Xe chính chủ: Phạt nguội liệu có hiệu quả?

Xe chính chủ: Phạt nguội liệu có hiệu quả?

Thứ 5, 18/04/2013 | 10:51
0
Sau khi có thông tin bộ Giao thông Vận tải đặt hàng camera biết đọc biển số để thực hiện xử phạt nguội, địa phương được thí điểm đầu tiên là Khánh Hoà, dư luận được phen xôn xao với hàng loạt những câu hỏi xung quanh vấn đề này.

Dân ngơ ngác trước thông tin phạt nguội

Sáng 11/4, tại trụ sở bộ Giao thông Vận tải, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã có buổi làm việc với Công ty TNHH MTV Hanel về giải pháp phát hiện vi phạm Luật Giao thông đường bộ bằng hình ảnh nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông. Theo những phương án được đưa ra thì hệ thống camera giám sát này có khả năng phát hiện lỗi vi phạm giao thông bằng hình ảnh bằng phần mềm STM01.

Phần mềm này có khả năng định dạng được tất cả các loại biển số xe ô tô, xe máy tại Việt Nam theo đúng định dạng và đầy đủ các kí tự, màu sắc, trong khoảng thời gian chỉ từ 20 - 50ms, độ chính xác nhận dạng tới hơn 98%. Bộ đã lên lịch trình để đưa hệ thống này vào việc quản lý giao thông ở các tỉnh thành mà địa phương đầu tiên được đưa ra thí điểm là tỉnh Khánh Hoà, nơi có số người chết vì tai nạn giao thông trên địa bàn trong quý I/2013 tăng cao so với cùng kì năm 2012.

Xã hội - Xe chính chủ: Phạt nguội liệu có hiệu quả?

Phương thức xử phạt bằng camera giám sát vẫn đang còn rất nhiều khó khăn.

Từ năm 2012, Hà Nội đã bắt đầu áp dụng lắp camera để phát hiện, xử lý vi phạm giao thông (có 34 camera quan sát, 1 camera giám sát). Camera bắn tốc độ đầu tiên được lắp đặt tại phố Đinh Tiên Hoàng vào tháng 6/2012, đoạn giao cắt với phố Lê Lai, đối diện vườn hoa Lý Thái Tổ. Camera thứ hai gắn ở ngã tư Cửa Nam (camera đèn đỏ). Trong năm 2013, Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai nhiều đề án, quy hoạch, trong đó có đề án thí điểm hệ thống quản lý giao thông thông minh trên đại lộ Thăng Long.

Tuy nhiên, sau một thời gian lắp đặt và đi vào thử nghiệm, người dân Hà Nội vẫn còn ngơ ngác về việc tồn tại các camera giám sát ở trên những tuyến đường đã lắp đặt camera này. Chị Hoàng Hương, giáo viên làm việc tại cung thiếu nhi Hà Nội, hàng ngày vẫn đi về trên tuyến đường Đinh Tiên Hoàng, đối diện vườn hoa Lý Thái Tổ, khi được hỏi về camera giám sát còn ngơ ngác hỏi PV: "Có camera ở đó à?". Không chỉ chị Hương mà nhiều người khác cũng có câu trả lời đó. Tương tự, nhiều người dân không biết gì về camera giám sát ở ngã tư Cửa Nam. "Chúng tôi chỉ để ý tới biển đèn báo giao thông cùng với chỉ huy của cảnh sát chứ đâu biết camera gì", một người dân nói.

Việc tồn tại các camera giám sát ở các tuyến đường lớn như kể trên dường như vẫn còn xa lạ đối với phần lớn người dân, việc phạt nguội lại càng lạ lẫm hơn nữa. Còn nhớ, cách đây hơ một năm, vụ ngôi sao ca nhạc Hồ Ngọc Hà cùng chồng do không tuân thủ luật đội mũ bảo hiểm, bị fan hâm mộ tung ảnh lên mạng và ít ngày sau cặp vợ chồng này đã nhận được giấy thông báo phạt nguội của cảnh sát giao thông. Đây là một vụ phạt nguội hi hữu khiến cư dân mạng xôn xao. Bẵng đi từ đó đến nay, việc phạt nguội vẫn chỉ thưa thớt ở một số nơi và chưa thể hiện được tính hiệu quả của mình.

Xã hội - Xe chính chủ: Phạt nguội liệu có hiệu quả? (Hình 2).

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thuỷ.

Phải xử lý "lộ trình xe chính chủ" trước

Trước thông tin về việc bộ Giao thông Vận tải đang lên lịch trình về việc gắn camera để xử phạt nguội vi phạm giao thông, nhiều người dân tỏ thái độ hoang mang, lo lắng. Anh Nguyễn Văn Thế ở Đội Cấn, Hà Nội cho biết: "Tôi đã mua, bán nhiều chiếc xe ô tô, nhưng mỗi lần mua, bán xe cũng đều chỉ thoả thuận miệng. Bây giờ xử phạt theo chủ đăng ký của xe, khéo có ngày nhận được mấy cái giấy báo nộp phạt mà không biết mình vi phạm lúc nào". Cùng tâm lý thấp thỏm lo âu của anh Thế, nhiều người dân không yên tâm về phương thức xử phạt này, cho rằng hình thức này cứng nhắc và khó khả thi. Trong điều kiện tình hình xe chính chủ ở Việt Nam vẫn còn "rối như canh hẹ" thì việc xử đúng người đúng tội thật quá xa vời.

PV đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy - nguyên Giám đốc, tổng biên tập NXB Giao thông vận tải (bộ GTVT) về vấn đề này. Theo ông Thuỷ, việc xử phạt trực tiếp hay gián tiếp qua hệ thống camera giao thông là một việc tốt, tích cực, tuy nhiên cũng phải tuỳ theo điều kiện của từng thành phố, đất nước mà áp dụng. Ở Việt Nam hiện nay, hình thức phạt tại chỗ vẫn còn là phổ biến, tuy nhiên không phải lúc nào cũng có đủ cảnh sát giao thông để tham gia kiểm tra xử phạt trên tất cả các tuyến đường, tuyến phố. Việc sử dụng hệ thống giao thông thông minh (camera) sẽ giúp việc kiểm tra, xử phạt được tốt hơn, không bị hạn chế về thời gian.

Có một khó khăn là hệ thống camera của mình chưa đủ hiện đại nên nhiều khi không tránh khỏi tình trạng tranh cãi của người điều khiển phương tiện. Mặt khác, hiện nay số xe không chính chủ đang lưu hành chiếm tới 40-50% phương tiện giao thông mà thủ tục sang tên đổi chủ chỉ mới bắt đầu triển khai, cần một thời gian mới có thể hoàn tất. Cho nên, nhiều khi biết chính xác biển số xe vi phạm cũng sẽ rất khó khăn để truy ra người vi phạm ở đâu mà xử phạt. Nếu không tìm đúng người vi phạm mà căn cứ giấy tờ, biển số xử phạt oan sẽ dẫn tới những bức xúc không đáng có. Vì vậy, muốn thực hiện được việc xử phạt nguội qua camera giám sát thì trước hết phải hoàn tất lộ trình đổi xe chính chủ.              

Đừng đánh đố người dân!

Việc dùng camera giám sát cũng có những ưu, nhược điểm riêng. Việc xử phạt sẽ tốn khá nhiều thời gian sau khi xác minh được biển số, tên chủ vi phạm xe, địa chỉ… Căn cứ vào hình ảnh, cảnh sát giao thông sẽ lập giấy vi phạm gửi đến chủ xe thông qua công an khu vực. Sau ba lần gọi, người vi phạm không chấp hành, cảnh sát giao thông sẽ phối hợp với công an địa phương cưỡng chế người vi phạm. Mất thời gian mà chưa chắc đã tìm đúng người vi phạm.

Đặc biệt, theo tiến sĩ Nguyễn Xuân Thuỷ thì khi lắp camera thì phải thông báo cho người dân biết, tránh tình trạng đánh đố. Khi biết, người dân sẽ có sự chủ động và tuân thủ tốt hơn. Lắp camera giao thông không có nghĩa là phụ thuộc hoàn toàn vào camera. Với tình hình hiện nay, việc xử phạt tại chỗ vẫn là thiết yếu trước. Công an vẫn phải trực tiếp có mặt ở các tuyến phố giờ cao điểm mới có thể đảm bảo được giao thông thông suốt.

Hón Thỵ

Tướng Ngọ: 'Bộ Công an chưa bao giờ dùng từ 'xe chính chủ'

Thứ 5, 28/03/2013 | 16:18
Ủy viên TW Đảng, thứ trưởng Bộ Công an, trung tướng Phạm Quý Ngọ trả lời phỏng vấn báo Người đưa tin về dự thảo cho phép nổ súng của cảnh sát và xe không chính chủ.

Bộ Công an chưa bao giờ dùng từ 'xe chính chủ'

Thứ 2, 25/03/2013 | 09:40
Đó là khẳng định của trung tướng Phạm Quý Ngọ - thứ trưởng Bộ Công an tại hội nghị sơ kết về tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn xã hội Tết Quý Tỵ tổ chức ở TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) hôm 22/3.

Xe chính chủ: Người dân ‘chóng mặt’ với những phát ngôn

Thứ 5, 21/03/2013 | 10:28
Có lẽ đây là khoảng thời gian mà người dân “chóng mặt” với những phát ngôn về xe chính chủ.

Quy định “bắt buộc xe chính chủ”, không nên quá cứng nhắc

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:42
Mấy ngày qua, dư luận xôn xao về việc xử phạt đối với hành vi không mang theo giấy tờ xe chính chủ. Xung quanh vấn đề này, bên lề hành lang Quốc hội, PV đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Đỗ Văn Đương (TP.HCM) ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.