Anh Bùi Văn Luân ở Hoà Bình thời trẻ từng vất vả đi làm thuê để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Sau một thời gian làm thuê, anh Luân cảm thấy thu nhập bấp bênh nên vào năm 2010, anh Luân quyết định đi xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc, khi đó mức lương anh nhận được hơn 20 triệu đồng/tháng.
Làm việc ở nước ngoài sau nhiều lần anh Luân trăn trở tại sao mình không thể làm giàu ngay chính mảnh đất quê hương. Theo đó khi bàn bạc với gia đình, năm 2014, anh Luân đã từ bỏ công việc "nghìn đô" ở Hàn Quốc, để trở về quê hương lập nghiệp và bắt đầu từ việc nuôi lợn rừng.
Chia sẻ với Dân Việt, anh Luân cho hay do ban đầu chưa có kinh nghiệm, đàn lợn rừng của anh Luân thường xuyên bị bệnh. Hơn thế nữa, thị trường tiêu thụ không có, giá cả bấp bênh khiến anh vô cùng chán nản và có ý định từ bỏ.
Đặc biệt vào năm 2016, trong lần tình cờ về Ba Vì, Hà Nội thăm bạn bè, thấy người dân nơi đây nuôi gà Mía thả vườn kết hợp mô hình vườn, ao, chuồng rất phát triển và mang lại hiệu quả kinh tế cao, anh Luân liền đặt mua hơn 500 con gà Mía giống về nuôi thử, đồng thời tìm hiểu, học hỏi cách chăm sóc, phòng bệnh.
Nhân thấy đàn gà Mía hợp với điều kiện khí hậu tại vùng, ít bị dịch bệnh, chất lượng thịt thơm ngon, giá bán lại cao, nên anh quyết định mở rộng quy mô chuồng trại, tăng đàn lên 3.000 con và thả ở khu đồi rộng hơn 6 ha của gia đình, kết hợp đào ao thả cá, xây chuồng trại nuôi lợn rừng.
"Tôi tận dụng khu đồi trồng bưởi và cam sau nhà để làm chuồng trại chăn nuôi gà Mía, như vậy gà sẽ có bóng mát.
Hơn nữa, gà sống dưới cây sẽ mổ cỏ luôn xung quanh gốc, phân gà thì dùng để bón cho cây ăn quả. Trung bình thu nhập từ bưởi, cam và gà Mía, năm nào gia đình tôi cũng thu về trên dưới 300 triệu đồng, chưa kể lợn rừng và ao cá", anh Luân cho hay.
Nói về về kinh nghiệm chăm sóc gà Mía, anh Luân bật mí, khi gà hơn 25 ngày tuổi nên cho ăn thức ăn hỗn hợp, đến 40 ngày tuổi thì chuyển sang cho ăn ngô xay, ngô hạt, rau xanh. Làm như vậy, gà sẽ có chất lượng thịt thơm ngon. Khi đủ 5 - 6 tháng tuổi, gà đạt trọng lượng trên 2kg thì anh sẽ bắt đầu xuất bán.
Để gà ít bệnh anh Luân thường xuyên rắc vôi bột quanh chuồng. Bên cạnh đó, anh còn rải vỏ chấu phủ lên trên mặt đất để cho gà không bị đau chân, thuận tiện cho việc dọn dẹp vệ sinh. Sau đó, anh tận dụng phân gà bón cho vườn cây ăn quả của gia đình.
Cũng theo anh nông dân này, hiện nay gà Mía của gia đình đều được khách hàng gần xa biết đến. Nhiều thương lái vào tận trang trại mua nhưng không đủ gà bán.
Đáng chú ý vào dịp Tết Nguyên đán năm nay, anh đã bán được 1.000 con gà Mía, với giá dao động từ 100.000 đồng - 120.000 đồng/kg, gia đình anh thu về hơn 200 triệu đồng.
Không chỉ làm giàu cho gia đình, anh Luân còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động thời vụ, là bà con quanh vùng với mức lương trung bình 3 - 5 triệu đồng/tháng.
Mách nhà nông kỹ thuật nuôi gà mía và phòng bệnh
Gà Mía là giống đặc sản có nguồn gốc ở xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) gắn liền với những địa danh tiêu biểu của xứ Đoài như chợ Mía, chùa Mía.
Đây là một giống gà mà xưa dùng cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày còn cung cấp cho tất cả các ngày lễ trọng trong năm thậm chí các lão làng còn chọn những con tốt nhất để tiến vua hay cúng ở đình dâng thánh thần.
Cách úm gà mía
- Từ 1-6 tuần tuổi: Gà được úm trong khu vực riêng bằng cách dùng bóng đèn tròn 75W cho 1m2 chuồng có che chắn để giữ nhiệt. Tùy theo nhiệt độ ngoài trời mà tăng giảm lượng nhiệt bằng cách nâng hoặc hạ độ cao của bóng đèn.
Để chăm sóc loại gà này khi còn nhỏ người chăn nuôi cần chú ý, thấy gà nằm tụ quanh bóng đèn là bị lạnh, tản xa bóng đèn là bị nóng, nằm tụ ở góc chuồng là bị gió lùa và gà đi lại ăn uống thoải mái là nhiệt độ thích hợp. Nên thắp sáng suốt đêm cho gà trong giai đoạn này để chúng ăn nhiều thức ăn hơn đồng thời giữ ấm và xua đuổi các con vật khác tấn công.
- Sau giai đoạn úm: Kể từ giai đoạn này là có thể nuôi nhốt trong chuồng thông thoáng tự nhiên với nền trải đệm lót trấu, mật độ từ 21 -18 con/m2 ( mới nở đến 3 tuần tuổi) và từ 18 – 10 con/m2 (từ 4 - 8 tuần tuổi). Từ tuần tuổi thứ 9 trở đi, gà bắt đầu được thả dần ra vườn khi có thời tiết ngoài trời khô và ấm, mật độ thả 1,5 m2/con; mật độ này giảm dần theo độ tuổi của gà. Khu vực thả xung quanh được rào lưới hoặc xây kín.
- Gà trên 15 ngày: Người chăn nuôi có thể cho gà ăn bằng máng đặt hoặc treo xen kẽ giữa các máng uống với các máng ăn trong vườn. Chú ý vét hết thức ăn thừa sau mỗi ngày và thay nước sạch cho gà thường xuyên khoảng 2 lần/ngày. Tập tính của gà thường thích tắm cát nên có thể xây bể chứa cát cho chúng tắm cát hay đặt một số máng cát, sỏi hoặc đá nhỏ xung quanh để cho chúng ăn giúp tiêu hóa thức ăn tốt hơn.
Thông tin trên báo Nông Nghiệp gà cũng có tập tính thích ngủ trên cao vào ban đêm để tránh kẻ thù và tránh ẩm cho đôi chân, tránh nhiễm bệnh nên tạo một số dàn đậu trong chuồng bằng tre, bằng gỗ nhưng không được quá trơn nhẵn. Dàn cách nền chuồng khoảng 0,5 m, cách nhau 0,3-0,4 m để gà khỏi đụng vào nhau, mổ nhau và ỉa phân lên nhau.
Thức ăn cho gà mía
Về thức ăn, sau giai đoạn úm có thể cho gà ăn thêm rau xanh. Nếu nuôi hoàn toàn bằng thức ăn chế biến, có thể chọn cám Con Cò. Giai đoạn từ 1 – 21 ngày tuổi cho ăn thức ăn viên, mã số C225A. Giai đoạn 22 – 42 ngày tuổi cho ăn thức ăn viên, mã số C225B. Giai đoạn 43 ngày tuổi – xuất bán, cho ăn thức ăn viên, mã số P223.
Ngoài thức ăn công nghiệp có thể bổ sung thêm gạo, cám, thóc, ngô làm thức ăn thô và nên nuôi thêm giun quế hay ấu trùng ruồi lính đen làm nguồn cung cấp giàu đạm và dưỡng chất.
Trúc Chi (t/h)