Tốc độ lây lan nhanh, mạnh, lan rộng
Gần một tháng kể từ ngày bùng phát đợt dịch thứ 4, trong nước ghi nhận gần 3000 ca Covid-19. Ở ổ dịch trong các khu công nghiệp tại Bắc Giang, tỉ lệ phát hiện dương tính trong các mẫu xét nghiệm có lúc lên đến gần 40%. Còn tại nhà máy Hosiden (khu công nghiệp Quang Châu) số lượng F1 chuyển thành F0 lên tới 55%.
Người đứng đầu ngành y tế cho biết, dịch lần này không như lần trước là lây theo chuỗi từ một người tiếp xúc tới người khác, rồi lây tiếp, lần này còn lây thêm cả không khí phát tán trong khu công nghiệp, trong không gian hẹp. Virus trong môi trường kín thì lập tức lây cho tất cả.
Đánh giá về chủng virus SARS-CoV-2 lần này, Bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nói: “Chủng virus này có tốc độ lan nhanh, mạnh và rộng như vậy, mật độ công nhân ở các ổ dịch lại quá đông, trong môi trường khép kín, nhà ăn tập thể có hàng nghìn người, khu vệ sinh dùng chung. Hàng chục nghìn người sinh hoạt như thế nên nguy cơ lây lan là rất lớn và thực tế đã chứng minh điều này”.
Trong khi đó, GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng viện vệ sinh dịch tễ trung ương cũng cho biết thêm về tình trạng của chủng virus SARS-CoV-2 lần này. Bà Quỳnh Mai cho hay, bình thường trong phòng thí nghiệm 3-4 ngày mới mọc virus, nhưng lần này ngày thứ 2 đã mọc rất nhiều nên độ phát tán mầm bệnh rất nhanh. “Vì thế với chủng khác còn nghi ngờ, nhưng chủng lần này nếu chậm là muộn”, bà Quỳnh Mai thông tin.
Virus SARS-CoV-2 lây trong không khí
Trả lời về vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng bộ Y tế cho biết biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 ở Ấn Độ có tốc độ lây lan nhanh hơn. Đặc biệt, virus lây mạnh trong môi trường kín, điều hòa, tập trung đông người, ngồi sát nhau…
PGS.TS Trần Đắc Phu cho hay: "Trong môi trường kín, điều hòa, virus lơ lửng trong không khí chứ không rơi xuống, vì thế virus lây mạnh hơn. Điều này có thể thấy rõ trong ổ dịch tại quán bar, trong khu công nghiệp".
Đồng tình với PGS.TS Trần Đắc Phu, BS. Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM giải thích: “Virus tồn tại trong không khí lâu và kín là điều tất yếu. Bởi, xu hướng của virus cúm hay virus SARS-CoV-2 là trong không gian kín, lạnh thì con virus lơ lửng trong không khí lâu hơn chứ không rơi xuống đất”.
Tuy nhiên, theo BS. Khanh vấn đề mấu chốt chặt đứt đường lây nhiễm của virus SARS-CoV-2 đó là phải mở cửa cho thông thoáng, tăng nhiệt độ lên và thực hiện tốt 5K.
“Chủng virus lần này lây lan nhanh là do thời gian ủ bệnh ngắn lại (nếu như trước kia là 5-6 ngày, tỉ lệ trung bình 1-14 ngày, thì nay rút ngắn trung bình xuống còn 2 -3 ngày). Thêm nữa, do chúng ta không tuân thủ khuyến cáo trong suốt thời gian dài nên khi xảy ra ở khu công nghiệp, phát hiện ra thì chuyện đã rồi nên mới có nhiều ca.
Vì vậy, hiện nay để chặt đứt đường lây nhiễm, theo tôi dứt khoát các khu công nghiệp, các khu cách ly tập trung đông phải thực hiện 5K, phải thông thoáng”, BS. Khanh nói.
Theo BS. Khanh, nhìn từ thực tế tình hình dịch bệnh ở Bắc Giang, hiện nay bất cứ khu công nghiệp nào cũng phải bảo đảm thực hiện đúng khuyến cáo, thông thoáng, nhiệt độ cao, ngồi giãn cách. Đồng thời, phải có biện pháp nào đó để làm sao phát hiện sớm ca bệnh.
“Tất cả các địa phương khác, không để virus SARS-CoV-2 tấn công trong các khu công nghiệp, những nhà máy sản xuất ngồi san sát nhau phải thực hiện giãn cách. Những khu công nghiệp đang là ổ dịch, có ca bệnh dứt khoát không cho người ở khu đó lây ngược ra ngoài cộng đồng”, BS. Khanh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, các chuyên gia y tế nhấn mạnh, một điểm cần lưu ý đó là virus này lây trong không khí, trước đó vẫn lây qua cơ chế giọt bắn là chính. Cần hiểu ở đây là lây trong không khí ở môi trường kín, bật điều hòa, không mở cửa thông thoáng khí như các công xưởng kín, trong nhà cũng bật điều hòa suốt…
Các chuyên gia cảnh báo, trong các bệnh viện, các khu cách ly, luôn phải yêu cầu mở toang cửa dù trời nóng cũng phải chấp nhận để tránh lây chéo. Việc bật điều hòa, môi trường kín khiến virus tồn lưu lâu hơn, dễ lây chéo hơn.
Thanh Lam