Có nên bỏ chấm điểm đối với học sinh tiểu học?

Có nên bỏ chấm điểm đối với học sinh tiểu học?

Thứ 5, 25/04/2013 | 16:28
0
Ban giám hiệu trường tiểu học Lương Định Của (quận 3, TP.HCM) vừa gửi văn bản kiến nghị lên đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (nhân đoàn này làm việc tại TP.HCM về chương trình, sách giáo khoa phổ thông), đề nghị bỏ hẳn việc cho điểm đối với học sinh tiểu học.

Trước đề xuất bất ngờ này, đã có nhiều luồng ý kiến xung quanh việc nên hay không nên cho điểm học sinh bậc tiểu học?

Bỏ điểm- giảm áp lực cho học sinh và giáo viên?

Theo tìm hiểu của PV báo điện tử Người Đưa Tin, kiến nghị bỏ hẳn việc cho điểm với học sinh bậc tiểu học được ban giám hiệu trường Lương Định Của đưa ra nhằm tránh áp lực, căng thẳng cho học sinh và cả giáo viên. Cũng theo quan điểm của ban giám hiệu trường là lứa tuổi tiểu học mới bắt đầu làm quen với trường học, cần có những kiến thức cơ bản làm nền tảng. Tuy nhiên, các em vẫn cần được hướng dẫn rèn luyện đạo đức, bồi dưỡng cảm xúc, tình cảm với gia đình, thiên nhiên, loài vật vì vậy chỉ nên nhận xét sự tiến bộ từng mặt của học sinh. Lãnh đạo trường cũng cho rằng chương trình giáo dục tiểu học tuy có điều chỉnh, giảm tải nhưng vẫn chưa theo kịp với thực tế, vẫn còn nặng lý thuyết, còn tích hợp nhiều môn (an toàn giao thông, kỹ năng sống, quyền trẻ em); phân phối chương trình không có thời gian cho trải nghiệm thực tế (22 tiết/tuần ngồi trong lớp học).

Ngay sau khi ban giám hiệu trường Lương Định Của đưa ra kiến nghị này, trong dư luận xuất hiện nhiều luồng ý kiến trái chiều về việc nên hay không nên bỏ việc cho điểm với học sinh tiểu học. Theo ghi nhận của PV tại một số trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội như: Trường tiểu học Đặng Trần Côn (quận Thanh Xuân), Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy), Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình)…, khi được hỏi về kiến nghị này, không ít phụ huynh đồng tình với việc không cho điểm. Nhưng phần lớn phụ huynh học sinh đề nghị vẫn giữ nguyên hình thức cho điểm như hiện nay hoặc cho điểm tùy theo môn học, đánh giá bằng thang điểm A, B, C…

Chị Nguyễn Kim Vân (Phạm Văn Đồng, Hà Nội) nghiêng về hướng ủng hộ bỏ việc cho điểm đối với học sinh tiểu học. Bởi theo chị Vân, các con khi chuẩn bị vào lớp 1 đã phải chịu áp lực học hành. Nhiều gia đình còn xin cho con nghỉ sớm ở lớp mẫu giáo 5 tuổi để đưa con đến các "lò" luyện thi vào lớp 1. Với tâm lý không để con kém bạn kém bè, nhiều gia đình còn cho con đi luyện tiếng Anh khi các con nói tiếng Việt chưa thạo.

Chị Vân than thở: "Con tôi mới học lớp 4 nhưng mỗi ngày nhìn con "cõng" trên lưng chiếc cặp nặng trĩu tôi cũng thấy ái ngại. Một ngày các con học 8 tiếng ở lớp, tối về còn học thêm ở ngoài. Vậy còn thời gian đâu nữa để phát triển nhân cách cho trẻ?".

Chị Vân cũng cho rằng, bên cạnh kiến thức, trẻ cần được chú trọng đến giáo dục về tình cảm gia đình, bạn bè và xã hội. Nhưng vì sợ ảnh hưởng đến điểm số của con ở lớp nên các bậc phụ huynh chỉ biết "ép" con học ở nhà, học thêm… mà không mảy may hướng dẫn con nhiều điều cần học khác ngoài kiến thức ở lớp.

Xã hội - Có nên bỏ chấm điểm đối với học sinh tiểu học?

Có nên bỏ chấm điểm đối với học sinh cấp tiểu học? Ảnh minh hoạ

Chị Đinh Thị Dung (đường Giải Phóng, Hà Nội) là phụ huynh của một học sinh lớp 4 trường tiểu học Kim Liên cho rằng, đây là một sáng kiến rất tốt trong cải cách nền giáo dục bởi không gây áp lực cho các em, không gây tiêu cực cho thầy cô giáo ở cấp này, tạo sự phát triển tự nhiên của lứa tuổi này. "Lâu nay giáo dục của ta nặng về "bệnh thành tích". Ngay từ lớp 1, hầu hết phụ huynh học sinh đều mong muốn con xếp loại giỏi và tá hỏa cho con đi học thêm. Nhưng ít ai nghĩ rằng, chính các bố, các mẹ lại đang gây áp lực cho con và hậu quả là con lúc nào cũng nơm nớp với nỗi lo…điểm số. Trẻ em cấp tiểu học chủ yếu là học mà chơi, chơi mà học, các em phải được trải nghiệm nhiều trong các kỹ năng sống, chứ không phải cứ nhồi nhét và cho điểm nhiều là được", chị Dung phân trần.

Bên cạnh những ý kiến đồng tình, phần lớn phụ huynh học sinh tỏ ra quan ngại với đề xuất của ban giám hiệu trường Lương Định Của. Bác Nguyễn Văn Điện (giảng  viên đại học, ở Định Công, Hà Nội) cho rằng: “Việc bỏ cho điểm là không hợp lý, cần giữ nguyên hình thức xếp loại bằng điểm đối các môn Toán, tiếng Việt, còn các môn học khác (khoa học, kỹ thuật, đạo đức) cần đánh giá bằng thang A, B, C để thúc đẩy sự cầu tiến của các em. Nếu không trẻ chỉ ham chơi hơn ham học. Việc cho điểm cũng sẽ giúp phụ huynh nắm bắt được sức học của con để có sự đầu tư, hỗ trợ phù hợp, cần thiết. Khi có thang điểm, được điểm giỏi- điểm 10 sẽ khích lệ trẻ thêm hăng say học tập. Và khi bị điểm kém, trẻ cũng biết xấu hổ để cố gắng hơn".

Học phải có đánh giá

Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm, chủ tịch hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng: "Theo cá nhân tôi, với kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy và quản lý các em học sinh, tôi cho rằng đi học, phải có đánh giá. Học mà không có đánh giá thì cả giáo viên, phụ huynh đều không thể nắm được lực học, khả năng nắm bắt kiến thức, sự tiến bộ của các em diễn ra thế nào để kèm cặp con học hành tiến bộ. Còn đối với học sinh khi biết lực học của mình sẽ có ý thức vươn lên, cố gắng...".

Theo tiến sỹ Tùng Lâm, có thể thay hình thức đánh giá khác nhau thì được chứ không thể bỏ việc đánh giá học sinh. Các trường có thể thay vì hình thức chấm điểm sang cho điểm A, B, C, D như nhiều nước trên thế giới. "Nhưng họ vẫn có thang đánh giá và quan trọng người học phải tự đánh giá mình, xem năng lực mình đến đâu chứ không thể có chuyện bỏ lỏng được. Tuy nhiên, ở bậc tiểu học các em chưa có được năng lực tự đánh giá đó. Vì thế vẫn phải có một thang đánh giá. Về việc tránh áp lực, sự ganh đua về điểm số của các em với nhau, nhiều nước trên thế giới họ gửi phiếu điểm riêng cho từng học sinh và phụ huynh chứ không công khai điểm. Việc làm này để tránh việc áp lực điểm số với các em học sinh".

Theo quan điểm của bà Tạ Thị Bích Ngọc- Hiệu trưởng trường tiểu học Nam Trung Yên (Cầu Giấy, Hà Nội): "Ban lãnh đạo trường Lương Định Của đưa ra kiến nghị là căn cứ vào thực tế của trường này. Theo tôi, trong tình huống cụ thể thì định hướng không cho điểm là đúng đắn, bởi vì trẻ vừa học vừa chơi, nhưng trong một điều kiện cụ thể khác lại không phù hợp. Đối với giáo viên tâm huyết thì đó là một đề xuất phù hợp nhưng với nhiều trường hợp khác thì giáo viên có thể dạy "giỏi" môn Toán, Tiếng Việt thôi, còn những bộ môn kia họ không đào tào học sinh để cho giỏi toàn diện". Tuy nhiên, cũng theo bà Ngọc: "Việc bỏ hẳn chấm điểm đối với học sinh tiểu học sẽ là lỗ hổng kiến thức sau này của học sinh, bởi không tính điểm thì các em không chuyên tâm vào việc học”.

Cô Nguyễn Hương Giang  (trường tiểu học Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) cho rằng, không nên bỏ việc chấm điểm ở cấp tiểu học, bởi đó là thước đo chất lượng học sinh. Đã đi học là phải chấm điểm. Còn việc học sinh và giáo viên bị áp lực, căng thẳng thì có nhiều nguyên do. Về phía giáo viên, do một số giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới, vẫn nặng về phương pháp nhồi nhét kiến thức, không xác định được yêu cầu cơ bản của bài học dẫn đến gây ra áp lực cho học sinh. Nguyên Thứ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo Đặng Huỳnh Mai đã từng nói: "Chương trình quá tải không hoàn toàn do chương trình mà do chính phương pháp giảng dạy của giáo viên và phân phối chương trình". 

Theo cô Hương Giang, việc giảm tải áp lực cho học sinh phải được thực hiện theo ba hướng: Đổi mới phân phối chương trình dạy theo khả năng tiếp thu của học sinh; giảm tải bằng chính phương pháp giảng dạy của giáo viên; thay đổi cách đánh giá học sinh. Từ năm 2005, bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành văn bản về cách đánh giá, xếp loại mới đối với học sinh bậc tiểu học.         

Một đề xuất đáng nghiên cứu

GS.Nguyễn Minh Thuyết- nguyên phó chủ nhiệm ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng đây là một đề xuất đáng nghiên cứu bởi các em ở lứa tuổi tiểu học, đi học chưa có nội dung nhiều về kiến thức. Nhiều khi điểm số làm cho trẻ bị ảnh hưởng. Với những học sinh bị điểm kém dễ trở nên tự ti. Tuy nhiên, kiến nghị này có một điểm bất cập là nếu không cho điểm, liệu thầy cô có thể theo sát từng học sinh để phân loại và theo dõi sự tiến bộ của từng em hay không? Nếu không theo sát được, nhiều em sẽ rơi vào tình trạng trễ nải học hành, hẫng kiến thức.

Chấm điểm không phải là áp lực

Bộ GD&ĐT sẽ đánh giá định lượng bằng số điểm đối với một số môn tùy theo từng lớp và đánh giá định tính bằng nhận xét với các môn học, còn lại theo hướng không gây áp lực tâm lý nặng nề về điểm số cho học sinh, đồng thời tạo cơ hội cho giáo viên đánh giá khách quan kết quả học tập và rèn luyện của học sinh để chủ động linh hoạt trong việc đổi mới phương pháp dạy học. "Do vậy, theo quan điểm của tôi, việc chấm điểm không phải là áp lực với với học sinh", cô Hương Giang nói. 

Lan Thơm

Giáo dục là chìa khóa đối phó với biến đổi khí hậu

Thứ 2, 22/04/2013 | 08:47
Thế giới đánh dấu Ngày Trái Đất hàng năm vào ngày 22 tháng 4. Nhưng một trường tư ở thành phố Potomac, tiểu bang Maryland hàng ngày đều kỷ niệm Ngày Trái Đất.

'Sản phẩm giáo dục ở các 'lò' chỉ để lấy thành tích'

Thứ 6, 12/04/2013 | 12:05
Mới đây, dư luận cả nước "dậy sóng" vì sự việc một học sinh lớp 9 ở trường tiểu học Đăk Kôi (xã Đăk Kôi, huyện Kon Rẫy, Kon Tum) không giải được phép tính chia cấp tiểu học.

Sửa luật hay thay đổi phương thức giáo dục trẻ em

Thứ 4, 10/04/2013 | 15:51
Từ chuyện em Đỗ Nhật Nam 11 tuổi, bị nhiều người trong cộng đồng mạng “ném đá” không thương tiếc vì bày tỏ quan điểm không thích đọc truyện tranh, coi truyện tranh là “con sâu đục phá tâm hồn” đã có ý kiến đề nghị sửa ngay Luật nhằm bảo vệ những đứa trẻ như em Đỗ Nhật Nam.

Cần tăng cường quản lý chặt chẽ giáo dục mầm non

Thứ 7, 30/03/2013 | 10:38
Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã gửi công văn yêu cầu các sở trực thuộc tăng cường quản lý các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập.