Xót xa những phận đời mưu sinh quên tuổi

Xót xa những phận đời mưu sinh quên tuổi

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:50
0
Lẫn trong nhịp sống sôi động hàng ngày còn đâu đó những mảnh đời thiếu may mắn đang mải miết mưu sinh quên mất tuổi.

Họ là những cụ ông cụ bà ở cái tuổi xưa nay hiếm, (từ 70 tới 90 mươi tuổi có cụ đã ngoài 90). Ở chợ Thanh Xuân Bắc (Hà Nội) ngày nào đi chợ người ta cũng bắt gặp một cụ già, bán rau không kể những ngày nắng, mưa hay những ngày mùa đông rét đến cắt da cắt thịt. Không một phiên chợ nào bà vắng mặt. Bà bán đủ thứ rau…Hỏi chuyện thì được biết bà năm nay đã ngoài 90. Dẫu vất vả vậy nhưng trên gương mặt già nua ấy chưa khi nào vắng đi nụ cười móm mém của cụ. Có một vài người khách đi qua thấy bà cụ đáng thương nên họ dừng lại mua thêm rau của cụ.

Sự kiện - Xót xa những phận đời mưu sinh quên tuổi

Hết phiên chợ sáng, bữa trưa của cụ là một túm cơm mang đi từ nhà có hôm cụ đổi bữa bằng một gói xôi hay một chút bánh chợ. Đã có nhiều người thương cảm nên hỏi thăm và tìm hiểu về gia cảnh của cụ thì được biết. Nhà cụ không hề nghèo, đã từng có rất nhiều nhà đất. Cứ nghĩ cụ không có con nên mới phải cực khổ kiếm sống ở cái tuổi già nua như thế này, hỏi ra thì mới biết cụ có 4 người con đều khả giả nhưng vì không hợp với đứa nào. Nên dù đã hơn 90 tuổi cụ vẫn sống một mình trong căn nhà cấp 4 với diện tích chưa đầy 20m2.

Có tiền gửi ngân hàng, có tiền chạy chợ hàng ngày và quang trọng là có những 4 đứa con đều thành đạt và khá giả…Vậy mà hàng ngày cụ già ấy vẫn phải mưu sinh nơi góc chợ mà lãng quên cả tuổi tác. Ai biết được gia cảnh của bà đều nói “bà giàu thế còn làm làm gì cho khổ, nên về nghỉ để hưởng thụ tuổi già”. Cụ một mực lắc đầu “ngày nào còn làm được thì tôi vẫn cứ làm để lo dần chuyện hậu sự cho mình chứ”.

Đã ba hôm nay đi chợ mọi người không còn thấy cụ già với gánh rau ấy nữa, tò mò và cũng vì quan tâm tới cụ. Lân la hỏi thăm thì được biết cụ đang ốm rất nặng nên đã nhập viện…

Ở mảnh đất Hà Thành còn có những câu chuyện hết sức thương tâm về mảnh đời của những người già neo đơn như trường hợp của cụ bà N.T.P quê tận Thanh Hóa. Bà P năm nay đã ngoài 70 tuổi với thân hình gầy gò, nước da đen đúa đã nhuộm màu mưa nắng. Bà P. tâm sự bà cũng có con nhưng vì nghèo quá nên bà không muốn các con phải nuôi. Vì thế một mình bà lặn lội ra Hà Nội đã 10 năm nay rồi. Bà lang thang ở chợ Long Biên, ban ngày nhặt những cái bì ướt, bẩn, giặt phơi rồi gom lại bán (mỗi kg bì bán được 2000 đồng - PV).Tối đến cứ ngã đâu thì đó là giường. Cuộc sống cứ lay lắt qua ngày vậy mà chẳng mấy khi bà ốm đau. Nhiều người vì thương cảm cho tấm thân già của bà P, thắc mắc tại sao bà không đi ăn xin vì làm nghề đó dễ kiếm tiền hơn và cũng không vất vả. Nhưng bà P quyết không đi ăn xin. Bà bảo “Nếu ông trời còn thương, còn cho bà sức khỏe, bà sẽ vẫn tiếp tục làm việc tới khi nào không làm được nữa, bà sẽ quay trở về quê chứ nhất quyết không đi ăn xin”.

Còn rất nhiều những mảnh đời già nua và cay đắng nữa họ vẫn đang phải ngày đêm làm việc không phải chỉ nuôi bản thân mà còn phải nuôi cả những đứa con tật nguyền nữa. Bà Y là một ví dụ điển hình. Khi đã ngoài 90 tuổi, mắt đã mờ không thể nhìn thấy đường đi. Vậy mà hàng ngày mọi người vẫn thấy bà bán hàng nước trên phố Bảo Khánh (TP Hà Nội). Đã 30 năm trôi qua với bao đổi thay chỉ có duy nhất hàng nước và những vật dụng bà dùng bán hàng vẫn vẹn nguyên như ngày nào. Tiền bà kiếm được phải mang về để nuôi người con gái đã ngoài 60 tuổi mắc bệnh từ khi mới sinh ra.

Chắc hẳn chẳng ai muốn phải lặn lội ở tuổi gần đất xa trời này để kiếm miếng ăn nuôi mình cùng gia đình. Nhưng cuộc sống khó khăn nghèo đói hay sự trái ngang của cuộc đời…buộc các cụ phải dấn thân làm lụng.

Na Dương