Hơn bất kể bao giờ, đại dịch Covid-19 thực sự là thước đo tài mưu lược và lãnh đạo của các doanh nhân. Trong làn sóng phá sản tràn lan khắp thế giới, vẫn nổi lên nhiều doanh nghiệp thành công của các doanh nhân tài ba và can đảm.
Tạp chí Forbes vừa công bố danh sách 25 nữ doanh nhân quyền lực tại châu Á năm 2020. Forbes đánh giá đại dịch đang thử thách khả năng lãnh đạo của các doanh nhân. Tuy nhiên, 25 phụ nữ trong danh sách đã vượt qua thách thức này và chứng minh sự nhạy bén, thông tuệ của mình trong thời kỳ khó khăn.
Điều đáng nể, năm nay, Việt Nam có hai đại diện. Đó là bà Nguyễn Bạch Điệp – Chủ tịch FPT Retail và bà Trương Thị Lệ Khanh – Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Công ty Vĩnh Hoàn.
Forbes vừa công bố danh sách 25 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á năm 2020.
Suốt 23 năm qua, bà Khanh đã gây dựng Vĩnh Hoàn thành công ty thủy sản có vốn hóa lớn nhất Việt Nam. Năm ngoái, công ty cũng đạt kết quả kinh doanh tốt nhất trong ngành thủy sản, với lợi nhuận ròng 50 triệu USD và doanh thu 340 triệu USD. Hiện tại, công ty có hơn 6.000 nhân viên và 6 nhà máy chế biến.
Doanh thu của Vĩnh Hoàn phần lớn đến từ thị trường quốc tế nên khó tránh khỏi những tác động tiêu cực từ sự suy giảm của ngành thực phẩm – đồ uống toàn cầu do ảnh hưởng đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, để tìm động lực tăng trưởng mới, bà Khanh đã lên kế hoạch tăng phục vụ thị trường nội địa và tăng hợp tác tại châu Âu.
Cũng mang thành tích đáng ngưỡng mộ, bà Nguyễn Bạch Điệp đã đưa FPT Retail trở thành hãng bán lẻ đồ điện tử lớn nhì Việt Nam, tính theo số cửa hàng, với hơn 630 cơ sở trên cả nước. Trong khi đại dịch khiến hầu hết các công ty thu hẹp quy mô thì bước đi khôn ngoan của FPT Retail khiến công ty này liên tục mở rộn. Công ty dự kiến mở thêm 60 hiệu thuốc nữa trong năm nay.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây khủng hoảng toàn cầu, việc lãnh đạo đưa doanh nghiệp phát triển thực là một chiến thắng ngoạn mục trước rừng thử thách hiếm thấy của nhân loại. Giành thắng lợi trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái thực không chỉ nằm trong mưu lược kinh doanh mà còn là sự can đảm tuyệt vời của những người chèo lái các doanh nghiệp lớn.
Trái ngược với sự phát triển phồn thịnh của nhiều công ty, nhiều “ông lớn” trong ngành thời trang hay công nghiệp thực phẩm đang phải đối mặt với khủng hoảng trầm trọng. Nhiều thương hiệu buộc phải tuyên bố phá sản.
J.Crew, thương hiệu bán lẻ thời trang style preppy của Mỹ mới đây tuyên bố phá sản. Cùng tình thế bi đát, nhãn hàng Esprit, nhà sản xuất quần áo, giày dép, phụ kiện, trang sức và đồ gia dụng đã từng đạt doanh số toàn cầu 1,5 tỉ Euro trong vài năm qua cũng dự định đóng tất cả các cửa hàng tại châu Á.
Trong khi đó, cũng tại xứ sở cờ hoa, hãng thời trang Neiman Marcus cũng đang loay hoay tiến hành các thủ tục pháp lý để xin tòa án bảo hộ phá sản.
Trước đó, hồi tháng 5, chuỗi cửa hàng bán lẻ tên tuổi ở Mỹ có 118 năm với 800 cửa hàng, JCPenney cũng đã nộp đơn tuyên bố phá sản.
Theo dữ liệu từ Viện Phá sản Mỹ, số lượng hồ sơ doanh nghiệp thời trang, phụ kiện, trang sức phá sản đã tăng 26% trong tháng 4 so với năm ngoái. Thử điểm qua vài tên tuổi lớn chịu chung số phận chao đảo và chìm trong dòng lũ phá sản đó là H&M (19/4), Victoria’s Secret (21/5), Aldo (1/6), Guess (10/6) hay Diane von Furstenberg (15/6). Chưa kể Zara đóng 1.200 cửa hàng, La Chapelle rút bớt 4.391 tiệm, Chanel, Hermes ngừng hoạt động hay Patek Philippe và Rolex ngưng sản xuất...
Đại dịch Covid-19 hẳn còn gây nhiều mất mát, nhưng thời điểm khó khăn này cũng có thể mang lại sự thay đổi tốt hơn cho những công ty, lãnh đạo có tài mưu lược và can đảm tìm lối thoát mới. Sau đại dịch, rất có thể những tên tuổi lừng lẫy trong các lĩnh vực kinh doanh sẽ trở lại. Hãy cùng chờ và thắp sáng ánh lửa mang tên hy vọng..
Vũ Thu Hương* Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin Pháp Luật.