Ai về làng Khuốc xem chèo...

Ai về làng Khuốc xem chèo...

Thứ 7, 28/01/2017 | 17:38
0
Một thời, người làng Khuốc, xã Phong Châu, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình tự hào về những gánh chèo nức tiếng xa gần và là nơi lưu giữ những điệu chèo cổ, đặc trưng của vùng đất chèo. Thế nhưng...

Những ngày cuối năm gió lạnh, chúng tôi về làng Khuốc với suy nghĩ, ngày xuân, chiếng chèo lại tái hiện nhộn nhịp. Ngay trong hành trình tìm về làng Khuốc, hỏi bất cứ người dân Thái Bình nào, trên khuôn mặt ai cũng đầy vẻ tự hào, nhiệt tình  chỉ đường cho phóng viên. 

Chèo làng Khuốc có từ bao giờ, chẳng ai biết. Có tài liệu ghi lại, nó xuất hiện từ đời Lý, khi đó làng Khuốc tên nôm là Cổ Khúc, huyện Thần Khê, phủ Tiên Hưng, nay là xã Phong Châu, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Chèo làng Khuốc đã từng có thời vàng son khi một gia đình có đến 2 – 3 thế hệ theo chèo, sống bằng chèo và lưu giữ những miếng chèo cổ độc đáo trong dân gian. Người làng Khuốc còn có những câu truyền đời cho con cháu: "Bao giờ Thái Bình hết lúa, làng Khuốc mới thôi hát chèo". “Chẳng thèm ăn chả ăn nem/thèm no cơm tẻ, thèm xem hát chèo”...

Sự kiện - Ai về làng Khuốc xem chèo...

Ông Ro bên chiếc xe đạp cổ lỗ hoài niệm về những ngày "vác tù và hàng tổng".

Được sự giới thiệu của Trưởng ban Văn hóa xã Phong Châu, ông Quách Xuân Sáu, chúng tôi tìm đến nhà ông Bùi Văn Ro, Chủ nhiệm câu lạc bộ Chèo truyền thống của xã Phong Châu. Tạm gác những câu chuyện buồn về chèo làng Khuốc, ông Ro hồi ức về cái thời vàng son: “Những năm 70 – 80 của thế kỷ trước, nhiều diễn viên của làng chèo được mời lên tận Điện Biên, Yên Bái, Lào Cai để diễn. Dù, công cán chẳng được bao nhiêu nhưng người làng Khuốc vẫn tự hào với vốn cổ ông cha để lại. Có những buổi diễn, người xem đông như hội, những khúc hát bi thương trong những vở chèo khiến khán giả rơi nước mắt và khóc cùng nhân vật trong vở chèo. Thần thái của chèo Khuốc được lưu giữ từ hàng trăm năm nay, trong cung đình đến nhân gian...”.

Cũng theo ông Ro, làng Khuốc “sở hữu” những điệu chèo không đâu có bởi những diễn viên chèo Khuốc có giọng hát đặc trưng và điệu bộ cử chỉ xuất phát từ trong nhân gian. Diễn viên chèo Khuốc phải biết “chân nói, tay nói, mắt nói, mũi nói”, tất cả được cóp nhặt từ chính đời sống của nhân dân. Chính vì thế, “chất” chèo làng Khuốc có được sức sống cùng dòng chảy thời gian. Những vai diễn kinh điển như: Lý trưởng, Hương câm, Cu cậu, Cả sứt với những cách diễn, cách thể hiện đặc trưng đã từng đi vào tâm thức của những diễn viên nông dân làng Khuốc và làm mê đắm khán giả khắp cả nước.

Thế nhưng, thời buổi kinh tế thị trường, những năm 90 của thế kỷ trước, vốn cổ của làng chèo Khuốc cũng dần phai nhạt theo thời gian, giới trẻ bắt đầu tìm những thú vui văn hóa mới, chèo Khuốc đứng trước nguy cơ lụi tàn. Đến năm 2006, tưởng chừng, chèo Khuốc được “cứu” khi nhà thờ tổ chèo được khánh thành, các câu lạc bộ chèo lần lượt ra đời và hoạt động sôi nổi. Dân làng Khuốc lại hăng say tập luyện, những câu hát, làn điệu lại rộn ràng khắp làng quê. Thế rồi, một lần nữa chèo Khuốc lại đứng trước nguy cơ lụi tàn bởi những vui buồn chuyện nghề.

Nhấp ngụm trà, sau những hào hứng về quá khứ vàng son, ông Ro trầm ngâm về chuyện nghề. Đã 50 năm theo nghiệp chèo, cũng là người có tiếng trong làng chèo, đồng thời là chủ nhiệm câu lạc bộ Chèo truyền thống làng Khuốc nhưng ông Ro vẫn chưa được phong là nghệ nhân. Hiện, câu lạc bộ chèo truyền thống “tan hoang lắm”, “hồi mới thành lập có đến 58 thành viên, nhưng giờ chẳng còn mấy ai theo. Cứ mỗi năm, vài người bỏ hội để tìm kế mưu sinh, bây giờ gọi là hội nhưng có hoạt động gì đâu...”, ông Ro chua xót nói trong thảng thốt.

Rồi ông Ro trăn trở bằng tất cả nỗi niềm chưa biết tỏ cùng ai: “Tôi cống hiến cho nghiệp chèo từ nhỏ. Năm 1999, tôi được nhận giải thưởng... 50.000 đồng “Vì sự nghiệp Văn hóa” và tấm bằng... quên đóng dấu. Nhiều lúc nghĩ đến mà muốn bỏ nghề”. Rồi chuyện phong nghệ nhân làng chèo, mang tiếng làng chèo cổ nhưng chuyện được phong nghệ nhân dân gian đếm trên đầu ngón tay, cụ Hà Quang Ngạn, người gìn giữ chèo cổ, được báo đài đề cập nhiều mà đến lúc nhắm mắt xuôi tay rồi mới được phong nghệ nhân dân gian. Còn ông Ro, dù 50 năm gắn bó với nghề nhưng bây giờ ông cũng chẳng còn thiết tha với hai từ “nghệ nhân” nữa.

Sự kiện - Ai về làng Khuốc xem chèo... (Hình 2).

 Chiếng chèo mới xây, mà nhiều người đượm buồn.

Cũng theo ông Ro, bây giờ, điệu chèo cổ làng Khuốc chẳng còn mấy ai hát được. Bởi, hát chèo không làm ra tiền nên dù rất yêu chèo nhưng nhiều người con của làng Khuốc vẫn phải từ bỏ quê hương để đi làm ăn xa, người đi xây, người đi phụ hồ, cửu vạn, vào nhà máy... chứ không mấy ai ở lại quê hương để theo đuổi nghiệp chèo của cha ông. Ngay cả những gia đình nghệ nhân như ông Ro, ông Ngạn... thì thế hệ con cháu cũng không ai theo nghiệp chèo nữa.

Bản thân ông, không có một đồng thù lao dù là chủ nhiệm câu lạc bộ nên mỗi khi có hội họp, tập luyện, ông lại đạp xe khắp xã đi thông báo. Giờ, ai cũng có điện thoại nên liên lạc tiện lợi nhưng khổ nỗi, họ lại chẳng còn tha thiết với chèo. Những người không đi làm ăn xa thì đã tìm cách mưu sinh khác: Người thì đi làm thuê cho các đoàn chèo, người chuyển sang nghề tổ chức ca nhạc đám cưới, người lên TP. Thái Bình xin vào dạy nhạc cho trường học...

Nói đến đây, ông Ro không khỏi xót xa: "Họ làm như vậy là đúng thôi. Vì ở làng Khuốc bây giờ, không ai sống được bằng chèo Khuốc cả! Buồn hơn, ở câu lạc bộ chèo Khuốc, mỗi khi có dịp biểu diễn chèo phục vụ người dân trong xã, thôn thì đến cái trống, bộ quần áo cũng phải chạy đôn chạy đáo đi mượn của nhau. Diễn một vở thì phải tập luyện đến hàng tháng nhưng khi diễn xong, các cụ được hơn trăm nghìn đồng tiền thù lao. Tiền thù lao ít, các cụ không thắc mắc; buồn nhất là diễn chỉ ít người xem và chẳng có ai góp ý để lần diễn sau tốt hơn. Đó mới là điều tôi băn khoăn, lo lắng và thấy nuối tiếc thời vang bóng của chiếng chèo làng Khuốc”.

Cùng mạch câu chuyện, ngẫm đến tương lai chèo Khuốc, ông Ro xót xa: “Bản thân tôi rất tâm huyết với nghề chèo, bởi đây là vốn cổ cha ông để lại. Trách nhiệm mình phải giữ gìn cho con cháu, thế nhưng không có kinh phí hoạt động khó lắm các chú ạ. Giờ đây, các lão nghệ nhân như ngọn đèn trước gió, nếu bây giờ không kịp dàn dựng thì không ít  miếng chèo độc nhất vô nhị ra đi mãi mãi mà không kịp truyền cho con cháu. Tôi đã cố hết sức nhưng lực bất tòng tâm!”.

Khi chúng tôi thắc mắc về chiếng chèo lớn còn nguyên mùi sơn mới ở giữa trung tâm UBND xã, ông Ro lại càng thêm buồn, nói: “Giá như, chiếng chèo đó người ta làm nhỏ một chút, dành kinh phí cho hoạt động gìn giữ chèo cổ chắc có lẽ sẽ khác”... Nghe những lời tâm sự của ông Ro, chúng tôi càng cảm thấy nghịch lý, bởi theo lời Trưởng ban Văn hóa xã Phong Châu, ông Mạc Văn Sáu, chiếng chèo mới được khánh thành có kinh phí lên đến hơn 1 tỷ đồng, trong khi đó kinh phí hoạt động của văn hóa xã chỉ có vài triệu đồng/năm.  

Các nghệ nhân chèo Khuốc đã sáng tạo, đóng góp cho nghệ thuật chèo cả nước hai vở chèo Từ Thức gặp tiên, Phan Trần thuộc vào hàng kinh điển. Theo nhà nghiên cứu, Nhà giáo Ưu tú Hoàng Kiều có 151 làn điệu và ca khúc chèo thì riêng các phường chèo Thái Bình với 2 vở chèo trên và trích đoạn Tuần Ty-Đào Huế đã có 30 ca khúc và 4 kiểu hát nói, chiếm 1/5 tổng số các điệu chèo trong các vở chèo cung đình. Đánh giá về chèo Khuốc, nhạc sĩ, nghệ sĩ Trần Vinh, nhà hát Chèo Trung ương viết: “Nói đến chèo Thái Bình thì phải nói ngay đến chèo Khuốc... Chèo Khuốc là tiêu biểu cho dòng chèo Thái Bình”.

Trần Phương

Cùng tác giả

NSƯT Hoài Linh: Đại gia mặc áo bà ba

Thứ 6, 01/09/2017 | 05:30
Hoài Linh là cái tên bảo chứng cho nhiều chương trình truyền hình, điện ảnh,… Mặc dù là nghệ sĩ nổi tiếng nhưng anh lại luôn muốn rời xa sự nhốn nháo của showbiz, thích đứng phía sau ánh đèn sân khấu. Và, ít ai biết rằng, anh từng trải qua tận cùng khó khăn trước khi thành công, nổi tiếng như hôm nay.

Vì sao ông Trần Văn Thêm chưa được nhận 6,7 tỷ tiền bồi thường?

Thứ 4, 09/08/2017 | 14:00
Trao đổi với PV, sáng 8/8/2017, Luật sư Vũ Văn Lợi, Giám đốc công ty luật Hòa Lợi cho biết, công ty đã gửi văn bản số 48/2017/CV – HL về việc kiến nghị trả bồi thường oan sai cho ông Trần Văn Thêm, người tù oan thế kỷ.