Bài toán điệp khúc “được mùa mất giá” và ùn ứ nông sản chưa có hồi kết

Nguyễn Thu Huyền

Nguyễn Thu Huyền

Thứ 3, 07/06/2022 17:36

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, việc tăng khả năng tồn trữ, chế biến cũng như chuẩn hoá nông sản là cách để vượt qua lời nguyền “được mùa mất giá” của ngành nông nghiệp

Chiều 7/6, Quốc hội bước vào phiên chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Trách nhiệm trả lời chất vấn trực tiếp thuộc Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan. Trong phiên chất vấn này, có 53 đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn Bộ trưởng Lê Minh Hoan.

Lời nguyền nông sản "được mùa mất giá"

Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) hỏi: Sản xuất nông nghiệp là thế mạnh của nền kinh tế, tuy nông nghiệp phát triển nhưng thu nhập của đời sống nông dân và người làm nông nghiệp chưa cao. Điệp khúc được mùa mất giá và những cuộc giải cứu ùn ứ nông sản chưa có hồi kết, sản xuất nông nghiệp vẫn theo chiều rộng, tự phát, tiêu thụ phụ thuộc số ít thị trường. Giải pháp căn cơ nào cho vấn đề nêu trên?

Trả lời câu hỏi, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, "được mùa mất giá" là câu chuyện mà ông hay dùng từ "lời nguyền". Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói đây là quy luật kinh tế cung - cầu và phải khống chế quy luật này qua hai cách. Khi dư thừa thì phải tăng chế biến để giảm lượng đưa ra thị trường và chuẩn hóa sản phẩm nông sản để thị trường thông suốt.

Do đó, giải pháp cho câu chuyện được mùa mất giá là tổ chức lại sản xuất, chuẩn hóa ngành hàng, thông tin minh bạch thị trường xuất khẩu, nội địa.

“Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận khuyết điểm trong điều hành, chuẩn hóa nông sản. Chưa tổ chức lại sản xuất thì chưa thành công và đối mặt rủi ro khi không đồng nhất nguyên liệu một loại nông sản và khi đó sẽ chưa thể đồng nhất thương hiệu”, ông Hoan nói và cho hay sẽ sớm cùng các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài giải quyết việc này.

Tiêu điểm - Bài toán điệp khúc “được mùa mất giá” và ùn ứ nông sản chưa có hồi kết

Bộ trưởng Nông nghiệp Lê Minh Hoan trả lời tại phiên chất vấn chiều 7/6 (Ảnh: Quochoi.vn).

Về câu chuyện nhiều nhà vườn phải phá bỏ vườn thanh long do bí đầu ra, chi phí vật tư đầu vào tăng cao, theo Bộ trưởng Nông nghiệp, gần 70.000 hộ trồng thanh long ở 3 tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang thì chỉ có khoảng 1/20 trong đó là vào hợp tác xã.

Còn bà con ở bên ngoài thấy người ta làm thế thì làm theo, quy trình không đạt chuẩn, mùa vụ không đạt chuẩn. Ngoài ra là sự cạnh tranh giữa những người nông dân với nhau, giữa hợp tác xã này với hợp tác xã khác, giữa vựa này với vựa khác… tạo ra một sự bất ổn để chúng ta danh chính ngôn thuận có được một nguồn nguyên liệu ổn định.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Bộ Nông nghiệp đã giao cho các viện nghiên cứu làm sao chuẩn hóa lại quy trình sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt để làm sao chúng ta tiết giảm được chi phí đầu vào.

“Tôi làm việc với các cơ quan nước ngoài, người ta đang tiến đến một nền nông nghiệp với phương châm “ít hơn để được nhiều hơn”, tức tiết giảm đầu vào ít hơn, tối thiểu hóa chi phí song tối đa hóa lợi nhuận”, ông Hoan nói.

Thị trường Trung Quốc ngày càng khó tính

Đại biểu Hoàng Anh Công (đoàn Thái Nguyên) chất vấn: Cử tri rất lo lắng tình trạng ùn tắc hàng hóa nông sản xuất khẩu ở cửa khẩu phía Bắc, ảnh hưởng nhiều đến nền sản xuất nông nghiệp nước nhà. Vậy chúng ta cần làm gì để giúp nông dân nâng cao chất lượng hàng nông sản, đáp ứng yêu cầu và xây dựng nền nông nghiệp bền vững?

Tiêu điểm - Bài toán điệp khúc “được mùa mất giá” và ùn ứ nông sản chưa có hồi kết (Hình 2).

Đại biểu Hoàng Anh Công nêu câu hỏi với Bộ trưởng Nông nghiệp tại Hội trường Quốc hội (Ảnh: Quochoi.vn).

Trả lời, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ với người nông dân trong bối cảnh thị trường đứt gãy, khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19. Bộ trưởng nhấn mạnh việc ùn ứ nông sản tại cửa khẩu chỉ là vấn đề đột biến trong thời gian ngắn, do vấn đề kiểm soát dịch bệnh phía Trung Quốc khác với Việt Nam.

Tuy nhiên, Bộ trưởng thừa nhận thị trường Trung Quốc ngày càng khó tính, trong khi nông dân Việt Nam đã quen đây là thị trường dễ tính. Trung Quốc đang siết chặt chất lượng nông sản, vệ sinh an toàn thực phẩm trong khi nông dân chậm thay đổi, tất nhiên có trách nhiệm của các bộ ngành Trung ương.

Về giải pháp, Bộ trưởng nói 14 triệu hộ nông dân trên cả nước khó truyền thông hết được, nên đầy rủi ro. Chỉ có cách là tổ chức lại ngành hàng sản xuất, tổ chức thị trường để thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Hiện các Bộ Nông nghiệp và Ngoại giao đang xây dựng dự thảo chiến lược xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, để chuyển dần dần, rồi một ngày nào đó nông sản Việt Nam danh chính ngôn thuận nhập khẩu sâu vào nội địa, ở phân khúc thị trường cấp cao. Để làm được điều này đòi hỏi phải chuẩn hóa chất lượng sản phẩm.

Tư lệnh ngành Nông nghiệp cũng lưu ý cần phân biệt giữa thương hiệu nông sản với nhãn hiệu. Thương hiệu gồm niềm tin người tiêu dùng và chất lượng sản phẩm. Ông cho rằng thương hiệu nông sản phải bắt đầu từ nhãn hiệu và niềm tin của người tiêu dùng.

“Nhãn hiệu nhiều khi chỉ cần 1-2 năm xây dựng, nhưng thương hiệu cần 5-10 năm để xây dựng cảm xúc của người tiêu dùng. Thương hiệu không thể áp đặt”, Bộ trưởng nói và thừa nhận nếu nhìn vào hệ thống phân phối ở Mỹ, nông sản chúng ta ít có. "Điều đó cho thấy giá trị thương hiệu chúng ta chưa nhiều", ông nói.

Với vấn đề nguyên liệu phụ thuộc vào nhập khẩu, từ phân, thuốc, chế biến thức ăn, ông Hoan nói do đang sống trong cơ chế thị trường, không thể áp đặt mệnh lệnh hành chính đến nguyên liệu và đầu vào thị trường.

Ngoài vấn đề giá, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết người nông dân đã tự chủ được vấn đề phế phẩm trong nông nghiệp, về lâu dài giúp hữu cơ hóa, sinh học hóa trong ngành nông nghiệp.

"Tôi tha thiết mong 14 triệu hộ nông dân vào kinh tế tập thể, vào hợp tác xã. Vì nếu ta canh tác khối lượng càng lớn, sẽ giảm chi phí đầu vào, giảm giá khi sản xuất tập thể, sẽ ít đối mặt rủi ro và bất ổn thị trường, nâng cao chất lượng nông sản”, Bộ trưởng nói.

Chủ tịch Vương Đình Huệ khi điều hành phiên chất vấn lưu ý Bộ trưởng Nông nghiệp rằng, các đại biểu đang chất vấn Bộ trưởng với trách nhiệm quản lý nhà nước với ngành, lĩnh vực. Vì thế, nếu câu trả lời "giải quyết điểm nghẽn, ách tắc ở đâu mà nói hỏi địa phương thì vai trò của Bộ Nông nghiệp ở đâu, Bộ trưởng thế nào?".

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Lê Minh Hoan trả lời thẳng, nêu rõ thực trạng đang thế nào, đã có chủ trương, chính sách gì, và tới đây làm cách nào để giải quyết điểm nghẽn trong ngành nông nghiệp.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan sau đó khẳng định không thoái thác trách nhiệm mà sẽ làm hết mình trên cương vị Bộ trưởng Nông nghiệp. Tuy nhiên, ông cho rằng nếu địa phương cùng vào cuộc, năng động hơn thì những điểm nghẽn, ách tắc trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ được giải quyết nhanh hơn.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.