Giáo dục Việt Nam tăng 5 bậc, xếp hạng 59 thế giới
Theo VTC News, chiều 18/8, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị tổng kết quả năm học 2022 - 2023 và triển khai nhiệm vụ năm học 2023 - 2024, trực tuyến tại 63 điểm cầu trên cả nước.
Đánh giá kết quả ngành Giáo dục đạt được trong năm học 2022 - 2023, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, năm học qua là năm học nhiều khó khăn và thách thức với ngành giáo dục, khi vừa phải tiếp tục cùng cả nước khắc phục, nỗ lực vượt qua khó khăn do hậu quả của đại dịch COVID-19, vừa phải củng cố, nâng cao chất lượng.
Đây cũng là năm học đánh dấu 10 năm toàn ngành triển khai thực hiện Nghị quyết 29 đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT với nhiều kết quả tích cực.
Cụ thể, năm học qua cả nước có 15.334 cơ sở giáo dục mầm non (giảm 67 trường so với năm học trước) và 25.467 cơ sở giáo dục phổ thông.
Cả nước có 1.976.744 học sinh các cấp (tăng 499.960 em). Tỉ lệ học sinh/lớp ở cấp Tiểu học là 32,1, THCS - 37,71 em/lớp và THPT là 40,27. Tuy nhiên, một số địa phương, khu đô thị và các thành phố lớn do áp lực tăng dân số cơ học quá nhanh dẫn đến sĩ số học sinh/lớp vượt tỉ lệ quy định như: Hà Nội, Tp.HCM, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai...
Năm học qua giáo dục trở lại bình thường mới sau dịch COVID-19, Bộ GD&ĐT đã tham mưu Chính phủ, ban hành chính sách hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học ngoài công lập gặp khó khăn do đại dịch COVID-19...
Đặc biệt trong Kỳ thi Olympic khu vực, quốc tế, học sinh Việt Nam đạt kết quả cao với 11 huy chương vàng, 14 huy chương bạc, 12 huy chương đồng và 5 Bằng khen.
Tỉ lệ tốt nghiệp THPT chung toàn quốc đạt 98,88%, được đánh giá khách quan kết quả học tập của các thí sinh và chất lượng dạy học ở các địa phương.
Nhờ những nỗ lực trên, Bảng xếp hạng các quốc gia tốt nhất về giáo dục 2022 đánh giá Việt Nam xếp thứ 59 thế giới (tăng 5 bậc so với năm trước).
Bộ trưởng Sơn cũng thẳng thắn nhìn nhận năm học 2022 - 2023 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Tình trạng thiếu giáo viên, thiếu trường lớp, quá tải tại các trường học tại các thành phố lớn như Hà Nội, Tp.HCM. Công tác hỗ trợ, tư vấn tâm lý, kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, học sinh còn chưa thực sự hiệu quả...
Tài xế xe container đâm đổ cổng và bị mái cổng đè sập nguy kịch
Trong lúc vận chuyển hàng đến doanh nghiệp ở Bắc Giang, tài xế xe container đâm đổ cổng và bị mái cổng đè sập cabin khiến nạn nhân nguy kịch.
Thông tin ban đầu trên ATGT, lúc 10h ngày 18/8, tại đường Giáp Hải, phường Dĩnh Kế, Tp.Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang xảy ra vụ tai nạn giao thông hy hữu khiến một người nguy kịch.
Cụ thể, trong lúc xe container BKS 15C-250.60 kéo theo rơ-moóc BKS 15R-044.45, vận chuyển hàng hóa vào doanh nghiệp đã tự đâm vào cổng công ty khiến cổng sập, mái cổng đè lên ca bin xe container.
Vụ việc khiến tài xế bị mắc kẹt trong đống đổ nát, ca bin ô tô hư hỏng nghiêm trọng.
Ngay khi nhận được thông tin vụ việc, Công an Tp.Bắc Giang đã cử lực lượng hỗ trợ giải cứu nạn nhân. Đồng thời điều tra làm rõ vụ việc.
Sau vài giờ giải cứu, nam tài xế đã được đưa đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.
Nghĩ đơn thuần chỉ là sốt cao, nam bệnh nhân suýt mất mạng vì vi khuẩn tấn công gan
Thông tin trên Vietnamnet, ngày 18/8, theo thông tin từ Bệnh viện Nội tiết Trung ương, các bác sĩ vừa cấp cứu cho nam bệnh nhân L.Q.S (66 tuổi, trú Thanh Thủy, Phú Thọ) bị áp xe gan do biến chứng nguy hiểm của bệnh đái tháo đường.
Bệnh nhân chuyển tới từ tuyến dưới trong tình trạng sốt cao 39 độ C, da, niêm mạc kém hồng, đường huyết tăng. Ông được chẩn đoán mắc đái tháo đường hơn 8 năm và đang được điều trị thuốc.
Khai thác tiền sử bệnh, khoảng 6 tuần trở lại đây, bệnh nhân xuất hiện sốt rét run, từng cơn, khoảng 2-3 cơn/ngày, nhiệt độ cao nhất 40 độ C, phải dùng thuốc hạ sốt. Ngoài ra, bệnh nhân còn mệt mỏi nhiều, ăn uống kém, gầy sút nhanh (4 kg/6 tuần).
Tại khoa Điều trị tích cực, bác sĩ chẩn đoán áp xe gan - đái tháo đường type 2. Sau khi hội chẩn nhanh liên khoa, bệnh nhân đã được xử trí kháng sinh, kiểm soát đường huyết bằng việc tiêm insulin. Sau 4 ngày điều trị lâm sàng, thể trạng bệnh nhân đã ổn đinh, số cơn sốt và tần suất sốt giảm dần.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đăng Quân, Phụ trách Phó Trưởng khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, áp xe gan là sự hình thành ổ mủ nhiễm khuẩn trong tổ chức gan, có thể to hoặc nhỏ, đơn độc hay nhiều ổ mủ khác nhau do tác nhân vi khuẩn gây ra.
Vi khuẩn gây ra tình trạng áp xe gan hầu hết đều là thứ phát và có thể bắt nguồn từ những ổ nhiễm khuẩn trong ổ bụng thông qua đường mật, tĩnh mạch cửa, động mạch gan, chấn thương, xâm lấn từ nhiễm khuẩn do thủng tạng rỗng, đôi khi gặp sau khi chụp đường mật ngược dòng, sinh thiết gan... Tình trạng này thường gặp ở những người suy giảm miễn dịch, mắc bệnh đái tháo đường, người lớn tuổi, người mắc bệnh xơ gan…
Dấu hiệu của bệnh thường khó nhận biết thông qua các biểu hiện lâm sàng mà cần phải thực hiện các xét nghiệm. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh sẽ để lại biến chứng nguy hiểm và tỉ lệ tử vong cao.
Trúc Chi (t/h)