1001 “chiêu” tăng giá ngầm thời giảm giá

1001 “chiêu” tăng giá ngầm thời giảm giá

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
0
Trên thị trường hàng hóa đang xuất hiện trào lưu giảm giá, khuyến mãi hàng loạt. Phải nói rằng, chưa bao giờ các chương trình khuyến mãi, giảm giá lại diễn ra rầm rộ như hiện nay.

Trên phố hay trong các siêu thị hầu hết các cửa hiệu đều tung ra các đợt giảm giá liên tục, có nơi đề biển giảm đến 70%. Giảm giá mạnh nhất tập trung vào các nhóm hàng như quần áo, điện tử, chăn ga, mỹ phẩm,...

Xã hội - 1001 “chiêu” tăng giá ngầm thời giảm giáBăng rôn giảm giá rầm rộ khắp phố phường Hà Nội. Ảnh: Ngọc Linh (ảnh chỉ mang tính minh họa)

Động thái giảm giá hàng loạt cũng đã gay sự chú ý đến một bộ phận khách hàng. Tuy nhiên, sức mua vẫn rất yếu, thị trường hàng hóa vẫn rất ảm đạm. Nguyên nhân chính là do hiện nay tiền thu nhập của gia đình dồn gần hết vào nhóm hàng lương thực, thực phẩm và dịch vụ. Theo con số mà ông Vũ Vinh Phú – nguyên phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội - chủ tịch Hội Siêu thị TP Hà Nội đưa ra thì hiện tại có đến 70 -80% thu nhập của gia đình dành để mua 3 nhóm hàng thiết yếu trên.

Ông Phú cũng cho biết, giá cả hàng hóa tiêu dùng tháng 5 & 6/2012 tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao, thực ra đã hình thành một mức giá hàng hóa mới và rất cao so với 2-3 năm trước đây.

“Hiện nay có hiện tượng cân đo đong đếm thiếu, phẩm chất hàng kém chất lượng nhưng người tiêu dùng vẫn phải mua với giá như cũ. Ví dụ gói bim bim 2 nghìn đồng trước đây có trọng lượng là 380g, giờ họ chỉ đóng 375g. Người tiêu dùng có biết đâu, giảm 5g, giảm rất ít nhưng khi nhân lên hàng vạn gói thì chi tiêu của người tiêu dùng sẽ bị đội lên rất lớn. Đây là một hình thức tăng giá ngầm mà người tiêu dùng khó mà nhận biết”, ông Phú nói.

Một người làm lâu năm trong hệ thống bán lẻ (xin được giấu tên) tiết lộ, thực tế thì giá cũng không giảm rầm rộ đến mức như quảng bá vì trong các chiêu khuyến mãi, giảm giá thì có 1 “chiêu” mà các “ông chủ” hay dùng đó là kích giá lên sau đó giảm xuống. Tuy nhiên, để xử lý hàng tồn kho, cắt lỗ thì thời gian này cũng có nhiều mặt hàng thực sự giảm giá. Thế nhưng, người này vẫn khuyên người thân là phải thật tỉnh táo khi mua hàng khuyến mãi. Bởi vì lúc các “ông chủ” lựa chọn các mặt hàng để khuyến mãi thì thường là hàng tồn kho, chất lượng sản phẩm sẽ kém hơn, đặc biệt lương thực, thực phẩm, hàng đông lạnh thì càng không nên ham của rẻ. Dân gian có câu “của rẻ là của ôi” gần như là chính xác.

Ý kiến nhiều tín đồ chuyên săn hàng khuyến mãi lại khẳng định, nếu biết chọn, biết mua thì vẫn mua được hàng dùng tốt mà lại tiết kiệm kha khá chi phí.

Chị Hoài ở Đông Ngạc – Từ Liêm – Hà Nội, người chuyên săn hàng khuyến mãi cho biết trưa nào chị cũng lượn qua các con phố Hà Nội xem có gì rẻ và tốt không để mua. Hôm thì chị mua được chiếc túi xách hàng hiệu giá chỉ mấy trăm, hôm chị mua được cái váy khá xinh, chất cũng ổn chỉ hơn 100 nghìn đồng. Chị nói, để không bị hớ khi mua hàng khuyến mãi thì cần có kinh nghiệm chọn hàng, thường xuyên đi xem hàng để biết giá.

Tín đồ chuyên săn hàng khuyến mãi này vẫn chốt lại là, mua hàng khuyến mãi thì vẫn rất cần sự tỉnh táo và am hiểu chứ đừng thấy rẻ mà ham mua về lại không dùng được.

Cùng chung quan điểm với chị Hoài, chị Quế - Cầu Giấy – Hà Nội, cho hay, từ khi kinh tế khó khăn tôi cũng chú ý nhiều hơn đến các chương trình khuyến mãi, giảm giá để giảm tối đa các khoản chi, mua sắm cũng chỉ mua cái gì thật sự cần thiết thôi. Ví dụ, tôi thường căn lúc nào nhà mạng khuyến mãi 50% thẻ cào thì nộp tiền điện thoại, thường thì 15 ngày nhà mạng lại có 1 đợt khoảng 3 ngày khuyến mãi như thế. Từ khi chú ý và nộp tiền điện thoại theo kiểu đó tôi thấy dùng cũng đỡ tốn tiền hơn.

Theo tìm hiểu của phóng viên thì bên ngoài nhiều cửa hiệu quảng cáo giảm giá rất cao nhưng khi vào trong hỏi thì sự thực chỉ có rất ít một số mặt hàng tồn kho, lỗi mốt hoặc gần hết hạn sử dụng,... giảm với giá như quảng cáo. Thậm chí có nơi ghi bên ngoài là giảm 40% nhưng khi vào trong hỏi thì không có sản phẩm nào giảm mức đó mà giảm ở mức thấp hơn.

Có một số đơn vị còn lợi dụng trào lưu giảm giá để trà trộn hàng kém chất lượng vào và kích giá lên sau đó giảm với giá sốc. Tuy nhiên, cũng không ít đơn vị làm ăn chân chính họ giảm giá mà chất lượng sản phẩm dịch vụ không bị bớt xén tí nào. Ví dụ, bên ngoài một phòng răng ở đầu đường Nguyễn Chí Thanh có đề biển là lấy cao răng và đánh bóng với giá 30 nghìn đồng. Phóng viên đã thử vào sử dụng gói dịch vụ này và thấy phòng khám làm rất cẩn thận, còn khám răng miễn phí, lúc thanh toán thì thật sự là sốc với mức giá chỉ 30 nghìn đồng như đã ghi bên ngoài. Với khoảng thời gian phục vụ khách hàng gần 1 tiếng đồng hồ cùng các thao tác lấy cao răng, đánh bóng răng nhẹ nhàng và kỹ lưỡng thì mức giá 30 nghìn đồng thực sự quá rẻ.

Như vậy, trong thời buổi kinh tế khó khăn việc tiêu dùng thông thái cũng không dễ dàng chút nào. Có thể nói để có được sản phẩm dịch vụ với giá rẻ trong thời điểm này nhiều khi cũng là sự may mắn, tình cờ. Bởi quá nhiều chiêu tăng giá ngầm mà người tiêu dùng khó có thể nhận biết.

Ngọc Linh


Tag: Gia Lai