Án Tây-Luật Ta: Mua bán virus SARS-CoV-2 qua bưu điện

Án Tây-Luật Ta: Mua bán virus SARS-CoV-2 qua bưu điện

Dương Kim Ngân

Dương Kim Ngân

Thứ 2, 27/12/2021 09:00

Cảnh sát Hà Lan vừa bắt giữ 1 người đàn ông rao bán virus SARS-CoV-2 đựng trong lọ thuỷ tinh cho những người muốn nhiễm bệnh để... đỡ phải tiêm vắc-xin ngừa Covid-19

Án Tây:

Mua virus vì muốn nhiễm bệnh Covid-19?

Tờ De Telegraaf của Hà Lan ngày 11/12/2021 cho biết cảnh sát nước này đã bắt giữ 1 người đàn ông, sau khi phát hiện nghi phạm rao bán virus SARS-CoV-2 sống đựng trong lọ thuỷ tinh qua đường bưu điện cho những người muốn nhiễm bệnh.

Nghi phạm thậm chí đã lập ra 1 trang web để quảng bá cho thứ hàng hoá đặc biệt của mình. Anh ta khẳng định virus được cung cấp có tuổi đời không quá 3 tháng và người mua "được đảm bảo rằng virus bao gồm các đột biến và biến chủng mới nhất".

Pháp luật - Án Tây-Luật Ta: Mua bán virus SARS-CoV-2 qua bưu điện

Người dân tự test Covid (ảnh minh hoạ)

Những mua hàng sẽ phải chi khoảng 33,5 euro (38 USD) để nhận được 1 lọ thuỷ tinh chứa dung dịch được cho là có virus kèm theo 1 bộ kit xét nghiệm.

Hà Lan yêu cầu những người từ 13 tuổi trở lên xuất trình chứng chỉ Covid (đã nhiễm bệnh hoặc tiêm đủ vắc-xin) để được phép lui tới quán bar, nhà hàng, sự kiện đông người, rạp chiếu phim, nhà hát hoặc tham gia trận đấu thể thao.

Theo một số hãng tin, khách hàng của nghi phạm phần lớn là những người bài vắc-xin. Họ thà nhiễm bệnh để rồi đối mặt với nguy hiểm còn hơn là đi tiêm vắc-xin ngừa Covid-19.

Hiện vẫn chưa rõ liệu thật sự có virus trong những lọ thủy tinh đó hay không và những người mua hàng của nghi phạm có nhiễm bệnh hay không. "Sẽ còn phải điều tra thêm để xem liệu anh ta đã thật sự bán thứ gì đó, nếu có thì bao nhiêu và nó hiệu quả ra sao", đại diện cảnh sát Hà Lan nói.

Cơ quan y tế Hà Lan cảnh báo người dân không nên tìm cách cố tình tự lây nhiễm Covid-19 để tránh ảnh hưởng đến sức khoẻ của bản thân cũng như của cộng đồng.

Pháp luật - Án Tây-Luật Ta: Mua bán virus SARS-CoV-2 qua bưu điện (Hình 2).

Người dân châu Âu đeo khẩu trang nơi công cộng

Luật Ta:

Nếu làm lây lan dịch bệnh, sẽ bị xử lý hình sự

Theo thông tin từ Bộ Y tế, virus SARS CoV-2 (hay còn gọi là Covid-19, được xác định là một trong những chủng mới của virus Corona, loại virus bắt nguồn từ một chợ hải sản ở Hồ Nam, Vũ Hán, Trung Quốc đã làm bùng phát dịch và gây ra bệnh viêm đường hô hấp cấp gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của con người. Đây là loại virus nguy hiểm, có khả năng lây nhiễm nhanh trong cộng đồng, có tỷ lệ tử vong cao và đã được Tổ chức Y tế Thế giới WTO tuyên bố dịch virus Covid-19 là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu.

Điều 3 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 và Quyết định số 219/QĐ/BYT ngày 29/01/2020 của Bộ Y tế, bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới nCoV gây ra là bệnh truyền nhiễm (bệnh lây truyền trực tiếp hoặc gián tiếp từ người hoặc từ động vật sang người do tác nhân gây bệnh truyền nhiễm) nhóm A, tức là bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao.

Theo pháp luật Việt Nam, virus SARS CoV2 được xác định là tác nhân gây nên bệnh truyền nhiễm bởi theo khoản 2 Điều 2 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 thì “tác nhân gây bệnh truyền nhiễm là virus, vi khuẩn, ký sinh trùng và nấm có khả năng gây bệnh truyền nhiễm”.

Vì đây là bệnh truyền nhiễm nhóm A nên pháp luật cũng đã có quy định cụ thể về việc phòng bệnh, chữa bệnh và giám sát bệnh truyền nhiễm, đảm bảo việc hạn chế thấp nhất nguy cơ lây lan dịch bệnh, đảm bảo an toàn về tính mạng và sức khỏe trong cộng đồng.

Trong khi cả cộng đồng đều đang cố gắng phòng chống và giảm thiểu khả năng lây nhiễm của dịch bệnh Covid-19 thì lại có những đối tượng cung cấp và buôn bán virus SARS- CoV-2 qua đường bưu điện như vụ việc vừa được phát hiện ở Hà Lan. Mặc dù trường hợp này virus SARS-CoV-2 được xem như một loại hàng hóa để trao đổi, giao dịch cho những đối tượng có yêu cầu, tuy nhiên, hành vi buôn bán virus SARS-CoV-2 xét ở góc độ nào cũng là hành vi không hợp pháp và được xác định là hành vi cố ý làm lây lan virus, lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.

Bởi lẽ, khi các đối tượng bán virus cho người mua, chính là đang phát tán loại virus này đến nhiều người, và khi người mua bị mắc virus thì họ có thể làm lây lan dịch bệnh đến những người xung quanh trong cộng đồng, có thể gây ra tình trạng mất kiểm soát về dịch bệnh, ảnh hưởng đến tính mạng của người khác, sức khỏe của cộng đồng.

Chính vì vậy, hành vi của những đối tượng mua- bán virus nêu trên nếu xem xét dưới góc độ pháp luật Việt Nam thì đã vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007. Đây chính là hành vi “cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm”.

Với hành vi này, những đối tượng thực hiện hành vi có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, theo điểm c khoản 3 Điều 7 Nghị định 117/2020/NĐ-CP thì người có hành vi “cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A” mà cụ thể ở đây là cố ý làm lây lan virus Covid-19, tác nhân gây bệnh viêm đường hô hấp cấp, sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Ở mức độ nghiêm trọng, những người mua-bán virus nêu trên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 vì đã có “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh cho người”. Về hình phạt, người thực hiện hành vi có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Nếu hành vi phạm tội dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ hoặc làm chết 02 người trở lên, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 10 năm đến 12 năm.

Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Lưu ý là trường hợp đối tượng bán không phải là virus như đã quảng cáo thì người bán có thể bị xử lý về tội Lừa đảo chiếm đọa tài sản nếu như đối tượng biết rõ ràng rằng đó là “hàng dởm” nhưng vẫn bán.

Sở dĩ cơ quan chức năng phải làm rõ mặt hàng trên có đúng là virus Corona hay không là bởi quy định bắt buộc của tội Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người là phải có hậu quả làm lây lan dịch bệnh cho người. Trong trường hợp nếu đó là virus thật nhưng nếu hành vi mua bán chưa gây ra hậu quả thì các đối tượng cũng không bị xử lý về tội danh này.

Ánh Dương (thực hiện)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.