Vì mộng đế vương, hoạn quan giết vua và thái tử

Vì mộng đế vương, hoạn quan giết vua và thái tử

Thứ 2, 22/07/2013 | 16:40
0
Đinh Tiên Hoàng (924 - 979), tên húy là Đinh Bộ Lĩnh, là người có công dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất giang sơn, sáng lập triều đại nhà Đinh, dựng lên nước Đại Cồ Việt và trở thành hoàng đế đầu tiên của Việt Nam sau 1.000 năm Bắc thuộc.

Dưới thời vua Đinh Tiên Hoàng có một vị hoạn quan rất được nhà vua sủng ái là Đỗ Thích. Đỗ Thích người làng Đại Đê, huyện Thiên Bản, nay thuộc huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Một số tài liệu sử viết rằng ông từng làm quan ở Đồng Quan (Ninh Bình ngày nay), rồi giữ chức Chi Hậu Nội Nhân dưới trướng vua Đinh.

Trong gia phả của dòng họ Đỗ ở Đại Đê (Vụ Bản, Nam Định) và cả trong sự tích đền Thảo Mã (tức đền Gạo ở xã Thanh Bình, huyện Thanh Liêm, Hà Nam) đều nhắc đến việc Đỗ Thích có công cõng Đinh Tiên Hoàng chạy trốn khi ông bị Nam Tấn Vương đuổi. Nhờ công trạng đó, Đỗ Thích đã lấy được lòng vua Đinh và theo về triều hầu hạ. Sau đó, vị hoạn quan này càng ngày càng củng cố vị thế của mình trong triều đình bởi sự hoạt bát, khéo léo cùng tài ăn nói của mình.

Tuy Đinh Liễn là con trưởng nhưng Đinh Tiên Hoàng đã không lập người này làm thái tử mà lại chọn người con út Hạng Lang làm người kế vị ngai vàng. Đầu năm 979, vì muốn tranh quyền đoạt vị, Đinh Liễn đã sai người giết chết Hạng Lang để giành ngôi thái tử. Hành động độc ác của Đinh Liễn đã tạo ra rất nhiều sóng gió trong dư luận triều Đinh. Tuy nhiên, vua Đinh Tiên Hoàng đã không trừng phạt tội ác của Đinh Liễn mà chấp thuận để Liễn trở thành người kế vị thay thế thái tử đã qua đời.

Luật sư - Vì mộng đế vương, hoạn quan giết vua và thái tử

Tranh minh họa Đỗ Thích bị mang ra chém đầu sau khi giết vua.

Một hôm, đang nằm thiêm thiếp giấc nồng trên một chiếc cầu gỗ, Đỗ Thích bỗng mơ thấy một ngôi sao băng rơi vào miệng. Thích liền đem chuyện về giấc mơ lạ kể cho những người thân tín trong triều và được họ cho biết đó là điềm báo mình sẽ làm vua. Càng suy nghĩ về điều đó, Thích càng lấy làm khoái chí và tin vào giấc mộng ngai vàng cho nên đã quyết định lên một kế hoạch hành thích nhà vua cùng thái tử để cướp ngôi. Trong buổi yến tiệc linh đình được tổ chức tại cung điện của nhà vua, Đỗ Thích vui vẻ chúc tụng mọi người, liên tục chuốc rượu khách khứa, không quên ngấm ngầm quan sát chờ đợi thời cơ. Tiệc tàn, hầu hết những người có mặt trong bữa tiệc đều đã say khướt kể cả nhà vua, thái tử cùng hoàng tử. Tranh thủ cơ hội đó, Đỗ Thích đã dễ dàng thực hiện âm mưu của mình bằng cách bỏ thuốc độc vào món canh tẩm bổ, giã rượu cho Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn. Nhà vua và thái tử ngấm phải chất kịch độc đã băng hà ngay sau đó. Nhưng giấc mộng bá vương của tên hoạn quan thích mộng tưởng những chuyện hoang đường họ Đỗ chưa kịp nhen nhúm cơ may trở thành hiện thực thì hắn đã bị Đinh Quốc Công Nguyễn Bặc tóm gọn.

Sau khi bắt được Đỗ Thích, Nguyễn Bặc sai quân chém đầu rồi sai đập tan xương và cắt thịt ném cho thú dữ. Ước mơ điên cuồng từ một giấc mơ được cho là vô cùng vớ vẩn của một tên hoạn quan cùng cái chết của vua Đinh Tiên Hoàng và Nam Việt Vương Đinh Liễn đã dẫn đến sự sụp đổ của cả một triều đại kết thúc sự trị vì của nhà Đinh, mở đầu thời đại nhà tiền Lê.

Luật nay: Đỗ Thích phạm tội giết người

Thật nực cười cho tên hoạn quan vừa tham lam vừa ngu ngốc khi dám đầu độc giết chết cả nhà vua lẫn thái tử chỉ vì tin vào điềm báo của một giấc mơ quá đỗi bình thường với giấc mộng trèo lên ngôi báu. Với hành động điên cuồng của mình, Đỗ Thích đã phạm vào tội giết người nghiêm trọng. Theo quy định tại khoản 1 Điều 93 (bộ luật Hình sự Việt Nam) về tội giết người, Đỗ Thích phải bị phạt tù từ hai đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình. Xét trường hợp của Đỗ Thích, là quan lại làm việc dưới trướng vua Đinh, ăn lương triều đình, được nhà vua sủng ái nhưng viên quan này không những không toàn tâm toàn ý phục vụ chủ nhân mà còn âm mưu tạo phản. Việc giết người vốn dĩ đã là một tội ác cực kỳ nghiêm trọng, không luật pháp nào cho phép trong khi đó, Đỗ Thích không những phạm vào tội giết vua, là "cha mẹ của muôn dân", người đứng đầu một nước, mà còn giết luôn cả thái tử, người kế vị ngai vàng trong tương lai. Tội ác của tên hoạn quan họ Đỗ đã gây ra cảnh hỗn loạn và bất bình trong dân chúng, trực tiếp dẫn đến sự kết thúc của cả một triều đại, đẩy dân tộc vào nguy cơ bị tấn công bởi quân xâm lược phương Bắc. Vì vậy, trong mọi hoàn cảnh, Đỗ Thích phải chịu mức án cao nhất trong cung hình phạt là tử hình. Theo ý kiến của nhiều người, với hậu quả nghiêm trọng mà tội ác của hắn đã gây ra, nếu có một mức án cao hơn thì tử hình đối với hắn vẫn là quá nhẹ.

Mặc dù vậy, vụ án hoạn quan Đỗ Thích giết cha con vua Đinh Tiên Hoàng nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam vẫn có nhiều nghi vấn cần xem xét lại. Theo đó, Đỗ Thích có thể chỉ là người bị hàm oan trong mưu đồ hãm hại vua Đinh của Lê Hoàn và Dương Vân Nga. Trong cuốn Chính sách khuyến nông dưới thời Minh Mạng (NXB Văn hóa Thông Tin, Hà Nội 1996) có viết Những người viết sử xưa đơn giản hóa sự cố này: "Chỉ bởi một giấc mơ hão huyền mà Đỗ Thích trở thành tên sát nhân. Đằng sau Đỗ Thích còn ai không? Tại sao khi Lê Hoàn thế chân thì quân Tống lại can thiệp?". Cũng theo những gì được ghi chép lại trong sách này thì Lê Hoàn khi giành được thế nhiếp chính đã cùng thuộc hạ mưu sự chiếm ngôi. Nếu không có công chống Tống vào năm 981 thì Lê Hoàn đã phạm tội bất trung và lịch sử vẫn giữ nguyên nghi án".

Hơn nữa, trong triều, dù được trọng dụng, Đỗ Thích cũng chỉ làm một chức quan nhỏ, thế lực mỏng manh, xuất thân hèn kém, khó có thể thực hiện tội ác động trời của mình nếu không có một thế lực lớn mạnh đằng sau giật dây, điều khiển. Và bản thân Đỗ Thích cũng không thể không hiểu rằng giết vua là một hành động hết sức ngông cuồng, dù có thực hiện trọn vẹn cũng khó có thể thoát khỏi cái chết đã định trước chứ đừng nói đến chuyện có thể chạm đến ngai vàng. Bởi xung quanh nhà vua còn có bao triều thần tài giỏi khác, một tên hoạn quan danh phận tầm thường như Đỗ Thích nằm mơ cũng không có nổi một nửa cơ hội bén mảng đến ngai vàng. Dù là một vị tướng tài ba cũng chưa chắc có đủ khả năng và uy quyền để khuất phục được các đại thần nhà Đinh quy phục dưới chân mình, nói chi đến một tên hoạn quan chức vị nhỏ bé, không vây cánh, thế lực như Đỗ Thích.

Điều đó cho thấy Đỗ Thích hoặc là một kẻ điên khùng, thần kinh bất ổn hoặc chỉ là một quân bài trong âm mưu tạo phản của một thế lực to lớn khác. Là một hoạn quan được nhà vua sủng ái, Đỗ Thích khó có thể là một kẻ tâm thần như giả thiết đặt ra. Cho nên, phần lớn ý kiến đều nghiêng về khả năng thứ hai, rằng đằng sau Thích là một thế lực nguy hiểm khác, trong đó, Lê Hoàn và Dương Vân Nga rất có thể là thủ phạm chính của âm mưu này. Nhiều người dân vẫn còn truyền tai nhau những câu thơ nói về sự kiện này như sau "Dương Thị Vân phản bội chồng. Từ lâu vốn đã tư thông Lê Hoàn. Đặt mưu hiểm lập chước gian. Đầu độc giết chết Tiên Hoàng cha con. Đỗ Thích tri nội hậu quan. Đi tuần về thấy tâm can hãi hùng. Nhẩy ngay lên mái điện rồng. Bụng đói miệng khát long đong ba ngày. Trời mưa hứng nước dơ tay, triều đình hô hoán lôi ngay xuống đình. Đổ cho tội thí Đinh Đinh. Để Lê gia xuất thánh minh trị vì".

Xoay quanh vụ án nổi tiếng này, còn có một giả thiết khác cho rằng Đỗ Thích là nội gián của nhà Tống cho nên mới dám cả gan đầu độc giết chết vua Đinh Tiên Hoàng và thái tử Đinh Liễn để làm rối loạn triều đình, tạo cơ hội cho nhà Tống mang quân sang xâm lược nước Nam. Nhưng giả thiết này vẫn ít có sức thuyết phục hơn so với giả thiết cho rằng Đỗ Thích là một mắt xích trong việc thực hiện âm mưu tạo phản của Lê Hoàn và Dương Vân Nga.

Nhưng dù có là kẻ chủ mưu hay chỉ là đồng phạm trong vụ án giết vua, giết thái tử này, tội ác của Đỗ Thích cũng không thể nào dung thứ được và mức án tử hình dành cho tội ác của hắn chắc chắn vẫn được giữ nguyên.

 Dương Dung

Án xưa - luật nay: Sự mất tích bí ẩn của Tây Thi

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:44
Tây Thi tên thật Thi Di Quang, sống ở núi Trữ La, Gia Lãm (nay là Chư Kỵ), thuộc nước Việt cổ. Sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành nhưng đáng tiếc, Tây Thi nhanh chóng bị kéo vào cuộc chiến tranh tàn khốc giữa hai nước Ngô Việt.