Xót xa chứng kiến những thiên thần mắc bệnh ung thư... sớm

Xót xa chứng kiến những thiên thần mắc bệnh ung thư... sớm

Thứ 4, 26/06/2013 | 01:20
0
Trong khi đứa trẻ cùng trang lứa đang được cắp sách đến trường, được vui chơi thoả thích thì không ít em nhỏ vừa chào đời đã phải chịu đựng sự dày vò, đau đớn của bệnh tật. Bằng nghị lực và sự hồn nhiên của tuổi thơ, các em phải chạy đua với số phận để đối diện với căn bệnh ung thư. Trò chuyện cùng cha mẹ và gặp gỡ các em, chúng tôi không khỏi xót thương trước những hình hài nhỏ bé ấy.

Mong tiếng cười của con không bao giờ tắt

Ở khoa Ung bướu, bệnh viện Nhi Trung ương, cha mẹ đưa con đến chữa bệnh dường như luôn có hai trạng thái cảm xúc đối lập. Trong khi người cha, người mẹ luôn luôn lo lắng, thi thoảng lại giấu những giọt nước mắt xót xa thì ở một góc khác, những thiên thần bé nhỏ vẫn vô tư nô đùa, cười nói. Dường như các em còn quá non nớt để biết được rằng, mình đang phải chịu đựng một căn bệnh hiểm nghèo mà sức đề kháng hì chưa đủ để... đỡ đau.

Xã hội - Xót xa chứng kiến những thiên thần mắc bệnh ung thư... sớm

"Mẹ ơi, khi nào tóc con mọc để được buộc nơ xinh!".

Chị Đỗ Thị Thương (quê Nam Trực, Nam Định) vẫn chưa hết mệt mỏi sau những đêm dài triền miên không chợp mắt để trông cho con ngủ, đôi mắt thâm quầng và lúc nào cũng rầu rầu. Cháu Đỗ Thị Lan Anh (3 tuổi) - con gái của chị không may bị u thượng thận khi mới bước sang tuổi thứ hai. Cô bé có đôi mắt sáng và nụ cười xinh xắn lúc nào cũng hỏi mẹ, khi nào thì tóc con mọc ra để được buộc nơ như các bạn. Chị Thương thương con lắm mà chẳng biết trả lời thế nào.

Chị tâm sự: "Cháu điệu lắm, lúc nào cũng thích áo có hoa, dép có hoa, tóc buộc nơ. Nhưng vì ảnh hưởng của các đợt truyền hoá chất nên đầu Lan Anh không còn tóc nữa. Sinh con ra chỉ mong con khoẻ mạnh nhưng ai ngờ cháu nó lại bị ung thư như thế. Lên đây chữa trị, các cháu được hỗ trợ 100% tiền thuốc, gia đình phải chịu tiền bông băng và chi phí sinh hoạt hàng ngày. Chỉ thế thôi, nhưng trung bình cũng phải mất 10 triệu 1 tháng/1 người lớn và 1 trẻ nhỏ. Dù đã tiết kiệm đủ đường, nhưng vì giá cả mọi thứ đắt đỏ gấp đôi, phải mua từng hớp nước, cuộn giấy nên tiền nong chi tiêu chẳng biết bao nhiêu cho vừa".

Khi hỏi về hoàn cảnh gia đình và nghề nghiệp của hai vợ chồng, chị Thương thở dài: "Khổ lắm cô ạ. Nhà chỉ làm nông nghiệp, quanh năm sống dựa vào hai vụ lúa và một vụ màu. Hết vụ mùa lại đi làm thuê, làm mướn cho người ta, kiếm ngày đôi ba chục. Để có tiền chữa trị cho cháu, hai vợ chồng tôi phải vay mượn khắp nơi. Gia đình còn một cháu nhỏ nữa đang đi học cấp 1 nên phải gửi ông bà chăm giúp. Mỗi đợt truyền hoá chất kéo dài 1 tuần, nhưng cũng có khi là cả tháng, nên chỉ vừa xoay đủ tiền thì đã đến hạn các cháu phải lên. Lúc ấy, tôi thấy thời gian sao mà nhanh thế".

Xã hội - Xót xa chứng kiến những thiên thần mắc bệnh ung thư... sớm (Hình 2).

Nghe nói đến chuyện tiền nong, mẹ của cô bé 5 tuổi bị bạch cầu cấp - Dương Hải Yến (quê Hải Dương) ngồi kế bên nhăn nhó, nói: "Nhiều khi lên đến viện, chậm ngày hẹn, bị các bác sĩ trách mắng cũng đành chịu cô ạ. Thương con ai chẳng mong cho lên đúng hẹn để được truyền thuốc, chữa trị cho sớm khỏi bệnh. Thế nhưng, tiền không có, vay mượn họ hàng cũng chỉ được vài đợt đầu. Hai năm nay, gia đình tôi chỉ sống dựa vào đồng tiền đi làm thuê của chồng, tôi thì chăm cho cháu. Đến lúc bí quá, hai vợ chồng phải vác sổ đỏ đi vay ngân hàng. Dù tiêu tốn như thế hay nhiều hơn nữa mà con ăn khoẻ, khỏi bệnh thì tôi cũng hi sinh hết. Miễn là thấy nó mãi mãi vui tươi, khoẻ mạnh và được đi học như bao đứa trẻ khác". Nhớ lại giây phút nghe tin con bị ung thư, người phụ nữ gần 40 tuổi này lại ngân ngấn nước mắt. Chị chia sẻ: "Lúc đầu cho con đi khám, chỉ nghĩ rằng con bị đau ốm bình thường, bởi trẻ con có đứa nào không hắt hơi, xổ mũi. Khi cầm tờ kết quả xét nghiệm trong tay, tôi không tin nổi vào mắt mình nữa. Yến khi đó mới 3 tuổi, còn quá bé và chẳng thể biết được mình đang mắc một căn bệnh quá hiểm nghèo. Đến nay đã 2 năm trôi qua, qua rất nhiều đợt truyền hoá chất, tóc cháu hết rụng rồi mọc nhưng vẫn chưa biết kết quả cuối cùng ra sao. Chỉ mong con mình rơi vào 30% bệnh nhân may mắn được chữa khỏi cô ạ".

Con mình đẹp như thiên thần mà sao lại?!...

Khác với những trường hợp trên, bé Trần Hoài Anh (16 tháng tuổi, quê Lạng Sơn) lại bị u tê-rê-tôm. Khi Hoài Anh được 14 tháng tuổi cha mẹ sờ thấy ở khe xương cụt có dấu hiệu bất thường nên đã cho con đi khám. Các bác sĩ cho biết, Hoài Anh đã bị bệnh này từ trong bào thai. Gia đình tức tốc cho con nhập viện và tiến hành cắt bỏ khối u.

Sau ca mổ, cháu bé chưa đầy 8kg vẫn phải truyền hoá chất và hàng ngày tiến hành thông đường đi tiểu tiện. Theo lời chị Trần Thị T.  mẹ của Hoài Anh, nếu may mắn chữa khỏi được bệnh thì từ nay về sau Hoài Anh cũng không thể tiểu tiện bình thường được. Nhìn thiên thần bé nhỏ đang chạy nhảy, dù trên tay vẫn cắm kim truyền, chị T. lại rơm rớm nước mắt.

Xã hội - Xót xa chứng kiến những thiên thần mắc bệnh ung thư... sớm (Hình 3).

Nhìn thiên thần bé nhỏ phải mang bệnh trọng, những người cha, người mẹ như đứt từng khúc ruột.

Nằm cùng phòng với Hoài Anh còn có bé Trần Hoàng Đức (4 tuổi, quê Quảng Bình) bị u hạch đang trong quá trình truyền hoá chất chờ mổ; bé Đồng Thị Phương Mai (7 tuổi, quê Thái Nguyên) bị u thận. Bệnh nhi lớn tuổi nhất phòng là em Vũ Minh Tiến (13 tuổi, quê Mê Linh, Hà Nội). Mỗi phận đời, mỗi hoàn cảnh nhưng ai ai cũng thấy cảm thương bởi các em không may sớm bị mắc bệnh hiểm nghèo. Cha mẹ các em tâm sự, chưa ai biết chắc được bệnh tình của con mình ra sao bởi đều đang trong quá trình điều trị, chỉ thấy bác sĩ nói, đối với các ca bệnh trên, có 60-70% khả năng là tiến triến tốt và có thể khoẻ mạnh.

Bệnh nhi nhỏ tuổi nhất mà chúng tôi gặp là bé Nguyễn Thu Thuỷ (5 tháng tuổi, quê Bắc Giang). Nhìn thân hình mũm mĩm và vẻ kháu khỉnh, không ai nghĩ cháu bé này lại mang trong mình khối u ở bụng. Cha của bé Thuỷ cho hay, khoảng nửa tháng trước, gia đình phát hiện thấy ở vùng kín của cháu ra máu bất thường liền đưa cháu đến bệnh viện Đa khoa Bắc Giang khám. Các bác sĩ chẩn đoán có khối u trong bụng và chuyển lên tuyến trên. Sau khi chụp cắt lớp và xét nghiệm, các bác sĩ ở đây kết luận, cháu bị u cơ vân vùng tiểu cung. Nghe kết quả xét nghiệm cha của bé Thuỷ choáng váng bởi không hiểu sao con mình đẹp như thiên thần thế này mà lại bị khối u trong bụng. Cha Thuỷ cũng chưa biết bệnh tình của con sẽ ra sao, bởi các bác sĩ còn phải hội chẩn mới cho ra kết luận cho mổ hay truyền hoá chất trước.             

Phát hiện sớm ung thư sẽ có tiên lượng tốt

Trao đổi với PV, TS. BS Bùi Ngọc Lan (bệnh viện Nhi TW) cho biết: Chưa có mặt bằng chức năng nào xác định nguyên nhân gây ung thư ở trẻ em. Các tài liệu nước ngoài cũng chưa có tài liệu nào khẳng định đã tìm thấy nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này. Ung thư không phải là bệnh di truyền. Di truyền phải kể đến bệnh đao hay một số loại bệnh khác, còn ở đây, các tế bào ung thư có sự biến đổi về mặt di truyền, nó có sự bất thường trong cơ quan di truyền.

Ung thư nếu phát hiện sớm kết quả điều trị sẽ tốt hơn phát hiện muộn. Tuỳ theo từng thể bệnh, nhưng nói chung, ở giai đoạn sớm, bệnh chưa di căn thì tiên lượng sẽ tốt, thuốc điều trị sẽ nhẹ nhàng hơn, chất lượng cuộc sống sau này sẽ tốt hơn. Còn nếu phát hiện muộn, bệnh đã nặng phải dùng thuốc nặng hơn, dù có cứu được mạng sống thì chất lượng cuộc sống sau này sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí bị ung thư thứ phát, bị những biến chứng sau điều trị. Chính vì thế, các bậc cha mẹ phải đặc biệt quan tâm tới những dấu hiệu bất thưởng ở trẻ nhỏ, thường xuyên cho trẻ đi khám sức khoẻ để phát hiện sớm bệnh và điều trị sớm (nếu có).

Phạm Hạnh

> Thi ảnh Việt Nam Xanh, rinh ngay 100 triệu đồng