Kiên quyết xử lý tuyển sinh vượt chỉ tiêu
Theo Đại Đoàn Kết hàng loạt vi phạm về công tác tuyển sinh, tổ chức quản lý đào tạo của Trường Đại học (ĐH) Trưng Vương (cơ sở chính ở huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc) vừa được thanh tra Bộ GD&ĐT kết luận.
Theo đó, ở các năm 2020, 2021, Trường ĐH Trưng Vương thông tin về phương thức chưa đúng theo đề án đã công bố. Khi kiểm tra xác suất hồ sơ sinh viên ngành Điều dưỡng, có 1 hồ sơ sinh viên chính quy năm 2021 chưa có bằng tốt nghiệp THPT theo quy định; 3 sinh viên hệ vừa làm vừa học chưa đúng quy định.
Về thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh, năm 2020, trường không tuyển được sinh viên ĐH chính quy, hệ vừa làm vừa học tuyển được 816 sinh viên; trong đó khối ngành Kinh doanh và quản lý, Pháp luật tuyển vượt 647 chỉ tiêu (theo thông báo là 100), tương đương vượt 647%; khối ngành Sức khỏe tuyển vượt 4 chỉ tiêu (theo thông báo là 30), tương đương vượt 13,3%. Năm 2021, ở hệ vừa làm vừa học, Trường ĐH Trưng Vương cũng tuyển vượt 54 chỉ tiêu (theo thông báo là 108), tương đương vượt 100%. Năm 2022, ở hệ vừa làm vừa học, trường tiếp tục tuyển vượt 472 chỉ tiêu (theo thông báo là 64), tương đương vượt 737,5%.
Những con số tuyển sinh vượt tới hơn 700% so với thông báo trước đó của nhà trường đặt ra câu hỏi về cơ sở vật chất có đáp ứng được yêu cầu học tập? Số lượng giảng viên cơ hữu của chuyên ngành đó ra sao? Bởi theo kết luận của thanh tra, khi kiểm tra xác suất hồ sơ cho thấy có lớp ngành Điều dưỡng chính quy, trong một năm học có giảng viên thỉnh giảng đảm nhiệm giảng dạy 31 tín chỉ (91%), giảng viên cơ hữu giảng dạy 3 tín chỉ (9%).
Đặc biệt, theo kết luận của thanh tra, các chương trình đào tạo chưa đảm bảo chất lượng. Chương trình đào tạo ngành Điều dưỡng chưa đảm bảo theo quy định về tổ chức đào tạo thực hành trong khối ngành sức khỏe.
Hàng loạt những vi phạm trong các năm gần đây của Trường ĐH Trưng Vương được thanh tra Bộ GD&ĐT chỉ ra và cho biết sẽ lập biên bản vi phạm hành chính đối với các vi phạm này, tham mưu Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT ban hành quyết định xử phạt hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật (kể cả các hành vi vi phạm đã hết thời hiệu xử phạt).
Đây không phải là lần đầu tiên thanh tra Bộ GD&ĐT kiểm tra và chỉ ra vi phạm của các trường. Theo ông Nguyễn Đức Cường - Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT, từ năm 2022 đến tháng 8/2023, Bộ đã ban hành 94 quyết định xử phạt hành chính với các cơ sở giáo dục ĐH.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc xử lý vẫn còn nhiều bất cập và chưa đủ sức răn đe để các trường không vượt rào lần sau. Đơn cử, theo Nghị định 04/2021/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục ngày 22/1/2021 và Nghị định 127/2021/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 04/2021/NĐ-CP Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, nếu trường ĐH tuyển vượt từ 3% sẽ bị phạt. Đối chiếu với quy định này, Trường ĐH Trưng Vương tuyển vượt tới hơn 600% ở một hệ vừa học vừa làm nhưng hệ ĐH chính quy lại không tuyển được sinh viên nào. Như vậy, có được quy đổi hay không? Hoặc có ý kiến đề xuất ngoài con số thống kê ở thời điểm tuyển sinh, cần có thống kê sau 3 tháng, 6 tháng, 1 năm… vì có tỉ lệ sinh viên nghỉ học, dẫn đến tỉ lệ vượt giảm xuống thì có giảm mức độ xử phạt?
Câu chuyện tuyển sinh vượt chỉ tiêu tới vài trăm lần rõ ràng sẽ ảnh hưởng lớn tới chất lượng đào tạo bởi trong bối cảnh cơ sở vật chất có hạn, đội ngũ giảng viên cơ hữu là cố định, việc đáp ứng yêu cầu đặt ra của chương trình đào tạo là rất khó khăn, thậm chí là khó khả thi. Đó là chưa kể trường tuyển sinh dễ dãi, thậm chí có trường hợp còn thiếu bằng tốt nghiệp THPT nhưng vẫn được nhập học và đào tạo. Đồng thời, đến thời điểm thanh tra, Trường ĐH Trưng Vương chưa thực hiện biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng tài liệu giảng dạy, giáo trình giáo dục ĐH theo quy định.
Vi phạm sẽ bị xử lý, trách nhiệm thuộc về người đứng đầu nhà trường và các cán bộ liên quan. Tuy nhiên, thiệt thòi cho người học khi chất lượng đào tạo không đảm bảo và ảnh hưởng tới xã hội khi những tấm bằng cử nhân được cấp liệu có tương xứng với năng lực của người học? Nhất là khi theo quy định từ 1/3/2020, nội dung ghi trên văn bằng ĐH không còn ghi hệ đào tạo như chính quy hay tại chức… nên càng khó phân biệt thật giả.
Để năng lực tương xứng với bằng cấp, theo TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ ĐH, Bộ GD&ĐT, cần tăng cường công tác quản lý, thanh kiểm tra của cơ quan nhà nước để phát hiện vi phạm, tránh tình trạng sinh viên tốt nghiệp rồi mới phát hiện sai phạm. Bên cạnh đó, việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục phải đảm bảo tính nghiêm minh, chặt chẽ. Trong bối cảnh các trường đẩy mạnh tự chủ, cần đảm bảo công khai, minh bạch thông tin để người học và xã hội cùng giám sát.
Người báo mất 43 triệu đồng trong tài khoản cảnh báo 7 điều phải làm ngay
Anh Trần Trung Mạnh (Hà Nội) là một kỹ sư công nghệ thông tin, từng làm việc tại một số ngân hàng và ví điện tử.
Anh Mạnh cho biết, khoảng 15h ngày 23/12/2023, nhận được tin nhắn thông báo tài khoản bị trừ 43,155 triệu đồng, anh lập tức nhận ra vấn đề nên gọi hotline ngân hàng yêu cầu khóa tài khoản và tra soát giao dịch.
Tài khoản chỉ liên kết duy nhất với một ví điện tử. Sau đó anh ngắt kết nối tài khoản với ví này theo hướng dẫn của tổng đài viên của ngân hàng.
Sau khi sự việc xảy ra, anh xem lại khoản trừ và thấy hacker sử dụng số thẻ ngân hàng để thực hiện giao dịch. Thẻ sử dụng là ATM chứ không phải thẻ visa debit hay credit.
Anh Mạnh luôn dùng 2 máy điện thoại, 1 máy có sim nhận OTP, được để ở nhà và không dùng wifi công cộng. Điện thoại còn lại luôn được anh mang theo bên mình, có cài ứng dụng ngân hàng.
Trao đổi với PV. VietNamNet, anh Mạnh cho biết từ khi đăng câu chuyện lên trang Facebook cá nhân, nhiều người nhắn tin chia sẻ về các vụ việc tương tự cũng như tìm hiểu thêm về kinh nghiệm phòng tránh.
Theo anh, hiện nay, việc sử dụng tài khoản ngân hàng giao dịch trực tuyến đang và vẫn sẽ là xu hướng không thể thiếu trong xã hội hiện đại. Để đảm bảo an toàn, người dùng cần nâng cao cảnh giác ở mức cao nhất có thể.
Anh Mạnh chia sẻ 7 nguyên tắc cần chú ý khi sử dụng ví điện tử liên kết với thẻ ngân hàng.
“Có rất nhiều cách để người dân tự bảo vệ mình nếu họ vẫn muốn sử dụng ví điện tử. Cách dễ nhất là tạo 2 tài khoản chính/phụ ở ngân hàng và chỉ liên kết tài khoản phụ (không sẵn tiền) vào ví. Chỉ khi nào cần thanh toán mới chuyển tiền từ tài khoản có tiền qua tài khoản đã liên kết”, anh chia sẻ.
Thứ hai, nên giới hạn số tiền giao dịch, càng thấp càng tốt, ví dụ 1-2 triệu đồng/giao dịch hoặc chỉ giới hạn 1-2 triệu đồng/ngày.
Phía ví thường sẽ có cấu hình này cho khách hàng lựa chọn hạn mức. Trường hợp của anh Mạnh mở hạn mức lên đến 50 triệu đồng/ngày nên kẻ gian đã lấy được số tiền lớn.
Thứ ba, thường xuyên thay đổi thẻ mới, có thể trong một thời điểm nào đó thông tin thẻ bị lộ sẽ nằm trong tầm ngắm của hacker. Nếu định kỳ thay thẻ sẽ hạn chế được rủi ro này.
Thông thường mọi người để đến hết hạn rồi mới đi làm lại thẻ. Theo anh, người dùng nên định kỳ thay đổi để giảm thiểu rủi ro lộ thông tin thẻ.
Thứ tư, rà soát lại các liên kết thẻ với ngân hàng, bỏ đi những liên kết không cần thiết, lâu không dùng đến. Có nhiều người dùng sử dụng dịch vụ đăng ký mà quên không ngắt cũng có thể bị trừ tiền mà họ không để ý.
Thứ năm, không được chủ quan với lựa chọn thanh toán không cần mã OTP. Các ví hiện đều có cài đặt này, người dùng sẽ có tùy chọn cài đặt một hạn mức nào đó, nếu giao dịch dưới hạn mức đó thì không cần xác thực OTP. Điều này rất tiện nhưng cũng rất rủi ro.
Thứ sáu, không bao giờ sử dụng mạng wifi công cộng để thanh toán bất cứ giao dịch nào. Hacker có thể thiết lập 1 wifi hub chia sẻ wifi miễn phí. Nếu người dùng kết nối vào mạng của hacker, mọi thông tin người dùng đều được “phơi bày” trên máy tính của hacker, bao gồm các thông tin cá nhân và thông tin thẻ.
Thứ bảy, người dùng cần tăng cường bảo mật tất cả các loại tài khoản, bao gồm cả tài khoản mạng xã hội, ứng dụng chat... bằng các phương thức bảo mật như bảo mật sinh trắc học, bảo mật 2 lớp... nhằm hạn chế tối đa việc bị chiếm quyền điều khiển tài khoản.
Anh Mạnh cho biết, trước đây ngân hàng cho phép các bên cung cấp dịch vụ ví có thể lưu thông tin thẻ của người dùng. Sau đó mã OTP sẽ được gửi qua các SMS gateway hoặc chính đối tác để họ gửi SMS OTP cho người dùng
“OTP có thể qua nhiều cầu, việc lộ mã OTP ở đâu cũng khó để truy vết. Giả sử hacker có được thông tin thẻ của tôi, thì chốt chặn cuối cùng là cái OTP. Tuy nhiên, do cách thức truyền tin OTP như trên, hacker hoàn toàn có thể lợi dụng để bắt được OTP và hoàn tất quá trình hack tài khoản của người dùng”, anh nói.
Hai người trong một gia đình nhập viện vì uống rượu ngâm củ ấu tẩu
Thông tin từ Bệnh viện Thanh Nhàn ngày /2 cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận 2 bệnh nhân trong cùng một gia đình là N.V.H (49 tuổi) và N.H.Q (68 tuổi), vào viện trong bệnh cảnh tụt huyết áp, rối loạn nhịp thất phức tạp sau uống rượu ngâm củ ấu tẩu.
Hai bệnh nhân này cùng uống rượu ngâm củ ấu tẩu. Sau khi uống khoảng 30 phút, cả 2 bệnh nhân đều có biểu hiện tê môi, tê đầu lưỡi, chóng mặt, đau tức nặng ngực và được đưa vào Bệnh viện Thanh Nhàn cấp cứu.
Khi vào viện, bệnh nhân H được chẩn đoán bị ngộ độc Aconitin biến chứng rối loạn nhịp thất phức tạp - toan chuyển hóa rất nặng, được xử trí đặt sonde dạ dày, rửa dạ dày. Ngoài ra, bệnh nhân còn được dùng các thuốc vận mạch, chống rối loạn nhịp thất và được lọc máu liên tục.
Sau khi lọc máu 12 giờ đồng hồ, tình trạng bệnh nhân cải thiện tốt, hết toan chuyển hóa, không còn rối loạn nhịp thất. Sau 2 ngày điều trị, bệnh nhân được xuất viện.
Các bác sĩ Bệnh viện Thanh Nhàn khuyến cáo, vì củ ấu tẩu rất độc nên người dân tuyệt đối không tự ý sử dụng.
Khi dùng các chế phẩm thuốc có thành phần là củ ấu tẩu phải hết sức thận trọng và theo đúng hướng dẫn của thầy thuốc. Không tự chế biến củ ấu tẩu làm thức ăn. Các loại rượu ngâm ấu tẩu dùng để xoa bóp phải được dán nhãn rõ ràng, cất giữ nơi an toàn, xa tầm tay trẻ em và để tránh nhầm lẫn khi sử dụng.
Trúc Chi (t/h)