậu, những vị vua, người đẹp, quân thần tướng sĩ… mà cả đời, hầu như họ đã hóa thân vào những nhân vật sân khấu đó. Những điều này làm cho họ sống lại quá khứ huy hoàng của một thời, có người khi đóng không cầm được nước mắt sung sướng. Rồi những người đam mê tiếng đàn, lời ca cũng góp vui, cứ thế cuộc vui kéo dài thâu đêm suốt sáng.

Nghệ sĩ Lệ Thẩm tâm sự: “Ngày thường ra vào, anh chị em gặp nhau cũng đôi khi ngồi trò chuyện, nhớ về chuyện của ngày xưa nhưng trong không khí hát hò, đàn ca như thế thì chuyện cũ cứ ùa về. Lúc đó, chúng tôi ngồi bên nhau mà sung sướng như run lên, người này hồi tưởng với người kia về lúc trước chung đoàn này, gánh hát nọ, đóng chung như thế nào. Cứ nghĩ đến là vui”.

Nghệ sĩ Lệ Thẩm còn nhớ, cách đây vài năm, diễn viên Việt Trinh (nhân vật chính trong phim “Người đẹp Tây Đô”) đến chung vui Tết với các nghệ sĩ già. Việt Trinh còn đưa ô tô đến rước các nghệ sĩ đi chơi quanh TP.HCM, thăm chợ hoa, rồi ghé quán đãi họ bữa ăn tất niên. Hay như trường hợp cũng cách đây vài năm, một nghệ sĩ bỗng dưng trúng số với số tiền vài trăm ngàn đồng nhưng vui như bắt được… vàng, mua quà cáp, chiêu đãi các anh chị em, dù không đáng là bao nhưng ai cũng nhớ mãi cho đến tận bây giờ vì sự ấm cúng, tình nghĩa quá đỗi thân thương.

Khi tâm sự với chúng tôi, những nghệ sĩ già tâm sự, ai cũng đau nỗi đau nghề khi nghệ thuật cải lương đang mai một dần. Nhưng đến giờ, vẫn còn những người nhớ đến cái viện dưỡng lão nghệ sĩ này, âu cũng là niềm vui, miềm an ủi đối với họ.

Kể từ khi thành lập cho đến nay, viện dưỡng lão nghệ sĩ đã đón tiếp hàng chục người nhưng trong số đó, có hơn 20 nghệ sĩ vì già yếu, bệnh tật nên qua đời. Mỗi cuộc chi ly là biết bao nước mắt của những người ở lại rơi xuống, Dẫu biết sinh lão mệnh tử là quy luật tất yếu của cuộc đời nhưng ai cũng coi người vừa ra đi là một nỗi mất mát lớn lao, bởi lẽ họ đã quen biết, cùng chung tiếng hát lời ca gần như trọn vẹn một đời, coi nhau còn hơn anh em ruột thịt. Lão nghệ sĩ hài Trường Sơn dẫn chúng tôi đi xem bàn thờ của những người nghệ sĩ quá cố. Ngoài danh sách dài của những nghệ sĩ qua đời, di ảnh của cố nghệ sĩ Phùng Há – cây cổ thụ của sân khấu cải lương Nam bộ một thời.

Khi chia tay viện dưỡng lão nghệ sĩ, chúng tôi thấy một cảnh tình cảm, là nghệ sĩ Tám Lang đang dìu nghệ sĩ Bạch Yến từ trong nhà ra sân sưởi nắng chiều. Nghệ sĩ Trường Sơn cười xòa và nói: “Đi cạnh nhau từ khi tóc còn xanh, giờ tóc đã bạc cả rồi, chỉ còn cái tình, cái nghĩa mà sống với nhau”. Ở đó, họ thường ngồi với nhau để ôn lại chuyện xưa, chuyện đời, chuyện nghề. Có lúc cao hứng, họ ngồi nắm tay nhau, ca những khúc tuồng cũ, cười vang rồi dìu nhau đi đến cuối con đường của cuộc đời. Ngẫm nghĩ, đó cũng là quá đủ với những người nghệ sĩ đa sầu, đa cảm, lang bạt kỳ hồ suốt một cuộc đời rong chơi.

Cao Hồng Sĩ – Anh Sinh