10 sự kiện giáo dục được quan tâm nhất năm 2012

10 sự kiện giáo dục được quan tâm nhất năm 2012

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:41
0
– Trong năm 2012, giáo dục Việt Nam xảy ra nhiều sự kiện đáng quan tâm. Nguoiduatin.vn điểm lại những sự kiện giáo dục nỗi bật được đông đảo dư luận quan tâm trong năm qua .

1. Tiêu cực thi tốt nghiệp THPT ở Đồi Ngô

Hình ảnh các thí sinh tự do quay cóp với sự tiếp tay của các giám thị tại điểm thi Trường THPT dân lập Đồi Ngô (H.Lục Nam, Bắc Giang) trong buổi thi môn hóa học ngày 2/6 lên internet đã khiến dư luận hết sức bức xúc.

Xã hội - 10 sự kiện giáo dục được quan tâm nhất năm 2012
Một đoạn clip trên được các trang mạng đăng tải ngày 5/6, mở đầu bằng lời giải thích do không biết chỉnh máy quay nên ngày tháng ghi trong video không trùng với thời gian diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012. Thời gian trên video này hiển thị lúc hơn 6h ngày 15/3/2009, nhưng sau khi mời xem, thanh tra chủ tịch Hội đồng bị đặt máy quay - đã thừa nhận, giám thị trong clip là những người vừa hoàn thành công tác coi thi 2012. Clip quay cận cảnh các TS thản nhiên chép bài giải do giám thị tuồn vào. Lúc đó, một giám thị đứng phía bục giảng coi như không thấy TS đang làm gì, một giám thị khác chống cằm thả cho học sinh chép thoải mái.

Liên quan trong vụ tiêu cực thi cử tại Trường THPT dân lập Đồi Ngô (Lục Nam, Bắc Giang), Sở Giáo dục-Đào tạo tỉnh Bắc Giang đã ra quyết định xử lý kỷ luật 42 cán bộ, giáo viên.

2. Sai phạm trong liên kết, liên doanh đào tạo ở ĐHQG Hà Nội

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo số 382/TB-VPCP truyền đạt lại ý kiến kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp xử lý sau thanh tra công tác quản lý Nhà nước trong việc liên doanh, liên kết đào tạo ĐH và sau ĐH của ĐHQGHN từ năm 2006 đến năm 2010.

Xã hội - 10 sự kiện giáo dục được quan tâm nhất năm 2012 (Hình 2).
Theo đó, đối với ĐHQGHN, qua thanh tra đã có một số sai phạm chủ yếu sau: Về việc liên kết đào tạo ĐH và sau ĐH trong nước, ĐHQGHN cho phép học viên cao học (học viên chương trình định hướng thực hành) chỉ làm tiểu luận là chưa phù hợp với quy định của Luật Giáo dục năm 2005 và quy định của Bộ GD-ĐT;

Việc giám đốc ĐHQGHN ban hành quyết định cho phép Trung tâm công nghệ Đào tạo và hệ thống việc làm (ETC) được tổ chức phối hợp đào tạo trình độ ĐH, sau ĐH và việc bổ nhiệm Giám đốc, Phó giám đốc ETC là chưa phù hợp quy định.

Việc sử dụng kinh phí, quản lý tài chính và việc chuyển tiền của ETC cho ĐH Griggs (Hoa Kỳ) qua tài khoản ở Singapore cần được tiếp tục làm rõ.

3. Giám đốc trường Quốc tế ôm tiền bỏ trốn

Trường kinh doanh Melior thuộc Tập đoàn Melior Education Group tại Singapore, chuyên đào tạo về quản trị du lịch và khách sạn, quản trị kinh doanh và chương trình tiếng Anh đặc biệt WILL English Program.

Xã hội - 10 sự kiện giáo dục được quan tâm nhất năm 2012 (Hình 3).

Học viên trường Melior bơ vơ khi giám đốc ôm tiền bỏ chạy

Ngày 13/11, nhiều học viên tiếp tục vây quanh trường kinh doanh Melior (trụ sở tại 97 Nguyễn Văn Trỗi, phường 12, quận Phú Nhuận – TP.HCM), làm đơn tố cáo gửi lên Sở LĐTB&XH đòi lại quyền lợi, sau khi trường này đột ngột đóng cửa, giám đốc biến mất cùng khoản tiền học phí khổng lồ của nhiều học viên.

Trường kinh doanh Melior thuộc Tập đoàn Melior Education Group tại Singapore, chuyên đào tạo về quản trị du lịch và khách sạn, quản trị kinh doanh và chương trình tiếng Anh đặc biệt WILL English Program cho học sinh đòi hỏi cao về trình độ ngoại ngữ. Đăng ký tổ chức đào tạo các khóa ngắn hạn, nhưng thực tế, Melior đã liên kết đào tạo nước ngoài các trình độ ĐH và CĐ.

Để vào học tại Melior, trước đó, ngày 5/9/2011 các học viên đã đóng 100 USD phí giấy tờ, ngày 24/11/2011 đóng tiếp 1.600 USD. Từ đầu năm đến tháng 8/2012, Mỗi học viên tiếp tục đóng 2.700 USD.

Tổng cộng đã đóng với số tiền 4.400 USD, tuy nhiên do không được phép liên thông đào tạo ĐH, gia đình Duy đã xin rút lại số tiền nhưng không được chấp nhận.

4. Nhiều cơ sở đào tạo có yếu tố nước ngoài bị rút giấy phép

BộGD&ĐT vừa quyết định xử phạt hành chính và rút giấy phép hoạt động đối với một số đơn vị tuyển sinh, đào tạo có yếu tố nước ngoài vì cố tình tuyển sinh “chui”.

Xã hội - 10 sự kiện giáo dục được quan tâm nhất năm 2012 (Hình 4).

Năm 2011 và 2012, Bộ GD&ĐT đã tiến hành thanh tra hoạt động đào tạo có yếu tố nước ngoài của một số đơn vị trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Sau Thanh tra, Bộ GD&ĐT đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục đối với đối với 6 đơn vị sau: Công ty TNHH Melior Việt Nam; Trường Đào tạo quản lý doanh nghiệp (CBAM); Công ty TNHH Nghiên cứu và Giáo dục Việt Nam (ERC); Viện Quản trị Tài chính (IFA); Công ty TNHH đào tạo FTMS và Công ty TNHH Đào tạo Công nghệ thông tin và Quản trị kinh doanh Singapore (SIBME).

4 đơn vị sai phạm bị rút giấy phép hoạt động và phạt hành chính 10.000.000 đồng (Mười triệu đồng) bao gồm: Công ty TNHH Nghiên cứu và giáo dục Việt Nam (ERC), Viện Quản trị tài chính (IFA), Công ty TNHH Đào tạo công nghệ thông tin và quản trị kinh doanh Singapore (SIBME) và Công ty TNHH Melior Việt Nam.

Công ty Cổ phần SARA chịu mức phạt hành chính cao nhất so trong 6 đơn vị là 22.500.000 đồng (Hai mươi hai triệu năm trăm ngàn đồng) với 2 lỗi. Đó là do Công ty Cổ phần SARA Hà Nội tổ chức hoạt động giáo dục theo chương trình thạc sĩ chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép và Công ty này đã tổ chức hỗ trợ để tuyển sinh đào tạo MBA ở cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài trái phép trên lãnh thổ Việt Nam.

5. 100% học sinh dự thi Olympic đều giành huy chương

Thống kê từ Bộ GD-ĐT cho hay, các đội tuyển quốc gia Việt Nam dự thi Olympic quốc tế năm 2012 đã đem về tổng cộng 31 huy chương (HC) gồm 5 HC vàng, 15 HC bạc và 11 HC đồng. Điều đặc biệt, tất cả các HS dự thi đều có HC.

Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, thành tích của các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế năm 2012 có sự tiến bộ vượt bậc so với các năm trước. Đây là lần đầu tiên cả 31 học sinh thuộc 6 đội tuyển quốc gia dự thi đều đoạt HC. Đồng thời, chất lượng giải có sự tăng tiến với 5 HC Vàng (năm 2009 là 3, năm 2010 là 2, năm 2011 là 2) và 15 HC Bạc (năm 2009 là 12, năm 2010 là 12, năm 2011 là 5). Đặc biệt, đội tuyển Olympic quốc tế môn Toán học, sau nhiều năm gián đoạn đã trở lại tốp 10 nước mạnh nhất thế giới.

6. Những điểm mới trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2012

Bộ GD&ĐT đã chính thức công bố những sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh hệ chính quy năm 2012, hàng loạt đổi mới đều thuận lợi cho thí sinh và các trường.

Tuyển thẳng học sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT. Học sinh đoạt giải Nhất, Nhì, Ba kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm 2012 được tuyển thẳng vào đại học và giải Khuyến khích vào cao đẳng các ngành đúng hoặc ngành gần theo môn học sinh đoạt giải.

Kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2012 vẫn tổ chức thi theo các khối thi truyền thống A, B, C, D, các khối năng khiếu và bổ sung khối A1 gồm 3 môn Toán, Vật lý, Tiếng Anh.

Bổ sung cụm thi Hải Phòng do Trường Đại học Hàng Hải làm Trưởng cụm thi. Thí sinh dự thi tại cụm Vinh được đăng ký học các trường đại học đóng tại Hà Nội và TPHCM.

Thí sinh dự thi đại học theo đề thi chung của Bộ GD&ĐT, nếu không trúng tuyển vào trường đã dự thi (hoặc trường không tổ chức thi, chỉ xét tuyển), nhưng có kết quả thi bằng hoặc lớn hơn điểm sàn cao đẳng đối với từng đối tượng và khu vực (không có môn nào bị điểm 0), được trường tổ chức thi cấp 2 (hai) Giấy chứng nhận kết quả thi đại học, có đóng dấu đỏ của trường.

7. Phó thác sinh mạng để được đến trường

Xã "đu dây" ở Quảng Ngãi có tới 2/3 dân số bên kia sông Re. Hàng ngày người dân và học sinh phải đi bè tự tạo và kéo dây thừng qua sông. Chỉ một đoạn sông ngắn khoảng 350m nhưng có tới 7 điểm đu dây qua sông.

Xã hội - 10 sự kiện giáo dục được quan tâm nhất năm 2012 (Hình 5).

Sông Re chia cắt phần lớn xã Sơn Ba với các địa phương khác. Do không có cầu nên hàng ngày, người dân, đặc biệt là các em học sinh muốn đi học không còn cách nào khác là phải vượt sông trên chiếc đò tự tạo và một sợi dây được nối giữa hai bờ.

8. Những Sai phạm động trời ở ĐH Kinh tế Quốc dân

Thanh tra Bộ Giáo dục Đào tạo đã công bố các nội dung kết luận thanh tra tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Xã hội - 10 sự kiện giáo dục được quan tâm nhất năm 2012 (Hình 6).
Cụ thể, Đoàn thanh tra đột xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành thanh tra trường từ 7-24/9/2012. Kết quả thanh tra chỉ ra các thiếu sót, sai phạm của trường từ công tác tổ chức cán bộ, đào tạo, tài chính và xây dựng cơ bản.

Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Huy Bằng cho biết đoàn thanh tra đã tiến hành thanh tra hoạt động của trường trong giai đoạn 7/2008 đến 5/2012.

Theo kết luận thanh tra, trường đã có sai sót trong việc bổ nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ như: chưa thực hiện đánh giá cán bộ bằng văn bản và không lấy phiếu tín nhiệm với nguồn cán bộ tại chỗ.

Việc thực hiện pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo còn nhiều hạn chế, bất cập; chưa thực hiện đủ quy trình và chưa kết hợp giữa biện pháp tổ chức hành chính với công tác tư tưởng trong công tác tổ chức cán bộ, xử lý cán bộ nóng vội, thiếu công bằng có biểu hiện thiếu dân chủ.

Trong công tác đào tạo cũng có sai phạm khi để 54 sinh viên trường Đại học Tây Bắc về học tại cơ sở đào tạo của trường Kinh tế Quốc dân tại Hà Nội không phù hợp với Quy chế đào tạo đại học và các hợp đồng liên kết. Ngoài ra, trường còn thực hiện việc chuyển ngành cho sinh viên một cách không công khai, minh bạch, gây dư luận xấu.

Bên cạnh đó, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân còn triển khai chương trình bồi dưỡng sau đại học và cấp chứng chỉ cho 787 người và sử dụng kết quả đó thay thế nội dung bổ sung kiến thức thi cao học cho 83 người không phù hợp Luật Giáo dục và Quy chế đào tạo thạc sỹ…

Quy chế thu chi nội bộ của trường đã căn cứ vào một số văn bản đã hết hiệu lực thi hành, một số nội dung về mua sắm tài sản, đấu thầu và một số khoản thu chưa đúng với quy định hiện hành.

9. Trưởng khoa tự ý nâng điểm vì “tình cảm”

PGS-TS Lê Văn Anh - phó giám đốc ĐH Huế, cho biết liên quan đến việc xử lý cán bộ sai phạm trong chấm thi khối V (Khoa Kiến trúc Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế), Hội đồng tuyển sinh (HĐTS) ĐH Huế đã giao toàn bộ hồ sơ cho Trường ĐH Khoa học và ĐH Nghệ thuật để tổ chức kiểm điểm và xử lý kỷ luật theo thẩm quyền.

Theo ông Lê Văn Anh, từ bản tường trình của 5 thành viên tiểu ban chấm thi môn năng khiếu khối V, ĐH Huế đã kết luận sai phạm đối với những cán bộ chấm thi. Cụ thể, ông Nguyễn Như Tú, trưởng Khoa Kiến trúc, vi phạm gian lận khi chấm thi. Các cán bộ còn lại trong nhóm cũng liên đới chịu trách nhiệm, gồm ông Nguyễn Duy Linh (giảng viên Trường ĐH Nghệ thuật), người ký bài thi, thiếu tinh thần trách nhiệm làm sai sót kết quả bài thi; ông Hà Văn Chước (hiệu phó ĐH Nghệ thuật Huế, trưởng tiểu ban chấm thi môn vẽ) thiếu sâu sát dẫn đến sai sót kết quả chấm thi. Với vi phạm của ông Tú, theo quy chế tuyển sinh có thể bị hạ bậc lương, hạ ngạch, cách chức hoặc chuyển công tác khác.

10. "Học sinh mầm non bị củ ấu đâm vào tay"

Phía trường mầm non Sao Mai đã tìm hiểu và kết luận các em học sinh nghịch củ ấu đen nên bị đâm vào tay, tuy nhiên, phụ huynh không đồng tình với thông tin này.

Xã hội - 10 sự kiện giáo dục được quan tâm nhất năm 2012 (Hình 7).
Liên quan đến sự việc phụ huynh tố cô giáo trường Mầm non Sao Mai đâm kim vào tay của hai em học sinh mẫu giáo là Trương Gia Tuệ và Lã Phương Vy. Ngày 30/10, phía trường mầm non đã đưa giải trình để làm sáng tỏ vụ việc.

Theo đó, vào khoảng 8h ngày 23/10, phụ huynh của hai cháu học sinh Vy và Tuệ của lớp mẫu giáo bé C1 lên báo cáo về sự việc cô giáo H. đã phạt trẻ bằng cách lấy con “gấu bông đen” phạt vào tay gây thương tích. Ngay sau đó ban giám hiệu nhà trường đã xem trên tay của học sinh là những nốt chấm đỏ không chảy máu theo đúng kết luận của bác sỹ nhi khoa. Qua đối chứng và tìm hiểu trực tiếp cả 4 giáo viên lớp C1 đều khẳng định không dùng vật sắc nhọn.

Trước diễn biến này, cô hiệu trưởng trường Mầm non Sao Mai đã mời phụ huynh học sinh quay trở lại để giải thích có thể là do củ ấu có nhiều gai nhọn là nguyên nhân gây ra vết bầm đỏ.

Mặc dù hai em học sinh đã thừa nhận sự việc phụ huynh vẫn không thấy thuyết phục, cô Trần Mỹ Dung phải báo cáo lên phòng GD&ĐT và mời công an phường tới để giải quyết.

Phan Chính