Vùng đất của những địa danh mang tên các bà

Vùng đất của những địa danh mang tên các bà

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:48
0
Trên mảnh đất cù lao Tân Phú Đông (huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang) đang chứa đựng những bí ẩn ly kỳ với rất nhiều những địa danh mang tên các bà. Nhiều người đến vùng đất này gọi tên vùng đất này là “Xứ sở của các bà”.

Một vùng đất kỳ bí

Vùng cù lao Tân Phú Đông, cách đây vài trăm năm là vùng đất còn hoang sơ, u tịch, ngập trong cây cỏ và nước nhiễm mặn. Thời Nguyễn Hữu Cảnh vâng lệnh triều đình vào Nam khai phá, nơi đây còn chưa được biết đến. Đến đời nhà Nguyễn, vạt đất nhô lên giữa bốn bề sông nước này được đặt tên là cù lao Mông, thuộc trấn Hải Châu, huyện Kiến Hòa, tỉnh Định Tường. Lúc bấy giờ chỉ có hai làng: Tân Thới (phía Tây) và Phú Thạnh Đông (phía Đông). Ngày 16/2/1867, toàn quyền Pháp ở Đông Dương nhập cù lao Mông về tỉnh Gò Công và đặt tên là cù lao Lợi Quan. Ngày 30/4/2008, cù lao Lợi Quan, cùng với cồn Bà và hệ thống các cù lao; cồn bãi khác nằm kẹp giữa hai vàm Cửa Tiểu và Cửa Đại tiếp giáp với Biển Đông có tên gọi mới là huyện Tân Phú Đông.

Xã hội - Vùng đất của những địa danh mang tên các bà

Cây cầu mang tên Bà Lắm

Tân Phú Đông ngày nay là một huyện mới hình thành, còn nhiều khó khăn. Từng được biết đến với cái tên cù lao 10 không: Không bến xe, không trụ sở, không chợ huyện, không bệnh viện cấp huyện, không nhà văn hóa, không nước ngọt, không thị trấn, không sân vận động, không cơ sở công nghiệp và không cán bộ cấp huyện là người địa phương.

Vậy nhưng cái chiều dài lịch sử qua hàng mấy trăm năm hình thành vùng đất này thì lại để lại nhiều giai thoại ly kỳ. Làng Phú Thạnh Đông ngày xa xưa ấy, từng chứng kiến một trận bão kinh hoàng (nhiều người gọi là bão Năm Thìn). Cơn bão kéo đến vào ngày chủ nhật 1/5/1904. Hôm ấy, mưa không ngớt từ sáng cho đến chiều. Mọi người không ai nghĩ là sẽ có một trận bão lớn sắp xảy ra, do từ trước tới nay Nam Kỳ vốn là vùng đất hiền hòa, ít mưa, ít bão. Gió bắt đầu thổi mạnh từ 4h chiều. Vào lúc 5h chiều, gió ngày càng mạnh hơn, trời u ám, gió ào ào xô gãy cây và trốc gốc. Một lượn sóng chụp đứng lên nhấn chìm làng Phú Thạnh Đông trong biển nước. Nước phá tan nhà cửa, cuốn phăng mọi thứ ra cửa biển. Sau trận bão chỉ có một số người sống sót nhờ đeo bám theo các đống rơm trôi lênh đênh trên mặt nước.

Cho đến nay, người dân làng Phú Thạnh Đông còn lưu truyền một giai thoại khá li kỳ: Xưa có một lái buôn từ miền Trung đi ghe vào Gò Công đã cho một người quá giang lên tại ấp Pháo Đài, xã Phú Tân ngày nay. Nhưng khi lên bờ người này nói rằng: “Ta không phải người, ta được quyền ăn thịt 100 người ở vùng này và ông là người đầu tiên. Nhưng ta tha ông lần này và đừng gặp ta nữa”, nói rồi người đó rùng mình biến thành con cọp nhảy thẳng lên bờ.

Từ đó, lần lượt nhiều người bị ông cọp bắt. Nhà nào rào kín, cọp nhảy lên nóc tốc mái rồi nhảy xuống bắt người. Một hôm, những người bị ông cọp ăn, báo mộng cho dân làng làm cái bẫy ở Kinh Nhím (thuộc ấp Kinh Nhím, xã Phú Thạnh ngày nay) để bắt cọp. Khi cọp đến gần bẫy, 99 ngọn đèn bỗng xuất hiện. Đó là 99 linh hồn đã bị ông cọp ăn thịt. Nhưng cọp không sập bẫy. Thế là những ngọn đèn hóa thành người để dụ cọp vào bẫy, nhưng cũng bắt không được. Ông chủ ghe bầu, người cho cọp quá giang khi trước nghe vậy, đậu ghe vào và đi tới rờ vào cọp. Tức khắc ông bị cọp vồ chết. Sau đó con cọp ứa nước mắt rồi cũng chết luôn. Thì ra ông chủ ghe là người thứ 100 để đủ số người cần ăn thịt của cọp.

Sự tích về các bà

Bà Tài là một địa danh thuộc ấp Tân Phú, xã Phú Thạnh. Tại đây còn có một cái miễu mang tên miễu Bà Tài, được tiếng là ứng linh nhất trong vùng. Suốt 50 năm qua, người dân ở ấp đều tổ chức lễ cúng miễu hàng năm, để tưởng nhớ công lao của bà. Ông Lê Công Thơm, người đứng ra tổ chức cúng miễu kể: “Khi tôi sinh ra thì đã có miễu Bà Tài trên phần đất của gia đình tôi. Theo các dấu tích còn để lại trong các tượng đá, miễu được xây năm 1837 do bà Tài đứng lập để thờ bà chúa xứ. Sau này, người dân quen gọi là miễu Bà Tài. Kế bên đây còn có con rạch mang tên rạch Bà Tài. Qua nhiều năm chiến tranh tàn phá, miễu bị sập. Tôi cùng anh hai tu sửa lại rồi thờ cúng cho đến giờ”.

Cũng theo lời ông Thơm thì người lớn tuổi trong ấp lưu truyền lại, bà Tài là người có tiếng tăm nhất ấp này. Hồi trước, gia đình bà Tài rất giàu có. Anh em bà lớn lên thì đều có gia đình riêng. Nhưng riêng bà thì không lập gia đình. Bà là người có công khai khẩn cả vùng đất này. Hiện con cháu bà cũng còn sống trong xã và chăm sóc phần mộ của bà. Từ nhà ông Thơm, nhìn ra sông, chếch qua bên trái là ngôi miễu của bà Tài, nằm giữa những đìa tôm trắng xóa nước của gia đình ông. Phía bên này của bờ đê bao ngăn mặn là cánh đồng lúa đang thì con gái xanh mơn mởn.

Ở xã Phú Tân có một ấp, cùng một con rạch mang tên Bà Từ. Người dân trong ấp chỉ biết rằng khu vực này là đất của bà Từ. Ông bà xưa còn lập ra một cái miễu để thờ cúng bà. Bà có tiếng là rất giỏi võ và được người dân gọi là bà Từ Phi. Bà từng đứng giữa bầy cọp, hét một tiếng, rồi cướp cái đùi heo đang là bữa ăn của chúng, mà bầy cọp không dám làm gì. Chúng dạt hết ra, đợi bà đi rồi mới quay lại ăn tiếp. Bà Từ Phi thường trồng bí, bầu, chăn nuôi heo, đến mùa chở lên Phú Thạnh bán. Ngoài ra bà còn cung cấp trái chà là cho cả vùng.

Biết tôi đến đây tìm hiểu về địa danh mang tên các bà, bác xe ôm giới thiệu về một giai thoại nhuốm màu viễn tưởng. Độ thực hư còn chưa được kiểm chứng chính xác: “Gần đây có miễu bà Tổng linh thiêng lắm. Cách đây hai, ba chục năm, có năm vụ lúa mùa gặp phải nước sông tràn lên ngập trắng đồng, nhiều đám ruộng cây lúa vừa cấy xuống nổi lên hết. Bà con ra miễu thắp hương than với bà rằng mình đã nghèo mà trời còn không thương dâng nước lên ngập đồng, chết hết lúa(?). Tức thì hôm sau thấy những đám lúa nổi sau một đêm được dặm lại hết. Người dân đồn nhau rằng bà đã hiển linh cứu giúp họ”.

Tôi theo chân bác xe ôm vào miễu Bà Tổng ở ấp Tân Phú. Đó là ngôi miễu nhỏ nằm trên một khoảnh đất giữa cánh đồng, dưới 3 - 4 tán cây cổ thụ phủ kín miễu, chỉ chừa khoảng đất trước miễu. Thân cây gỗ cao, tựa như cây đa, mà người dân cũng không biết gọi tên là cây gì.

Ông Dương Văn Mốt, chủ sở hữu mảnh đất nơi có miễu Bà Tổng cho biết: “Tôi sống ở đây đến nay là 60 năm rồi, từ đời cha mẹ cũng không biết miễu này có từ khi nào và sao lại gọi là miễu Bà Tổng. Nhưng năm nào bà con trong ấp cũng tổ chức cúng giỗ vào ngày rằm tháng giêng. Ngôi miễu này linh thiêng lắm. Dân làng hay ra miễu cúng cầu việc làm ăn, sức khỏe được thuận lợi”.

Rời miễu Bà Tổng, bác xe ôm dẫn tôi tới cầu Bà Lắm. Đó là một cây cầu bắc ngang qua con đường độc đạo huyết mạch trong huyện. Ông Lê Công Thơm cho biết, gần đó còn có một con rạch và một bến đò mang tên Bà Lắm. Nhưng người dân quanh đây cũng không ai biết bà Lắm là ai, và trước đây bà là người như thế nào.

Sau 4 năm thành lập, Tân Phú Đông đã bắt đầu khởi sắc với sức sống của một huyện đảo trẻ, nhưng có lịch sử lập đất từ rất lâu đời. Và công lao khai khẩn, kiến tạo có lẽ phần nhiều thuộc về những người phụ nữ mà tên tuổi còn được lưu dấu trên mỗi địa danh. Qua bến phà, quay đầu nhìn lại, Tân Phú Đông thấp thoáng sau ngút ngàn những rặng cây xanh, quanh bốn bề sông nước, vẫn hoang sơ và bí ẩn đến lạ.

Vùng đất “các bà” với những câu chuyện hiển linh

Đi trên vùng đất này, dễ nhận thấy có rất nhiều địa danh mang tên các bà như: Bà Từ, Bà Tài, Bà Chủ, Bà Tiên, Bà Thao, Bà Lắm, Bà Tổng… Tên của các bà được gắn với những con kênh, những bến đò, những cây cầu, đến những ngôi miễu. Có bà là cả một giai thoại dài, ly kỳ. Có bà thì không ai còn biết về gốc tích, hay một câu chuyện nào kể về các bà. Chỉ biết rằng truyền đời từ cha ông từ xa xưa đã gọi cây cầu ấy, con kênh ấy, bến đò ấy gắn với cái tên của các bà. ở đó, các bà hiển linh như những bà mẹ của xứ sở.

Hương Lam