Âm nhạc, nụ cười và tình yêu

PV

“Đi cùng tôi em nhé, một thời đam mê…”, Những đứa trẻ giống như cơn mưa xoa dịu cái nóng của mùa hạ, và thỏa “cơn khát” của những tâm hồn yêu nhạc.

Sự đồng điệu với tâm hồn

Hẳn là có lý do nào đó để Những đứa trẻ chọn ca khúc Một thời đam mê để mở màn cho Ngày hội âm nhạc (sự kiện do Viện Pháp tại Hà Nội tổ chức vừa diễn ra vào ngày 21.6). Người lần đầu nghe nhạc của nhóm altarnative rock/ punk này dễ có cảm tình ngay.

Bởi ở đó, họ có thể tìm thấy những suy tư, vấp váp của tuổi trẻ, và cả những khát vọng, lạc quan, hồn nhiên. Những chàng trai (mà tự nhận mình là những đứa trẻ) chinh phục người nghe bằng sự mộc mạc toát ra từ âm nhạc của họ.

Trong khi đó, sự xuất hiện của Mạc Mai Sương lại khiến người ta như muốn “tan chảy” bởi giọng hát trong và nhẹ như sương của cô.

Nhóm Mạc and the Odd Stones với giọng ca chính là Mạc Mai Sương mang đến những ca khúc do chính nữ ca sĩ sáng tác.

Âm nhạc của Mạc Mai Sương như những gì mà người ta nhận xét: Thật khó định nghĩa, không hẳn pop mà cũng chẳng phải jazz. Những ca khúc lúc dịu dàng, lúc lả lướt, lúc bay bổng…

Những nghệ sĩ indie đã mang đến ngày hội một bữa tiệc âm nhạc đa sắc màu. Có một Vũ Thanh Vân mang đến những ca khúc R&B do cô sáng tác thể hiện qua giọng hát nhiều tự sự.

Có một HUB với những nét âm nhạc “đường phố”, tự do, phóng khoáng, đơn giản và không theo bất cứ “trật tự” nào.

Sự trở lại của Ngọt trên sân khấu khiến khán giả khó ngồi im, họ phấn khích, hát theo, và cười… với những lời chia sẻ của Vũ Đình Trọng Thắng (ca sĩ chính đồng thời cũng là người sáng tác ca khúc của nhóm).

Thắng nói, anh nhớ lại lần đứng chính trên sân khấu này, anh đã “đuổi” những thành viên khác của nhóm xuống để thử hát ca khúc mới viết. Không ngờ, khi clip quay Thắng hát lúc đó được “tung” lên mạng, đã trở thành “hiện tượng” mạng xã hội.

Không chỉ ca khúc Thắng hát – Em dạo này – nhanh chóng được nhiều người trẻ “truyền tai”, mà cái tên Ngọc được người ta chú ý và tìm kiếm nhiều hơn. Và sau từng ấy năm, Ngọt “trở lại và lợi hại hơn xưa”.

Một lượng kẹo (từ để chỉ những người hâm mộ Ngọt) đã đông lên gấp nhiều lần. Người ta có thể tìm thấy ở âm nhạc của Ngọt sự đồng điệu với tâm hồn của nhiều người trẻ cũng như sự phóng khoáng, tự do, trong trẻo.

Âm nhạc không biên giới

Những màn trình diễn như trở nên phấn khích hơn. Bởi lẽ, từ nhiều tháng nay, nghệ sĩ và khán giả đã chờ được chơi nhạc và nghe nhạc. “Ngày hội để chào mừng mọi người trở lại sau thời kỳ giãn cách xã hội vì dịch bệnh Covid-19. Ngày hội cũng là sự kiện lớn nhất kể từ khi Viện Pháp mở cửa trở lại từ ngày 1/6/2020.

Qua đây, chúng tôi muốn truyền tải thông điệp tới công chúng rằng: “Chúng ta vô cùng mạnh mẽ và chúng ta sẽ chiến thắng dịch bệnh”. Văn hóa ngày càng phát triển mạnh mẽ và âm nhạc là một công cụ mang tính phổ quát toàn cầu mà tất cả mọi người, không chỉ ở Hà Nội mà còn trên toàn thế giới đều có thể chia sẻ với nhau, qua đó xích lại gần nhau hơn để vượt qua những khó khăn, vượt qua dịch bệnh”. ông Thierry Vergon, Giám đốc Viện Pháp tại Hà Nội chia sẻ về Ngày hội âm nhạc được diễn ra trong bối cánh đặc biệt.

Khán giả, phần đông là người trẻ, đến ngày hội rất đông. Khán phòng với 350 ghế ngồi đã không đủ chỗ. Những khán giả đến ngày hội mà không có cơ hội vào xem trực tiếp trong khán phòng được phục vụ xem tại chỗ với một màn hình rộng đặt ngoài sảnh.

Còn nếu như bạn ngồi ở nhà, hay đơn giản chỉ là trước một chiếc máy tính, hay chiếc điện thoại thông minh tại Hà Nội, hay thậm chí ở Paris (Pháp), bạn đều có thể xem livestream (truyền trực tiếp) qua trang Facebook của Viện Pháp tại Hà Nội, tại Paris và ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Lần đầu tiên, Ngày hội âm nhạc tại Hà Nội được “truyền” đi khắp thế giới, và âm nhạc của những nghệ sĩ trẻ Việt Nam đã đến với khán giả quốc tế.

“Tại sự kiện lần này, chúng tôi muốn mang lại một sân khấu tự do và rộng mở cho nghệ sĩ trẻ của Việt Nam, nhưng không chỉ hướng đến công chúng Việt Nam mả cả công chúng toàn thế giới thông qua internet.

Chúng tôi muốn cho mọi người thấy văn hóa, hay âm nhạc không hề có biên giới. Với chúng tôi, đây là cơ hội sẻ chia những khoảnh khắc tuyệt vời, niềm hứng khởi và cảm xúc trào dâng. Qua Ngày hội âm nhạc 2020, chúng tôi muốn truyền tải thông điệp: “Hãy sống thật hạnh phúc!”, ông Thierry Vergon xúc động nói.

Ngày hội âm nhạc đã khép lại, nhưng dư âm vẫn còn đó. Bởi lẽ, đó là ngày hội mà người ta không chỉ được thăng hoa với âm nhạc, mà còn được trao nhau những nụ cười và cả tình yêu.

Thử làm nghệ sĩ dương cầm: Ngay trước khi chương trình biểu diễn của những nhóm nhạc, nghệ sĩ indie diễn ra, sảnh LEspace được biến thành “sân khấu nhỏ” dành cho tất cả những ai muốn thử làm nghệ sĩ dương cầm. Để bắt đầu, nghệ sĩ dương cầm Trang Trịnh chơi một bản nhạc ngắn. Rất nhanh sau đó, nhiều bạn trẻ háo hức muốn được lên chơi những bản nhạc mà họ thích. Không ít những bạn trẻ khiến mọi người xung quanh phải trầm trồ trước khả năng chơi nhạc điêu luyện. Với những bạn chưa biết chơi, hoặc mới làm quen với piano, Trang Trịnh trở thành một cô giáo nhiệt tâm hướng dẫn cho họ. Những tiếng đàn piano được cất lên, lúc trau chuốt, khi vụng về, nhưng đâu có sao, bởi đây là “piano của bạn – buổi biểu diễn của bạn”. Quan trọng hơn, âm nhạc đã truyền cảm hứng đến tất cả những người có mặt và kết nối những tâm hồn, trái tim lại với nhau.

PV