Sau nhiều năm cấy lúa theo cách truyền thống chỉ đủ ăn, nông dân Lộ Vũ Phong ở huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu mạnh dạn chuyển đổi trong sản xuất nông nghiệp nào ngờ có thu nhập cao, bà con nông dân quanh vùng tấm tắc khen.
Anh nông dân làm kinh tế giỏi nói trên đã thành công nuôi con đặc sản trong ruộng lúa. Loại cá đặc sản mang đến thu nhập cao cho gia đình anh là cá kèo.
Nhận thấy mô hình nuôi cá đặc sản trong ruộng lúa mang lại hiệu quả kinh tế ổn định nên hiện nay, một số hộ dân ở huyện Phước Long và TX.Giá Rai, Bạc Liêu đã áp dụng mô hình nuôi cá kèo trong ruộng lúa kết hợp với nuôi tôm, cua và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Anh Lộ Vũ Phong ở Phước Long từng có thời gian vất vả làm nông nghiệp nhưng không mấy hiệu quả. Sau một thời gian "suy đi tính lại" gia đình anh có 50 công đất sản xuất nông nghiệp, nên anh nông dân này đã liều mình sử dụng 10 công để làm ao ương thủy sản và ao trữ nước, còn lại áp dụng mô hình lúa - cá kèo - tôm - cua.
Vào năm 2021, anh Phong bắt đầu khởi nghiệp thả nuôi vụ đầu tiên khoảng 35.000 con cá kèo giống trong 10 công đất ruộng. Chỉ sau đó một thời gian ngắn, anh Phong thu hoạch và bán được 35 triệu đồng.
Nhận thấy mô hình chăn nuôi này có thu nhập tốt anh Phong tiếp tục đầu tư vụ thứ 2. Ở lần rút vốn làm giàu này anh đã rút kinh nghiệm và thả nuôi 100.000 con cá kèo giống trong 40 công đất lúa, không ngờ khi tất tay lại có doanh thu ấn tượng 160 triệu đồng.
Tiết lộ với báo Bạc Liêu về quá trình nuôi con đặc sản cho thu nhập nửa tỷ mỗi năm, anh Phong cho hay, để mô hình đạt hiệu quả cao, đầu tháng 5 anh đưa nước vào ruộng và dùng thuốc diệt cá tạp, đến giữa tháng 5 thì bắt cá kèo giống về ương và thả cá giống khi có mưa nhiều là thích hợp nhất. Đến tháng 7 thì anh Phong sạ lúa và sau khi thu hoạch lúa xong là bắt đầu thu hoạch cá kèo.
“Nuôi cá kèo trong ruộng lúa, quan trọng nhất là phải làm bờ bao thật kỹ, kiểm tra nguồn nước, kế đó là chọn cá giống đạt chất lượng. Nếu làm tốt 3 khâu này thì cá kèo nuôi mới đạt năng suất và chất lượng”, anh Phong nhấn mạnh.
Là một người còn trẻ, trước khi bắt tay vào khởi nghiệp chăn nuôi kết hợp nông nghiệp, anh Phong cũng gần như không có kiến thức và kinh nghiệm nào về nông nghiệp. Nhưng nhờ chịu khó tìm tòi và không ngại thất bại, nên giờ đây chính anh nông dân này là tấm gương cho bà con nông dân địa phương đến học hỏi mô hình chăn nuôi có "1-0-2" này.
Nhờ chăm chỉ và chịu khó, gia đình anh Lộ Vũ Phong nhẹ nhàng "bỏ túi" thu nhập từ 400 - 500 triệu đồng/năm từ mô hình nuôi cá kèo trong ruộng lúa.
Ở khu vực Đồng bằng sông cửu long mỗi năm sẽ có khoảng 4 tháng đồng ruộng ngâm mình trong mùa nước nổi. Thường mùa nước nổi sẽ bắt đầu từ cuối tháng 7, đầu tháng 8, kéo dài cho đến tháng 11 dương lịch, nước lũ từ thượng nguồn tràn về, mang theo phù sa bồi đắp cho ruộng đồng, tạo ra hệ sinh thái ngập nước để tôm, cá sinh sôi phát triển. Có thể nói đây là thời điểm để những người nông dân tăng thu nhập nhờ mô hình canh tác nông nghiệp dựa vào lũ, trong đó có nghề nuôi cá trên ruộng lúa. Việc tăng diện tích nuôi thủy sản, tăng sản lượng thu hoạch sẽ bù đắp cho lĩnh vực trồng trọt, nhất là sản xuất lúa không đạt kế hoạch, góp phần đảm bảo tăng trưởng.
Ngoài kiếm thêm thu nhập, mô hình nuôi cá ruộng còn giúp nông dân diệt được phần nào mầm mống sâu bệnh cho lúa ở những vụ sau. Hằng đêm, những hộ có điều kiện sẽ đốt vài bóng đèn lấy ánh sáng dẫn dụ các loại côn trùng, rầy đến để làm mồi cho cá. Điều đáng nói, trong quá trình nuôi, cá để lại một lớp phân hữu cơ giàu dinh dưỡng, giúp vụ lúa tiếp theo giảm chi phí về phân bón. Nhờ vậy mà diện tích nuôi cá trên ruộng trên địa bàn Tân Phú không ngừng tăng lên.
Mách bà con nông dân kỹ thuật nuôi cá trong ruộng lúa
Theo Trung tâm khuyến nông Bắc Giang kỹ thuật nuôi cá trong ruộng lúa khá đơn giản nếu bà con nông dân nắm rõ các phương pháp sau:
- Chọn giống: Chọn những loài cá ăn thức ăn tự nhiên như: chép, rô phi, mè, trôi… để nuôi kết hợp trong ruộng lúa.
- Thiết kế ruộng nuôi
+ Diện tích ruộng nuôi tốt nhất từ 1.000 – 10.000m2, mương bao chiếm 20 – 25% tổng diện tích. Mương rộng 2 – 3m, sâu 0,8 – 1m so với mặt ruộng, bờ ruộng cao 1-1,2m.
+ Ruộng nuôi cá phải có hệ thống cấp và thoát nước riêng, mỗi ruộng gồm 1 cống cấp và 1 cống thoát nước.
+ Tháo cạn nước, dọn sạch cây cỏ và lấp hết các hang hốc. Bón vôi để tẩy trùng và khử độ chua, điều chỉnh độ pH. Lượng vôi bón 10-20kg/100m2 mương tùy theo độ chua của đất. Phơi mương 2-3 ngày nhằm tiêu diệt mầm bệnh. Bón lót phân hữu cơ (heo, gà, vịt) gây nuôi thức ăn tự nhiên cho cá. Lượng phân 20-25kg/100m2 mương. Cấp nước vào mương khoảng 30-40cm, sau 3-4 ngày nâng dần lên 0,8-1m.
- Cách thả cá trong ruộng lua
+ Cá có thể thả quanh năm nhưng tốt nhất là vào tháng 1-2.
+ Mật độ thả: 1-2 con/m2.
+ Trước khi thả cá chúng ta cần ngâm bao cá giống trong mương khoảng 10-15 phút, sau đó thả từ từ cá vào mương ruộng. Thả vào sáng sớm hoặc chiều mát.
- Một số cách chăm sóc cá trong ruộng lúa cho năng suất cao
+ Thời gian đầu khi còn ở dưới mương nên bổ sung thức ăn cho cá . Mỗi ngày cho ăn 2 lần, lượng thức ăn bằng 2-5% trọng lượng cá. Bà con có thể sử dụng 1 trong 2 công thức sau: Cám gạo 60% + bột ngô 20% + bột cá 20% hoặccám gạo 40% + bột ngô 20% + khô dầu 40%. Sau đó cá chủ yếu sử dụng thức ăn từ ruộng lúa.
+ Khi cho cá lên ruộng: Đối với ruộng cấy lúa thì 10-15 ngày. Đối với ruộng sạ lúa thì 20-30 ngày, nâng dần mực nước để cá lên mặt ruộng.
+ Hằng ngày kiểm tra bờ, cống để kịp thời khắc phục thất thoát nước. Kiểm tra ruộng cá lúc 5-6 giờ, nếu cá nổi đầu do thiếu ôxy thì kịp thời cấp thêm nước.
Trúc Chi (t/h)