Xuân Hinh và chuyện đời chưa kể

Xuân Hinh và chuyện đời chưa kể

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:07
0
Nếu vào Sài Gòn diễn, thế nào anh cũng gọi điện thoại cho tôi, rủ ra quán "lai rai" chút chút. Gọi là "lai rai", chứ thực sự tôi chỉ ngồi "độc ẩm" vì anh chẳng uống bia, cũng chẳng uống rượu.

Thế nhưng vẫn khoái gặp. Vừa có hơi men, vừa nghe anh kể chuyện đời, chuyện nghề thật là thú vị bởi những câu chuyện ấy thấm đẫm hương vị cuộc đời nghệ sĩ...

Cuộc đời như... một vở tuồng

Người nghệ sĩ là nghề của trăm họ. Tôi đã đóng cả trăm vai diễn khác nhau, tôi nghĩ muốn có một vai diễn sâu sắc, diễn viên cần có sự đồng cảm với nhân vật. Tôi rất trân trọng, cảm thông với những số phận nghèo khổ vì cuộc sống của tôi đã khổ cực từ nhỏ.

Gia đình tôi rất đông anh em, là con trai trong gia đình, từ năm 13-14 tuổi, tôi đã phải tập buôn bán kiếm tiền phụ bố mẹ nuôi anh em. Lớn lên, tôi tự nhận ra mình có máu nghệ thuật, nộp đơn dự tuyển vào đoàn dân ca quan họ Bắc Ninh. Sau đó, muốn nghề nghiệp nâng cao, tôi học tiếp hệ đại học, khoa chèo đầu tiên của trường Sân khấu điện ảnh Việt Nam ở Hà Nội. Suốt bảy năm ròng, tôi phải bôn ba, kiếm tiền ăn học, hoàn toàn không xin phụ cấp của gia đình.

Nếu nói có vẻ trịnh trọng, thì nghề diễn đối với tôi là cái nghiệp. Đã là nghiệp thì khó mà không hết lòng, hết sức vì nó. Nghệ thuật đã nuôi sống tôi, nuôi sống vợ con, bố mẹ...

Ngày xưa, nhiều lúc tôi hay chạnh lòng về sự nghèo khó của mình, của gia đình. Nhưng sau này, cái nghèo đó đã bổ sung "hồn" trong từng vai diễn của mình. Chính vì quá khổ, tôi mới biết hết giá trị của những gì mà mình đạt được và những ngày tháng khổ cực đó đã theo tôi vào từng số phận nhân vật trên sân khấu.

Khán giả của tôi, đủ thành phần là trí thức, sinh viên, là nông dân, nhưng o, mệ buôn bán nhỏ lẻ... Tôi biết, để có tiền mua vé, vào xem tôi hát, họ cũng phải lao động bằng mồ hôi, nước mắt. Tôi nghĩ thế, tôi không thể nào cẩu thả với nghề diễn của mình. Tôi thích sự công bằng, nghĩa là tôi cũng phải đổ mồ hôi, nước mắt trên sân khấu, tương xứng với những gì khán giả đã bỏ ra nuôi mình.

Cứ gọi tôi là Hinh

Sau từng đêm diễn, hạnh phúc nhất của cuộc đời, là tôi được nhận những động viên chân thành của khán giả. Tôi chỉ nghĩ đến khán giả của mình. Một diễn viên, có thương khán giả, mới có thể có trách nhiệm với vai diễn, sống trọn vẹn tâm hồn cho nghệ thuật được.

Chính vì thế, khi đến một điểm diễn nào ở thôn quê, tôi hay nói với mấy anh em treo băng rôn: "Thôi đừng lót thêm NSưT trước tên tôi làm gì. Cứ gọi tôi là Hinh được rồi...". Lòe loẹt với người dân quê, chân lấm tay bùn làm gì? Bình thường, đối với họ, nghệ sĩ đã là một tầng lớp gì xa vời lắm rồi. Họ muốn xem mình, mình phải làm sao tạo cảm giác gần gũi, thân thiện.

Bạn bè tôi hay thắc mắc, tại sao tới bây giờ, tôi vẫn chưa được phong NSND, tôi cười: "Sự cống hiến, khi đến đỉnh điểm, người khác sẽ thấy. Đó là công bằng. Tôi không quen phải làm đơn nộp, xin được phong chức này, chức nọ, hóa ra chính bản thân tôi đi "khoe" sự cống hiến của mình à? Tôi chỉ quan tâm khi tôi lên sân khấu, khán giả có xem tôi hay không?"

Mấy chục năm nay, tôi đã trải qua bao thăng trầm của nghề diễn, cũng như cuộc sống. Khi người ta không còn trẻ, lửa nhiệt tình cũng phần nào mai một. Qua rồi cái thời mưu sinh, chạy show tất bật, tôi không còn muốn bon chen nhiều nữa.

Tôi là đại diện cho dân nghèo khổ, từ nghèo khó mà ra nên cuộc sống chẳng có gì gọi là xa hoa. ăn uống cũng đơn giản. Mọi thứ, tôi chỉ muốn bình bình, không có ham muốn nhiều.

Tôi mãn nguyện nhất là có một mái ấm gia đình hạnh phúc. Vợ tôi là một kế toán nhà nước bình thường, không cùng nghề của chồng nhưng hiểu và thông cảm. Hai đứa con tôi: Đứa gái 15 tuổi, đứa trai 11 tuổi, đều ngoan ngoãn.

Lê Ngọc Dương Cầm

Tag: Bắc Ninh