Xứ Nghệ chỉ còn 5 bụi tre mọc ngược từ ngàn năm trước

Xứ Nghệ chỉ còn 5 bụi tre mọc ngược từ ngàn năm trước

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:50
0
Duy nhất ở miền Tây xứ Nghệ còn 5 bụi tre mọc ngược có lịch sử khoảng 1.000 năm trước.

Trong một lần dẫn quân đi đánh giặc trở về, Lý Nhật Quang dừng lại gặp gỡ, trò chuyện với bà con ở miền Tây Nghệ An. Trước sự chúc tụng cũng như tấm chân tình của bà con địa phương, Lý Nhật Quang đã cầm điếu cày, hút một hơi dài rồi đặt xuống đất. Cái điếu cày ấy là một đoạn tre lộn ngược nên từ chiếc điếu mọc lên một cây tre vít đầu xuống đất rồi mới trổ thẳng ngọn lên trời.

Loại tre đặc biệt ấy có xuất xứ từ câu chuyện dân gian như thế, đến nay nó đã có lịch sử gần 1.000 năm. Tuy nhiên, cùng với thời gian và những biến đổi của khí hậu, cả nước hiện chỉ còn lưu giữ khoảng 5 bụi và chỉ xuất hiện tại miền núi phía Tây Nghệ An. Loại tre kỳ lạ này đang đứng trước nguy cơ biến mất.

Nhịp sống - Xứ Nghệ chỉ còn 5 bụi tre mọc ngược từ ngàn năm trước

Cành tre khi mọc đều đâm chúc xuống đất rồi mới đâm thắng lên trời.

Tre mọc ngược từ... chiếc điếu cày

PGS.Ninh Viết Giao, tổng thư ký Hội Văn nghệ dân gian Nghệ An trong một lần trò chuyện với sinh viên các trường đại học tại Nghệ An đã nhắc đến một loại tre đặc biệt và hiện chỉ còn xuất hiện tại Nghệ An. Theo đó, loài tre này mọc ngược, gắn với một câu chuyện lịch sử khá đặc biệt và đã tồn tại gần 1.000 năm.

Mô tả về loài tre này, PGS.Ninh Viết Giao cho biết, loại tre với kiểu mọc “khác người” ấy có hình thù rất đặc biệt: Tất cả từ cành, gai đến thân cây đều mọc ngược, ai nhìn vào cũng phải để ý.

Theo một số tài liệu ở xứ Nghệ cũng như các chuyên gia nghiên cứu lịch sử tại địa phương, nguồn gốc xuất xứ của loại tre này cũng là một câu chuyện lịch sử được khá nhiều người dân lúc bấy giờ biết tới.

Theo đó, vào khoảng năm 1060, quân Ai Lao làm phản, sang đánh phá miền Tây Nghệ An, Lý Nhật Quang dẫn đầu một đoàn quân lớn đi dẹp loạn. Sau khi đánh thắng quân Ai Lao, lấy lại sự bình yên, Lý Nhật Quang kéo quân trở về. Khi đi đến địa phận Khe Chè, mé dưới Thành Nam (huyện Tương Dương cũ, hiện nay là huyện Con Cuông), bà con địa phương ra đón rước, chúc mừng chiến thắng.

Cảm động trước tấm chân tình, sự tiếp đón chu đáo của bà con, Lý Nhật Quang cùng quân lính dừng lại trò chuyện, vui chiến thắng với người dân địa phương. Trong cuộc vui năm đó, ông cầm điếu cày, hút một hơi dài rồi đặt điếu xuống đất. Nào ngờ, cái điếu là một đoạn tre lộn ngược. Nên sau đó, từ chiếc điếu mọc lên một cây tre cũng vít đầu xuống rồi mới trổ thẳng ngọn lên trời. Người dân tin rằng, đó là loài tre đặc biệt, có dấu tích lịch sử và cần phải nhân rộng. Và thời đó, loài tre này mọc khắp nơi tại miền Tây Nghệ An như là sự ghi nhận tình cảm của Lý Nhật Quang với vùng đất này.

Nhịp sống - Xứ Nghệ chỉ còn 5 bụi tre mọc ngược từ ngàn năm trước (Hình 2).

Loài tre mọc ngược duy nhất còn lại ở xứ Nghệ.

Cuộc “cá cược” của PV với vị chủ tịch huyện

Sử sách Nghệ An vẫn còn lưu giữ rất nhiều chi tiết liên quan đến câu chuyện đậm màu sắc truyền thuyết này. Và thực tế, hiện nay, ở huyện Con Cuông (Nghệ An), loài tre này vẫn còn tồn tại như để chứng minh tính lịch sử của câu chuyện năm xưa. Với mong muốn tìm hiểu sâu hơn về loài tre đặc biệt này cũng như những câu chuyện liên quan, chúng tôi tìm về tận địa phương.

Truyền thuyết và thực thế sử sách có ghi nhận nhưng khi tìm về địa phương, chúng tôi phải rất vất vả mới tìm được loại tre này. Theo đó, tại huyện Con Cuông, nơi được xác định là tồn tại loại tre nói trên, cả ngày ngược rừng, tìm hiểu và hỏi cán bộ địa phương, chúng tôi chỉ nhận được ánh mắt ngạc nhiên và lắc đầu. Hầu hết, mọi người khi nhắc đến loại tre này đều khẳng định: “Chưa nghe, chưa thấy và chưa hề biết sự tồn tại loại tre kỳ lạ đó”.

Chủ tịch UBND huyện Con Cuông, ông Lư Đình Tuấn, người từng có thời gian nghiên cứu lĩnh vực nông nghiệp cũng tỏ ra bất ngờ: “Làm gì có loại tre lạ đời vậy!. Đó chỉ là câu chuyện trong dân gian. Tôi dám cược với nhà báo, nếu loại tre ấy xuất hiện và tồn tại ở vùng đất Con Cuông, chắc chắn tôi sẽ biến nó thành điểm du lịch và có chính sách bảo tồn để con cháu sau này được tận rõ”.

Từ người dân cho đến lãnh đạo cao nhất tại địa phương đều khẳng định như thế nên chúng tôi đã có lúc nghĩ rằng, chắc chỉ là câu chuyện trong truyền thuyết mà thôi. Thất vọng trở về, chúng tôi vô tình gặp một người bạn hiện đang công tác tại địa phương. Nói về hành trình tìm tre mọc ngược của chúng tôi, cậu ta thốt lên: “Tre mọc ngược ư, ở xã em vẫn còn lưu giữ đó. Loại tre đúng như các anh mô tả nhưng người dân gọi với tên tre Vang. Loại tre này còn xuất hiện tại khu vực Khe Chè, xã Tam Sơn, huyện Anh Sơn”. Được lời như cởi tấm lòng, chúng tôi hớn hở tiếp tục chuyến hành trình tìm đến địa chỉ như người bạn cung cấp.

Sau một buổi leo đèo, lội suối, theo chỉ dẫn của hàng trăm người dân địa phương, chúng tôi ngược dốc đỉnh đồi Cây Giới để tiếp cận loại tre đã tồn tại gần 1.000 năm với nhiều kỳ bí. May mắn cho chúng tôi là gặp được cụ Ngô Thị Ước (87 tuổi), người thâm niên trong vùng và rất biết hiểu biết về loài tre này. Với sự chỉ dẫn tận tình của cụ, chúng tôi cũng tìm được tới địa chỉ cần tìm.

Sự kì lạ đến khó tin

Loại tre này nằm lẩn khuất trong các bụi cây dại rậm rạp đỉnh núi Cây Giới, rộng chừng 2ha thuộc khu vực xóm 2, xã Tam Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An). Thấy người lạ xuất hiện và chăm chăm nhìn vào bụi tre, các “chủ nhân” đang sở hữu “báu vật” này liền xuất hiện để tiếp chuyện chúng tôi.

Được biết, bụi tre này thuộc quyền sở hữu của gia đình bà Nguyễn Thị Thanh và ông Nguyễn Hữu Luân. Bà Thanh khi nhắc đến loại tre này, líu cả giọng: “Ngày xưa, khi lên đây lập nghiệp, có nghe cha ông nhắc đến nhưng chỉ nghĩ đó là câu chuyện vui bên cốc nước chè. Ai ngờ, đến khi đưa bò lên núi thả, vô tình thấy một bụi tre, kiểu mọc khác lạ, tò mò xem, mắt cứ dụi liên hồi vì không tin đó là sự thật”.

Sau khi biết loài tre mọc ngược này, hàng ngàn người dân đã kéo đến xem. Sự lạ kỳ ấy có lúc gây xôn xao cả vùng quê nghèo nằm bên tả ngạn sông Lam. Bà Thanh nhớ lại, thời ấy, có nhiều người nghe tin hiếu kỳ đến xem và cố bẻ vài cành về làm kỷ niệm. Thậm chí, nhiều người còn lợi dụng, đào gốc đem về vườn trồng “lấy lộc” nhưng không thành. Những người trong làng, từ bậc cao niên đến đám trẻ, đều khẳng định: “Loại tre này lạ lắm. Thân tre to chỉ bằng cổ tay, các đốt xe đều ngắn, “thịt” săn chắc, gai ngoắc ngược, tất cả cành tre đều đâm chúc đầu xuống đất rồi mới đâm thẳng lên trời. Khi đến tuổi “trưởng thành”, toàn bộ các thân cây, đầu tre đều cúi gập hình khuỷu tay, nhìn từ xa trông tựa hình rồng, “mặt” hướng về phía Đông”.

Tre có đặc điểm là cứng và do biến đổi khí hậu nên sinh tồn và phát triển rất khó khăn. Thời gian để một bụi măng sinh sôi đến chu kỳ phát triển cũng phải kéo dài gấp 2- 3 lần so với giống tre thông thường khác. Cô giáo Hà Thị Danh (Trường Tiểu học Tam Sơn) cho biết: “Mỗi năm, nhà trường đều cho các em học sinh lên đây tham quan, tìm hiểu dấu tích lịch sử. Có lần, nhà trường còn đưa về trưng bày trong phòng truyền thống. Thế nhưng, loại tre này giờ “hao hụt” nhanh quá. Nếu không có hướng bảo tồn nhanh chóng thì chắc cũng sẽ chỉ còn là câu chuyện lưu lại trong truyền thuyết, sử sách…”.

Bà Lê Thị Giang, một người dân địa phương cho biết, cách đây hàng chục năm, tại khu vực thuộc hai gia đình nói trên, loại tre mọc ngược này có rất nhiều bụi. Tuy nhiên, theo thời gian, với sự tàn phá của con người và thời tiết, loại tre mọc ngược này đang có nguy cơ biến mất. Đến thời điểm này, cả tỉnh Nghệ An chỉ còn lưu giữ được 5 bụi và nằm toàn bộ ở khu vực nói trên.

Ông Trịnh Thanh Quyết, một cao niên trong làng cho biết, hiện ông đang sưu tập nhiều tài liệu về loại tre này. Theo nhận định chủ quan của ông, đây là giống tre hiếm, là chứng tích của lịch sử nên rất cần có chế tài bảo tồn. Được biết, sau khi truyền thông thông tin về loài tre đặc biệt nói trên, UBND huyện Anh Sơn đã cử cán bộ chuyên môn xuống thị sát để xây dựng đề án bảo tồn giống tre có một không hai này.

Từ quan sát của phóng viên cho đến những câu chuyện trong sách sử, có rất nhiều điểm tương đồng. Nên chăng việc chính quyền địa phương tổ chức thuê chuyên gia, các nhà nghiên cứu về khảo sát để khẳng định giá trị loài tre này là việc cấp thiết. Bởi nếu chậm trễ, loại tre gắn với câu chuyện lịch sử năm xưa có thể sẽ tuyệt chủng.

Trần Tâm