Nghệ nhân nhạc cụ dân tộc giữa đại ngàn Trường Sơn

Nghệ nhân nhạc cụ dân tộc giữa đại ngàn Trường Sơn

Thứ 3, 12/03/2013 | 21:35
0
Thuộc hàng nghìn điệu nhạc cổ, biết chơi, làm và sửa bất cứ nhạc cụ nào của các đồng bào dân tộc thiểu số, già Kê Xâr được xem như báu vật sống của đồng bào Tà Ôi, là cây đại thụ văn hóa giữa rừng già Trường Sơn.

Đánh giặc bằng... tiếng đàn

Về thôn A Diên (xã A Ngo, huyện biên giới A Lưới, Huế) hỏi già Kê Xâr thì ai cũng biết, bởi già không chỉ là người lớn tuổi nhất của làng, mà còn là lãnh tụ tinh thần, tấm gương mẫu mực để bà con dân bản noi theo. Năm nay đã bước sang tuổi 95, nhưng trông già còn khỏe và minh mẫn lắm. Thân thể còn tráng kiện như cây kơ nia giữa đại ngàn, tóc bạc, vầng trán cao, trông già đạo mạo tựa tiên ông. Là người Tà Ôi, nhưng Kê Xâr sớm giác ngộ và tham gia cách mạng, bằng chứng là trên vách tường của già nào là huân, huy chương, bằng khen... được treo trang trọng. Chúng tôi nhắc đến thời binh lửa, già cười rồi vào trong buồng lấy bộ quần áo gắn đầy huân, huy chương. Già bảo đó là kỷ niệm của một đời theo cách mạng, theo cụ Hồ.

Xã hội - Nghệ nhân nhạc cụ dân tộc giữa đại ngàn Trường Sơn

Kê Xâr đánh chiếc chiêng đồng

Kê Xâr cho biết, bản thân sinh ra tại vùng biên Việt  Lào, 10 tuổi đã biết dùng các loại vũ khí thô sơ: Tu-o, Tu-booc (chông, gậy) cùng cha, ông đánh giặc Pháp. 16 tuổi Kê Xâr đã là thanh niên cao lớn như cây gỗ lim, xin gia nhập bộ đội Trường Sơn. Do có năng khiếu ca hát, chơi nhạc cụ nên những lúc nghỉ buổi hành quân, bộ đội lại vây quanh bắt Kê Xâr hát, chơi khèn cho anh em nghe. Già nhớ lại: "Nhờ món văn nghệ này mà già cùng đồng đội đã vượt qua bao khó khăn trong chiến tranh ác liệt". Kê Xâr luôn truyền lửa vào đồng đội mình bằng những bài ca, tiếng nhạc. Với Kê Xâr nhạc cũng là vũ khí đánh giặc trên mặt trận văn nghệ.

Đuổi được Pháp đi thì thằng Mỹ đến, già lại cùng dân bản đánh Mỹ. Lúc nào trái tim Kê Xâr cũng nhiệt huyết, yêu đời. Hồi ở bản, ngày lên rẫy, đêm về Kê Xâr cùng trai bản vác khèn, đàn đến nhà Gươl đàn, hát cho người bản mình nghe. Những buổi giao lưu mà vắng tiếng khèn, tiếng đàn của Kê Xâr thì coi như không thành tiệc. Tài nghệ của Kê Xâr làm chết mê chết mệt bao cô gái. Tối tối tiếng đàn, giọng hát của Kê Xâr lại bay khắp thôn bản, con gái tập trung quanh vách nhà. "Cũng nhờ hát hay mà già lấy được vợ đẹp đấy", Kê Xâr nhìn sang người bạn đời Kăn Hoàng bên cạnh cười tình tứ. Già Kăn Hoàng còn nhớ như in ngày bị Kê Xâr bắt, đó là trong một lần Kê Xâr về xã A Ngo biểu diễn phục vụ đồng bào. Tiếng khèn của chàng trai đã làm xiêu lòng cô gái xinh đẹp nhất vùng. Lúc đó Kăn Hoàng ít hơn Kê Xâr tới 26 tuổi. Cái giá của Kăn Hoàng còn đắt ở chỗ, cô là chủ tịch hội Phụ nữ xã.

Thế rồi đám cưới diễn ra ngay trong rừng già, trên đầu là máy bay địch. Cưới xong, Kê Xâr lại tiếp tục vác súng lên đường đánh giặc. Những lần hành quân băng rừng, lội suối qua các bản, Kê Xâr tranh thủ tìm: Đồng, bạc, Peet (sáp ong ruồi), cây Atang (một loại gỗ), Tcoi (sừng trâu) ở các bản để về làm nhạc cụ. Theo già, chỉ những thứ lấy từ rừng sâu mới làm nên được những nhạc cụ có hồn và có thanh âm tốt. 15 tuổi, Kê Xâr là người trẻ nhất vùng biết làm nhiều nhạc cụ, thì nay già cũng là người độc nhất vô nhị ở Huế biết làm tất cả nhạc cụ của các dân tộc thiểu số ở miền tây Thừa Thiên - Huế. Nhà Kê Xâr lúc nào cũng đông vui, nhiều người ở tận những vùng xa xôi như: Quảng Trị, Quảng Nam, Tây Nguyên không quản đường sá xa xôi tìm đến già để sửa nhạc cụ hay đặt hàng.

Hôm chúng tôi đến, một vị khách từ Quảng Nam tìm đến già nhờ ông sửa lại chiếc khèn bè, vì bí quyết gọi được tiếng kêu của nó thì ngoài Kê Xâr ra không còn ai biết nữa. Chỉ một lúc, qua một vài thao tác già đưa khèn lên miệng thổi tu tu. Vị khách thán phục gửi tiền công, nhưng già lắc đầu đưa lại, bảo để dành chi phí đi đường. Vị khách băn khoăn, già vui vẻ: "Tiền đó để làm chi phí đi đường, ở chốn rừng núi này, già cũng không cần tiền để làm gì. Hàng ngày, bên bộ Achiu (dao, đục), già vẫn miệt mài đục đẽo, vót tỉa, rèn giũa để làm ra nhạc cụ. Hiện tại, bộ sưu tập ấy cũng đã hơn 20 loại: đàn Ta-lư, đàn Tê-rê, đàn 2 dây, đàn bầu Pa-kôh, Khèn bè, Tù và. Già còn làm được gần 300 tẩu hút thuốc bọc bạc, đồng. Kê Xâr tâm niệm, làm nhạc cụ lấy vật liệu từ rừng núi là do Yàng (ông Trời) tạo ra, nên phải biết quý trọng nó và đặt hết tâm huyết khi làm.

Xã hội - Nghệ nhân nhạc cụ dân tộc giữa đại ngàn Trường Sơn (Hình 2).

Kê Xâr thổi chiếc tù và nhỏ cho con cháu nghe

Nỗi lo thất truyền

Kê Xâr còn được dân bản coi là bảo tàng văn hóa của bản. Vì già có thể kể làu làu hàng trăm câu chuyện cổ, hiểu tận chân tơ kẽ tóc văn hóa của nhiều đồng bào dân tộc dọc dãy Trường Sơn hùng vĩ. Đưa chiếc khèn bè lên, già căng gân cổ, rướn người thổi bản nhạc Vui hội Sim. Bản nhạc véo von tiếng lòng chàng trai si tình đi tìm cô gái. Đêm đêm chàng trai đến bên vách nhà chọc sàn người yêu, để được ngủ chung (phong tục). Cho đến khi thấy ưng bụng thì cha mẹ hai nhà tổ chức lễ cưới.

Với niềm đam mê, Kê Xâr đã sưu tầm tất cả các bản nhạc của người Tà-ôi, Pa-kôh. Hàng năm vào ngày lễ lớn, các đồng bào dân tộc của huyện, của tỉnh, khu vực đều có sự góp mặt của Kê Xâr. Năm 1992, Kê Xâr cùng chiếc khèn bè đã đoạt giải vàng tại liên hoan văn hóa cộng đồng các dân tộc ở Peiku (Gia Lai). Bà Nguyễn Thị Sửu, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên Huế (người tiến sĩ đầu tiên của đồng bào Tà-ôi) tự hào nói về báu vật sống Kê Xâr: "Là một chiến sĩ cách mạng trở về, Kê Xâr quyết tâm sống, học tập, lao động theo Bác Hồ. Ông là tấm gương sáng thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Nhà nước để đồng bào noi theo. Nhờ đó, đời sống gia đình Kê Xâr cùng 528 người mang họ Bác Hồ ở thôn A Ngo đã có nhiều no ấm, đổi thay.

Nói về nhạc cụ, Kê Xâr bảo, hiện tại ông có thể hát hàng nghìn điệu nhạc cổ và biết làm, sử dụng hơn 20 loại nhạc cụ cơ bản của những dân tộc thiểu số là Cơ-tu, Pa-kôh, Tà-ôi, Pa-hi và Bru-Vân Kiều. Trên vách nhà sàn của già treo rất nhiều các loại nhạc cụ như: Khèn bè, tù và, chiêng... giữa sàn nhà. Với Kê Xâr âm nhạc là một phần máu thịt, già muốn giữ lại để mai này con cháu, nếu ai nặng tình thì còn biết mà tìm hiểu. Người sưu tầm nhạc cụ cổ biết đến Kê Xâr như một đệ nhất nhạc cụ. Ở A Lưới, người làm, chơi được nhạc cụ như Kê Xâr giờ không còn nữa. Mỗi loại nhạc cụ của những đồng bào dân tộc thiểu số ở A Lưới đều mang những những giá trị tinh thần cao quý, biểu hiện đời sống văn hóa đậm đà bản sắc. Tuy nhiên, chỉ có niềm đam mê, sự kiên trì mới làm và chơi được.

Tâm sự với chúng tôi, Kê Xâr không khỏi băn khoăn, khi về Yàng (mất), hàng chục loại nhạc cụ - kho báu văn hóa các dân tộc ở A Lưới có nguy cơ thất truyền. Càng ngày người làm nhạc cụ truyền thống lần lượt về với Yàng mà không có người thừa kế, đó là một thực tiễn đáng buồn. Kê Xâr cũng vậy, già chưa thấy ai để chọn mặt gửi vàng. Ngay chính con, cháu của già cũng chỉ cưỡi ngựa xem hoa, chứ không mặn mà gì. Con trai Hồ Văn Huỳnh đã 32 tuổi nhưng không thuộc một bản nhạc hay biết làm một loại nhạc cụ nào vì anh phải cật lực đi nương để kiếm cái ăn và như anh nói thì biết cũng chẳng để làm gì. Mỗi lần nghe con nói vậy, già buồn lắm, già biết rằng lũ trẻ ngày nay đang thờ ơ với những gì cha ông tạo dựng. Trước nỗi lo thất truyền, đã có nhiều đoàn nghiên cứu từ tỉnh đến Trung ương về A Lưới tìm đến nhà gặp già. Nhiều ý kiến, giải pháp được đưa ra nhằm bảo tồn, nhưng đến nay vẫn chưa có một giải pháp nào chống lại sự thất truyền của các loại nhạc cụ cũng như lưu truyền văn hóa đồng bào dân tộc nơi đây.

Chỉ vào chiếc tù và trông như đồ vứt đi, già bảo: 5 triệu đó. Muốn có chiếc tù và, người ta phải giết một con trâu già có sừng đẹp. Gần đây, Viện Âm nhạc Việt Nam tài trợ chương trình Hỗ trợ văn hóa nghệ thuật vì sự phát triển bền vững cho Kê Xâr. Già đã mở một lớp học tại nhà để truyền lại nghề và sử dụng tất cả các loại nhạc cụ truyền thống cho 15 thanh niên ở A Lưới, nhưng đến nay chỉ còn 2 người theo. Và, điều thật buồn là 2 thanh niên này cũng học một cách cầm chừng vì sợ học xong không biết vận dụng nó kiếm tiền được hay không. Chia tay chúng tôi, Kê Xâr không giấu được nỗi buồn vì biết rằng, khi về tiên tổ sẽ chẳng còn ai biết thổi tiếng kèn mà ông cha truyền đời gìn giữ.                      

Hải Đăng

Gặp “ông bầu” một đời sưu tầm nhạc cụ dân tộc

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:51
Không những đam mê sưu tầm các loại nhạc cụ âm nhạc, thầy Phúc còn phục chế và sáng tạo ra những loại đàn mới.

Làng nhạc cụ “độc nhất vô nhị” Hà thành sắp thất truyền

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:52
Cả làng Đào Xá giờ chỉ còn duy nhất nghệ nhân già Đào Ngọc Soạn trăn trở tìm đường duy trì tinh hoa cha ông truyền lại.

Bộ nhạc cụ bằng dừa độc nhất Việt Nam

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
Nhắc đến Bến Tre, người ta sẽ nghĩ ngay đến xứ sở của những rặng dừa "nghiêng nghiêng xõa tóc" đã từng đi vào thơ, vào nhạc, quật cường, hiên ngang mà cũng dung dị như con người nơi ấy.

GS.TS Trần Quang Hải: Xứng danh quái kiệt nhạc dân tộc Việt Nam

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:42
Nhắc đến GS.TS Trần Quang Hải, người ta nhớ đến ông là con trai trưởng của nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc GS.TS Trần Văn Khê. Tuy nhiên, ông chưa bao giờ dựa vào danh tiếng của cha để phát triển sự nghiệp cho mình.