Xót xa cháu bé nghèo bị u phúc mạc sườn

Xót xa cháu bé nghèo bị u phúc mạc sườn

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:50
0
Do khối u phát triển, từ một người khỏe mạnh lanh lợi, chân cậu bị teo tóp lại, phải dùng thiết bị hỗ trợ để tiểu tiện.

Tại phòng bệnh nhân số 3, khoa Ung bướu trẻ em, bệnh viện K (cơ sở 2, Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội), bé Nguyễn Văn Nhật đang nằm trên giuờng bệnh với khuôn mặt nhợt nhạt và yếu ớt.

Bác sĩ chăm sóc cháu nói với tôi: “Cậu bé rất đáng thương, mới 7 tuổi đã bị bệnh U phúc mạc sườn, mà gia đình lại quá nghèo, nên cũng chỉ lo được phần nào thôi. Tiền viện phí gia đình vẫn chưa đóng, nếu có đơn vị, cá nhân nào hảo tâm mà giúp đỡ thì tốt cho gia đình quá!”.

Xã hội - Xót xa cháu bé nghèo bị u phúc mạc sườn

Bé Lê Văn Nhật đang được điều trị tại bệnh viện K

Đi theo chăm sóc cháu là chị Nguyễn Thị Giang. Hai mẹ con ở bệnh viện đã hai tuần nay rồi. Quê chị Giang ở xóm Vạn Phúc, xã Yên Thành, huyện ý Yên, tỉnh Nam Định. Hai vợ chồng sống bằng nghề làm ruộng, ở vùng đất chiêm trũng nhưng hai vợ chồng chưa khi nào đủ ăn. Chồng chị phải lên Hà Nội đi làm thuê, để kiếm đồng ra đồng vào nuôi hai con ăn học, và bố mẹ già yếu ngoài 80 tuổi.

Cách đây hai tháng, thấy Nhật kêu đau bụng, gia đình đưa lên bệnh viện Hà Nam khám. Ở đây, bác sĩ viết giấy chuyển lên bệnh viện Việt Đức. Sau hai ngày ở Việt Đức, bệnh viện khuyên gia đình nên đưa bé Nhật lên bệnh viện K để chẩn đoán bệnh chính xác hơn. Bệnh viện K kết luận bé Nhật bị : U phúc mạc sườn.

Nhìn cậu bé có đôi mắt sáng nhưng ngày một gầy gò vì căn bệnh này, nhiều người đi thăm bệnh nhân ở đây không khỏi xót xa. Do khối u phát triển ngày một nhanh, từ một người khỏe mạnh, lanh lợi, chân cậu bị teo lại. Hiện giờ Nhật chỉ nằm một chỗ, mọi sinh hoạt đều phải nhờ mẹ hoặc bố. Khối u chèn vào dạ dày và thận nên cậu bé không thể ăn cơm, chỉ nhấp miệng được chút cháo nấu loãng.

Ban ngày thì đỡ, đêm xuống là những cơn đau hành hạ Nhật khiến cháu chưa khi nào ngủ tròn giấc. Hàng ngày, các bác sĩ của khoa đến truyền máu và đặt ống xông cho Nhật, vì em không thể tự đi vệ sinh được. Số tiền mà bố mẹ em mang đi ngày càng ít đi. Hai vợ chồng chưa biết sắp tới sẽ xoay xở ra sao để chữa bệnh cho con.

Chị Giang tâm sự: “Từ ngày cháu đi bệnh viện, bao nhiêu tiền của gia đình đã chi tiêu gần hết. Bố cháu đi làm thuê cũng không kiếm được bao nhiều. Giờ con ốm thế này, thì phải nghỉ làm để cùng tôi chăm cháu. Hai vợ chồng vẫn giấu ông bà nội, vì ông bà đã già yếu rồi. Nếu biết cháu nội bị bệnh hiểm nghèo thế này thì không giữ được bình tĩnh. Tiền thuốc men, đi lại, sinh hoạt ngày càng đắt đỏ, mà anh em họ hàng cũng nghèo, nên không thể hỗ trợ được. Bây giờ tôi mới thấm thía câu nói: “Sinh con ra khỏe mạnh đã là một hạnh phúc”.

Người lớn bị bệnh đã khổ, các cháu nhỏ nằm yếu ớt một chỗ còn thấy đau xót hơn. Chị Giang ngậm ngùi: “Cô giáo của cháu bảo, ở lớp Nhật là một trong những bạn học thông minh nhất lớp, nhưng từ khi bị bệnh, cháu rất nhút nhát, suốt ngày kêu đau bụng. Hôm tổng kết năm học, cháu đang điều trị ở đây nên không về quê được. Tôi chỉ mong rằng, sẽ có đủ tiền, để chạy chữa cho con. Cháu có thể khỏe mạnh trở lại để cắp sách đến trường”.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về địa chỉ: Chị Nguyễn Thị Giang, xóm Vạn Phúc, xã Yên Thành, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, số điện thoại 016.971.45515. Hoặc địa chỉ: Báo Đời sống & Pháp luật, tòa nhà A6, khu đô thị Nam Trung Yên, đường Phạm Hùng, Cầu Giấy, Hà Nội. Điện thoại: 0462810837, 0978080388.

Lạc Thành