Xăng dầu có “thói quen” tăng giá?

Xăng dầu có “thói quen” tăng giá?

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
0
Với lý do bình quân giá cơ sở 30 ngày qua vẫn cao hơn mức bán lẻ hiện hành, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vừa có văn bản yêu cầu tăng giá gửi lên Bộ Tài chính.

Các doanh nghiệp xăng dầu cho rằng, họ đang lỗ 200 - 600 đồng/lít xăng dầu, nếu trừ 300 đồng định mức.

Đại diện một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu than phiền: "Doanh nghiệp lỗ nhiều hay ít còn phụ thuộc vào khả năng lúc giá thế giới lên, đơn vị đó nhập nhiều hay ít. Trong bối cảnh như hiện nay, liên Bộ Tài chính - Công Thương nên giảm thuế và trích Quỹ Bình ổn để chia sẻ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân cũng không quá bất ngờ".

Về vấn đề này, đại diện Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cho biết, doanh nghiệp chưa có đề xuất tăng giá gửi Bộ.

Điểm lại tình hình giá cả trên thị trường xăng dầu Singapore, nơi nhập khẩu xăng dầu chính của Việt Nam, sau đợt tăng giá 28/8 đến 7/9, giá xăng RON 92 giảm trong 4 ngày và tăng 3 ngày. Theo đó, mức giá chốt cuối tuần qua là 122,39 USD/thùng, trong khi giá chốt 28/8 là 122,90 USD/thùng. Dầu diesel cũng tăng mạnh vào ngày 4/9 ở mức 136,25 USD và hạ nhiệt vào ngày 7/9 còn 132,81 USD/thùng.

Xã hội - Xăng dầu có “thói quen” tăng giá?

Tại thị trường trong nước, ngày 28/8, giá xăng dầu có lần tăng giá thứ tư liên tiếp với mức tăng cao nhất 650 dồng/lít xăng đẩy giá bán lẻ xăng RON 92 vào thời điểm này là 23.650 đồng/lít. Sau 4 lần tăng giá liên tiếp từ cuối tháng 7 đến nay, giá xăng RON 92 đã đắt thêm 3.050 đồng/lít. Điều dễ nhận thấy, các doanh nghiệp đang hình thành một “thói quen” cứ khoảng 10 ngày một lần lại rục rịch báo lỗ và xin tăng giá.

Trước nhiều ý kiến trái chiều của dư luận về việc tăng giá xăng dầu ồ ạt, ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, điều hành thị trường xăng dầu vẫn nhất quán theo Nghị định 84, trao quyền chủ động cho doanh nghiệp và căn cứ trên theo tình hình giá cả thế giới.

Tuy nhiên, một thực tế rất dễ nhận thấy tại thị trường xăng dầu nước ta đó là hiện tượng tăng ồ ạt nhưng giảm nhỏ giọt. Việc điều chỉnh tăng giá được thực hiện một cách nhanh chóng, giá xăng dầu thế giới vừa tăng các doanh nghiệp đã kêu lỗ và yêu cầu tăng giá. Ngược lại, có những thời điểm giá xăng dầu thế giới liên tục giảm mạnh và kéo dài, tuy nhiên, Bộ Tài chính không nhận được bất kỳ một yêu cầu xin giảm giá nào của các doanh nghiệp.

Ngoài ra, cũng cần nói đến hiện tượng các cây xăng liên tục găm hàng trước những thời điểm sắp tăng giá xăng dầu. Về vấn đề này, Cục Quản lý thị trường đã có những giải pháp nhất định. Ông Đỗ Thanh Lam, phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, qua kiểm tra cho thấy, hai đợt tăng giá xăng dầu gần đây nhất, cả nước có 220 cửa hàng đã dừng bán hàng với nhiều lý do như nghỉ bán hàng từ trước thời điểm điều chỉnh giá, bị đình chỉ kinh doanh; do sự cố mất điện, hết xăng dầu. Trong đó, 136 cửa hàng ngừng bán hàng do hết xăng dầu. Nguyên nhân thực sự của sự việc này sẽ được công bố vào khoảng 15 – 20/9 sau khi có kết luận cuối cùng từ các cơ quan điều tra.

Việc tăng giá xăng dầu theo một mật độ “dày đặc” trong thời gian vừa qua đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống người dân. Hầu khắp các mặt hàng trên thị trường, đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm, gia dụng đều tăng giá một cách thiếu kiểm soát khiến người dân đang rơi vào tình cảnh phải bóp chặt chi tiêu và chờ đợi những giải pháp tích cực từ các cấp có thẩm quyền.

Tuấn Khanh