img

Bán lẻ điện một giá: Ai lợi, ai thiệt?

Thu Huyền

Bộ Công Thương đang xem xét phương án giá bán lẻ điện sinh hoạt một bậc, song song cùng phương án rút gọn biểu giá từ 6 bậc xuống 5 bậc để cho người dân được quyền lựa chọn.

Phương án điện 1 giá và phương án 5 bậc thang

Liên tục trong 2 năm qua, khi giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh tăng từ tháng 3/2019, liên tục có những phản ánh của khách hàng về hóa đơn tiền điện tăng đột biến.

Trong năm 2020, người dân vẫn không khỏi bức xúc khi tình hình hóa đơn điện tháng Sáu tăng cao, trong đó việc vẫn áp dụng biểu giá bán lẻ điện bậc thang 6 bậc là một trong số nguyên nhân khiến tiền điện tăng nhiều hơn số điện sử dụng. Bởi, theo cách tính giá hiện hành, tiêu thụ từ 400 kWh trở lên sẽ bị tính đơn giá tối đa 2.927 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT).

Xem xét lại cách tính giá điện bậc thang đang áp dụng để phù hợp với thực tế sử dụng điện, bộ Công Thương cho biết, đang nghiên cứu đưa ra hai phương án để người dân lựa chọn.

img

Nhân viên EVN chốt công tơ cho khách hàng.

Theo đó, bên cạnh phương án 5 bậc thang được trình sửa đổi sẽ tính tới phương án một giá để người dân lựa chọn. Với phương án điện một giá này, bất kể số tiêu thụ điện bao nhiêu, các hộ sinh hoạt đều được tính theo một đơn giá thay vì cách lũy tiến bậc thang (dùng càng nhiều trả đơn giá càng cao như hiện nay).

Bốn phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt được bộ Công Thương đưa ra gồm 1, 3, 4 và 5 bậc. Trong đó, bộ Công Thương đề xuất chọn phương án giá điện 5 bậc thang theo kịch bản 1. Lý do là với kịch bản này sẽ có mức tăng giá điện giữa các bậc ở mức hợp lý; đảm bảo toàn bộ số hộ có mức sử dụng điện dưới 700kWh (chiếm 98,2% tổng số hộ) có mức tiền điện không tăng hoặc giảm khi áp dụng biểu giá điện mới.

Cụ thể, phương án 1 bậc, tiền điện các hộ sinh hoạt có mức sử dụng điện từ 201 kWh/tháng trở lên (khoảng 6,7 triệu hộ) tiền điện phải trả giảm từ 8.000 đến 330.000 đồng/hộ/tháng, trong khi đó, hộ sử dụng từ 0 - 200 kWh/ tháng (khoảng 18,6 triệu hộ) tiền điện trả tăng từ 17.000 đến 36.000 đồng/hộ/tháng. Số tiền ngân sách hỗ trợ cho hộ nghèo và hộ chính sách xã hội tăng lên do giá điện của bậc 1 được điều chỉnh tăng.

Phương án giá điện sinh hoạt 5 bậc thang: Trong đó giá điện bậc 1 (cho 0 - 100 kWh) giữ như mức giá bậc 1 theo biểu giá hiện hành; bậc 2 từ 101 - 200 kWh; bậc 3 từ 201 - 400 kWh; bậc 4 từ 401 - 700 kWh; bậc 5 từ 701 kWh trở lên. Theo tính toán, tiền điện các hộ sinh hoạt có mức sử dụng điện từ 701 kWh/tháng trở lên (khoảng 0,5 triệu hộ, chiếm 1,8% tổng số hộ) phải trả tăng thêm 29.000 đồng/hộ/tháng.

img

Ông Hoàng Quốc Vượng - Thứ trưởng bộ Công Thương.

Theo thông tin trao đổi với báo chí bên lề hội thảo “Phát triển bền vững nguồn năng lượng tái tạo nối lưới và điện mặt trời áp mái”, ông Hoàng Quốc Vượng - Thứ trưởng bộ Công Thương - cho hay, khách hàng không thích tính giá điện theo biểu giá bậc thang sửa đổi là 5 bậc thì sẽ có thêm lựa chọn nữa là chỉ trả bằng một giá. Mức giá của phương án một giá đang được cân nhắc, có thể được xây dựng dựa trên giá điện bình quân hiện nay là 1.864,44 đồng/1kWh (chưa gồm thuế VAT).

Với phương án này, bất kể số tiêu thụ điện bao nhiêu, các hộ sinh hoạt đều được tính theo một đơn giá thay vì cách lũy tiến bậc thang (tức dùng càng nhiều trả đơn giá càng cao như hiện nay). Song, xét tổng thể thì dù với phương án giá nào, tổng doanh thu trên số điện thương phẩm thì giá điện thu được cũng bằng giá bình quân của hệ thống điện để đảm bảo hài hòa lợi ích của người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Điện một giá - càng dùng nhiều càng có lợi

Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu thị trường giá cả (bộ Tài chính) - nhìn nhận, việc bộ Công Thương đưa ra hai phương án để người dân tùy ý lựa chọn là điều hoàn toàn mới và đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, ông Long cũng cho rằng, dù đưa ra bao nhiêu phương án và chọn phương án nào cũng cần tham khảo thực tế, kinh nghiệm của các nước trong khu vực và trên thế giới.

img

PGS.TS Ngô Trí Long.

“Điện khác với các loại hàng hóa thông thường, khi dùng càng nhiều điện thì chi phí phải trả sẽ tăng lũy tiến, bởi lẽ nhu cầu sử dụng điện cao, trong khi nguồn năng lượng lại hữu hạn. Điện một giá chỉ phù hợp với nhà giàu, nhu cầu sử dụng điện nhiều, còn nhà nghèo, sử dụng ít thì áp dụng một bậc không có lợi.

Tuy nhiên, kịch bản điện một giá khi đưa ra lấy ý kiến có thể nhiều người tiêu dùng thích và lựa chọn. Bởi cách tính điện một giá sẽ rất rõ ràng, dễ hiểu, dùng bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu, điều này cũng sẽ hạn chế những thắc mắc hóa đơn tiền điện tăng vọt như những tháng vừa qua”, PGS. TS Ngô Trí Long cho hay.

Nhận định về phương án điện một giá, trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam - cho rằng, phương án này có ưu điểm về cách thức tính toán, nhưng nhược điểm trong việc thực thi. Hơn nữa, điện là mặt hàng không khuyến khích tiêu dùng, khi đưa ra phương án một giá sẽ không tạo áp lực khiến người dùng phải nâng cao ý thức tiết kiệm điện.

img

Ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam.

Phân tích về mức giá ở phương án một giá điện, ông Ngãi cho rằng nếu một giá điện thì mức giá phải tương đương bậc 4 của biểu giá bậc thang hiện tại là 2.282 đồng một kWh, hoặc giá bình quân của 6 bậc thang hiện hành, khoảng 2.154 đồng một kWh.

“Với các mức giá này, tôi cho rằng đảm bảo cao hơn giá bán điện bình quân 1.864,44 đồng. Vấn đề ở đây là phải cân đối, cách phân bố giá điện cho các nhóm đối tượng thế nào để hợp lý nhất, vừa giúp nhóm đối tượng sản xuất không bị tăng chi phí cao gây ảnh hưởng tới giá tiêu dùng, lại vừa đảm bảo các nhóm khác không phải gánh tiền điện cao hơn một cách bất hợp lý”, ông Ngãi nhìn nhận.

TPHCM thống nhất chọn phương án 5 bậc, kịch bản 1

Sau khi bộ Công Thương lấy ý kiến góp ý về các phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt, sở Công Thương TP.HCM đã có ý kiến về việc thống nhất chọn phương án 5 bậc, kịch bản 1 theo đề xuất của bộ Công Thương tại phụ lục các phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt được ban hành kèm theo Công văn số 1184/BCT-ĐTĐL ngày 24/02/2020 của bộ Công Thương. Tuy nhiên, để đảm bảo tính chính xác của phương án đã chọn, Sở này cũng đề nghị bộ Công Thương cập nhật giá điện mới được ban hành.

Phương thức tính “vỗ về” người dân

Xung quanh đề xuất cùng lúc tồn tại hai phương án biểu giá điện của bộ Công Thương, câu hỏi luôn được đặt ra là liệu người dân được hưởng lợi hơn hay không? PV Người Đưa Tin Pháp luật đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Văn Tuyển - chuyên gia về tài chính doanh nghiệp - để làm rõ một số nội dung liên quan.

img

Chuyên gia tài chính doanh nghiệp Ngô Văn Tuyển.

Bộ Công Thương cho biết đang nghiên cứu tính toán thêm phương án điện một giá, nếu được thông qua thì sẽ có song song hai cách tính giá điện để khách hàng có thêm lựa chọn. Ông có đánh giá gì về kế hoạch này của bộ Công Thương?

Kế hoạch này của bộ Công Thương có ý tưởng xuất phát từ thực tế diễn ra trong thời gian qua khi biểu giá điện bậc thang được áp dụng. Những ý kiến từ dư luận liên quan đến sai sót trong quá trình triển khai, hóa đơn tiền điện tăng cao vào mùa hè.

Dưới góc độ nghiên cứu của tôi, điện là mặt hàng không khuyến khích sử dụng, càng dùng nhiều điện thì tải điện phải trả càng lớn. Một giá mà cân bằng được doanh thu giống như nhiều giá thì EVN đương nhiên có thể làm được nhưng sẽ không đạt được mục tiêu đó là tiết kiệm điện. Khi người ta có rất nhiều tiền, người ta sẽ không quan tâm đến việc tiết kiệm điện. Việc áp dụng một giá chính là phương thức đưa ra để “vỗ về” người dân mà thôi.

Vậy theo ông, mức giá nào là phù hợp với kịch bản điện một giá?

Công thức tính giá bán lẻ điện bình quân vẫn dựa trên cơ sở đưa lợi nhuận định mức của EVN là một khoản cố định trong công thức tính, để đảm bảo nguồn đầu tư cho EVN. Do vậy, giá nào đi nữa thì vẫn bám vào nguyên tắc không để doanh thu bán điện sụt giảm lớn (trong trường hợp sản lượng điện tương đương).

Về cách tính điện một giá, người tiêu dùng phải hiểu rằng, ngành điện sẽ phải chọn mức giá trung bình chứ không thể chọn mức giá thấp nhất. Trường hợp một giá thì nhiều khả năng giá thấp nhất cũng phải ngang mức đang áp dụng cho bậc 3.

Nếu đơn giá phương án một giá lấy theo bậc 3 hiện tại là 1.813 đồng một kWh thì người dùng từ 200 kWh trở xuống sẽ bị thiệt, còn dùng từ 300 kWh trở lên sẽ có lợi. Trường hợp áp giá bậc 4 (2.282 đồng một kWh) thì phải dùng từ 1.000 kWh trở lên mới có lợi, còn áp giá từ bậc 5 là 2.834 đồng một kWh trở lên, tất cả đều thiệt và thiệt nhất là người nghèo, người dùng ít điện.

Nếu phương án tồn tại đồng thời 2 loại biểu giá được Chính phủ chấp thuận, theo ông người dân nên áp dụng như thế nào để được hưởng lợi tối đa nhất?

Tôi cho rằng, các hộ tiêu dùng ít nên chọn biểu giá bậc thang để hưởng các mức giá thấp. Các hộ tiêu dùng điện nhiều đương nhiên nên lựa chọn phương án đồng giá để tránh hiệu ứng bậc thang làm tăng hóa đơn tiền điện. Các hàng hóa khác càng tiêu thụ nhiều thì càng có cơ hội tăng lợi nhuận, nhưng điện không hẳn như vậy. Công suất phát điện vượt quá mức tối ưu có thể dẫn đến các hệ lụy khác đối với cả thủy điện và nhiệt điện. Đương nhiên người dùng nhiều cũng có quyền đòi hỏi bình đẳng về giá, nhưng tôi cũng xin nhắc lại, điện là thứ hàng hóa hữu hạn và không khuyến khích tiêu dùng.

Bộ Công Thương cần có các nghiên cứu toàn diện, đưa ra các kịch bản áp dụng đồng thời 2 loại biểu giá để các mục tiêu lợi ích của người tiêu dùng và cân bằng tài chính cho doanh nghiệp điện lực được đảm bảo hài hòa. Bên cạnh đó, ngoài mức giá đề xuất là bao nhiêu thì đi kèm với nó phải là toàn bộ hành lang pháp lý liên quan đến việc tổ chức thực hiện.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

T.H

img