'Bà tiên' gieo mầm sống ở làng phong Quả Cảm

'Bà tiên' gieo mầm sống ở làng phong Quả Cảm

Thứ 2, 04/02/2013 | 14:41
0
Hơn 20 năm trước, người ta gọi soeur Xuân là "bà điên" khi tất cả mọi người kì thị, "không muốn dây vào người hủi" thì bà nộp đơn tình nguyện đến đây để phục vụ những bệnh nhân phong. Dần dần chẳng thấy ai bảo bà điên nữa, thay vào đó là một từ "lung linh" hơn rất nhiều: Bà tiên.

Hẩm hiu những phận đời

Chỉ cách thành phố Bắc Ninh 4 cây số nhưng Quả Cảm có một bầu không khí khác hẳn, yên bình đến tĩnh lặng, "ngôi làng" nằm khuất nẻo dưới chân mấy ngọn đồi thuộc xã Hòa Long (Yên Phong, Bắc Ninh). Trong những ngôi nhà cấp bốn cũ kỹ ấy, thảng hoặc bắt gặp những ánh mắt đau đáu nhìn ra như chờ đợi của những bệnh nhân lớn tuổi. Các cụ ở Quả Cảm mong ngóng bước chân của những người con, đứa cháu một lần đến thăm. Những nếp nhăn nơi khóe mắt nói lên rằng, họ đã chờ ở đây quá lâu rồi, giờ con cháu trở thành người lạ, mà những người xa lạ thành người quen. Người quen của các cụ bây giờ là đoàn tình nguyện hoặc từ thiện đến giao lưu, giúp các cụ khuây khỏa phần nào nỗi nhớ người.

Thành lập từ năm 1913 do một linh mục ở Bắc Ninh khởi xướng, gần 100 năm kể từ khi ra đời, trại phong Quả Cảm năm nào nay đã trở thành bệnh viện Phong - Da liễu thuộc tỉnh Bắc Ninh. Từ nơi đây, hàng triệu người đã đến chữa bệnh, hàng chục nghìn người được chữa khỏi may mắn trở về, hòa nhập với cộng đồng. Còn những người ở lại, những bệnh nhân đã sống mấy chục năm, ban đầu là đến để chữa bệnh, sau đó dọn luôn đến đây ở. Quả Cảm đã trở thành ngôi nhà, quê hương thứ hai của họ vì họ không thể trở về nơi đã đi. Ở đây, hơn 100 bệnh nhân hàng ngày dấn thân vào một trận chiến với bệnh tật, với nỗi đau bị người thân ghẻ lạnh và những người xung quanh xa lánh.

Nhiều năm sống ở trại phong Quả Cảm, ông Nguyễn Đức Tâm (50 tuổi) - Trưởng ban Quản lý bệnh nhân, người trực tiếp điều hành các sinh hoạt của bệnh nhân, cho biết: "Bản thân những người bị bệnh phong cũng có sự tự ti và mặc cảm với chính căn bệnh của mình. Chính vì lẽ đó mà họ gắn chặt cuộc đời mình với mảnh đất này, họ có quê hương nhưng không thể trở về hoặc không muốn trở về vì sợ ảnh hưởng, liên lụy đến người thân và gia đình". Ông Tâm cũng chính là con của một cặp bệnh nhân "kết duyên" với nhau trong trại, nhưng cụ ông đã chết. Sinh ra ở trại phong, từ nhỏ ông Tâm đã không muốn rời cha mẹ. Khi trưởng thành, xây dựng gia đình, ông muốn làm điều gì đó có ích và đã tình nguyện ở lại trại để giúp đỡ những bệnh nhân đang ngày đêm bị căn bệnh quái ác ăn mòn từng phần da thịt trên cơ thể mình.

Xã hội - 'Bà tiên' gieo mầm sống ở làng phong Quả Cảm

Soeur Xuân hướng dẫn các cụ bệnh nhân phong sử dụng chân giả

Theo chân người quản lý, tôi được dẫn đi đến từng khu vực của bệnh nhân, được chỉ cho biết những khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày, đau xót nhìn những bệnh nhân già phải sống lủi thủi một mình với nỗi đau về tinh thần và thể xác. Căn bệnh phong đã lấy đi của họ đôi chân để đi, đôi tay để làm việc và buộc họ phải rời xa quê nhà và những người thân thích đến nơi hoang vu này sinh sống. Ở trại phong này, có những cụ về đây từ những năm 54, có cụ còn đến đây trước đó, có cụ nhớ, có cụ quên. Vì sợ sự gièm pha, các cụ có cuộc sống tách biệt với thế giới bên ngoài, mọi sinh hoạt của các cụ đều diễn ra bên trong cánh cổng trại, người còn sức khỏe thì trồng rau, thịt cá có người mang vào tận nơi để bán. Có lẽ vì ít tiếp xúc với bên ngoài nên dù đã cao tuổi, nhưng cụ nào cũng có cách nói chuyện đơn sơ, gần gũi. Tôi hỏi cụ Chất, một bà cụ 80 tuổi xem các cụ cần gì, cụ nhìn tôi vô tư nói: "Cháu thỉnh thoảng đến chơi với các cụ là vui lắm rồi. Nếu có hỗ trợ thì ở đây chỉ thiếu mỳ thôi, cứ mang mỳ vào chứ đừng mang đường sữa vì các cụ già rồi, ăn mỳ cho tiện". Nói rồi cụ cười móm mém, hỏi đã gặp soeur Xuân chưa?

"Bà tiên" 3 trong 1

Soeur Xuân là cái tên được nhắc đến nhiều nhất ở đất Quả Cảm này, trong mỗi câu chuyện, mỗi hoàn cảnh đều có bóng dáng của bà. Thấy cụ Thịnh có chiếc tay giả gia công đính kèm bút hay quá, tôi hỏi chuyện, cụ bảo: "Soeur Xuân làm đấy. Chân tay giả của chúng tôi ở đây đều một tay soeur Xuân làm. Bị bệnh này khổ lắm, người chẳng biết đau mà chân tay cứ cụt dần, soeur lắp cho cái chân giả còn có thể đi ra đi vào được chứ không buồn lắm, chẳng làm được gì. Soeur cũng chịu khó mày mò lắm, làm chân rồi làm tay, tay có thể gắn thìa để chúng tôi dễ xúc, gắn bát để tiện ăn cơm, còn cái này gắn bút, tất nhiên là để viết".

Thấy có người đến chơi, một cụ ông cũng góp chuyện: "Đang có tay mà nó cụt đi thấy khổ lắm ấy, làm gì cũng khó, đợt chưa có tay gắn bát với thìa, chúng tôi ăn mãi không xong một bữa, bát cơm chỉ đơm 2 thìa thôi vì sợ ăn không cầm được lại làm đổ phí đi, mà nó cứ đổ suốt, chẳng ăn được mấy. Soeur Xuân tài lắm, chúng tôi được thế này là nhờ soeur, cả mấy căn nhà và chuồng gà nữa, đều nhờ soeur đi xin người ta giúp cho đấy. Soeur Xuân là ân nhân của tất cả chúng tôi". Tôi tìm đến phòng của soeur, mang theo sự kính trọng và trìu mến ắp đầy trong giọng nói của các bệnh nhân nơi đây.

Căn phòng nhỏ cũng là xưởng sản xuất của soeur, giữa phòng có chiếc bàn lớn để các vật dụng phục vụ công việc sản xuất như máy may, kéo, búa cao su, bên cạnh những mảnh da, mảnh nhựa và đinh tán, ở dưới đất, la liệt những bàn chân thạch cao đang chờ xỏ dép. Trước mắt tôi, một người phụ nữ trạc ngoại ngũ tuần, da ngăm đen, khuôn mặt đầy đặn, ánh nhìn hiền từ và nụ cười phúc hậu.

Soeur ngại nói về mình nhưng câu chuyện của soeur ở đây ai cũng biết, khi tất cả mọi người kì thị với những bệnh nhân phong đến nỗi câu "tránh như tránh hủi" trở thành câu nói cửa miệng, đến ngay cả các nhân viên y tế cũng không muốn về đây trừ khi bị kỷ luật, thế nhưng một cô gái 30 tuổi lại nộp đơn xin vào để phục vụ. Nhắc đến thời gian này, soeur chia sẻ: "Nếu như làm một phép so sánh thì những bệnh nhân nhiễm HIV bây giờ còn được sự quan tâm của xã hội nhiều hơn hàng chục lần so với bệnh phong khi ấy. Năm 1988, cả trại có 257 bệnh nhân, nhưng chỉ có 17 nhân viên y tế, khi thấy tôi xin về đây để phục vụ, người ta cứ nghĩ tôi bị... điên". Lá đơn tình nguyện xin về trại phong Quả Cảm của soeur nộp từ năm 1988, nhưng mãi đến năm 1991 mới được chấp thuận và từ đó đến nay, soeur gắn chặt cuộc đời mình với những con người thiệt thòi nơi đây.

Soeur Xuân là "nhân viên" lâu đời nhất của trại phong Quả Cảm và cũng là "nhân viên đa-zi-năng" nhất. Mọi việc lớn nhỏ ở trại phong đều có dấu ấn của bàn tay người nữ tu ấy. Không những làm chân tay giả rất giỏi, dệt chiếu đan lát rất siêu, kêu gọi mạnh thường quân rất tài mà soeur còn mai mối rất cừ. Những ngôi nhà cấp bốn của trại dần dần đã trở thành mái ấm. Tính đến nay, hàng chục em nhỏ đã được sinh ra trên mảnh đất này, các em lớn lên và theo đó, nỗi cô đơn hiu quạnh cũng không còn bám riết lấy Quả Cảm nữa. Người ta ví Quả Cảm như một mảnh đất chết đang dần được hồi sinh và người có công đầu gieo mầm cho Quả Cảm không ai khác chính là soeur Xuân.

Cuộc đời soeur có nhiều nỗi bất hạnh nhưng soeur vẫn đủ rộng lượng để nhìn thấy nỗi bất hạnh của người khác và giang tay cứu giúp, mà không chỉ giang tay, soeur đã đốt cháy cả cuộc đời mình để mang hơi ấm tới cho các bệnh nhân phong và những hy sinh đó giờ đã đơm hoa kết trái. Người ta gọi soeur Nguyễn Thị Xuân là bà tiên, là thiên sứ, là anh hùng, người vừa làm điều dưỡng chăm sóc đời sống cho các bệnh nhân, vừa là kĩ sư sản xuất chân tay giả, vừa làm bảo mẫu vừa làm quản lý, gọi bằng chức danh gì cũng thấy thiếu, soeur gợi ý: "Cứ gọi tôi là soeur Xuân".

Ngày 1/10/2012 vừa qua, soeur Xuân đến tuổi nghỉ hưu theo chế độ của Nhà nước, lãnh đạo hỏi soeur có nguyện vọng gì không? Soeur Xuân từ chối nghỉ hưu để được ở đây sống cùng các bệnh nhân mà từ lâu soeur đã coi là những người thân ruột thịt. Soeur nói: "Tôi muốn còn sức khỏe còn tiếp tục phục vụ bệnh nhân phong, mong bệnh nhân phong tiếp tục nhận được ủng hộ, giúp đỡ để yên tâm sống và mong con em của h được học hành đến nơi đến chốn". 

Thanh Xuân

Nơi gieo mầm hạnh phúc

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:08
Một ngôi nhà đặc biệt, với những số phận đặc biệt. Ở nơi ấy luôn tràn ngập tiếng cười và tình yêu thương, nơi ấy thực sự đã trở thành mái nhà chung, là nơi nâng đỡ, dìu dắt cho những mảnh đời bất hạnh. Đó chính là Trung tâm Dưỡng lão và hướng nghiệp phát triển tài năng trẻ Phật Tích, gọi tắt là Trung tâm Phật Tích (Tiên Du).

Chuyện chưa kể về “huyền thoại” vớt xác ở sông Lam

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:51
Trong một chiều lạnh mù sương bên mé sông, tôi đã được nghe những chuyện chưa từng kể về cuộc đời và việc vớt xác đầy màu sắc căn duyên của chị.

Chuyện về họa sĩ của... kim châm cứu, mầm cải

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:43
Với một cách thể hiện độc đáo, họa sĩ Lê Huy Hoàng đã mang lại cho người xem cảm giác khác lạ...

Chuyện tình lãng mạn của hai bệnh nhân phong

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:51
Vượt lên nỗi đau bệnh tật, sự ghẻ lạnh của cộng đồng, họ tìm đến nhau với bằng sự đồng cảm và tình yêu chân thành.