Vượt đảo, băng rừng diện kiến lương y cao đạo

Vượt đảo, băng rừng diện kiến lương y cao đạo

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:42
0
Hơn 60 năm theo nghề y, ông Nguyễn Văn Mười đã "tái sinh" biết bao con người mắc phải căn bệnh nan y. Vô số bệnh nhân được cứu giúp đã quay lại và nhận ông làm sư phụ.

Gian khổ hành trình tìm kiếm lương y

Theo thông tin mà chúng tôi tìm hiểu được, vị lương y này sống ẩn dật như một đạo sỹ tu luyện ở những nơi xa xôi hẻo lánh. Đó là chốn rừng núi thâm u, neo người. Cuộc đời nhiều góc khuất, lắm thăng trầm, trước đây, đã có lúc cụ từng bị người đời nghi ngờ hợp tác với bọn diệt chủng Ponpot ở hòn Thổ Châu. Có lẽ, suốt nửa đời người hành hiệp cứu người, cuộc đời của vị lương y này đã dày như một cuốn tiểu thuyết dài mà ít người được đọc.

Xã hội - Vượt đảo, băng rừng diện kiến lương y cao đạo

Cụ Mười bên luống thảo dược đích thân cụ trồng.

Còn nhớ, trong chuyến công tác về phòng thuốc từ thiện ở Kiên Giang cách đây 4 năm trước, tôi từng nghe ông Võ Văn Thành (hiện là Trưởng ban y tế phòng thuốc nhân đạo đình Nguyễn Trung Trực, TP. Rạch Giá, Kiên Giang) tiết lộ về một nhân vật kỳ lạ. Ông Thành cho biết, đây là bậc lương y cao tay, đang sống ẩn dật ở một chiếc am trên ngọn núi cao giữa đảo Phú Quốc. Năm nào cụ cũng gửi hàng tấn cây thảo dược đến đình Nguyễn Trung Trực để làm thuốc chữa bệnh cho người nghèo. Điều kỳ lạ là ông cụ này không cho biết tên, tuổi hay địa chỉ và cũng không đòi hỏi công xá, tiền bạc.

Anh Trần Văn Tân (45 tuổi, ấp Bãi Thơm, xã Bãi Thơm), người từng được người lương y trên chữa khỏi bệnh hiểm nghèo cho biết, trước đây, ông cụ từng dựng am, tu tập và mở phòng thuốc trên núi Chùa (đoạn đầu thị trấn Dương Đông ngày nay). Nơi cụ ở được gọi là am ông Mười. Người dân trong ấp thường gọi vị lương y này là ông Mười truông Am (vì am nằm bên con truông bắt qua núi).

Nghe đến đây, tôi mừng khấp khởi và quyết định lặn lội tìm đến. Nhưng thật buồn, chiếc am ông Mười cửa đóng then cài. Bên cạnh đó, phòng thuốc Nam ngày nào cũng không còn chộn rộn như trước nữa. Nơi đây chỉ có một nữ cư sỹ ngày ngày hương khói trông coi. Đó là bà Lê Thị Ba (75 tuổi), đệ tử từng 50 năm theo giúp cụ Mười hành đạo. Bà Ba cho biết, cụ Mười đã tạm đóng cửa, trở về Bình Dương được hơn 1 năm nay.

Hiện cụ đang mở phòng thuốc nằm trong khoảnh đất của dòng họ, thuộc đình thần Khánh Vân (xã Khánh Bình, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). Bà Ba bảo, trước khi rời đảo, cụ Mười có dặn các đệ tử rằng: "Thế gian còn nhiều người nghèo và những người bệnh cần sự giúp đỡ của chúng ta. Trong thời gian tôi đi vắng, mọi người hãy duy trì phòng thuốc như bấy lâu vẫn làm". Hiện giờ, phòng thuốc nhân đạo ở Hội chữ thập đỏ Phú Quốc (thị trấn Dương Đông) trước kia do một tay cụ gây dựng vẫn ngày ngày chữa bệnh cho người nghèo.

Nán lại một ngày tại phòng thuốc của hội chữ thập đỏ, tôi lấy địa chỉ của ông cụ rồi quay lại đất liền. Ngay ngày hôm sau, tôi tìm về tỉnh Bình Dương để được gặp vị lương y tài ba này. Đến xã Khánh Bình, hỏi "ông Mười bốc thuốc", hầu như ai cũng biết. Chúng tôi phải len lỏi qua con đường ngoằn ngoèo, dưới những tán cây rợp bóng thuộc xã Khánh Bình mới đến được phòng thuốc cụ Mười. Trái với không khí náo nhiệt của phố thị và những khu công nghiệp khói bụi ồn ào, phòng thuốc ông cụ nằm ẩn khuất cạnh đồng lúa xanh mượt.

Cụ Mười đang chăm bón thảo dược ở ngoài vườn. Đó là công việc thường ngày và cũng là thói quen và sở thích của cụ. Đứng trước mặt chúng tôi là cụ già với chòm râu bạc như cước, tóc búi củ hành, đôi mắt lanh lẹ, da dẻ hồng hào, thân thể tráng kiệt...

Xã hội - Vượt đảo, băng rừng diện kiến lương y cao đạo (Hình 2).

Cụ Mười

Thân thế con "nhà nòi"

Cụ chia sẻ, bôn ba phiêu bạt khắp chốn, nay mới được về nơi chôn nhau cắt rốn của mình và gây dựng lại vườn thuốc. Đó cũng là bổn phận và trách nhiệm của hậu thế đối với tiền nhân. Cụ Mười cho biết, trong gia đình, đến đời cụ đã là thế hệ thứ 3 theo nghề y. Đời cha cụ, do điều kiện khó khăn nên không bốc thuốc nhưng vẫn lưu giữ bí quyết y học cổ truyền.

Trước khi trút hơi thở cuối cùng, người cha có cầm tay cụ Mười dặn rằng: "Dù thế nào con cũng không được đánh mất nghề của ông cha. Hãy nhớ rằng, gia đình ta đã mấy đời làm nghề y, chữa bệnh cứu người". Và, cuộc đời cụ Mười đã thực hiện gần trọn vẹn cái di nguyện ấy.

Cụ bảo, cụ là hậu duệ của cụ Phan Thanh Giản, một vị quan thanh liêm nhà Nguyễn, dưới triều vua Tự Đức. Cụ Phan Thanh Giản nguyên gốc người Bến Tre. Sau hiệp ước Nhâm Tuất năm 1862, nhà Nguyễn đồng ý nhường cho Pháp 6 tỉnh Nam kỳ đúng lúc cụ Phan Thanh Giản giữ chức Chánh sứ toàn quyền đại thần. Sau đó, cụå bị gán trách nhiệm "bán nước". Ngày ấy, vua Tự Đức phán rằng cụ Giản "chết ngàn lần cũng không hết tội".

Sau khi cụ tuyệt thực rồi uống thuốc độc tự vẫn vì oan ức, con cháu cụ phải thay tên, đổi họ, rời bỏ quê hương phiêu bạt khắp nơi. Cụ Phan Văn Thơ thuộc hàng con cháu nên phải chạy lên vùng Thủ Dầu Một sinh sống rồi lập gia đình ở đó. Khi sinh con đẻ cháu, người này phải đổi từ họ Phan thành họ Nguyễn để được yên thân.

Cụ Mười cho biết, cha cụ là cụ Phan Văn Hai sinh được 11 người con. Cụ Nguyễn Văn Mười (SN 1922) là con thứ 10 trong gia đình. Do đông con, cuộc sống lại khó khăn nên cụ Hai không làm thuốc mà làm các nghề khác để kiếm gạo. Nhưng trong lòng cụ vẫn đau đáu với những bí quyết chữa bệnh gia truyền từ cây thảo dược.

Nói chuyện với chúng tôi, cụ Mười bảo, trước đây, mặc dù người cha quá cố có khuyên cụ lập gia đình nhưng vì lo học nghề nên hạnh phúc cứ lặng lẽ trôi qua. Thế rồi mải học, tuổi xuân cũng qua, khi thấy mình đã trưởng thành cũng là lúc cụ rời quê hương lên đường hành đạo. Ngày ra đi, cụ chỉ có hai bàn tay trắng và mấy cuốn sách cổ viết về cây thuốc. Nhưng trên vai cụ Mười là cả một ý chí chữa bệnh cứu người. Xuôi về phương Nam, bước chân cụ in dấu khắp nơi, từ vùng quê nghèo khó đến những ngọn núi cao hay chốn hải đảo. Hễ đi đến đâu, có cây thuốc hay cụ đều ghi lại, mày mò bào chế thử nghiệm để chữa bệnh.

Mỗi ngày, cuốn sách ghi tên thảo dược lại thêm trang. Người dân cảm mến vị lương y tốt bụng thường chia sẻ những bữa cơm, chỗ ngủ. Thế rồi, một ngày, bước chân cụ phiêu bạt ra đảo Phú Quốc. Ở đây, cụ Mười lại phát hiện ra vườn thuốc Nam khổng lồ với trăm ngàn loại thảo dược trời ban. Rồi, cụ lại lập phòng bệnh để chữa trị cho những cư dân trên đảo.

Kỳ Anh

Kỳ tới: Chuyện đời thăng trầm của vị lương y cao đạo