Xăng dầu giảm giá như ném đá ao bèo

Xăng dầu giảm giá như ném đá ao bèo

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:05
0
Sau khi dư luận lên tiếng quá nhiều về cơ chế giá xăng, dầu trong thời gian qua cuối cùng Bộ Tài chính cũng đã ra văn bản yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối giảm giá bán lẻ xăng dầu từ 300 500 đồng /lít, so với giá bán trước đó.

Động thái giảm giá xăng, dầu trong thời điểm này có thể ví như nắng hạn đã gặp mưa nhưng tiếc thay cơn mưa ấy quá trễ, ít, không thể làm thỏa cơn bức bối của người dân cũng như những doanh nghiệp tiêu thụ xăng dầu.

Giảm trễ, giảm ít... dân thờ ơ

Thời điểm giá xăng tăng mạnh lên 2.000/ lít hồi cuối tháng 3 đã làm cho giá cước vận tải cũng như mọi mặt hàng khác ngay lập tức tăng giá. Nhưng lần giảm giá xăng ngày 26/8 mới đây được người dân đón nhận một cách hờ hững không phải vì họ không quan tâm đến giá xăng mà bởi mức giảm quá ít, giảm cũng như không nên người tiêu dùng xăng có phần hẫng hụt.

Giá xăng dầu giảm ít, dân thờ ơ

Giá xăng kiên trì bám trụ ở mức 21.300 đồng /lít đã từ 5 tháng nay trong khi diễn biến giá xăng dầu thế giới cho thị trường trong nước nhiều cơ hội để giảm giá. Cuối cùng, ngày giá xăng, dầu giảm giá cũng đến nhưng việc giảm lần này thay vì trấn an người dân ngược lại đã làm không ít người càng tỏ ra bức xúc, gây hiệu ứng ngược.

Chị Hoàng Thị Thủy (Đống Đa-Hà Nội) cho rằng: "Chúng ta ai cũng mong đến ngày xăng giảm giá, rất nhiều thông tin về giá xăng dầu thế giới giảm mạnh nhưng Việt Nam chưa hề giảm giá kể từ đầu tháng 6. Lần này chỉ giảm 500 đồng /lít xăng thì thà cứ giữ nguyên giá cho chúng tôi đỡ mất công hi vọng. Tăng thì tăng nhanh, tăng cao cho kịp thị trường, đến khi giảm thì lề mề, lạch bạch như kiểu bố thí. Đợt giảm này thật chẳng bõ".

Dưới góc nhìn của TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương thì việc giảm giá xăng dầu ngày 26/8 là quá trễ và ít so với mức độ giảm giá xăng dầu trên thế giới. "Lẽ ra với mức giảm giá xăng dầu trên thế giới, giá xăng trong nước hoàn toàn có thể giảm được trước đó ít nhất 10 ngày. Khi tăng thì tăng 2.000- 2.800 đồng /lít nhưng đến khi giảm lại chỉ giảm có 500 đồng. Nhiều người dân đã không biết, không ý thức được rằng xăng dầu đã giảm giá bởi sự tác động của việc giảm giá này không rõ ràng", ông Doanh nói.

Chưa thể giảm giá cước vận tải

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam đã khẳng định không thể điều chỉnh giá cước vận tải khi giá xăng chỉ giảm có 500 đồng /lít, giá dầu chỉ giảm 300 đồng /lít. Ông Hùng phân tích cụ thể hơn: "Giá xăng dầu tăng hay giảm từ 10% trở lên thì sẽ điều chỉnh giá cước vận tải. Nếu giá xăng dầu tăng dưới 10%, doanh nghiệp sẽ phải cố gắng khắc phục, giá xăng dầu giảm dưới 10% doanh nghiệp sẽ chỉ tăng điều kiện phục vụ tốt cho khách hàng. Giá xăng dầu tăng hoặc giảm 10% tương đương với chi phí vận tải sẽ tăng hoặc giảm 4,5%, lúc đó doanh nghiệp mới có thể điều chỉnh giá cước vận tải. Giá xăng dầu chỉ giảm chút ít thế này chưa đủ sức để giảm giá cước".

Đồng quan điểm với ông Hùng, ông Lương Hoàng Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải TP. HCM cũng cho rằng lần giảm giá xăng dầu này không có tác động gì lớn vì mức giảm quá nhỏ trong khi lạm phát vượt qua sự kỳ vọng giảm giá.

Giá xăng phải giảm khoảng 1.500 đồng/lít trở lên mới có thể giảm được giá cước vận tải. Ông Trung cho rằng lần giảm giá này quá ít cộng với việc cơ chế giá xăng, dầu vẫn chưa thể hiện được sự minh bạch nên không thể tác động đến tổng thể nền kinh tế cũng như không giảm được lạm phát cho nền kinh tế.

Ông Phạm Ngọc Tố, Giám đốc Cty Xuất nhập khẩu Sao Nhất Linh hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp in cho biết, giá dầu mới giảm 300 đồng nhưng chi phí di chuyển, đơn giá đã có thể giảm bớt cho khách hàng và công việc của công ty cũng đã thuận lợi hơn. Giá dầu nằm trong cơ cấu 20% chi phí vận hành của doanh nghiệp với xe nâng, xe cẩu, xe vận chuyển từ Bắc - Nam.

Chi phí chỉ thụt đi vài giá nhưng khách hàng thấy phấn khởi và công việc thuận lợi hơn. "Giá xăng dầu cần phải giảm hơn nữa, nếu mức giảm chỉ nhỏ giọt thì khó có thể tác động nhiều đến chi phí hay cải biến lợi nhuận cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp có phát triển mạnh hay không phụ thuộc rất nhiều vào giá xăng dầu, đặc biệt là những doanh nghiệp tiêu thụ trực tiếp xăng dầu như chúng tôi", ông Tố cho biết.

Theo ông Đào Vũ Minh Tuấn - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Mai Linh thì hiện nay công ty vẫn chưa thể có quyết định giảm giá cước vận chuyển ngay được. Công ty đang phải theo dõi thêm cũng như cần phải lấy ý kiến của anh em lái xe để xem xét việc có giảm giá cước hay không.

Bất hợp lý ở Quỹ bình ổn

Giảm giá xăng dầu lần này chưa thể có tác dụng làm giảm yếu tố trượt giá trong nền kinh tế

Giải thích nguyên nhân của việc giảm giá xăng gần đây, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: "Thời gian qua báo chí đã nêu rất nhiều bằng chứng về việc việc giá xăng dầu thế giới giảm sâu nhưng cơ quan nhập khẩu xăng dầu vẫn "cố thủ" không điều chỉnh giá. Dư luận đã phản đối rất quyết liệt, mặt khác Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng yêu cầu kiểm tra, rà soát lại cơ cấu giá xăng dầu và quỹ bình ổn giá. Có thể do phản ứng của dư luận cũng như chủ trương của Nhà nước nên giá xăng dầu đã phải giảm. Việc giảm giá xăng, dầu lần này có thể nói chỉ là động thái để trấn an dư luận và người dân chứ thực sự chưa thể có tác dụng làm giảm yếu tố trượt giá trong nền kinh tế".

Một loại chi phí được cấu thành trong giá xăng dầu hiện nay vẫn là khoản trích cho quỹ bình ổn. Ông Lương Hoàng Trung cho rằng: "Quỹ bình ổn nên được hình thành ở chiều hướng doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có lãi bỏ tiền ra làm quỹ bình ổn. Tại sao lại bắt người tiêu dùng bỏ số tiền đó ra rồi sau đó lại lấy số tiền đó dùng để bình ổn cho người dân? Đó là điều bất hợp lý".

Ông Trung cũng cho rằng, "Muốn tạo ra sự ổn định cho doanh nghiệp phát triển là việc của doanh nghiệp chứ không phải việc của người dân. Chưa kể đến việc nếu tình hình thị trường thế giới ổn định, số tiền bình ổn này trong 5 - 10 năm phát sinh tiền lãi thì ai hưởng? Chuyện này rất vô lý và không thể chấp nhận kiểu biện minh và kinh doanh như vậy được".

TS Lê Đăng Doanh cũng cho rằng Quỹ bù giá xăng dầu hoàn toàn không minh bạch. "Giá xăng dầu phải theo giá thị trường, cứ để người dân biết được giá xăng dầu phức tạp như thế nào để họ lo liệu tiết kiệm. Chúng ta không nên dùng quỹ bình ổn để kìm giá khi giá xăng dầu thế giới tăng cao như năm 2010 rồi ngay sau đó tăng giá 2 lần liên tiếp hồi đầu năm 2011. Việc tăng giá "giật cục" như vậy để lại rất nhiều hậu quả cho nền kinh tế. Giá xăng dầu không minh bạch, phải có sự giám sát, kiểm soát đối với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Giảm giá xăng dầu sẽ đóng góp rất tốt đối với việc giảm lạm phát vì giá vận tải sẽ giảm, giá mớ rau, quả trứng cũng sẽ giảm đi", ông Doanh nói thêm.

Quế Chi