Mức thu học phí các trường đại học năm học 2023 - 2024
Báo Đại Đoàn Kết dẫn nguồn tờ trình Chính phủ dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP quy định cơ chế thu, quản lý học phí các trường đại học và địa phương cả nước của Bộ GD&ĐT, Bộ đề xuất Chính phủ cho phép tăng học phí bậc đại học.
Theo đề xuất của Bộ GD&ĐT, trường công lập chưa tự chủ, học phí áp dụng cho năm 2023-2024 cao nhất là nhóm ngành Y dược là 2,45 triệu đồng/tháng/sinh viên. Các ngành sức khỏe khác là 1,85 triệu đồng/tháng/sinh viên. Các khối ngành học còn lại dao động từ 1,2 triệu đồng đến 1,45 triệu đồng/tháng/sinh viên.
Với những trường đã tự chủ (tự chi lương, phụ cấp, sửa chữa cơ sở vật chất...), tùy mức độ được thu tối đa bằng từ 2 đến 2,5 lần mức trên, tương đương khoảng từ 2,4 triệu đến 6,125 triệu đồng/tháng.
Trong khi chờ đợi Chính phủ có quy định chính thức về mức trần học phí năm học này, nhiều trường đã đưa ra mức học phí theo hướng không tăng dù hầu hết các trường đại học đã có công bố lộ trình tăng học phí trong đề án tuyển sinh năm học 2023-2024.
Trường Đại học Ngoại thương thu từ 10 - 35 triệu đồng; Học viện Ngoại giao 9,5 - 20,75 triệu đồng. Mức thu này thấp hơn so với dự kiến khoảng 1 - 2,5 triệu đồng/học kỳ.
Học viện Nông nghiệp Việt Nam vừa có thông báo danh sách thí sinh trúng tuyển đợt xét tuyển bổ sung và học phí tạm thu học kỳ I năm học 2023-2024. Theo đó, nhà trường tạm thu học phí và các loại phí nhập học là 9.500.000 đồng/sinh viên; trong đó: Lệ phí nhập học: 335.000 đồng/sinh viên; phí duy trì tài khoản (thu hộ ngân hàng): 50.000 đồng/sinh viên; bảo hiểm y tế sinh viên bắt buộc: 851.000 đồng/sinh viên/15 tháng; tạm thu học phí học kỳ I năm học 2023-2024: 8.264.000 đồng/sinh viên.
Đại học Bách Khoa Hà Nội cũng có quyết định giữ nguyên mức thu học phí học kỳ I như hai năm qua dù trong đề án tuyển sinh năm nay, trường dự kiến thu học phí chương trình chuẩn tăng khoảng 8% so với năm ngoái.
Theo đó, sinh viên trúng tuyển năm 2023 tạm đóng 6 triệu đồng. Trong đó, học phí là hơn 4,4 triệu đồng; tiền mua Bảo hiểm y tế 850.000 đồng, phí khám sức khoẻ 391.500 đồng, phí tham dự kiểm tra tiếng Anh đầu vào 350.000 đồng, áp dụng đối với sinh viên thuộc diện cần kiểm tra năng lực tiếng Anh.
Tương tự, Trường Đại học Bách Khoa Tp.Hồ Chí Minh tạm thu học phí học kỳ I bằng năm ngoái là 13,75-36 triệu đồng.
Trường Đại học Giao thông Vận tải Tp.Hồ Chí Minh cũng thông báo dừng tăng học phí và thu khoảng 10,6 triệu đồng/năm với chương trình chuẩn, thấp hơn 5,9 triệu đồng so với dự kiến.
Năm học này, Trường Đại học Thương mại cũng quyết định giữ nguyên mức học phí như năm học trước. Mức học phí cụ thể cho từng khóa/chương trình đào tạo, trường sẽ công bố điều chỉnh ngay khi Chính phủ ban hành Nghị định 81 sửa đổi hoặc văn bản hướng dẫn chính thức của Bộ GD&ĐT.
Theo Nghị định 81 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
Nghị định này được Chính phủ ban hành và có hiệu lực từ năm 2021, tuy nhiên từ đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, mức học phí của cơ sở giáo dục công lập vẫn được giữ ổn định, không tăng trong 3 năm học vừa qua.
Nghịch súng cao su tự chế, bé trai 11 tuổi vỡ thủy tinh thể
Bé Phạm Đức Nguyên (11 tuổi, Hưng Yên) trong lúc nghịch súng cao su gỗ tự chế bị viên sỏi bắn trực tiếp vào mắt gây vỡ thủy tinh thể.
Chia sẻ với các bác sĩ, chị Thủy - mẹ Nguyên kể lại: Hôm đó vào chủ nhật cuối tuần, trong lúc chị đang ở nhà làm bếp thì Nguyên cùng đám trẻ con hàng xóm chơi bên ngoài. Khoảng hơn 10 đứa tầm tuổi Nguyên với 3 cây súng cao su gỗ tự chế. Chúng dùng viên sỏi làm đạn bắn nhau. Trong khi mấy đứa bé chỉ bị bắn vào tay, chân thì Nguyên không may bị bắn thẳng vào mắt trái.
Lúc đó mắt Nguyên không chảy máu, lại sợ bố mẹ mắng nên đám trẻ con không nói lại với người lớn và tiếp tục chơi. Vài giờ sau thì mắt trái bắt đầu mờ dần đến khi không nhìn thấy gì Nguyên mới về nhà. Gia đình vội vàng đưa em vào bệnh viện tỉnh và được chẩn đoán chấn thương nặng, buộc phải chuyển viện lên tuyến Trung ương.
Nhớ lại tâm trạng lúc đó, chị Thủy vẫn còn run rẩy: "Chân tôi đứng không vững, vừa sợ vừa lo, biết là trò nghịch dại của trẻ con nhưng tôi chẳng còn tâm trạng mà trách mắng, chỉ hy vọng duy nhất là cứu mắt con không bị mù".
Sau khi thăm khám, Nguyên được điều trị tích cực và cách 2 ngày tái khám một lần để theo dõi tình trạng bệnh. Nhỏ thuốc được một tuần, mắt Nguyên đỡ sưng nề nhưng vẫn mờ nhiều, lúc này bác sĩ phát hiện mắt trái của Nguyên bị vỡ thủy tinh thể, phải phẫu thuật thay thủy tinh thể mới, nếu không sẽ bị mù.
"Cứ nghĩ mắt con ổn hơn khi đỡ sưng nề đau nhức, ai ngờ tình trạng vẫn rất nặng. May mắn là gia đình luôn theo sát chỉ định của bác sĩ nên phát hiện kịp thời tiến triển bệnh của con", chị Thủy chưa hết bàng hoàng kể lại.
Trao đổi với báo Phụ Nữ Việt Nam, Ths.Bs Mai Thị Anh Thư – Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cho biết: Chấn thương đụng dập nhãn cầu này thường không gây chảy máu ra ngoài nhưng có thể gây xuất huyết nội nhãn, tổn thương thể thủy tinh cũng như các cấu trúc khác của mắt, có thể gây giảm hoặc mất thị lực hoàn toàn. Vì vậy, bệnh nhân cần phải được theo dõi và tái khám theo đúng chỉ định của bác sĩ hoặc khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường sau chấn thương va đập.
Với bệnh nhân Nguyên bị vỡ thủy tinh thể do lực tác động mạnh của viên sỏi bắn trực tiếp vào mắt, bệnh nhân cần phải phẫu thuật lấy thủy tinh thể bị vỡ. Sau khi mắt ổn định sẽ tiến hành thay thể thủy tinh mới, giúp hồi phục phần nào thị lực cho mắt sau chấn thương.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân cần phải đi kiểm tra mắt định kỳ, thường xuyên theo dõi tình trạng mắt đề phòng những biến chứng có thể xảy ra như phản ứng viêm sau mổ, hở vết mổ, lệch thể thủy tinh nhân tạo…
Ths.Bs Mai Thị Anh Thư nhấn mạnh, để đề phòng các chấn thương về mắt có thể xảy ra bất cứ lúc nào, mọi người nên chú ý bảo vệ mắt trong các hoạt động lao động, sinh hoạt hàng ngày. Đặc biệt đối với trẻ nhỏ chưa ý thức được nguy hiểm xảy ra nên người lớn phải hết sức để ý, không để trẻ chơi các vật sắc nhọn, không vừa cầm đồ vừa chơi, vừa chạy sẽ nguy hiểm có thể gây sát thương. Cần giáo dục và hướng dẫn cho con cách phòng tránh tai nạn dẫn đến tổn thương mắt và phải thông báo ngay với thầy cô, cha mẹ nếu gặp phải chấn thương tại mắt.
Chê tài xế taxi chạy chậm, hành khách giật vô-lăng lái xe
Thông tin báo Người Lao Động, chiều 9/10, Công an phường Tân An (Tp.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) đang tiếp tục củng cố hồ sơ để xử lý đối với ông N.V.H. (SN 1986, ngụ Tp.Buôn Ma Thuột) sau khi gây tai nạn cho người đi đường.
Theo thông tin ban đầu, khoảng 19h30 phút ngày 8-10, ông N.V.D. (SN 1971, ngụ Tp.Buôn Ma Thuột) chạy taxi đến 1 quán nhậu trước cổng nghĩa trang Tp.Buôn Ma Thuột để chở khách.
Lúc này, ông H. lên taxi, yêu cầu ông D. chở về Khu công nghiệp Tân An (cách khoảng 1km). Trong quá trình lưu thông, H. liên tục chửi tài xế taxi và yêu cầu chạy nhanh. Ông D. nói không dám chạy quá tốc độ thì ông H. nói chạy đi, nếu bị công an bắt sẽ chịu trách nhiệm, không thì đưa xe để ông H. chạy.
"Nói là làm", ông H. bất ngờ nhoài người lên chụp lấy vô-lăng, bẻ lái qua bên phải đường với mục đích tấp xe vào lề để lên chạy. Cùng lúc, chiếc xe máy do chị N.T.T. (SN 1997, ngụ huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) đang đi song song bên phải nên va chạm với xe taxi.
Rất may, chị T. cùng 2 cháu nhỏ ngồi trên xe chỉ bị thương nhẹ.
Ngay sau đó, người dân đã khống chế ông H. và bàn giao cho công an xử lý.
Trúc Chi (t/h)