135 học sinh tiểu học nhập viện sau khi ăn bánh mỳ: Hồi chuông báo động về an toàn thực phẩm học đường

Thanh Lam

Sau khi ăn bánh mỳ do đoàn từ thiện phát, 135 học sinh đã bị nôn ói, đau bụng phải đưa đi cấp cứu. Vụ việc dấy lên những lo ngại về an toàn thực phẩm cho học sinh.

Nghi vấn từ bánh mỳ từ thiện

Sáng ngày 29/5, nhóm từ thiện ở huyện Đức Trọng, Lâm Đồng chở 250 phần bánh mỳ chà bông, phô mai cho học sinh các khối 1, 4 và 5 của trường tiểu học N’Thol Hạ trên địa bàn huyện.

Sau khi ăn xong, nhiều học sinh có biểu hiện đau bụng, nôn tại trường nên được giáo viên và phụ huynh đưa đi cấp cứu tại trung tâm Y tế huyện Đức Trọng cách đó khoảng 13km. Đến trưa, trung tâm Y tế đã tiếp nhận truyền nước cho 135 học sinh.

Trưa 29/5, ông Trịnh Văn Quyết, Phó Giám đốc sở Y tế tỉnh Lâm Đồng cho biết, tình hình các học sinh nghi ngộ độc cơ bản đã ổn định, một số học sinh đã được xuất viện về nhà. Hiện mẫu bánh mỳ đã được đưa đi xét nghiệm để xác định nguyên nhân. Lãnh đạo huyện Đức Trọng cho biết, trong buổi sáng, đã cho nghỉ học đối với những lớp có nhiều em nhập viện.

Bánh mỳ chà bông nếu không được làm vệ sinh cũng dễ dẫn đến bị ngộ độc (Ảnh minh hoạ).

“Đừng biến thiện tâm trở thành ác tâm”

Trước sự việc hàng trăm học sinh nghi bị ngộ độc sau khi ăn bánh mỳ chà bông, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, trường đại học Bách Khoa Hà Nội) cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến ngộ độc như: “Có thể do người lớn không quan tâm đến nguồn thực phẩm, hoặc tham rẻ. Nguyên nhân nữa là từ bánh mỳ hoặc ruốc không đảm bảo. Bánh mỳ thường ít gây ngộ độc, nhưng nếu làm cẩu thả để qua đêm hoặc bảo quản không tốt vẫn có thể gây ngộ độc. Tiếp đến, ruốc làm từ thịt cũng là nguyên nhân dẫn đến ngộ độc khi lựa chọn thịt không kỹ, thịt không rõ nguồn gốc”.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến ngộ độc bánh mỳ.

Theo ông Thịnh, một nguyên nhân dẫn đến bánh mỳ bị ngộ độc nữa chính là do quá trình làm mất vệ sinh, dẫn đến nhiễm ký sinh trùng. Khi làm bánh mỳ ruốc, người làm cho thêm các chất phụ gia, chất tạo thơm càng dễ dẫn đến ngộ độc. Vì vậy, quá trình tạo ra ruốc không an toàn do nguyên liệu thực phẩm không được bảo đảm.

Từ những phân tích trên, ông Thịnh cho rằng, việc làm từ thiện rất tốt, đáng trân quý, nhưng lòng tốt không được kiểm tra chặt chẽ thì thiện tâm trở thành ác tâm.

“Dù biết đây là điều không ai mong muốn, nhưng đã có thiện tâm phải làm đến cùng, phải kiểm tra chặt chẽ để không phải mang tiếng và bị oán trách”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Là một người gắn liền với nhiều hoạt động thiện nguyện, chia sẻ với PV Người Đưa Tin Pháp luật chị Ngô Thị Thanh Hùng (nhóm thiện nguyện Nhân Ái, tỉnh Hà Giang) cho biết, nhóm thiện nguyện của chị từng tham gia nhiều hoạt động phát đồ ăn từ thiện.

Chị Hùng bày tỏ sự đáng tiếc khi nhóm thiện nguyện nói trên gặp phải tình huống không ai mong muốn. Chị Hùng cho hay: “Tôi không biết nhóm thiện nguyện nêu trên các bạn làm thế nào. Nhưng với nhóm thiện nguyện của chúng tôi, thường xuyên đem thực phẩm đến với bà con khó khăn thì việc tìm nguồn thực phẩm sạch, đảm bảo là điều kiện tiên quyết”.

Theo lời của chị Hùng, việc tìm nguồn thực phẩm phải dựa trên yếu tố uy tín, chất lượng: “Chúng tôi có quan điểm là mua những thứ mình ăn được, chúng tôi thử và khi ăn biết nguồn gốc thì mới bắt đầu đặt hàng. Bên cạnh đó, chúng tôi phải xem cách họ làm, bán hàng, tiêu thụ hàng có tâm có tầm hay không như vậy mới mua sản phẩm chứ không phải bạ đâu mua đấy”.

“Phải đảm bảo chất lượng ngon, nóng, giòn và không ham rẻ, không phải tặng là mua những thứ hỏng, ôi thiu. Làm như vậy ảnh hưởng đến tính nhân văn tốt đẹp của những người làm công tác thiện nguyện”, chị Hùng chia sẻ thêm.

T.L