Yêu cầu loại bỏ phương thức tuyển sinh không hiệu quả
Báo Đại Biểu Nhân Dân dẫn nguồn thống kê của Bộ GD&ĐT, năm 2022 có 18 phương thức xét tuyển, trong đó phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT chiếm tỉ lệ cao nhất là 47,98%, tiếp đến là xét kết quả học tập cấp THPT (học bạ) chiếm 37,18%...
Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học - Bộ GD&ĐT Nguyễn Thu Thủy cho biết, số liệu thí sinh trúng tuyển và nhập học đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non đã thể hiện kết quả khả quan. Tổng số thí sinh nhập học toàn quốc là 521.263, đạt 83,39%. Tỉ lệ nhập học/chỉ tiêu của tuyển sinh sư phạm trình độ đại học và cao đẳng GDMN đạt hơn 80%, với tổng số thí sinh nhập học là 38.915.
Tỉ lệ thí sinh nhập học trên toàn quốc theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT và xét học bạ chiếm đa số, lần lượt là 47,98% và 37,18%.
Tuy nhiên, một số phương thức xét tuyển chưa hiệu quả, một số cơ sở đào tạo (CSĐT) đưa ra quá nhiều phương thức xét tuyển; một số thí sinh chọn nhầm phương thức xét tuyển; một số khó khăn trong truy nhập Hệ thống nộp lệ phí trực tuyến. Những hạn chế trong xét tuyển sớm, các cơ sở, lĩnh vực tuyển kém và nguyên nhân cũng được nghiêm túc nhìn nhận.
Theo Vụ trưởng Nguyễn Thu Thủy, năm 2023, công tác tuyển sinh về cơ bản giữ ổn định, áp dụng Quy chế tuyển sinh 2022.
Cùng với việc áp dụng chính sách điểm ưu tiên có hiệu lực từ năm 2023 và cơ sở đào tạo cần ban hành quy chế tuyển sinh riêng, Vụ trưởng Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh thêm một số lưu ý, điểm mới và giải pháp để tiếp tục cải thiện, khắc phục các tồn tại, hạn chế năm 2022.
Theo đó, các cơ sở đào tạo cần phân tích, thống kê kết quả của các phương thức xét tuyển; đánh giá kết quả học tập của sinh viên theo phương thức xét tuyển. Đặc biệt, loại bỏ các phương thức xét tuyển không hiệu quả; có phương án xét tuyển để đảm bảo công bằng giữa các phương thức xét tuyển.
Bộ yêu cầu các trường phải đưa đúng, đủ, chính xác thông tin thí sinh trúng tuyển sớm theo quy định; nghiên cứu sử dụng kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT làm điều kiện sơ tuyển…
Bà Thuỷ cho rằng, các giải pháp hoàn thiện quy trình tuyển sinh, kết nối cơ sở dữ liệu (CSDL), hạn chế nhầm lẫn, sai sót về khu vực ưu tiên, đối tượng ưu tiên và vấn đề thí sinh tự do; công tác tuyển sinh của một số ngành, lĩnh vực và CSĐT; công tác xử lý rủi ro trong tuyển sinh năm 2023 cũng cần được chú trọng.
5 xe tải va chạm trên QL1A gây ách tắc giao thông
Theo Giao Thông, ngày 6/3 Văn phòng Quản lý Đường bộ III.1, Khu QLĐB III cho biết, trên tuyến QL1A đoạn qua thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam vừa xảy ra vụ va chạm giữa 5 ôtô tải, khiến một người bị thương, giao thông ách tắc nhiều giờ.
Khoảng 10h15 ngày 6/3, xe tải BKS 92H - 009.46 (chưa rõ danh tính tài xế) lưu thông trên QL1A hướng Bắc -Nam, đến Km949+700 thuộc xã Điện Minh, thị xã Điện Bàn thì xảy ra va chạm với xe tải BKS 92H - 008.06 chạy chiều ngược lại. Cú tông mạnh khiến xe 92H - 009.46 bị xoay ngang, chắn ngang đường.
Thời điểm xảy ra tai nạn, các xe tải BKS 43C-211.62, xe 43C -142.08 và 43C-136.50 lưu thông theo hướng Bắc-Nam do không thắng kịp cũng va chạm vào 2 xe đang gặp nạn dẫn đến TNGT liên hoàn.
Vụ tai nạn khiến 5 xe ô tô bị hư hỏng, 1 người bị thương, đoạn tuyến tắc giao thông hoàn toàn.
Nhận được tin báo, lực lượng CSGT tỉnh Quảng Nam đã có mặt tại hiện trường để điều tiết, phân luồng giao thông.
Vị trí xảy ra tai nạn là đoạn đường thẳng, có độ đốc dọc 2%, đường có 2 làn xe, không có dải phân cách giữa, ngoài khu vực đông dân cư, có hệ thống biển báo, sơn kẻ vạch phát huy tác dụng.
Lãnh đạo Văn phòng Quản lý Đường bộ III.1 thông tin đến khoảng 12h20 tuyến QL1A đã thông xe.
Báo tin con cấp cứu, lừa phụ huynh 200 triệu đồng
Thông tin trên báoVietnamnet, 6 phụ huynh ở Tp.HCM đã đến Bệnh viện Chợ Rẫy vì nhận điện thoại báo con đang cấp cứu. Một người đã chuyển cho đối tượng lừa đảo 200 triệu đồng.
Thạc sĩ Lê Minh Hiển, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay, đơn vị này vừa tiếp nhiều phụ huynh ở Tp.HCM đi tìm con sau khi nhận điện thoại của người lạ.
Theo ông Hiển, riêng sáng ngày 6/3, Phòng công tác xã hội đã làm việc với 6 phụ huynh của các em học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn. Họ đến Bệnh viện Chợ Rẫy tìm con bị "chấn thương sọ não" sau khi nhận điện thoại của người tự xưng là giáo viên.
Trong đó, một phụ huynh của trường THPT Nguyễn Thượng Hiền đã gọi đến số máy của bệnh viện, hỏi thông tin bệnh nhân, chưa chuyển tiền cho đối tượng lạ. “Có thể phụ huynh này đã đọc được thông tin cảnh báo trên báo chí những ngày qua”, ông Hiển nói.
Năm phụ huynh còn lại đã đến tại quầy hỗ trợ thông tin đặt tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy. Chị Vũ Thị Hương Quỳnh, nhân viên Phòng công tác xã hội cho biết, có 3 người đã chuyển cho số tài khoản lạ lần lượt là 200, 50 và 20 triệu đồng.
Kịch bản chung của những kẻ lừa đảo là gọi điện thoại cho phụ huynh, báo tin con phải cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy, cần tiền ứng trước để mổ. Một số phụ huynh điện thoại cho nhà trường hoặc giáo viên nhưng không liên hệ được và nhanh chóng chuyển tiền vì lo lắng.
Theo thông tin các phụ huynh chia sẻ, những số tài khoản lạ yêu cầu chuyển tiền có tên Nguyễn Duy Thái, Thạch Vũ Hà, Đặng Thùy Trang.
Trước đó, ít nhất 3 phụ huynh của một trường quốc tế ở Tp.HCM là nạn nhân của kịch bản lừa đảo này. Nhiều trường học trên địa bàn đã phát đi cảnh báo đến các gia đình.
Bệnh viện Chợ Rẫy khuyến cáo nếu gặp trường hợp tương tự, phụ huynh có thể liên hệ đến tổng đài qua số điện thoại 028.3855.4137, nhấn phím 0. Sau đó, báo tổng đài viên kết nối đến khoa/phòng điều trị có liên quan để xác nhận thông tin người nhà nằm viện, các khoản viện phí, số tài khoản thanh toán của bệnh viện trước khi chuyển khoản.
Trúc Chi (t/h)