4 yếu tố quan trọng giúp chuỗi cung ứng diễn ra hiệu quả

4 yếu tố quan trọng giúp chuỗi cung ứng diễn ra hiệu quả

Trần Thu Thảo

Trần Thu Thảo

Thứ 6, 12/11/2021 16:34

Báo cáo do Standard Chartered khảo sát tại 914 doanh nghiệp có doanh thu hàng năm trên 250 triệu USD chỉ ra các yếu tố giúp chuỗi cung ứng diễn ra hiệu quả.

Theo khảo sát mới nhất của ngân hàng Standard Chartered, các doanh nghiệp ASEAN đều tin rằng sự ổn định tài chính của các nhà cung cấp gián tiếp là cần thiết để tăng cường sức mạnh của chuỗi cung ứng.

Cụ thể, theo báo cáo "Các chỉ số quan trọng của chuỗi cung ứng bền vững" do ngân hàng Standard Chartered khảo sát tại 914 doanh nghiệp trên thế giới (có doanh thu hàng năm trên 250 triệu USD) tại 6 khu vực (châu Âu, Bắc Mỹ, Trung Đông, Châu Phi, Châu Á và Nam Mỹ) và 9 nhóm ngành, có khoảng 90% các doanh nghiệp cho biết, 4 yếu tố: sự thân thiện với môi trường và sự minh bạch của các nhà cung cấp trực tiếp; sức khỏe tài chính; sự linh hoạt và khả năng thích ứng; sự hợp tác và kết nối xuyên suốt hệ sinh thái là các chỉ số quan trọng để chuỗi cung ứng diễn ra hiệu quả.

Báo cáo của Standard Chartered nêu rõ, có 59% doanh nghiệp đề cao vai trò việc đảm bảo ổn định tài chính của các nhà cung cấp gián tiếp thông qua việc đưa ra thêm các lựa chọn tài chính, bên cạnh các chương trình tài chính dành cho nhà cung cấp.

Theo báo cáo từ ngân hàng Standard Chartered, các chuỗi cung ứng trên thế giới gặp nhiều gián đoạn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Do vậy, các doanh nghiệp đang tăng cường tìm kiếm cách tiếp cận toàn diện cho việc quản lý chuỗi cung ứng. Theo đó, có 60% các doanh nghiệp ASEAN đánh giá việc hiểu và giám sát cách thức sử dụng lao động của các nhà cung cấp trực tiếp là chìa khóa để tạo ra một môi trường lành mạnh và các chuỗi cung ứng minh bạch. Tuy nhiên, chỉ có 38% cho biết họ có thể làm tốt.

57% các doanh nghiệp tham gia khảo sát đồng tình rằng việc kiểm tra và chuẩn bị đầy đủ các kế hoạch để đảm bảo sự xuyên suốt trong kinh doanh và việc tiến hành đánh giá mối quan hệ với nhà cung cấp, cơ sở sản xuất, tuyến hậu cần, các thách thức của chuỗi cung ứng trong gia đoạn dịch Covid-19 là rất quan trọng.

55% doanh nghiệp tự đánh giá đã thực hiện rất tốt việc chuẩn bị và kiểm tra trước các kế hoạch này; 42% doanh nghiệp ghi nhận đã thực hiện tốt việc xây dựng đánh giá các nhà cung cấp.

65% các doanh nghiệp ở ASEAN đánh giá việc phát triển các mục tiêu chung/các chỉ tiêu giữa các bộ phận trong nội bộ công ty là quan trọng nhất. Tuy nhiên, dưới 50% doanh nghiệp cho rằng họ thực hiện tốt việc này.

Bà Masia Chong - Giám đốc phụ trách Thương mại khu vực ASEAN và Singapore, ngân hàng Standard Chartered cho biết: "Ngày càng có nhiều doanh nghiệp ASEAN khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng các chuỗi cung ứng có khả năng duy trì hoạt động hiệu quả và bền vững. Tuy nhiên, các kết quả từ cuộc khảo sát cũng cho thấy còn nhiều vấn đề cần được giải quyết".

Tại ASEAN, hiện có hơn 70 triệu doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ, vừa và nhỏ. Do đó, việc hỗ trợ các nhà cung cấp gián tiếp nhằm nâng cao sức khỏe của các chuỗi cung ứng của những doanh nghiệp này bằng các chương trình tài chính thay thế là cần thiết.

"Các giải pháp tài chính của ngân hàng dành cho các chuỗi cung ứng thứ cấp của các khách hàng khẳng định nỗ lực của chúng tôi trong việc thúc đẩy một môi trường thương mại toàn cầu và trong khu vực có trách nhiệm và đa dạng hơn", bà Masia Chong cho biết.

Standard Chartered là tập đoàn quốc tế hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, có mặt trên 59 thị trường trên thế giới và phục vụ khách hàng trên hơn 85 thị trường. Ngân hàng TNHH một thành viên Standard Chartered (Việt Nam) thành lập năm 1904 tại Sài Gòn (nay là Tp.HCM). Ngân hàng có 100% vốn nước ngoài trực thuộc Ngân hàng Standard Chartered. Hiện Standard Chartered Việt Nam có 4 chi nhánh, gồm 2 chi nhánh tại Hà Nội và 2 chi nhánh ở Tp.HCM.
Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.