‘Ăn cơm trước kẻng’: xưa và nay

‘Ăn cơm trước kẻng’: xưa và nay

Thứ 5, 22/12/2016 | 14:57
0
“Trinh tiết” trong xã hội xưa được coi là yếu tố quan trọng nhất để đánh giá phẩm hạnh của một người con gái. Trong xã hội hiện đại, thực tế cho thấy vấn đề này còn tồn tại nhiều bất cập.

Nghĩa bóng của câu tục ngữ "Ăn cơm trước kẻng" là việc quan hệ tình dục trước hôn nhân - điều tối kị đối với phụ nữ trong xã hội phong kiến. Nhưng khoảng vài năm trở lại đây, câu tục ngữ này đã trở nên "vô hiệu hóa", thậm chí ngay cả suy nghĩ của một bộ phận phụ huynh cũng đã đi ngược lại điều này.

Xã hội phong kiến xem thường giá trị của người phụ nữ, trói buộc cuộc đời của họ bằng những hủ tục hà khắc, độc đoán. Thậm chí trong chuyện tìm hiểu nhau trước hôn nhân, người đàn ông cũng không có quyền quyết định mà phải là “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. Nếu chẳng may vì một lý do nào đó mà người phụ nữ có bầu trước khi “xuất giá” sẽ bị liệt vào dạng đàn bà lăng loàn, vô đạo đức, vi phạm thuần phong mỹ tục, bại hoại gia phong. Hình phạt: gọt đầu, bôi vôi, thả bè, trôi sông hay nhẹ hơn là bị dân làng chê cười, sỉ nhục buộc họ phải bỏ đi biệt xứ không phải chuyện lạ.

Nhưng ngày nay, giới trẻ đã có lối sống thoáng, nhận thức cởi mở hơn bởi những tư tưởng được du nhập từ các nước phương Tây, khi xã hội mở cánh cửa hội nhập. Các bạn trẻ đã được tự do tìm hiểu nhau, tự quyết định và có trách nhiệm với chuyện hôn nhân của mình. Nhưng chính sự thay đổi chóng mặt ấy lại kéo theo vô số hệ lụy đáng buồn.

Một bộ phận không nhỏ người trẻ hiện nay sống buông thả vì coi chuyện quan hệ tình dục trước hôn nhân là điều hết sức bình thường. Tất nhiên, “đốt cháy giai đoạn” không phải điều gì quá xấu xa, nhưng lạm dụng nó là điều cần hết sức tránh.

Tin cũ - ‘Ăn cơm trước kẻng’: xưa và nay

Nhiều phụ huynh vẫn cảm thấy ngại ngùng, xấu hổ khi giải thích câu hỏi “Con được sinh ra như thế nào?”. Ảnh minh họa: Internet.

Thế hệ trẻ hiện nay phát triển sớm cả về sinh lý và tâm lý. Chính vì vậy, sự tò mò về giới là điều khó tránh khỏi. Cũng chính từ sự giáo dục chưa đầy đủ của nhà trường, gia đình đã ảnh hưởng lớn tới nhận thức của một số bạn trẻ. Thay vì giải đáp thắc mắc về giới tính cho con cái, đặc biệt là các biện pháp quan hệ tình dục an toàn, phòng tránh thai hiệu quả thì bố mẹ lại ra sức né tránh chuyện “nhạy cảm”, coi đó là hư hỏng; những tiết giáo dục giới tính ở trường chỉ được dạy qua loa,… Vì thế, sự tò mò và tìm hiểu không đúng cách đã dẫn các em đến những hiểu biết lệch lạc, lối sống sai lầm.

Theo thống kê của Vụ sức khỏe bà mẹ trẻ em, năm 2010, cả nước có 9.000 ca phá thai ở tuổi vị thành niên. Đến năm 2015, con số này là 5.500. Đây chỉ là những con số thống kê từ hệ thống y tế công, chưa kể đến các sơ sở y tế tư nhân. Mặc dù qua các năm, tình hình có cải thiện nhưng nhìn chung đây vẫn là một thực trạng đáng báo động với xã hội hiện nay.

Đó mới chỉ là một vấn đề trong rất nhiều vấn đề chúng ta phải đối mặt khi chấp nhận chuyện “Ăn cơm trước kẻng”. Chính vì thế, nhiều người vẫn không khuyến khích con em mình “sống thử” trước hôn nhân hay có quan hệ trước khi kết hôn. Tuy nhiên theo một thống kê xã hội học của nhóm sinh viên trường ĐH KHXH&NV Hà Nội năm 2014 trong phạm vi 2 trường ĐH tại Hà Nội, tỷ lệ thanh niên đồng ý có quan hệ tình dục trước hôn nhân là 85%.

Một nghiên cứu trên toàn quốc do Bệnh viện Phụ sản Trung ương và Đại học Y Hà Nội công bố năm 2015 cho thấy, tỷ lệ vô sinh tại Việt Nam là 7,7% và con số này có khả năng tăng lên do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Tin cũ - ‘Ăn cơm trước kẻng’: xưa và nay (Hình 2).

Nhiều đôi bạn trẻ buộc phải có bầu mới được kết hôn. Ảnh minh họa: Internet.

Không biết có phải vì lý do đó nên một bộ phận phụ huynh khuyến khích, thậm chí còn ra điều kiện cho con em mình phải “ăn cơm trước kẻng” để “chắc cốp” việc có cháu.

Ở một khía cạnh khác, đây lại là vấn đề riêng tư, công dân (trên 18 tuổi) có quyền lựa chọn, quyết định và chịu trách nhiệm với lối sống của mình. Nếu “người trong cuộc” thực sự sẵn sàng, đó lại là việc của họ. Hơn nữa, việc tìm hiểu nhau kỹ lưỡng thậm chí cả trong “chuyện ấy” cũng rất quan trọng. Nó ảnh hưởng lớn đến quyết định đặt bút ký vào giấy đăng ký kết hôn của các bạn trẻ. Bởi trong hôn nhân, sự hòa hợp trong đời sống tình dục ảnh hưởng không nhỏ tới hạnh phúc gia đình.

Tất nhiên, dù chúng ta đồng tình hay phản đối việc “ăn cơm trước kẻng” cũng đều có lý do chính đáng. Tuy nhiên, lý thuyết là một chuyện, vận dụng vào đời sống như thế nào lại là chuyện của từng người, trong từng hoàn cảnh cụ thể.

Vì vậy, câu tục ngữ “Ăn cơm trước kẻng” đã không còn là áp lực đối với nhiều bạn trẻ hiện nay. Bởi bên cạnh vấn đề tình dục, sự nghiêm túc trong một mối quan hệ tình cảm cùng sự hòa hợp tâm hồn mới là chất keo gắn bó hai con người với nhau.

Linh Đan/NĐT

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả