Xe cứu thương hoạt động bát nháo, chặt chém khách

Xe cứu thương hoạt động bát nháo, chặt chém khách

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:41
0
Hàng chục xe cứu thương tranh dành bệnh nhân, móc túi, chặt chém thân nhân người bệnh đang diễn ra công khai trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

Hoạt động tự do, thả sức “chặt chém”

Hiện nay, ngoài hệ thống xe cấp cứu được phép lắp hệ thống còi, đèn ưu tiên theo quy định tại thông tư liên tịch số 02/2008/TTLT/CA-QP-YT-GTVT-KH-CN của Liên Bộ Công an - Quốc phòng - Y tế - Giao thông Vận tải – KHCN thì trên cả nước chỉ có hệ thống duy nhất là đầu số 115 được cấp phép.

Việc cấp phép hoạt động cho xe cứu thương cũng giống như cấp phép cho một cơ sở hành nghề y tư nhân, cần đầy đủ các điều kiện về con người, cơ sở vật chất (máy móc trên xe, phương tiện đảm bảo, vv…). Tuy nhiên qua điều tra của phóng viên, hiện nay trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh ngoài 67 xe cứu thương (bao gồm xe cấp cứu trung tâm 115 và xe cấp cứu được cấp phát cho các bệnh viên trong tỉnh– PV) được cấp phép đủ điều kiện hành nghề thì có thêm hàng chục chiếc xe cứu thương dởm, không được cấp phép đang ngang nhiên hoạt động công khai trên địa bàn. Thậm chí, loại xe được cấp phép hoạt động cứu thương của Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Tĩnh - Đơn vị được Sở Y tế Hà Tĩnh cấp phép, cũng như một số xe cấp cứu của bệnh viện nhiều lúc rơi vào cảnh bị chèn ép bởi các xe cứu thương giả. Trong khi đó, người nhà bệnh nhân cũng không thể nhận biết được loại xe cứu thương nào đủ tiêu chuẩn hành nghề, loại nào không đủ tiêu chuẩn.

Xã hội - Xe cứu thương hoạt động bát nháo, chặt chém khách

Xe cứu thương đậu la liệt trước sảnh Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, Bệnh viện Đa khoa huyện Kỳ Anh, Bệnh viện Đa khoa huyện Hương Sơn, tình trạng xe cứu thương giả lộng hành cũng diễn ra tương đối nhộn nhịp. Chúng tôi bắt gặp hàng loạt xe cấp cứu biển trắng thi nhau ra vào đón khách. Không chỉ có thế, nơi đây còn có một đội quân “cò mồi” sẵn sàng “chăn dắt” khách hàng và ra sức chặt chém. Nhiều người chỉ khi lên xe mới biết xe cứu thương mà mình thuê không phải là xe cấp cứu của bệnh viện hay xe của Trung tâm 115.

Hơn thế, qua tìm hiểu, chúng tôi được biết phần lớn loại xe này thường là những chiếc xe đã cũ nát, được đại tu lại và được trang bị một số thiết bị cứu thương. Sau đó, người ta trang bị cả còi hú rồi dán hình chữ thập đỏ và số 115 giống như xe cấp cứu thật để hoạt động.

Xã hội - Xe cứu thương hoạt động bát nháo, chặt chém khách (Hình 2).

Vào đậu cả trong sân...

Trao đổi với PV Người đưa tin, ông Võ Ngọc Sơn, giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Đăng kiểm Hà Tĩnh cho biết, những xe cứu thương dởm này khi đến hạn kiểm định kỹ thuật thì họ bỏ hết các thiết bị trên xe để kiểm định như những xe bình thường đã ghi trong giấy chứng nhận đăng kí. Sau khi kiểm định xong, chủ xe lại lắp lại cho lắp đặt lại như cũ. Vì vậy, cơ quan đăng kiểm không thể phát hiện để xử lý được.

Xe cứu thương dởm, khó xử lý

Tình trạng xe cứu thương dởm hoạt động một cách ngang nhiên, công khai chỉ với mục đích vận chuyển bệnh nhân lấy tiền mà thiếu đi trang thiết bị y tế chuyên nghiệp và không đúng quy cách sẽ gây mất an toàn, nguy hiểm đến tính mạng cho người bệnh đang diễn ra trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh trong suốt thời gian qua nhưng không có một lực lượng chức năng nào đứng ra xử lý.

Lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông và Sở Y tế Hà Tĩnh (đơn vị có thẩm quyền cấp phép hoạt động hệ thống xe cứu thương – PV) đẩy “quả bóng” trách nhiệm cho nhau.

Xã hội - Xe cứu thương hoạt động bát nháo, chặt chém khách (Hình 3).

Rồi lấn chiếm ra cả vỉa hè

Thượng tá Võ Trọng Hùng, trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, việc kiểm soát các xe cứu thương thuộc về Sở Y tế Hà Tĩnh. Các xe cứu thương này có đủ điều kiện hành nghề hay không thì Sở Y tế phải kiểm tra chứ CSGT chỉ có nhiệm vụ tuần tra kiểm soát trên đường nên không nắm được hệ thống xe cứu thương đi lúc nào, về lúc nào.

Cũng theo ông Hùng “việc kiểm tra, kiểm soát các xe cứu thương lúc chạy trên đường đối với lực lượng CSGT thực sự rất khó khăn bởi các xe này bật đèn và còi ưu tiên khi lưu thông. Nếu lực lượng CSGT dừng lại kiểm tra mà làm chậm việc cấp cứu của bệnh nhân, bệnh nhân xảy ra vấn đề gì thì lực lượng CSGT phải chịu trách nhiêm…nên chúng tôi rất khó xử lý”.

Ông Nguyễn Tuấn, phó giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh, lại cho rằng, việc kiểm tra kiểm soát các xe cứu thương thuộc về ngành CSGT, Sở Y tế chỉ quản lý những xe đủ điều kiện được cấp phép hành nghề chứ những xe tư, xe dởm chạy ngoài đường thì lực lượng công an phải kiểm tra xử lý.

“CSGT không thể nói xe có gắn đèn, còi, dán chữ thập đỏ chạy ngoài đường là xe được Sở Y tế cấp phép. Xe nào cấp phép, xe nào thật, xe nào giả, xe cứu thương nào đang chở người đi cấp cứu thì CSGT phải nắm rõ…” – ông Tuấn nói.

Công Lâm