Xe buýt nhái, ai xử lý?

Xe buýt nhái, ai xử lý?

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:07
0
Những chiếc xe kiểu dáng "nhái" giống hệt xe buýt vẫn ngang nhiên bắt khách dọc đường, làm không ít hành khách nhầm lẫn, còn cơ quan chức năng thì thờ ơ.

Những chiếc xe ôtô có sơn 2 màu đỏ vàng, treo biển lộ trình và còn đón, trả khách tại điểm dừng, đỗ của xe buýt.

Thậm chí, các xe này còn hoạt động ngang nhiên trên một số tuyến chạy nội đô Hà Nội tới các huyện thuộc Hà Tây (cũ), và những chiếc xe buýt "nhái" giống buýt thật 100% đã và đang khiến các “Thượng đế” cũng phải nhầm.

Bản sao xe buýt

Mấy năm nay, bên cạnh những chiếc xe khách, người dân Hà Tây (cũ) đã dần quen với những chuyến xe buýt đường dài của các công ty. Cùng chặng đường như nhau nhưng giá vé xe buýt có vẻ “dễ chịu” hơn.

Song có lẽ điều mà hành khách cảm thấy thoải mái nhất khi đi xe buýt đường dài là họ có thể lên xuống ở bất kỳ đâu, không khác gì xe khách... dù. Chỉ cần đứng ra lề đường, thấy xe buýt đi qua thì vẫy là có thể lên xe. Song họ không để ý rằng đó là những chiếc xe buýt "nhái."

Có mặt tại trước cửa bến xe Mỹ Đình cùng Thanh tra Sở Giao thông vận tải, chỉ trong vòng chưa đầy một tiếng đồng hồ, hai chiếc xe mang biển kiểm soát 29T-7913 (của Xí nghiệp Xe khách Nam Hà Nội) và 33M-4290 (của Hợp tác xã Vận tải Tín Lợi) với kiểu dáng “nhái” xe buýt đã bị lập biên bản vì lỗi dừng đỗ xe, đón trả khách sai quy định.

Hai chiếc xe này đều sơn 2 màu vàng đỏ, treo biển lộ trình giống hệt xe buýt và thậm chí còn ngang nhiên đón, trả khách tại điểm dừng, đỗ của xe buýt.

Thanh tra Hà Sỹ Việt Bắc, Đội phó Đội Thanh tra vận tải đường bộ (Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội), đơn vị đang làm nhiệm vụ trên tuyến khẳng định, người dân bình thường rất khó phát hiện được điểm khác biệt của “bản sao" khá hoàn hảo với những chiếc xe buýt chạy trong địa bàn Hà Nội.

Thanh tra Bắc cho hay: “Phần lớn những chiếc xe buýt được gọi là 'nhái' này đều có đăng ký xe màu vàng đỏ, giấy phép kinh doanh cấp cho xe chạy cũng màu vàng đỏ và trông bề ngoài thì giống hệt xe buýt.”

“Những xe này chủ yếu hoạt động trên các tuyến Hà Nội đi các huyện thuộc Hà Tây cũ. Trong giấy phép hoạt động cũng ghi rõ là được kinh doanh vận tải hành khách. Lỗi phổ biến mà lực lượng chức năng có thể áp được với loại xe 'nhái' này chính là việc đón trả khách sai quy định tại điểm dừng đỗ của xe buýt,” thanh tra Bắc nói.

Với trường hợp chiếc xe của Hợp tác xã Vận tải Tín Lợi hoạt động trên tuyến buýt số 214 Hà Đông-Xuân Khanh, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội, Nguyễn Hoàng Linh khẳng định hoạt động của xe đó là hoàn toàn sai phép.

Theo ông Nguyễn Tuyển, Phó phòng Vận tải Sở Gaio thông vận tải, trước đây Hợp tác xã Vận tải Tín Lợi được cấp phép hoạt động trên tuyến này. Tuy nhiên sau đó, Thanh tra Sở kiểm tra và phát hiện không đủ điều kiện chạy tuyến nên Sở đã rút phép hoạt động buýt của Hợp tác xã này.

“Hiện tại, trên tuyến Hà Đông-Xuân Khanh chỉ còn xe của của Công ty cổ phần Vận tải ôtô Hà Tây, Công ty cổ phần Vận tải ôtô, Xí nghiệp Xe khách Nam,” ông Tuyến cho hay.

Cũng theo ông Tuyển thì Hợp tác xã Vận tải Tín Lợi hiện chỉ được cấp phép hoạt động tuyến Mỹ Đình-Tế Tiêu.

Liên lạc với ông Phạm Huy Hoàng, Phó Giám đốc Xí nghiệp Xe khách Nam Hà Nội, chúng tôi được biết chiếc xe mang biển kiểm soát 29T-7913 của xí nghiệp hiện đang được khai thác theo hình thức khoán quản hoạt động trên tuyến Mỹ Đình-Sơn Tây.

Ông Hoàng cũng cho biết thêm, sở dĩ chiếc xe này giống hệt xe buýt là bởi vì trước kia đó chính là xe buýt, phục vụ trên địa bàn Hà Nội.

Về việc lái xe đón trả khách tại điểm dừng đỗ của xe buýt, ông Hoàng khẳng định ngoài việc bị lực lượng chức năng xử phạt, Xí nghiệp cũng sẽ có hình thức xử lý nghiêm theo đúng quy định.

Thương hiệu bị lợi dụng

Cho đến thời điểm hiện tại cũng chưa có có quy định nào cấm xe khách được sơn hai màu vàng, đỏ như màu của xe buýt, cũng chưa có một đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt trên địa bàn Hà Nội làm thủ tục đăng ký độc quyền màu sơn, kiểu dáng nên việc đối phó với xe buýt nhái thực sự nan giải. Thương hiệu "xe buýt Hà Nội" cũng vì thế mà ngang nhiên bị lợi dụng.

Theo lãnh đạo Trung tâm quản lý và điều hành Giao thông đô thị, Trung tâm cũng đã nhiều lần phát hiện một số phương tiện hoạt động không đúng chủng loại, không đúng luồng tuyến theo đúng đăng ký với Sở.

Ngoài ra, bộ phận giám sát của Trung tâm được giao nhiệm vụ giám sát cũng đã có các chương trình phối hợp với Thanh tra phát hiện một số trường hợp xe buýt nhái.

“Việc xử lý vi phạm thuộc thẩm quyền của Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội. Trung tâm hiện không có bất cứ chế tài nào để xử lý những chiếc xe nhái này,” lãnh đạo trung tâm quản lý và điều hành Giao thông đô thị cho hay.

Thực tế, việc xử phạt xe buýt “nhái” không dễ bởi cơ sở để xử phạt xem ra vẫn có nhiều tranh cãi, lúng túng.

Hơn nữa, việc xử phạt như hiện tại thực chất mới chỉ là giải quyết phần “ngọn,” còn gốc rễ vấn đề chưa được giải quyết.

Đến thời điểm này, chưa có một cơ quan chức năng nào của Hà Nội đứng lên nhận trách nhiệm về hoạt động của xe buýt nhái, cũng chưa có đơn vị nào đứng ra chỉ rõ diện mạo của buýt “nhái” để hành khách được biết.

Việc hành khách vẫn lên những chiếc xe buýt “nhái” vẫn còn là vấn đề thời gian và câu trả lời còn phụ thuộc rất nhiều vào việc thực thi chế tài của cơ quan chức năng.

Theo Vietnam+