Mới đây, Bộ GD&ĐT đề nghị xây dựng Nghị quyết cho phép tuyển dụng người có trình độ cao đẳng để dạy một số môn học theo Chương trình GDPT 2018.
Lý giải về đề xuất này bởi dự báo đến năm học 2024 - 2025, cấp tiểu học còn thiếu 6.621 giáo viên tin học và 5.780 giáo viên ngoại ngữ; cấp THCS: môn Công nghệ thiếu 11.598 giáo viên, môn Khoa học tự nhiên thiếu 2.366 giáo viên, môn Nghệ thuật: thiếu 4.321 giáo viên (theo dự thảo Báo cáo đánh giá giữa kì triển khai Chương trình GDPT 2018).
Trong khi công tác đào tạo tại các cơ sở giáo dục đại học đối với ngành sư phạm Lịch sử - Địa lý, Khoa học tự nhiên, Sư phạm Âm nhạc và Sư phạm Mỹ thuật (thời gian đào tạo trình độ đại học là 4 năm) chưa kịp để đáp ứng nguồn giáo viên cho công tác tuyển dụng.
Trước vấn đề này Người Đưa Tin (NĐT), đã có trao đổi với PGS.TS Nguyễn Kim Hồng – nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Tp.Hồ Chí Minh.
NĐT: Thưa ông, xin ông đánh giá đề xuất về tuyển dụng giáo viên của Bộ GD&ĐT trước thực trạng ngành giáo dục đang phải đối mặt với việc thiếu giáo viên dạy chương trình mới hiện nay?
PGS.TS Nguyễn Kim Hồng: Tình trạng thiếu giáo viên hiện nay không còn là một hiện tượng bất thường mà càng trở lên trầm trọng hơn. Có nhiều lý do, nhưng lý do chính là người ta ngày càng không muốn lao động trong ngành giáo dục, nhất là nghề dạy học điều này dẫn tới tình trạng việc thiếu giáo viên càng trở nên trầm trọng.
Thiếu thì giáo viên phải "căng" ra mà dạy, nhưng đấy là nói ở chỗ còn giáo viên mà dạy. Ở các trường, cơ sở giáo dục không có giáo viên dạy thì càng "căng" nên giải pháp mà Bộ GD&ĐT đưa ra theo tôi là cần thiết nhất là trong lúc này.
Chúng ta đã triển khai chương trình GDPT mới, nếu chỉ tính từ khi sử dụng sách giáo khoa theo Chương trình 2018 thì cũng đã được 4 năm và năm học tới sẽ bước vào năm cuối mà chương trình được thực hiện ở tất cả cấp học, lớp học.
Khi thực hiện, nhiều chuyên gia cũng đã dự báo là sẽ gặp khó khăn ở các môn học như Ngoại ngữ, Tin học, các môn Nghệ thuật. Vì không thể ngay lập tức có đầy đủ giáo viên cho các môn học này.
Không đủ giáo viên có trình độ đại học, mà lại là đại học sư phạm thì tìm giáo viên tốt nghiệp cao đẳng sư phạm hoặc đại học có chuyên ngành phù hợp, rồi bồi dưỡng kiến thức sư phạm thì họ có thể giảng dạy ở các trường phổ thông.
Tất nhiên là Bộ GD&ĐT sẽ có phương án đào tạo giáo viên đáp ứng nhu cầu sử dụng, trong đó có cả việc đào tạo giáo viên theo phương thức tốt nghiệp cử nhân các ngành khoa học cơ bản, học thêm các kiến thức về giáo dục và sư phạm để chuyển đổi nghề nghiệp hoặc học cao học giáo dục rồi làm giáo viên như nhiều nước phát triển khác trên thế giới đã làm.
NĐT: Việc giảm trình độ giáo viên dạy ở các cấp học có gây lo lắng về vấn đề chất lượng giảng dạy Chương trình GDPT 2018, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Kim Hồng: Chúng ta đã có chuẩn nghề nghiệp giáo viên, trong đó có yêu cầu là họ phải có trình độ Cử nhân sư phạm trở lên. Giáo viên dưới chuẩn nếu muốn làm việc (dạy học) lâu dài ở nhà trường phổ thông thì phải học để lấy bằng cử nhân sư phạm.
NĐT: Trên thực tế, đối với công tác tuyển sinh ngành sư phạm hệ cao đẳng cũng gặp khó khăn về nguồn tuyển, nhiều em không mặn mà học hệ cao đẳng. Theo ông, cần có thêm những giải pháp gì để khắc phục tình trạng này?
PGS.TS Nguyễn Kim Hồng: Chuẩn nghề nghiệp giáo viên đã quy định mọi giáo viên từ bậc học mầm non đến phổ thông các cấp đều phải có trình độ đại học nên mới có chuyện các trường cao đẳng sư phạm không tuyển được người học bởi tốt nghiệp cao đẳng thì không thể làm nghề dạy học. Thế thì học cao đẳng sư phạm làm gì?
Tôi không thể nói gì thêm về chuyện giáo viên phải có trình độ đại học. Cái đó là đích đến trong giáo dục đứng ở góc độ người lao động làm nghề dạy học. Trên thực tế, khó khăn quá nhiều trong việc tuyển giáo viên. Chúng ta đã chưa tính đủ tác động của những quy định pháp lý về chính chuẩn giáo viên nên mới có tình trạng này.
Không ít những người đã không chọn học trong các trường sư phạm khi có mức thu nhập quá thấp (tôi nói thu nhập, không nói lương, vì lương cho giáo viên nghe nói rồi đây sẽ được xếp cao hơn các ngành có cùng trình độ 1-2 bậc). Thế thì bài toán nhân lực giáo dục khó được giải quyết nếu thu nhập của giáo viên vẫn không được cải thiện như hiện nay.
Để có “đủ” giáo viên đủ chuẩn cho các trường phổ thông cần phải có một chính sách đồng bộ từ quy chuẩn về trình độ, định biên đến thu nhập (đặc biệt là thu nhập) mới có thể vượt qua tình trạng thiếu giáo viên hiện nay.
Hiện nay, việc tuyển dụng giáo viên được thực hiện theo quy định tại Luật Viên chức và Nghị định số 115. Việc tuyển dụng viên chức ngành giáo dục phải dựa theo các căn cứ được quy định như: căn cứ vào nhu cầu công việc, vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và quỹ tiền lương của đơn vị sự nghiệp công lập.
Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức ngành giáo dục được thực hiện theo quy định tại các Thông tư của Bộ GD&ĐT, trong đó có tiêu chuẩn về trình độ đào tạo.
Luật Giáo dục năm 2019 quy định trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo: "Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông. Trường hợp môn học còn thiếu thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm".